Văn Nghệ

Ám Ảnh Phở (Obsessed PHO more)

Thursday, 06/02/2020 - 07:41:56

Sau hai buổi nhạc độc đáo là "Cuộc Đời" (On Life) và "Góc Nhìn Qua Thời Gian" (Of Times and Perspectives) trong hai năm 2017 và 2018

Sau hai buổi nhạc độc đáo là "Cuộc Đời" (On Life) và "Góc Nhìn Qua Thời Gian" (Of Times and Perspectives) trong hai năm 2017 và 2018 nhằm giới thiệu những sáng tác mới của những soạn nhạc gia người Mỹ gốc Việt, và trình diễn hầu hết những màn chính của vở grand opera "Câu Chuyên Bà Thị Kính" (The Tale of Lady Thị Kính) của tác giả P Q Phan, năm 2020 hội VASCAM trở lại Orange County với một chương trình trình diễn mới lạ hơn: những nhạc khúc về tâm tình và văn hóa Việt Nam được diễn tả bằng điệu múa Ba Lê (Ballet) cùng những sáng tác âm nhạc mới nhất của bốn tác giả trẻ: Việt Cường, Khôi Đặng, P.Q. Phan và Chris Vũ.
Chương trình có tên là "Ám Ảnh Phở" (Obsessed PHO More), sẽ được diễn ra vào lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020 tại rạp hát tối tân mới xây MUSCO, nơi có thể đáp ứng đòi hỏi sàn cao su để nghệ sĩ Ba Lê có thể nhảy được.
Xin mời đọc phần phỏng vấn giáo sư - sáng tác gia P. Q. Phan về buổi trình diễn đặc biệt này.

Hỏi: Ngày 8 tháng 3 2020, VASCAM sẽ tổ chức một chương trình nhạc đặc biệt với phần trình diễn chính là những màn múa ba lê, ngoài những bản nhạc mới sáng tác của những nhạc sĩ Mỹ gốc Việt Nam viết nhạc hậu hiện đại. Tại sao lại là múa ba lê, một hình thức văn nghệ còn rất xa lạ đối với người Việt, dù là người Việt ở hải ngoại? Dùng hình thức múa ba lê thì nói lên được cái gì nhiều hơn là ca khúc?

Múa ba lê ra đời thời Phục Hưng Ý từ thế kỷ 16 dưới sáng tạo của Catherine de Medici. Đến thế kỷ 17 thời Louis XIV thì được phát triển nhiều hơn, càng thịnh hành trong giới lãnh đạo Hoàng Gia. Sau đó được đưa sang Nga và phát triển đến cao điểm thành múa tường thuật, múa để kể một câu chuyện, ví dụ như vở múa Con Thiên Nga của Tchaikovsky, Con Chim Lửa, Petruskha, và The Rite of Spring của Stravinsky. Đây là những vở múa nổi tiếng kéo dài nguyên một buổi trình diễn.
Trong văn hóa phương Tây, múa Ba Lê được xem trọng vì nó áp dụng kỹ thuật cao. Người múa hầu như lúc nào cũng luân chuyển trên đầu ngón chân, bay giang hai chân, và xoay nhiều vòng trên đầu ngón chân. Người múa Ba Lê coi thân thể họ như một kho tàng quý giá tạo ra một vẻ đẹp vô thường. Đi trên đầu ngón chân, khuôn mặt ngước 30 độ, ngực ưỡn phồng, lưng cong chút đỉnh, đưa cổ cao lên - tất cả để tạo một vẻ đẹp hơn người. Người múa dùng bài bản và kỹ thuật để diễn giải tất cả những gì bài nhạc yêu cầu.
Ca khúc nói lên chiều sâu của từ ngữ, âm nhạc thì bày tỏ tâm trạng. Múa Ba Lê dùng ngôn ngữ chuyển hình thân thể để bày tỏ tâm trạng. Ngoài ra, khi liên kết những chuyển động lại thì người múa có thể mô tả một câu chuyện. Có thể nói, múa có khả năng đáp ứng nhu cầu giác quan nhiều hơn.


Hỏi: Ông có nghĩ rằng người Việt hải ngoại sẽ đi xem múa Ba Lê? Hơn 40 năm ở đây, chỉ mới có một lần múa Ba Lê được tổ chức cách đây khoảng 10 năm, để diễn giải nhạc Trịnh Công Sơn. Ông muốn diễn giải điều gì về Việt Nam với những khúc múa Ba Lê theo nhạc do ông sáng tác?

Tôi tin chắc mọi người sẽ đi xem, vì mỗi thể múa có một vẻ đẹp khác nhau. Trong buổi trình diễn ngày 8 tháng 3 tại MUSCO Center for the Arts hội VASCAM hân hạnh ra mắt một chương trình rất là đặc biệt và xuất sắc bao gồm Múa Ba Lê Đương Thời và ca khúc nghệ thuật. Múa Ba Lê đòi hỏi nhu cầu trình diễn cao, sàn nhảy phải có cấu trúc đặc biệt với một lớp cao su để người múa không bị tổn thương, vì vậy mà chúng tôi phải dùng rạp MUSCO. Trong chương trình VASCAM, Đoàn Múa Ba Lê Bloomington sẽ diễn giải và mô tả 6 câu chuyện. Trong đó năm câu chuyện nói lên những khía cạnh đời sống và lịch sử văn hóa Việt Nam.
- Trò Chơi Trẻ Em diễn tả tính ngây thơ của trẻ em qua trò chơi kèn lá chuối. Qua thể loại nhạc xen kẽ (hocket), âm thanh nha#y diễn tả những tiếng kèn lá chuối “đánh” nhau liên tục. Đây là trò chơi trẻ em thông thường vùng quê Việt Nam. Nhạc xen kẽ cũng rất thông dụng ở miền Đông Nam Châu Á qua cách trình diễn nhạc cồng chiêng (Gamelan).

- Thảm Cảnh Tại Rạp Hát kể lại câu chuyện có thật tôi đã chứng kiến khi đi xem Hát Bội với ba má lúc còn nhỏ ở Đà Nẵng vào cuối thập niên 60. Trong đêm ấy, một diễn viên nam đóng vai nữ đã lăn ra chết thật trên sân khấu trong lúc mô tả cao điểm cảm xúc mạnh mẽ khi người vợ biết chồng mình tử trận.
- Tiếng Khóc Trong Đêm kể lại chuyện thời chiến tranh tàn khốc trong thập niên 60 và 70 ở Đà Nẵng. Trong thời gian này, thành phố hay bị pháo kích. Nửa đêm yên lành, thành phố thường bị thức tỉnh bởi súng đạn. Dân chúng chạy lung tung, hét vang trời. Một hôm, sau khi những tiếng thét im bặt, tôi nghe được một tiếng khóc thảm não buồn không thể tả. Tiếng khóc nhỏ nhưng sắc mạnh đâm vào lòng tôi đến ngày nay.
- Qua cách dùng âm nhạc ca trù và chầu văn thích hợp với âm nhạc hiện đại phương Tây Unexpected Desire nói lên sự kết hợp thú vị bất ngờ giữa hai văn hóa. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rằng sự kết hợp giữa văn hóa cực biệt Tây và Á có thể đem đến kết quả tốt đẹp và hấp dẫn.
- Lên Đồng là văn hóa âm nhạc dân gian tuyệt đỉnh của Việt Nam. Trình diễn theo phương thức chu kỳ, nhạc đồng bóng - nói kiểu miền Trung, Huế - “cô” đồng tăng tốc độ dần dần khi trình bày công ân của người đã quá vãng. Cô bóng dùng tất cả phương thức từ nhảy, xoay, quay mắt nhìn ngược, la hét, khấn, v.v. để rước linh hồn vào. Tiếng nhạc “rùng rợn” đôi lúc “man rợ.” Tiếng nhạc Lên Đồng đi từ chậm đến mau, từ yên đến động, và từ đơn giản đến phức tạp.
Trên đây là những bài nhạc cho múa Ba Lê bao gồm hầu hết những chủ đề tiêu biểu quan trọng của cuộc sống và lịch sử hiện đại Việt Nam.


Hỏi: Trong chương trình ngày 8 tháng 3 này, còn có phần trình diễn những nhạc khúc thật mới lạ, theo phong cách hiện đại của các tác giả đa số lớn lên ở hải ngoại?

Đúng vậy. Có tác phẩm mới của bốn nhạc sĩ đa số còn trẻ và lớn lên tại Mỹ. Tuy nhiên, họ đã chọn những đề tài hoàn toàn Việt Nam, đó là những bài thơ của các tác giả Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương và Thanh Tâm Tuyền: Thu Điều, Đài Khán Xuân, thơ Thanh Tâm Tuyền.
P.Q. Phan thì có hai tác phẩm về hai món ăn Việt Nam đã lừng danh ở Mỹ là Phở và Nem Nướng. Rất đặc biệt.

Như vậy chương trình này hoàn toàn là về văn hóa Việt Nam. Thật thích thú.
Mời quí vị đồng hành trong việc đem văn hóa Việt Nam trình bày cho thế giới bằng cách đến dự buổi trình diễn "Ám Ảnh Phở" vào lúc 4 pm ngày Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020 này.
Vé bảo trợ: $150 và $100
Vé thường: $60, $45
Vé sinh viên, học sinh: $25, $15.
Mua tại Nhật Báo Viễn Đông (714) 379-2851, Nhà Sách Tú Quỳnh (714) 531-4284, Ban Tổ Chức (714) 675-8761 (message), hoặc on line tại www.muscocenter.org

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT