Đạo và Đời

A DI ĐÀ TÂM SÁM: VÀI NÉT SƠ LƯỢC

Friday, 17/08/2018 - 08:07:34

Một ngạc nhiên nữa là nhờ đọc nội dung cuốn tâm sám mà phật tử mới hiểu câu mình thường đọc tụng “ Nam Mô A Di Đà Phật” lại chứa đựng một ý nghĩa trân trọng và cao quí dường ấy.

(Tuệ Anh viết theo sách A Di Đà Tâm Sám do Thầy Hằng Trường soạn năm 2013)

Hằng năm, Hội Từ Bi Phụng Sự tổ chức Pháp Hội Di Đà nhằm cống hiến cho cộng đồng người Việt một nơi tụ hội, tu tập trong an lạc, hiền hòa. Năm nay, Pháp Hội Di Đà sẽ được tổ chức vào ba ngày 7, 8 và 9 tháng 9 năm 2018 tại Anaheim Convention Center. Chương trình đặc biệt kỷ niệm 10 năm Pháp Hội Di Đà, gồm có lạy sám và thuyết pháp theo các chủ đề chuyên tu mỗi ngày: Thứ sáu, Cúng Dường Trai Tăng, vận dụng lòng thành kính với Quán Thế Âm Bồ Tát tạo ra an bình nội tại. Thứ bảy, cảm kích và đem an lạc vào trong gia đình và cộng đồng. Chủ Nhật, Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm, đem an vui hạnh phúc tới muôn loài. Kính mời quý vị ghi danh tham dự Pháp Hội Di Đà 2018 qua điện thoại 714-561-5974 hoặc vào trang nhà phaphoidida.com 

Cầm cuốn A Di Đà Tâm Sám in thật trang nhã trong tay ai mà chẳng cảm kích. Đa số phật tử Việt Nam gặp nhau trong lễ hội hay chùa chiền đều chào tặng nhau câu “Nam Mô A Di Đà Phật” để tỏ lòng hoan hỉ hay thành tâm cầu xin ơn lành từ Đức Phật A Di Đà. Nhưng đây là lần đầu tiên mà họ được cung hiến cả một cuốn sám về Đức Phật A Di Đà. Thật là quí hóa và phước đức vô vàn!

Một ngạc nhiên nữa là  nhờ đọc nội dung cuốn tâm sám mà phật tử mới hiểu câu mình thường đọc tụng “ Nam Mô A Di Đà Phật” lại chứa đựng một ý nghĩa trân trọng và cao quí dường ấy.

Tâm sám giảng: “A Di Đà có nghĩa là quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng. Nam Mô là quy mạng, mà quy mạng cũng tức là trở về và trở thành. Vậy Nam mô A Di Đà Phật có nghĩa là trở về và trở thành bậc giác ngộ quang minh vô lượng.”  Chắc bạn đọc đến đây đều giật mình, vì rằng, như vậy từ trước đến nay mình đã phạm húy hay phạm thượng mà không hay. Kẻ tội lỗi tham sân si phàm tục như ta mà dám bầy đặt quay về thành Phật. Hoặc là dẫy nẩy lên cho là mình không dám trèo cao, thuận miệng nói theo vậy chứ từ nay biết rồi thôi không dám đọc tụng như vậy nữa, cứ ăn ngay ở lành là đủ. Thưa bạn chưa chắc là đủ. Xin bạn đọc tiếp.

Trong nhà Phật khi ta khấn nguyện tu trì thường thì phải có thầy. Thầy sẽ ban cho pháp danh, pháp hiệu, vạch ra một con đường hay chỉ nam để ta theo đó mà tu. Và từ từ các tu sĩ có khi quên bẵng đi tên tục của mình và chỉ còn dùng pháp danh mà thôi. Rồi khi thành Phật hay Bồ Tát thì mỗi vị đều được xưng tụng một hay nhiều hồng danh nói lên cái nguyện hạnh cao quí nhất của vị ấy. Riêng Phật A Di Đà có cả thảy 13 hồng danh. Mỗi hồng danh phải mất rất nhiều kiếp mới thành tựu, vậy chắc một điều là Đức À Di Đà đã trải qua vô lượng kiếp tu trì để có  một sức mạnh vô song như vậy. Chúng ta hãy thong thả duyệt qua từng hồng danh của ngài rồi cố gắng bắt chước tu theo. Không nên hấp tấp hay cẩu thả vì “ đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá, mà quàng phải dây”, rồi té ngã thất bại chẳng đạt được chi cả. 

Đây là danh sách 13 hồng danh của Đức A Di Đà Phật:  Vô Lượng Thọ Như Lai, Vô Lượng Quang Như Lai, Vô Biên Quang Như Lai, Vô Ngại Quang Như Lai, Vô Đối Quang Như Lai, Diệm Vương Quang Như Lai, Thanh Tịnh Quang Như Lai, Hoan Hỉ Quang Như Lai, Trí Huệ Quang Như Lai, Nan Tư Quang Như Lai, Bất Đoạn Quang Như Lai, Vô Xưng Quang Như Lai và Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của các hồng danh này. 

Như Lai (phạn ngữ là Tathagata) là tiếng chỉ cho bậc đã đạt được cảnh giới siêu việt, ra khỏi mọi nghiệp chướng và vô minh, bậc giác ngộ chân tánh, chân lý tuyệt đối và chân thật trong mọi việc. 


Quang là quang minh, “là tuệ giác sáng suốt nhân quả, là tình thương không chiếm hữu, là tánh dễ thương hài hòa, là tâm lượng bao dung, là trí huệ giải mở gút thắt tâm tình, là khả năng buông xả bụi trần ô nhiễm, là ý chí tinh tấn hướng thượng, là nỗ lực không ngừng tiến hóa, là lòng hy sinh không chút tính toán ích kỷ, là lời nói nhẹ nhàng cảm động được lòng người khiến họ hướng thiện, là khả năng vượt thoát những dính kẹt trong cuộc sống, là năng lượng cho ra, bố thí, cúng dường không hối tiếc, là  một từ trường lan tỏa nội tại khiến tha nhân cảm thấu an nhiên tự tại, ấm áp từ bi, là khả năng hội tụ không tán loạn buông lung giữa trần gian đầy cám dỗ,loạn trược.” 

Bạn nghĩ sao?  Có phải chỉ qua định nghĩa Quang Minh Như Lai là ta đã thấy thấp thoáng quang cảnh của Cõi Niết Bàn hay Cõi Tịnh Độ rồi chăng? Đương nhiên, những ai có tâm thức như thế thì ở đâu cũng là niết bàn, cũng là tịnh độ. Bây giờ chúng ta đi xa hơn để hiểu thêm chút ít chi tiết về mỗi hồng danh. Nhờ đó ta có thể nhận tri những lỗi lầm khiếm khuyết của bản thân, cố gắng tu sửa và trì tụng hồng danh để xin Đức Phật A Di Đà hộ trì thêm sức cho mình. 

1. Vô Lượng Thọ: tuổi thọ vô tận của chân tâm hay Phật tâm trong mỗi người, không phải tuổi thọ của thân xác. Chân Tâm hiện hữu trường cửu vô biên vô tận nơi mỗi sinh linh.

2. Vô Lượng Quang: quang minh của Chân Tâm bất sinh bất diệt, là trí huệ siêu việt, lan tỏa khắp mọi nơi.

3. Vô Biên Quang: tính vô biên giới của quang minh, vượt qua mọi chướng ngại hữu hạn, và khai mở cõi vô hạn, không kẹt trong ngũ ấm hay ngũ đại.

4. Vô Ngại Quang: quang minh chiếu suốt mọi chướng ngại, trí huệ thấu biết ngọn ngành, nhưng vẫn không rời Chân Tâm Bất Nhị. Không có sự gì ẩn dấu được Phật vì ngài rất thần thông nhìn,nghe, hiểu, biết hết quá khứ, hiện tại và vị lai.

5. Vô Đối Quang: quang minh của Phật vượt ra khỏi thế giới tương đối của phàm tục, không phân biệt âm dương, tốt xấu, có không, nhân ngã, thị phi, nhưng mà an trụ trong tâm thái hàm dung.

6. Diệm Vương Quang: diệm là ngọn lửa to lớn uy quyền như một vị vua, diệm vương quang là quang minh có sức mạnh vô  song như lửa lớn đốt sạch hết mọi thành kiến, mọi phiền não chấp trước, mọi nghiệp chướng vô minh. Ý nói là sức mạnh của lòng đại bi có sức lan tỏa tình thương thật rộng lớn tới mọi đối tượng.  

7. Thanh Tịnh Quang: thanh tịnh là bản tánh của Chân Tâm, không ô nhiễm vẩn đục, mọi sự mọi cảnh đều trở nên trang nghiêm thanh tịnh.

8. Hoan Hỉ Quang: Như lai với tâm thức giác ngộ thì luôn luôn tỏa chiếu niềm vui vô tận khiến mọi chúng sinh được hoan hỉ, giải tỏa mọi bất an đau khổ.

9. Trí Huệ Quang: Phật có quang minh khai mở trí huệ, giúp soi sáng cho ai ngu dốt, sợ hãi, tham đắm, đầy dục vọng tránh sa vào lưới nghiệp.

10. Nan Tư Quang: tư là tư duy hay sự suy nghĩ, Như Lai có vô lượng phương tiện thiện xảo vượt ra ngoài tất cả mọi định nghĩa, tư duy hay suy lường để giúp chúng sinh thoát ra khỏi quan hệ nghiệp chướng, và chuyển hóa thành quan  hệ giải thoát, biến mạng lưới nhân duyên thành mạng lưới quang minh.

11. Bất Đoạn Quang:quang minh của Phật thì không hề gián đoạn, bất sinh bất diệt

12. Vô Xưng Quang: quang minh của Phật thì không thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên, nên trở thành vô xưng, nghĩa là không có lời xưng tụng khen ngợi nào diễn tả nổi.

13. Siêu Nhật Nguyệt Quang: hai nguồn sáng lớn là mặt trời mặt trăng cũng không so được với sự quang minh của Phật, quang minh ở đây chính là trí huệ siêu việt của Phật. 

Thật là khó có thể tưởng tượng nổi oai danh của Đức Phật A Di Đà. Ngài là một “tha lực” vĩ đại vô biên, tức là sự trợ giúp từ ngoài, nếu Ngài giúp thì chắc là sẽ dễ dàng cho ta lắm. Có phải chỉ cần niệm 6 chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật.” là tâm ta nhập Niết Bàn chăng? Thưa có thể lắm, nhưng còn tùy cái “tự lực” nơi ta nữa. 

Muốn có “tự lực” phải làm gì? 

Trước tiên, phải có niềm TIN. Tin vào Đức Phật A Di Đà và những năng lực quang minh nơi Ngài. Ta phải quay về khiêm cung phủ phục, dâng tánh mạng cho bậc giác ngộ  và thực lòng nói với ngài   rằng: “Con xin trở về và trở thành bậc giác ngộ quang minh vô lượng”. Mới đầu có thể trở về với bức tượng hay vị Phật A Di Đà ở ngoài , nhưng dần dần ta phải trở về ngôi nhà bên trong ta, nơi Tự Tánh Quang Minh có sẵn trong lòng ta, như vậy mới là viên mãn, mới thấy cõi tịnh độ ngay trong tâm mình. 

Sau phải có NGUYỆN. Đức A Di Đà có cả thẩy 48 lời nguyện rất lớn và ngài đã hoàn mãn hết thảy. Khi quyết tâm tu, chúng ta cũng phải bắt chước ngài, lập ĐẠI NGUYỆN. Ta cũng có thể bắt chước lập một lời nguyện tương tự như vậy. Rất dễ bạn có thể tìm được các đại nguyện đó ở trong sách A Di Đà Tâm Sám. Thí dụ trang 65 có lời nguyện rất hay của ngài như sau: “Nguyện khi con thành Phật, tất cả chúng sinh ở vô lượng vô số cõi nước Phật khắp mười phương, hễ ai được hào quang của con xúc chạm thì người ấy thân tâm sẽ dịu dàng, vượt hơn trời người.” 

Kế tiếp ta phải tu những HẠNH như được dậy trong Thập độ Ba la mật ( Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, bát nhã, đại trí, đại lực, đại nguyện và đại phương tiện). Thí dụ áp dụng hạnh tinh tấn trong việc lạy sám, tức là năng lạy sám, để tiêu trừ nghiệp chướng, tội nghiệp sâu dầy ta đã tạo ra từ trước; ngoài ra trì niệm hồng danh sẽ mở ra những hy vọng cho tương lai mà mình muốn sẽ trở thành. 

Như thế tự lực là nỗ lực nhận tri và trở thành đức tính mà hồng danh của đấng từ phụ đại biểu. Tha lực là sức mạnh gia trì vĩ đại trong danh hiệu đức từ phụ. Cả tự lực và tha lực phối hợp viên mãn chính là phương pháp tu trì” của A Di Đà Tâm Sám. 

Cuối cùng, thành quả của tu sám không chỉ giữ cho riêng mình, nhưng nên hồi hướng tất cả cho người khác. Tâm sám dậy nên hồi hướng về ba chỗ: “tới đạo quả bồ đề, tới Pháp Giới, và tới mọi chúng sinh trong mạng lưới nhân duyên” của bạn.

- Bồ đề là giác ngộ hay đại trí huệ. Khi hồi hướng về bồ đề thì lúc nào ta cũng tập trung tất cả năng lực của tâm thức, hướng vào sự khai mở trí huệ để đạt sự giác ngộ Chân Tâm.

- Pháp giới khác với tục giới có ngũ đại (đất,nước, lửa, phong và không) và ngũ ấm (sắc thọ tưởng hành thức). Pháp giới là thực tại đạt được trong thiền định tam muội có sức mạnh chuyển hóa dục giới sang tâm thức bất nhị. Hồi hướng về pháp giới là hướng mọi nỗ lực tu tập để thể nhập vào Pháp giới, giúp ta trở nên tự tại vô ngại thấu triệt vạn sự.

- Hồi hướng đến các chúng sinh khác trong mạng lưới nhân duyên, lạy sám là lạy giùm cho mọi chúng sinh có duyên với chúng ta, để giúp họ được tăng phước, trừ chướng và mau giải thoát như ý của họ.

Bài tóm lược này viết ra để xin hồi hướng đến Pháp hội A Di Dà Sám tại Dallas được tổ chức vào cuối tuần October 11, 2013 và các Lễ A Di Đà Sám tổ chức mỗi tháng 2 lần tại trụ sở của Hội Từ Bi Phụng Sự Miền Nam (CSS-South) tại Houston được hoàn mãn. Cũng nguyện A Di Đà Phật và chư Phật Bồ Tát soi dẫn những chúng sinh nào cần đến sự trợ lực biết đường tìm đến các buổi lễ sám này để cùng với mọi người sám hối nghiệp chướng và tìm thấy Tự Tánh Quang Minh của chính mình. 

Tuệ Anh, Houston, October 10, 2013

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT