Việc Làm

5 điều không nên làm khi bạn nghỉ việc

Sunday, 06/11/2011 - 10:45:04

Rời bỏ công việc mình đang làm là đề tài của vô số giấc mơ ban ngày. Bạn đứng phắt dậy, rời khỏi chiếc ghế làm việc thuộc hàng thứ yếu, ngồi riết nhức lưng.

Chuyện rời bỏ một công việc – ít nhất rời khỏi chỗ làm một cách đàng hoàng – có thể là một việc khó làm. Có nhiều thứ sai lầm mà bạn có thể mắc phải có thể rốt cuộc sẽ gây thiệt hại về lâu về dài cho nghề nghiệp của bạn. Bạn hãy xem kỹ danh sách sau đây của CareerBliss, trong đó liệt kê những điều nên tránh khi cắt đứt quan hệ với người chủ của bạn.

1. Đừng giận dữ ra đi

Rời bỏ công việc mình đang làm là đề tài của vô số giấc mơ ban ngày. Bạn đứng phắt dậy, rời khỏi chiếc ghế làm việc thuộc hàng thứ yếu, ngồi riết nhức lưng. Bạn sải bước băng qua những ô dành cho nhân viên làm việc, mắt nhìn thẳng phía trước, khéo léo tránh né những câu hỏi tò mò và những câu gợi chuyện của các đồng nghiệp. (Cathy, hãy quên bản báo cáo chi phí đi”. “Không, Gill à, tôi không có ý kiến về kế hoạch việc làm của ông tổng thống”.” Rồi bạn tới cửa. Hôm nay thì cóc cần gõ cửa nữa. Bạn cầm lấy nắm xoay và xoay một cái, xô cửa mở toang. Cuối cùng, giáp mặt chạm mắt với Thần Báo Thù, bạn bắt đầu tấn công: “Cứ vơ lấy công việc này mà đem đi!” (Vâng... chúng tôi biết ca sĩ hát nhạc country Johnnny Paycheck không viết ra lời ca này, nhưng ông làm cho nó nổi tiếng. Chơi một đòn như vậy thật là ngon phải chăng? Tuy nhiên, bạn đừng làm như thế.
Thay vì vậy: Bạn phải kiềm chế cơn giận, nén lại lời lẽ mỉa mai, khắc phục cảm giác thất vọng. Hãy mở một nụ cười. Cười tươi lên nào. Hãy tỏ lòng tôn trọng. Thông báo cho chủ biết. Đề nghị giúp đỡ trong thời gian chuyển tiếp. Nói theo kiểu những đứa trẻ animatronic ở Disneyland thì thế giới này nhỏ xíu kia mà, suy cho cùng là như vậy. Người ta nói... về bạn. Và trừ khi mới đây bạn vớ được mấy triệu Mỹ kim và dự định vĩnh viễn rời khỏi lực lượng nhân công, thì một lần ra đi một cách thiếu hòa giải có thể sau này quay đầu lại đớp cho bạn một phát trong nghề nghiệp của bạn.

2. Đừng làm phiền các bạn đồng nghiệp
Bạn bắt đầu cảm thấy mình giống như một người tù – bị tống giam một cách oan ức, dĩ nhiên rồi – với ngày phóng thích sắp đến. Tuy nhiên tất cả những người cùng làm việc với bạn vẫn còn phải vất vả khó khăn, vì hồi kết thúc chưa đến với họ. Bạn đừng nên nói về những chuyện lớn lao mà bạn sẽ làm một khi rời khỏi đây mà đi ra ngoài.
Thay vì vậy: Việc ra đi một cách hòa thuận với những người đồng nghiệp thì cũng quan trong như chuyện ra đi một cách ôn hòa với người chủ của bạn. Đừng nói xấu công ty mà bạn vừa rời bỏ, và cũng đừng khoác lác khoe khoang về cái công ty lớn và mới mà bạn sắp dời tới làm việc. Hãy trả lời những câu hỏi một cách thành thật. Nhưng hãy nhớ kỹ rằng những người này (trong số đó có những người mà bạn thực sự có thể ưa thích) vẫn còn bị kẹt cứng trong cái hoàn cảnh mà bạn đã thoát được ra ngoài. Bạn muốn họ có những kỷ niệm hạnh phúc về bạn. Nào ai biết được? Có thể bạn cần một người trong nhóm ấy, để đến một lúc nào đó nhờ người ấy giới thiệu bạn, hoặc thậm chí rốt cuộc bạn lại làm việc chung với họ trong tương lai.

3. Đừng hành động như thể là một người sắp giải ngũ
Bạn đã thông báo cho chủ chuyện nghỉ việc. Hãy nhìn tới phía cuối đường hầm? Có ánh sáng rạng lên đấy. Còn hai tuần nữa là những chuyện lớn hơn và tốt hơn sẽ đến với bạn (chúng tôi hi vọng đó là một công việc mới làm cho bạn hạnh phúc hơn). Còn lúc này có thể là khó khăn vất vả. Trong khi thân xác bạn ngồi vào bạn làm việc, thì tâm trí bạn đi xa lắc xa lơ. Một chút lơi lỏng là điều có thể sẽ xảy ra. Nhưng dù sao đi nữa, họ sẽ làm được gì liên quan tới chuyện này? Thái độ sai lầm!
Thay vì vậy: Bạn nên làm hết sức để phòng ngừa hội chứng sắp-được-giải-ngũ. Bất luận bạn cảm thấy thế nào về công ty hoặc người chủ, bạn muốn ra đi một cách phấn khởi – đã là người chuyên nghiệp thì cứ hãy chuyên nghiệp cho tới cùng. Trong những ngày sau hết, bạn nên ra sức làm việc với cùng một mức độ cần mẫn mà bạn đã có trong toàn bộ thời gian làm việc cho công ty. Người ta không nhất thiết sẽ nhớ rằng cách đó hai năm bạn đã chung lưng đấu cật với họ, ra sức làm việc trong 18 ngày để hoàn thành một dự án quan trọng phải chạy nước rút để làm cho xong. Tuy nhiên những người đồng nghiệp, tức là những người có thể giới thiệu bạn và giao tiếp với bạn trên những mạng xã hội, sẽ nhớ rằng bạn đi làm trễ, làm việc lơ là, và ra về sớm, trước khi vĩnh viễn rời bỏ công việc của mình. Có thể bạn không bao giờ gây một ấn tượng khác trong tâm trí họ.

4. Đừng bị cám dỗ quay trở lại làm việc
Bạn có một chỗ làm mới đang chờ sẵn, hoặc bạn đã trữ đủ tiền để nuôi thân qua ngày trong khi tìm kiếm một việc làm mới (Chúng tôi khuyên bạn nên có điều thứ nhì này). Bạn đã quyết định. Bạn đã ra ngoài rồi. Thôi chào tạm biệt. Sayonara. Hẹn gặp sau nhé. Nhưng rồi, bất ngờ họ đề nghị một công việc cho bạn làm để giữ bạn lại. Tăng lương, thêm ngày nghỉ, phúc lợi nhiều hơn, hứa hẹn rằng “mọi sự sẽ tốt hơn trong tam các nguyệt sắp tới”. Hấp dẫn thật đấy, nhưng chớ chấp nhận!
Thay vì vậy: Ngay lúc bạn thông báo nghỉ việc, quan hệ giữa bạn với người chủ biến thành một thứ quan hệ giống như quan hệ giữa một cặp li thân li hôn. Lúc này người chủ bị chê ấy, cho dù những động lực của mình là gì, đã bước vào một giai đoạn phải mặc cả thương lượng, vốn là một điều thường xảy ra sau khi quan hệ bị tan vỡ (Tôi có thể thay đổi!). Thế nhưng mọi sự sẽ không khá hơn; hầu chắc sẽ tồi tệ hơn. Bạn đã chứng tỏ sự không vui vẻ hài lòng và sự thiếu trung thành của bạn, bằng cách chấp nhận một công việc mới (mặc dù có những người nói rằng sự trung thành chủ nhân/nhân công trong thực tế đã tiêu vong từ lâu rồi). Hãy bám vững vào kế hoạch của bạn. Cứ cám ơn người chủ vì sự xem xét của ông/bà, và nói cho chủ biết rằng bạn vẫn tiếp tục xúc tiến việc ra đi. Dù sao thì cũng có nhiều nguồn tin tức cho biết rằng đa số những người chấp nhận đề nghị quay trở lại làm việc đều rốt cuộc ra đi luôn trong vòng sáu tháng.

5. Đừng hằn học
Thế là bạn ra ra ngoài rồi. Bạn thu dọn đồ đạc sạch sẽ ra khỏi bàn làm việc, trả lại iPhone và máy vi tính laptop, nói những lời chia tay, và bước ngang qua ngưỡng cửa ấy lần cuối cùng. Bạn bước rảo, thậm chí có thể hơi lảo đảo, băng qua bãi đậu xe, cho chiếc xe nổ máy, và phóng đi một mạch về phía chân trời. Xin chức mừng bạn. Bạn đã ra đi một cách thành công. Sau cùng bạn có thể bắt đầu vứt bỏ công ty cũ, người chủ và các đồng nghiệp của mình sang cho bất cứ người nào sẽ lắng nghe. Nhưng sai rồi đấy.
Thay vì vậy: Hãy để cho quá khứ trở thành quá khứ. Đừng đi quanh mà nói xấu chủ cũ, đặc biệt là nói xấu với một người chủ mới hoặc với một người có thể nhận bạn vào làm việc. Rốt cuộc bạn sẽ phục thù được, thậm chí có thể hơi bị ám ảnh một chút. Điều này không lành mạnh cho nghề nghiệp hoặc tâm lý của bạn. Và bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ lại gặp những người này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT