Thế Giới

Ai Cập: Cựu Tổng Thống Mubarak được trả tự do

Friday, 24/03/2017 - 07:58:28

Sau đó ông lần lượt ra tòa nhiều lần và đến đầu tháng 3 năm nay một tòa án ra lệnh phải trả tự do cho ông vì ông được xem là “trắng án” trong cáo trạng gây ra cái chết của những người biểu tình. Chính phủ của ông Tổng Thống al-Sisi hiện nay có vẻ lưỡng lự khi thả tự do cho ông Mubarak.


Cựu Tổng Thống Hosni Mubarak chào những người ủng hộ từ cửa sổ bệnh viện quân đội Maadi, nhấn ngày sinh nhật ông vào năm 2015. (Getty Images)


Dân chúng hôm thứ Sáu khá sửng sốt trước tin cựu Tổng Thống Hosni Mubarak đã được trả tự do và trở về nhà riêng. Ông đã bị lật đổ vào năm 2011 sau một cuộc chính biến ở Ai Cập. Người luật sư của ông cho hay ông đã rời một quân y viện ở phía nam Cairo và trở về nhà ở thành phố Heliopolis.
Năm nay 88 tuổi, ông Mubarak trở thành Tổng Thống Ai Cập vào năm 1981 sau khi Tổng Thống Anwar Sadat của Ai Cập bị ám sát chết. Vào năm 2012, ông bị tuyên án tù chung thân vì bị cho là có âm mưu trong việc giết chết hàng ngàn người biểu tình phản đối chính phủ của ông vào tháng 2 năm 2011.
Sau đó ông lần lượt ra tòa nhiều lần và đến đầu tháng 3 năm nay một tòa án ra lệnh phải trả tự do cho ông vì ông được xem là “trắng án” trong cáo trạng gây ra cái chết của những người biểu tình. Chính phủ của ông Tổng Thống al-Sisi hiện nay có vẻ lưỡng lự khi thả tự do cho ông Mubarak.

Ấn Độ: Hàng không cấm bay một hành khách quậy
Cảnh sát đang điều tra về một vụ lộn xộn do một dân biểu Ấn Độ gây ra, khi ông rút dép đập vào một viên chức của hãng hàng không Air India 25 lần trong khoanh khách hạng sang. Dân biểu Ravindra Gaikwad sau đó bị hãng hàng không này và nhiều công ty khác của Ấn Độ cấm lên máy bay của họ.
Được biết dân biểu Gaikwad thuộc đảng Shiv Sena là đồng minh của đảng cầm quyền BJP, cho hay ông ta “bị nhân viên Air India đối xử quá tệ và ông ta sẽ không xin lỗi.” Ông nói, “Vâng, tôi rút dép đánh người đó 25 lần đấy, tôi đã đánh một nhân viên của Air India đấy, cứ để họ đi kiện đi, tôi sẽ không xin lỗi đâu, vì đó là lỗi của họ, tôi không có việc gì phải ân hận vì tôi không làm gì sai quấy cả.”
Ông cho hay văn phòng của ông đặt vé cho ông bay tiếp từ Pune đi Delhi nhưng bị từ chối, ông tiếp tục ngồi lại ghế sau khi máy bay đáp và không chịu ra khỏi phi cơ. Một nhân viên hãng Air nidia đến thuyết phục, đã bị ông đánh tơi tả.

Đài Loan bắt đầu tự chế tạo tàu ngầm
Báo chí Đài Loan hôm thứ Sáu đưa tin là quốc gia này bắt đầu chương trình tự đóng tàu ngầm cho lực lượng Hải Quân của họ. Các lãnh đạo của Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho hay hợp đồng đã được ký kết với công ty đóng tàu CSBC Corporation của Đài Loan và trong vòng 8 năm tới thì công việc đóng tàu ngầm “Made in Taiwan” được tiến hành. Theo trang mạng Focus Taiwan thì trong vòng 10 năm tới, Hải Quân Đài Loan sẽ đưa chiếc tàu ngầm đầu tiên do họ đóng vào hoạt động chính thức. Bà Tổng Thống Đài Loan Thái Vân Anh đã chính thức khai mạc chương trình đóng tiềm thủy đĩnh này tại một buổi lễ của cảng quân sự Zuoying thuộc tỉnh Kaohsiung. Bà nói, “Tôi biết nhiều người vẫn còn hoài nghi về chương trình này, nhưng chúng ta là một dân tộc không hề sợ thách đố, chính phủ của tôi sẽ chung vai đấu cật để hoàn thành nhiệm vụ này, tôi bảo đảm nó sẽ thành công.”
Công việc vẽ kiều sẽ kéo dài trong bốn năm đầu, sau đó là bắt đầu đóng và hoàn thiện. Hiện nay Đài Loan chỉ có bốn tàu ngầm và thuộc loại khá cũ.

Canada: Học khu không cho học sinh sang Mỹ
Ông John Mallow, Giám Đốc Học Khu của Toronto, vốn là học khu lớn nhất của quốc gia này cho hay “những chuyến du lịch sang Mỹ của học sinh của học khu trong tương lai sẽ bị hoãn lại.” Ông Malloy nói, “Chúng tôi không muốn thấy học sinh của mình lại bị trả trở về Canada, nếu lệnh cấm mới của chính phủ Hoa Kỳ được thực hiện đầy đủ.”
Học khu Toronto có 246,000 học sinh trong 600 trường học khắp Toronto, vốn là thành phố của Canada có nhiều di dân nhất cư trú. Học khu Toronto cho hay có 24 chuyến du lịch bao gồm 800 em học sinh được sắp xếp từ trước vẫn có thể lên đường, nhưng “nếu có trục trặc ở biên giới, các em sẽ quay về nước ngay,” theo lời ông Malloy cho hay.
Chính phủ của Tổng Thống Trump cấm công dân từ 6 quốc gia Hồi giáo đến Hoa Kỳ từ ngày 16 tháng 3, nhưng một Chánh Án liên bang của Hawaii đã ban lệnh cho ngưng lại lệnh này của ông Trump.

Bà Le Pen khuyên Âu bỏ lệnh trừng phạt Nga
Tổng Thống Putin của Nga đã tiếp đón và nói chuyện với bà Marie Le Pen, ứng cử viên cực hữu của chức vụ lãnh đạo tối cao của Pháp sắp diễn ra vào ngày 23 tháng 4. Ông Putin cho hay chính phủ của ông không tìm cách gây ảnh hưởng lên cuộc bỏ phiếu ở Pháp, và nhận xét bà Le Pen “đại diện cho một khuynh hướng chính trị mới của Châu Âu cần được quan tâm đến.”
Bà Le Pen là thủ lĩnh của đảng National Party (FN) cực hữu, vốn trước đây chỉ trích khối Liên hiệp EU về những biện pháp trừng phạt mà EU đặt cho Nga, bà mô tả các biện pháp này là “phản tác dụng.” Nga bị Châu Âu và Hoa Kỳ lên án nặng nề sau khi sát nhập bán đảo Crimea vốn thuộc Ukraine vào lãnh thổ mình vào năm 2014.
Tuy bị chỉ trích là đã xen vào chuyện bầu cử ở Hoa Kỳ, song ông Putin cho hay “ông có quyền tiếp đón các chính khách Pháp, nếu ông muốn.” Bà Le pen thì cho là “Pháp và Nga cần hợp tác chặt chẽ trong chiến trận chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa khủng bố“

Tự tử làm tốn nhiều tỉ đô la ở Nhật
Từ lâu Nhật Bản là quốc gia có tỉ lệ người dân tự sát thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Tờ báo Asahi Shimbun hôm thứ sáu loan tin hàng năm nền kinh tế của Nhật bị thiệt mất khoảng 4.1 tỉ đô la do nạn tự sát xứ này gây ra. Tự sát là một vấn nạn xã hội không hề nhỏ ở đất nước Phù Tang, vì theo một kết quả khảo cứu công bố vào tháng 10 năm 2016, có đến một-phần-tư số người Nhật được phỏng vấn cho hay “có một lúc nào đó trong đời họ từng nghĩ đến chuyện quyên sinh.”
Chính các Bộ Y Tế, Lao Động và Phúc Lợi Xã Hội Nhật tiến hành cuộc nghiên cứu này trên 3,000 người thuộc thành phần đi làm ở Nhật. Phụ nữ Nhật chiếm tỉ lệ cao nhất với ý định tự sát là 25.6%, đàn ông thì ít hơn một chút với 21.4%, nhưng nếu gộp chung lại thì cả đàn ông lẫn phụ nữ Nhật ở lứa tuổi 50 lại có đến 30.1% không còn thiết tha sống. Kỳ lạ là thành phần trẻ, trong lứa tuổi 30 tràn đầy nhựa sống lại có đến 28.7% cũng có ý nghĩ đen tối này.

Khối EU đối diện với các khó khăn
Vào ngày 25 tháng 3 năm 1957 có 6 quốc gia là Pháp, Đức, Ý, Hòa Lan, Luxembourg và Bỉ ký hiệp ước gọi là Treaty of Rome nhằm thành lập Hội Đồng Kinh Tế Chung Châu Âu (gọi tắt là EEC), sau đó nhóm này bành trướng từ từ, trở thành khối Liên Hiệp Châu Âu (gọi tắt là EU). Tổ chức đã vươn lên lớn mạnh và hiện nay có 28 quốc gia thành viên, kể cả một số xứ trước đây từng là quốc gia Cộng Sản trước năm 1991.
Bất đồng lớn nhất trong lịch sử của EU có thể diễn ra trong tuần sau khi chính phủ Anh chính thức khởi động thủ tục trở thành quốc gia đầu tiên của EU rút ra khỏi khối này. Nhiều quốc gia thành viên tỏ ý bất mãn vì các chủ trương của EU đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên công ăn việc làm, chủ quyền, an ninh, di trú và bản thể quốc gia của họ.
Tuy có nhiều thách đố song theo nhận định của ông Michael Wohlgemuth, Chủ tịch của nhóm Open Europe ở Đức, thì “Châu Âu có lý do mạnh để tiến hành lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, vì đây là khối thị trường lớn nhất thế giới từng tạo ra hòa bình, dân chủ và cộng tác đắc lực giữa các thành viên của họ.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT