Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Âm điệu dân tộc từ chương trình "Quê Hương và Nỗi Nhớ" của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng

Friday, 02/10/2015 - 10:19:16

Lần đầu tiên đến với sân khấu của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, nghệ sĩ Nga Mi - Trần Lãng Minh đã cống hiến cho khán giả tiết mục hát Chầu Văn tác phẩm Khúc Văn Cao (Sáng tác của Xuân Mai), với sự phụ họa của giáo sư Nguyễn Châu qua tiếng đàn Nguyệt và nghệ sĩ Tiến Hiền với bộ gõ.

Bài BĂNG HUYỀN

"Thùng thùng thùng thùng… thùng thùng thùng, thùng thùng thùng…!"
Những đôi tay cầm dùi tung tẩy, lướt trên mặt trống lớn, nhỏ, tạo nên những tiếng trống như dội vào tim khán giả. Tiếng trống gõ liên hồi dồn dập, vang rền khí thế, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn như một bài ca chiến trận âm vang hồn thiêng sông núi, bao nhiêu trang sử hào hùng của cha ông chống giặc ngoại xâm phương Bắc như diễn ra sống động trước mắt, bên tai.

Giáo sư Nguyễn Châu và giáo sư Nguyễn Thị Mai cùng các nghệ sĩ chào khán giả kết thúc chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Từng động tác nhịp nhàng trên mặt trống quyến rũ ánh nhìn của người xem. Khán giả cũng thật dễ thương, họ như hoà chung sự thú vị của mình bằng cái lắc đầu theo nhịp trống, cái vỗ nhịp của đôi chân, cái cử động không yên của đôi tay. Dường như cả khán giả và các em trong đội trống của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng qua tiết mục Nhịp Điệu Phương Nam (Sáng tác Châu Nguyễn) như muốn cùng nhau đối đáp. Như muốn cùng nhau đứng dậy để làm cho tiếng trống vang dội hơn cái "hùng khí" động lòng người, để tạo nên phần mở màn tuyệt diệu chào đón tất cả khán giả đã thương mến đến nghe nhạc dân tộc trong chương trình “Quê Hương Và Nỗi Nhớ” của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng tổ chức vào chiều Chủ Nhật, ngày 27 tháng 9, 2015, tại Saigon Performing Arts Center, thành phố Fountain Valley.

Quê hương. Hai tiếng thân thương đã trở thành niềm đau đáu, day dứt không nguôi, mãi là những âm vọng của nỗi nhớ luôn dai dẳng ẩn hiện, vương vít, âm ỉ không bao giờ tắt trong trái tim của những người Việt ly hương suốt 40 năm qua. Đây cũng chính là thông điệp mà chương trình “Quê Hương Và Nỗi Nhớ” mang đến khán giả và vì thế chữ “tình” được cảm nhận rõ nét nhất. Tình ở đây là tình cảm con người với con người, con người với quê hương, với những nét đẹp dung dị qua âm sắc Việt Nam. Vì thế nên dù chương trình vẫn còn một vài tiết mục chưa hoàn hảo do trục trặc kỹ thuật, như phần trình diễn của Andrew Vân Khanh hát ca khúc Tình Ca (Phạm Duy), nhưng các khán giả vẫn yêu thương các em và dành những tràng pháo tay khích lệ cho tiết mục bị “lỗi” này.

  Em Cody Trần với tiết mục đàn bầu cùng ban nhạc trong bài Cung Đàn Đất Nước. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Mười-lăm tiết mục trong chương trình, từ những lời ca tiếng hát, hay những điệu vũ dân tộc, những điệu đàn, tiếng trống Việt Nam… hầu hết đều mang đậm phong vị cổ xưa của âm nhạc truyền thống Việt Nam, phản ánh sắc màu văn hóa của mỗi vùng, đã khắc sâu vào tim mỗi người Việt xa quê bao nỗi nhớ thương về một quê nhà đã xa, nhưng nay qua âm nhạc lại trở nên hiện hữu gần gũi vô ngần với từng nét đẹp riêng của mỗi vùng miền trải theo chiều dài đất nước, Bắc, Trung, Nam.

Vẻ đẹp 3 miền qua lời ca tiếng hát

Lần đầu tiên đến với sân khấu của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, nghệ sĩ Nga Mi - Trần Lãng Minh đã cống hiến cho khán giả tiết mục hát Chầu Văn tác phẩm Khúc Văn Cao (Sáng tác của Xuân Mai), với sự phụ họa của giáo sư Nguyễn Châu qua tiếng đàn Nguyệt và nghệ sĩ Tiến Hiền với bộ gõ. Tiết mục này được dàn dựng khá đơn giản, không đi sâu vào phần trình diễn mà chỉ tập trung phần hát.


Màn trống Nhịp Điệu Phương Nam mở đầu cho chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)




Giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu Văn, dập dìu trên nền nhịp phách của bộ gõ lúc ẩn lúc hiện, có một sức quyến rũ đặc biệt. Khả năng luyến láy tốt và cách xử lý ca khúc điêu luyện của Nga Mi- Trần Lãng Minh khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn, dìu dặt và mê hoặc lòng người trong sự hòa quyện đồng điệu, đậm nét trữ tình, đã đem lại nhiều thích thú cho khán giả.

Nếu hát văn là một trong những nghệ thuật dân gian độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng người Việt ở vùng Bắc Bộ, thì Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của miền Trung. Nghệ sĩ Nga Mi kết hợp cùng giọng hát của nam ca sĩ Huy Hoàng đã thể hiện khá thành công tiết mục Hát Bài Chòi Quảng, với phần nhạc đệm do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng đảm nhận cùng phần múa phụ họa của đoàn Vũ Việt Cầm.


MC Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng giới thiệu về cây đàn bầu trong chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nga Mi và Huy Hoàng trong vai anh hiệu, chị hiệu cùng giao tiếp với nhau, tạo nên chiếu bài thật sinh động qua việc sử dụng chất giọng khá thuần thục phương ngữ tiếng Quảng trong thể điệu của bài chòi, như hát nam, hát khách, những làn điệu dân ca đặc trưng của vùng miền xứ Quảng. Trong câu hát, khán giả được nghe những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động, những sinh hoạt hàng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế và thật dí dỏm khi phê phán những thói hư tật xấu ở đời, đưa người nghe đắm mình trong những làn điệu dân ca quen thuộc, thả hồn theo những câu hò, điệu hát mộc mạc, dân dã.

Giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn của nghệ sĩ cải lương Yến Linh và Minh Hùng qua bài vọng cổ Huyền Trân Công Chúa gửi đến khán giả vẻ đẹp của nghệ thuật cải lương, là nghệ thuật đặc trưng, không thể thiếu ở vùng đất miền Nam. Là nghệ thuật với những cung đàn lúc réo rắt, khi khoan lơi, lúc lại trải dài mênh mang hòa quyện với lời ca của người hát để dẫn dắt vào lòng người.

Khúc ca ai oán của nàng công chúa Huyền Trân nơi cung cấm, giũ bỏ hết để bước chân vào cuộc hành trình viễn xứ mà đền nợ nước non. Từ những câu hát mang âm điệu trầm buồn và da diết của Huyền Trân Công Chúa như gieo vào lòng người nghe những thổn thức của nàng công chúa quốc sắc thiên hương đời Trần - luôn luôn vì nước vì non, tiếc chi thân mình, đã dâng hiến tình yêu cho giang sơn gấm vóc, tới chốn xa xôi tháp cổ nắng gió làm hoàng hậu Chiêm Thành.

 



Màn hát Bài Chòi của Nga Mi- Huy Hoàng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Tam ca với Thanh Mai, Lâm Dung và Ngọc Quỳnh qua tiết mục liên khúc Việt Nam mến yêu, đã giới thiệu cho người nghe vẻ đẹp của 3 miền Bắc- Trung- Nam, với Miền Bắc duyên dáng qua Non Nước Hữu Tình (Sáng tác Thanh Sơn), Miền Trung thì lại ngậm ngùi, man mác qua Lý Ngựa Ô Huế, Miền Nam thì mộc mạc, chân tình qua “Hành Trình Trên Đất Phù Sa” (Sáng tác Thanh Sơn). Mỗi miền đều mang lại những giai điệu riêng, sắc màu đa dạng, để người nghe càng yêu cái chất thơ tinh tế vô cùng của lời ca, càng nghe lại càng thấm cái ý nhị đẹp đẽ trong nội dung câu hát, giai điệu trữ trình của ca khúc.

Tiết mục kịch kết hợp với âm nhạc Em Yêu Nhạc Việt qua phần trình diễn của các em thuộc nhóm múa Lạc Hồng và Gia đình Tự Lực dẫu vẫn còn non nớt trong thoại kịch nhưng là tiết mục nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả. Vì các em đều sinh ra tại Mỹ nhưng có thể nói tiếng Việt khá thông thạo và lại hát nhạc Việt đầy truyền cảm thì đáng quý vô cùng.

Những điệu múa dân tộc

Làm đẹp thêm sắc màu rực rỡ cho chương trình “Quê Hương Và Nỗi Nhớ” còn là những tiết mục múa với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình, sự thể hiện đầy xúc cảm được âm nhạc cùng những tạo hình với những tư thế khắc họa tựa như những bức tranh sống động. Tạo nên những tác phẩm múa đặc sắc, đẹp mắt qua Trăm Lạc Việt (Châu Nguyễn/ Song Thuận), Múa Dù, Trống Cơm, Vũ Triều Đình của các em trong ban vũ của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng trình diễn. Những bài múa này đều do cố vũ sư Lưu Hồng biên soạn khi còn tại thế, nay đã được các học trò cũ của ông dàn dựng lại trên bài bản mà ông đã soạn sẵn. Những điệu múa làm cho người xem có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới mà quá khứ và hiện tại đang giao hòa, qua sự sáng tạo của vũ sư Lưu Hồng, nét văn hóa độc đáo của những điệu múa Việt Nam được hiện hữu đầy tính nghệ thuật.

Hòa thanh với những cung đàn

Những nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, trống, sáo … tuy có cấu trúc rất đơn giản nhưng qua kỹ thuật trình diễn của các em đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng lại tạo được những âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc vui, lúc buồn, lúc cao vút, lúc thôi thúc tạo nên một âm sắc độc đáo qua tiết mục hòa tấu Âm Điệu Giao Duyên (sáng tác Châu Nguyễn) tạo nên âm thanh mê hoặc lôi cuốn chính cả người chơi lẫn người nghe vào một thế giới khác - thế giới huyền diệu của âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Tiếng đàn bầu dìu dặt của Cody Trần cùng phần phụ họa của ban nhạc đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng qua tác phẩm Cung Đàn Đất Nước (Xuân Khải) khiến người nghe xao xuyến, bồi hồi. Yêu biết bao đôi tay điệu nghệ của Cody Trần rung rung nhẹ cần đàn, tiếng đàn phát ra càng lúc càng mềm mại, uyển chuyển, lúc khoan lúc nhặt, ngọt ngào, cách em sử dụng thành thạo các kỹ năng từ rung, vuốt, vê đến luyến láy một cách điêu luyện, tạo nên âm sắc quyến rũ vô ngần.

Khán giả càng ngơ ngẩn thêm, khi dòng cảm xúc được trôi chảy, ngân nga, được khơi nguồn qua đôi tay lướt trên những phím tơ tranh nhịp nhàng thoăn thoắt của Kim Thư, thể hiện phần độc tấu đàn Tranh Lý Áo Vá Quàng (sáng tác Hoàng Cơ Thụy)

Phần dẫn dắt tinh tế, sâu sắc, lối dẫn chuyện súc tích, đủ các thông tin cần thiết giúp khán giả hiểu và yêu hơn âm nhạc dân tộc của cặp đôi MC Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng đã tạo nên những giây phút thoải mái cho khán giả trong lúc chờ đợi tiết mục được trình diễn. Cả hai tỏ ra khá am hiểu âm nhạc truyền thống và biết nhấn những điểm cần thiết và cũng đã ứng phó khá nhịp nhàng khi màn nhung chưa được kéo ra.

Tiết mục hợp ca Hội Trùng Dương do ban hợp ca thể hiện trên nền nhạc đệm của dàn nhạc đoàn Văn nghệ Dân Tộc Lạc Hồng dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Châu Nguyễn, phần lĩnh xướng của Huy Hoàng đã kết thúc buổi diễn “Quê Hương và Nỗi Nhớ”. Nhưng buổi diễn dường như vẫn chưa khép lại, bởi tự trong lòng mỗi khán giả, sẽ mãi còn vang vọng cùng những tự tình của người nghệ sĩ, của giây phút ấm lòng giữa nghệ sĩ và khách tri âm trong cõi tương phùng với âm nhạc quê hương.

Nếu xem những nghệ sỹ nhí của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng biểu diễn sẽ làm cho những ai đang lo lắng về khoảng trống kế cận âm nhạc truyền thống Việt Nam nơi đất khách hẳn sẽ có được chút niềm lạc quan nho nhỏ. Dẫu sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, nhưng các em vẫn biết yêu những nét đẹp của âm nhạc dân tộc Việt Nam, biết sử dụng thành thục các nhạc cụ dân tộc, hát ngọt ngào những khúc hát dân ca… để góp phần gìn giữ những di sản quý của âm nhạc quê hương mà người Việt ly hương đã mang theo trong hành trang của mình khi đến lập nghiệp tại quê người.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT