Đời Sống Việt

"Một chút, chỉ một chút, chút xíu thôi..."

Wednesday, 12/04/2017 - 07:42:00

Sau lần phẫu thuật thông mạch tim, sức khỏe của Giám Mục Thống đi xuống rõ rệt, bệnh viêm xoang khiến ngài luôn sốt và mệt.

Để tưởng niệm Giám mục, nhạc sĩ Giuse Vũ Duy Thống

Bài PHƯỢNG VŨ

"Một chút trong đời chỉ một chút, chút xíu thôi
Nhiều chút, chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới
Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời.
Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi."

Lời bài hát này đã theo tâm trí tôi từ một lần tôi đi hành hương Missourri, khi tình cờ đi ngang một gian hàng thánh ca nghe thấy với giọng hát của Ban Tam Ca Áo Trắng. Lời bài hát “Một Chút” dễ thương, đơn sơ và ý nghĩa quá đã níu chân tôi dừng lại gian hàng thánh ca và mua CD đó. Tôi thích bài hát này và bài "Con Tưởng Rằng Con Vững Tin" thỉnh thoảng tôi nghe lại và lẩm nhẩm hát theo. Hát riết đến độ thuộc bài hát và đem nó áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình. Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói “Hát thánh ca bằng hai lần cầu nguyện” vì những lời hát đó chạm đến trái tim và thấm thía vào trong đầu để đôi khi tôi biến nó thành hành động. Dù là trong bài hát không có chữ nào nhắc tới Chúa, nhưng nội dung nó chính là cách thực hành lời Chúa trong đời sống.

Nhờ nhớ tới "Một chút, chỉ một chút, chút xíu thôi," nên một hôm cảm thấy mệt mỏi chẳng thiết tha làm gì, bỗng nhớ tới cả tuần nay quên gọi điện thoại cho chị H. (một người “neo đơn”), tôi rán chịu khó “một chút” cầm phone lên gọi hỏi thăm, kẻo rồi lại quên. Không ngờ đầu dây bên kia khi nhận ra tiếng tôi, giọng chị H reo mừng vang lên:

Chân dung cha Vũ Duy Thống



- Trời ơi! Em đang rầu thúi ruột, nhìn mưa rơi càng cảm thấy thân phận neo đơn của mình không ai đoái hoài mà thấy tủi thân quá. Hên quá, có chị còn nhớ tới em...
Giọng nói reo vui của chị làm tôi ngạc nhiên, không ngờ chỉ một chút xíu lời thăm hỏi đã làm chị mừng đến vậy. Bao nhiêu mệt mỏi của tôi bỗng tan biến, tôi vội nói:

- Chị đang buồn hả, để tui lái xe chạy tới thăm chị nha!
- Trời ơi, vậy thì còn gì bằng! Đang buồn muốn chết! Chị ơi! Mừng quá chị tới liền, em đợi nha.
Tôi vội lấy cây dù che mưa, chạy ra lái xe đến thăm H. Trên đường đi tình cờ CD chạy bài hát, tôi lầm thầm hát theo và thấm thía với “Một chút những phút ủi an dịu xoa ngàn nỗi sầu.” Tôi thầm hỏi không biết ai là tác giả bài hát này, sao mà hiểu biết tinh tế với lối diễn đạt thật đơn sơ, "Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi." Chắc phải là người có tâm hồn nhạy cảm và đầy nhân ái. Nhưng thắc mắc đó cũng trôi vào quên lãng.

Khi tôi đến nơi, thấy chị H cười mà từ trong mộtắt bị hư của chị (vì tiểu đường) tôi thấy có giọt lệ ứa ra. Chị cho biết vừa đi lọc thận bốn ở bịnh viện về, (4 ngày/1 tuần) còn đau ê cánh tay, nhìn trời mưa u ám với ám ảnh lúc nào cũng “Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình” rồi lại bị bệnh nan y... nên chị buồn tê tái. Sự có mặt của tôi bên cạnh lúc này làm chị thấy an ủi và đỡ cô đơn nhiều lắm. Chị nắm tay cám ơn tôi, nhưng tôi thầm nghĩ, "Người chị cần cám ơn là ai đó đã viết bài "Một chút" mới đúng.” Nhờ sự nhắc nhở " một chút" nên dù đang mệt mỏi, tôi cũng rán gọi điện thoại và chạy đến thăm chị.... Lúc này đây tôi mới thấm thía câu nói của Mẹ Thánh Teresa, “ Sự nghèo khó khốn cùng nhất là nỗi cô đơn và cảm giác không được yêu thương.” Ở Mỹ số người thiếu cơm áo chắc ít, nhưng thiếu tình thương, thiếu sự quan tâm chắc là nhiều, nên "một chút" có lúc trở thành rất quan trọng.

Đám tang cha Vũ Duy Thống


Trong đời sống đôi khi chỉ là “một chút” cố gắng hiểu nhau mà bạn bè quên đi giận hờn, vợ chồng có thể xích lại gần nhau. Thêm “một chút” nữa... hiểu ý nhau, nhường nhịn nhau, thêm một chút nữa... nhìn ra nét tích cực, ưu điểm của nhau để ghi nhận, để khen ngợi, vì ai mà chả thích nghe khen. Tuy chỉ “một chút” nhưng có thể nó là chất xúc tác quan trọng và cần thiết cho việc hàn gắn tình bạn hay làm cho hạnh phúc ấm áp quay về với gia đình như ta nấu một ấm nước sôi, cứ giữ 99 độ mãi thì nước không sôi, nhưng chỉ cần thêm 1 độ nữa, đủ 100 độ là nước sẽ sôi ngay! Nhờ “một chút” mà đôi khi tôi chịu khó bỏ thời gian nghe bạn tâm tình xả stress, bỏ một chút công sức để làm một việc gì đó cho người khác vui lòng. Đi chơi chung đôi khi chỉ ân cần nhích ngồi vào một chút trên chuyến xe đông người để người khác có thể ngồi ké, "Chỉ một chút ân cần xa xôi cũng thành gần." Do đó tôi rất tâm đắc với ý tưởng "một chút" vì có khi nó đem tới một thay đổi lớn lao.

Dạo này sao tự nhiên chung quanh tôi thường có nhiều tin buồn, ở nhà thờ tôi đi lễ hằng tuần, chỉ nội một sáng thứ Bảy có tới ba đám tang. Trong đó có đám tang một anh mới 50 tuổi, cưới vợ được năm năm có hai đứa con gái nhỏ xinh xắn, anh bình thường đi đánh tennis, cúi xuống nhặt trái banh rồi gục xuống. Do đó tin Đức Cha Vũ Duy Thống, giám mục Phan Thiết, qua đời không làm tôi chú ý lắm cho đến khi nhìn hình Đức Cha trong thư mời tham dự lễ cầu nguyện ở nhà thờ Westminster, tôi bỗng giật mình, vì nhìn hình thấy quen quá. Khuôn mặt tươi cười, trẻ trung này chắc chắn tôi đã gặp rồi, nhưng gặp ở đâu và lúc nào thì tôi không nhớ ra. Mãi cho đến hôm sau tôi mới nhớ lại: Tôi đã gặp Đức Cha mấy lần trong kỳ Đại Hội Thánh Mẫu La Vang ở Las Vegas vừa rồi. Và để chắc chắn không nhầm lẫn tôi tìm đọc lại bài viết về kỳ đại hội này:
“Buổi rước kiệu được kết thúc bằng thánh lễ do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống (giáo phận Phan Thiết VN) chủ tế cùng với mấy chục linh mục đồng tế trong bầu khí long trọng và tôn nghiêm. Khi thánh lễ sắp bắt đầu thì trời âm u và lát sau thì có nhiều hạt mưa rơi, làm mọi người lo lắng vì thánh lễ cử hành ngoài trời, nhưng mọi người không ai bỏ chạy, vẫn đứng yên ở vị trí của mình. Có lẽ Đức Mẹ muốn thử lòng con cái Mẹ một chút, vì khi Đức Cha Thống, chủ tế, kết thúc lời nguyện đầu lễ, thì mặt trời bắt đầu chiếu ánh sáng, xua đuổi mây mù đi. Do đó khi mở đầu bài giảng của mình cha đã so sánh ở đây mọi người đang tưng bừng tham dự đại hội và ánh mặt trời bắt đầu chiếu sáng khắp nơi. Trong khi đó ở quê hương thân yêu bao nhiêu người dân miền Trung đang chịu cảnh màn trời chiếu đất, vì mưa gió bão lụt, vì Formosa. Ngoài ra họ còn phải sống trong cảnh tăm tối vì thiếu ánh sáng của mặt trời công lý, nên bị áp bức, chèn ép, tù đày. Xin mọi người hãy hướng lòng về cầu nguyện cho quê hương Việt Nam.

Ôi lòng nhân ái của Đức Cha luôn nhớ về những người dân nghèo khổ và bị áp bức ở Việt Nam. Điều quan trọng hơn nữa là tôi còn nhớ lời hứa của Đức Cha với linh mục tổ chức đại hội La Vang và với toàn thể giáo dân: "Từ nay mỗi năm khi có đại hội tôi sẽ lại sang đây tham dự." Ôi lời hứa chưa kịp một lần thực hiện thì Ngài đã bỏ đi xa mất rồi, làm lòng tôi bâng khuâng, xúc động. Tôi tự hứa sẽ cố gắng thu xếp mọi việc để có thể đến tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Ngài. Trưa thứ Bảy, khi bước chân vào nhà thờ, tôi ngạc nhiên thấy cô ca sĩ (ban Tam Ca Áo Trắng) cất lên lời hát bài "Một Chút" rất thân thương với tôi:

"Một chút những viên đá nhỏ hợp thành ngọn núi lớn
Một chút những bước chân đi xa về muôn lối
Một chút những phút ủi an dịu xoa ngàn nỗi sầu
Chỉ một chút khởi đầu tương lai sẽ đẹp màu"

Ôi bài hát mà tôi yêu thích, nhưng sao lại hát ở đây và lúc này? Tôi vội hát theo vì lời bài hát rất thân quen:

"Một chút cánh tay kết liền tạo thành vòng nối lớn
Một chút ánh sáng thôi cho lui dần đêm tối"

Tôi nhìn sang người bên cạnh đang cầm tờ giấy có bài hát, liếc vào và tôi ngẩn người khi biết tác giả bài hát là Đức Cha Vũ Duy Thống (Thông Vi Vu). Ôi sao nỗi biết của tôi luôn quá muộn màng, cũng như cách đây vài năm khi tham dự thánh lễ an táng một người bạn dạy cùng trường ở Nam Cali, khi quan tài được khiêng ra khỏi nhà thờ, ca đoàn cất lời bài hát:

“Tôi đã nhận được từ anh em, nhiều hơn là tôi đã trao cho
Xin để lại anh em một mối tình, yêu thương nhau mãi mãi thay tôi.”

Lời bài hát đã làm tôi xúc động mạnh . Sau đó tôi về kiếm tìm và cứ hát say mê nhưng cũng không để ý ai là tác giả cho đến khi tôi tham dự thánh lễ an táng cha tuyên úy thời sinh viên ở Saigon. Lúc đó tôi mới bất ngờ được biết chính cha tuyên úy Thiện Cẩm là tác giả bài hát đó.

Tôi tự trách mình sao quá vô tâm, vô tình, có lẽ tôi rơi vào khuyết điểm mà nhiều người cũng thường hay mắc phải là chỉ chú tâm tới ca sĩ, tới nội dung bài hát mà quên đi người khai sinh ra nó. Thật là có lỗi muôn vàn! Tôi hối hận vì đã từng gặp đức cha nhưng không nhận ra Ngài. Nhưng từ khi biết được Ngài là tác giả bài hát "Một Chút,” tôi bỗng cảm thấy gần gũi với Ngài nhiều hơn.

Trong phần chia sẻ của thánh lễ cha Thái đã cho thấy “linh đạo” của đức cha Thống rất đơn giản: Đó là “Một Chút” và “Hạt Nắng Vô Tư” ( tên 1 cuốn sách của đức cha). "Một chút" thì tôi hiểu rõ rồi, còn "Hạt nắng vô tư" (Ngài ước mong gieo yêu thương và hạnh phúc cho mọi người như hạt nắng vô tư chiếu ánh nắng ấm áp tới cho mọi người, kiểu "tình cho không, biếu không.”) Vì thế Ngài luôn sống hết tình với Chúa, với bạn bè, với giáo dân và những người chung quanh mình, Ngài quan niệm:
Gieo thành thật, gặt được niềm tin
Gieo lòng tốt, gặt thân tình.
Gieo kiên nhẫn, sẽ gặt quang vinh
Gieo tha thứ, sẽ gặt được an bình (Gieo & Gặt)
Trong tâm tình thương tiếc, tôi đã tìm hiểu thêm về Ngài và được biết: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã từng được Tòa Thánh bổ nhiệm Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn từ 2001. Đến năm 2009: Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Chính Tòa GP Phan Thiết. Đức cha là một vị lãnh đạo gần gũi, tài năng, đức độ và có nhiều cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam. Ngài đang có kế hoạch để mở rộng và nâng cấp trung tâm hành hương thánh mẫu Tà Pao ở Bình Thuận. Ngài là người có ảnh hưởng lớn trên giới trẻ, và là một nhạc sĩ với các ca khúc thấm đượm tính nhân bản. Ngài là chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (2001-2017). Bên cạnh các công tác mục vụ, Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống còn được biết đến như là một nhà văn, nhạc sĩ thánh ca với nghệ danh Thông Vi Vu.

Sau lần phẫu thuật thông mạch tim, sức khỏe của Giám Mục Thống đi xuống rõ rệt, bệnh viêm xoang khiến ngài luôn sốt và mệt.

Trên đường xuống nhà cơm của tòa giám mục Phan Thiết, ngài đã ngã xuống đất, do ảnh hưởng của đường huyết, cùng với đó là bệnh phổi tái phát. Sau đó, ngày 27 tháng 2, 2017, ngài hôn mê sâu và nguy kịch. Được biết, sau khi nhận được tin giám mục Thống nhập viện, nhiều nhà thờ ở Việt Nam đã dâng lễ cầu nguyện cho ngài.

Ngày 28 tháng 2, Tòa giám mục Giáo phận Phan Thiết chính thức công bố tình trạng bệnh của giám mục chính tòa Giuse Vũ Duy Thống, cho biết là phổi của ngài đang bị một loại virus không thể xác định, hủy hoại rất nhanh.

Đến 8 giờ sáng ngày 1 tháng 3, 2017, ngài qua đời tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Saigon. Chúa chọn ngày thứ Tư cho Ngài về với Chúa, không là thứ Tư bình thường, nhưng là thứ Tư Lễ Tro với ý nghĩa thần học cực kỳ quan trọng: Trở Về. Ngài đã "trở về" cùng Cha trên trời.

Thân phận cát bụi thật kinh khủng, khi dung mạo khôi ngô, tươi đẹp của ngài tàn tạ sau mấy ngày bị vi khuẩn đục khoét, tàn phá, đến nỗi chính bạn thân của ngài cũng phải hốt hoảng, bàng hoàng và cố gắng lắm mới nhận ra ngài khi vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thăm.

Một email đã được gửi đi với nội dung như sau, “Cả ngày hôm nay, em có được một cảm nghiệm sâu sắc về sự ra đi của Đức Cha Giuse Thống. Sự ra đi này thật kỳ diệu và đầy ân sủng... Chỉ nguyên nhìn thấy và nghe được biết bao lời cầu nguyện của các hội đoàn, tu sĩ nam nữ, bạn bè khắp nơi và hàng triệu tín hữu đang tha thiết cầu cho Ngài thì em đã đủ thấy Ngài là con người như thế nào. Một con người bình dị, dễ gần, dễ mến, khiêm tốn, chịu đựng như Ngài thì làm sao không để lại bao tiếc thương, quý mến trong lòng mọi người?”
Đức cha Thống đã ra đi, nhưng tôi tin linh đạo của ngài sẽ vẫn còn ở lại trong tấm lòng của nhiều người dân Việt, như bản tin tôi mới vừa nghe sáng nay: “Nồi cháo thịt bằm miễn phí cho người nghèo ở Q 10 .”

Chị Linh là một phụ nữ trẻ bán quán nước ở đầu một com hẻm nhỏ Saigon. Vì cả ngày ngồi ở đầu hẻm nên nhiều lần chị chứng kiến cảnh những người già ăn xin, bán vé số hay người tàn tật đói bụng nhưng không đủ tiền mua một bánh chưng, bánh tét nhỏ, nên cứ cầm trên tay, móc túi đếm tiền rồi lại đặt xuống bỏ đi chịu đói. Chị thấy xót xa quá nên tự nghĩ, "Thôi mình chịu khó bỏ một chút công, một chút tiền để nấu nồi cháo thịt bằm cho người nghèo ăn.”

Từ đó mỗi trưa chị chạy về nhà trong hẻm bắt nấu nồi cháo, sau đó đem ra đặt đầu hẻm với tấm bảng "Cháo thịt bằm miễn phí cho người nghèo.” Vậy là cả gần một năm nay chỉ “một chút” tấm lòng với người nghèo, chị đã làm cho bao nhiêu người nghèo được ấm bụng.

Nhiều người chung quanh khu phố và cả người đi đường khi biết được câu chuyện “một chút” cảm động trên, đã tự nguyện tới đóng góp (tiền, gạo) với chị để duy trì nồi cháo tình thương vẫn tiếp tục hiện diện mỗi ngày nơi đầu con hẻm Q.10. (quận nhà của tôi ở Saigon). Bản tin đã làm tôi cảm động và thấy tự hào về tấm lòng “một chút” của người dân Saigon, không chỉ có trà đá, bánh mì mà bây giờ còn có cháo thịt bằm.
Quả đúng là:

"Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời / Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi." (Thông Vi Vu)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT