Người Việt Khắp Nơi

46 thuyền nhân Việt bị Úc cưỡng bách hồi hương, mang về tận Vũng Tàu

Tuesday, 21/04/2015 - 12:33:40

Một nguồn tin cho ABC biết rằng trước đó, vào ngày thứ Sáu tuần qua, nhóm 46 người tị nạn đã bị hải quân Úc bàn giao cho nhà cầm quyền CSVN tại thành phố Vũng Tàu.

Chiếc HMAS Choules trong hình đã hoàn tất sứ mạng hồi hương 46 người tị nạn Việt Nam. (Hình đài ABC)


CANBERRA - Hải Quân Úc đã đưa 46 người Việt Nam từng vượt biển với hy vọng được tị nạn tại Úc. Nhóm người này đã bị ngăn chặn và bị bắt trong lúc tìm cách đến tận nước Úc bằng thuyền. Quyết định cưỡng bách hồi hương của chính phủ Úc đang gây tranh cãi giữa chính phủ Úc với các hội bảo vệ người tị nạn.
Theo tin của đài ABC tại Úc, chiếc tàu HMAS Choules đã hoàn thành sứ mạng cưỡng bách hồi hương và đã chở nhóm người vượt biển ấy về lại Việt Nam. Vào ngày thứ Hai, tàu Hải Quân đang trên đường trở lại nước Úc.
Một nguồn tin cho ABC biết rằng trước đó, vào ngày thứ Sáu tuần qua, nhóm 46 người tị nạn đã bị hải quân Úc bàn giao cho nhà cầm quyền CSVN tại thành phố Vũng Tàu.
Người ta tin rằng nhóm thuyền nhân này đã rời Việt Nam trong tháng Ba. Họ đã bị hải quân Úc phát giác hồi đầu tháng Tư này, trước khi họ có thể vào hải phận Úc đến tận đất liền.
Trong bản tin đăng ngày thứ Ba, 21 tháng Tư, theo giờ Úc, đài ABC cho biết Cao Ủy Tị Nạn Liên Quốc đã khám phá rằng 46 người Việt tị nạn đã bị chính quyền Úc bác đơn xin tị nạn ngay trong lúc họ đang có mặt trên chiếc thuyền bị ngăn chặn ngoài đại dương. Sau đó, theo lệnh từ thủ đô Canberra, hải quân Úc đã bí mật chở các thuyền nhân này về Việt Nam. Sau khi các thuyền nhân bị giao cho CSVN thì người ta mới biết tin này.
Bà Vivian Tan, phát ngôn viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), nói với đài ABC, “Chúng tôi rất quan tâm về việc những người này không được xử lý theo đúng thủ tục.”
“Chúng tôi quan tâm rằng nhóm người này không được phỏng vấn ... và được thẩm định theo một cách thức công bình và hữu hiệu, để biết rằng mạng sống của họ không đe dọa (sau khi bị đưa về Việt Nam),” bà Vivian Tan nói.
Trước đó, phe đối lập tại Úc tố cáo chính phủ Úc đã rơi xuống “mức thấp mới” qua hành động giữ bí mật xung quanh những nhóm người tị nạn ấy.
Chính phủ Canberra đã từ chối bình luận về những báo cáo về chuyện tàu vận tải Hải Quân đã đưa trở lại những người tìm cách tị nạn ấy trở về lại Việt Nam.
Người bị chiếu cố nhiều nhất trong vụ này là Bộ Trưởng Di Trú Peter Dutton. Bộ trưởng này nói rằng ông sẽ không bình luận về những hoạt động của Hải Quân.
Ông nói, “Cũng giống như chúng tôi không bình luận về sự dính líu quân sự ở nơi nào mà các sinh mạng lâm nguy, chúng tôi cung cấp thông tin ở nơi nào chúng tôi có thể làm việc ấy, để đăng tin về sự kiện này. Tôi không đưa ra một lời bình luận về những vấn đề ấy. Đó là một lề lối đã có từ lâu rồi.”
Ông Richard Marles, phát ngôn viên của phe đối lập về di trú, nói ông tin rằng nước Úc có thể đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông nói, “Lúc này chúng tôi cần nghe chính phủ này nói chính xác về loại thẩm định nào đã được áp dụng đối với những người ấy.”
“Hôm nay chúng tôi cần phải có một sự bảo đảm từ chính phủ của chúng tôi rằng từng người, trong số những người ấy, đã được phỏng vấn riêng từng cá nhân, và trong số họ không có ai yêu cầu điều tra thêm về chuyện họ có phải là một người tị nạn đích thực hay không.
“Và chúng tôi cần biết và cần tin tưởng rằng chính phủ này đã không trả người ta về lại nước họ, chống lại các nghĩa vụ trong công ước Liên Hiệp Quốc.”
Nghị Sĩ Sarah Hanson-Young thuộc đảng Xanh nói rằng những người Úc nộp thuế xứng đáng để biết được chuyện gì đã xảy ra cho những người tị nạn Việt Nam
Bà nói, “Phải tốn hơn 1.5 triệu đô la để đưa nhóm người tìm tị nạn này trở về Việt Nam. Dân chúng Úc có quyền biết việc đó có thực sự là hợp pháp hay không.”
Nghị Sĩ Hanson-Young nói rằng chính quyền không thuyết phục được bà về chuyện các mạng sống đang được cứu, bởi chính sách của chính phủ “trả những chiếc thuyền về lại.”
Bà nói, “Chúng ta có thể đã không thấy cảnh chết đuối, chúng ta có thể không thấy các bia mộ, nhưng đó chỉ đơn giản là vì chúng ta đã đẩy nó đi nơi khác.”
VOICE Australia là một nhóm vận động bênh vực người tị nạn. Họ nói rằng họ lo ngại cho sự an toàn của những người tị nạn, và sẽ cử người đi điều tra.
Đoàn Trung, một người Úc gốc Việt ủng hộ những người tị nạn, nói với đài ABC, “Tin nhắn trên Facebook nói rằng những người Việt Nam tìm cách tị nạn đã bị đưa về lại Vũng Tàu, và họ đã bị giao cho nhà cầm quyền Việt Nam.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT