Đạo và Đời

Ai là người lớn nhất?

Thursday, 16/09/2021 - 07:52:57

Trong tiếng Việt, hai động từ “học” và “hỏi” thường đi chung với nhau và tạo thành một động từ kép...


Tranh vẽ câu chuyện Chúa Giêsu rửa chân môn đệ Peter để nói lên tinh thần phục vụ, do họa sĩ Anh Ford Madox Brown (1821–1893) vẽ trong khoảng thời gian 1852-1856. (Wikimedia Commons)


LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

Trong tiếng Việt, hai động từ “học” và “hỏi” thường đi chung với nhau và tạo thành một động từ kép, “học hỏi,” ý muốn nói rằng muốn học cho tốt thì phải hỏi. Kinh nghiệm cho thấy những học sinh nào hay hỏi, những học sinh đó thường khá hơn những học sinh khác vì, thứ nhất, họ để ý học bài, và thứ hai, họ sẽ hiểu thêm rõ ràng hơn sau khi được trả lời. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe kể lại rằng Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi Giêrusalem, nơi mà Chúa Giêsu sẽ “bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.” Thực ra đây không phải là lần thứ nhất Chúa Giêsu đã nói lên điều này, nhưng hình như các môn đệ không hiểu được và còn sợ không dám hỏi Người.

Thực ra thì cũng không trách được các ông bởi vì có bao giờ các ông chứng kiến hay nghe biết về người chết sẽ sống lại, nhưng có điều, nếu nghe mà không hiểu, thì phải hỏi. Nếu các ông hỏi, chắc chắn Chúa Giêsu sẽ trả lời và các ông sẽ hiểu biết thêm nhiều. Không những các ông không hiểu, mà còn sợ nữa. Khi đề cập đến cái sợ của các môn đệ, những nhà chú giải Thánh Kinh đặt ra một số câu hỏi: “Có phải các ông sợ là mình sẽ biết hết những gì sẽ xảy ra cho Chúa Giêsu? Hay không muốn biết đến những chi tiết kinh hoàng? Hay các ông sợ là cuộc tử nạn của Chúa Giêsu sẽ tác động mạnh đến cuộc đời của các ông?”

Theo tâm lý, thì khi người ta lo sợ điều gì, họ thường suy tư về một vấn đề khác để tìm cách lẩn tránh lo sợ hiện tại. Đó là lý do tại sao các ông tranh luận với nhau xem ai sẽ là người lớn nhất. Họ biết làm như thế là sai, nên khi Chúa Giêsu hỏi xem họ đang tranh luận về vấn đề gì, thì tất cả đều im lặng. Chúa Giêsu đã nhân dịp này dạy cho họ biết thế nào là người lớn nhất, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người.”

Vào thời Chúa Giêsu, trẻ em và những tôi tớ trong gia đình không có địa vị và quyền lợi trong xã hội. Họ phải lệ thuộc vào người gia trưởng để có được thân phận. Trở lại với câu trả lời của Giêsu, Ngài đã cố ý đảo ngược trật tự phân chia giai cấp. Những ai muốn làm lớn trong một tập thể, thì phải sẵn sàng làm những công việc hèn mọn của một người tôi tớ. Chỉ có cách này thì mới có thể loại bỏ được những tranh giành và kiến tạo tinh thần hiệp nhất.

Nếu các tập thể và ngay cả một quốc gia biết áp dụng trật tự mới này của Chúa Giêsu, sẽ giảm đi rất nhiều những xáo trộn. Hàng ngày khi đón nghe tin tức, một trong những điều chúng ta thấy khá rõ ràng là nhiều người chỉ muốn tạo thêm uy tín chính trị hay leo cao hơn trong mức thang của xã hội, chứ tâm trí họ chẳng hề có chút tinh thần phục vụ. Đó là điều mà Chúa muốn những người theo Ngài phải tránh. Chắc chắn Chúa sẽ hài lòng hơn khi có được những người tôi trung khiêm tốn, sau khi hoàn tất công việc của mình, âm thầm thưa với Chúa, “Lạy Chúa, con chỉ là người đầy tớ vô dụng, chỉ làm được những gì đã giao phó.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT