Thế Giới

Ấn Độ có tổng thống từ tầng lớp thấp trong xã hội

Thursday, 20/07/2017 - 08:22:48

Bất chấp các bảo vệ pháp lý, người Dalit bị hạn chế tối đa các quyền lợi trong xã hội, từ giáo dục, y tế, cho tới khu vực được sinh sống, và khu vực được phép đi lại.



NEW DELHI – Với hai phần ba số phiếu bầu, ông Ram Nath Kovind, ứng cử viên của Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia cầm quyền (NDA) do đảng Người Dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, đã vượt qua đối thủ Meira-Kumar để trở thành tổng thống thứ 14 của Ấn Độ. Trong tuyên bố trên Twitter, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi chúc mừng ông Kovind, và chúc ông có một nhiệm kỳ làm việc hiệu quả.
Ông Kovind, 71 tuổi từng là nghị sĩ Ấn Độ và được bổ nhiệm làm thống đốc bang Bihar năm 2015. Lãnh đạo đảng BJP này là tổng thống thuộc tầng lớp Dalit thứ hai của Ấn Độ, sau ông KR Narayanan, nhiệm kỳ 1997 - 2002.
Dalit là giai cấp dưới đáy xã hội Ấn Độ, chiếm khoảng 16% dân số nước này. Hiện hệ thống đẳng cấp, tầng lớp đặc quyền ở Ấn Độ đã bị xóa bỏ, nhưng tư tưởng phân biệt giai cấp vẫn tồn tại và cũng vô cùng khắc nghiệt, do chịu ảnh hưởng từ Hindu giáo. Bất chấp các bảo vệ pháp lý, người Dalit bị hạn chế tối đa các quyền lợi trong xã hội, từ giáo dục, y tế, cho tới khu vực được sinh sống, và khu vực được phép đi lại.

Băng đảng Trung Quốc bắt cóc du khách ở sòng bài
MANILA - Một phụ nữ Singapore đã bị bắt cóc tại một casino ở thủ đô Manila, Phi Luật Tân và được chính quyền giải cứu. Bà Wu Yan, 48 tuổi, bị bắt cóc hôm 17 tháng 7 ở sòng bài Solaire và bị đưa tới một khách sạn gần đó. Bà bị những kẻ bắt cóc đánh đập, đe dọa, đòi tiền chuộc $180,000 Mỹ kim, theo Cơ quan di trú Phi Luật Tân. Bà được giải cứu ngày kế tiếp đó, khi các nhân viên bảo vệ phát hiện chân bà lơ lửng từ ban công.
"Chúng tôi gặp may với thông tin sòng bạc Solaire cung cấp. Chúng tôi theo dấu chiếc taxi, một chiếc Toyota Avanza," ông Glenn Dumlao, chỉ huy đơn vị chống bắt cóc của cảnh sát, cho biết. Ông Ronald dela Rosa, Tư lệnh cảnh sát quốc gia Phi Luật Tân, cho biết 41 người Trung Quốc và hai người Mã Lai Á đã bị bắt với cáo buộc bắt cóc. Cảnh sát cho hay, băng đảng được cho là nhóm cho vay nặng lãi, chuyên nhắm vào những người nước ngoài đánh bạc. Mười-một vụ tương tự đã được báo cáo từ năm 2015, với sự tham gia của hai nhóm, bao gồm những người Trung Quốc và Singapore.


Trung Cộng sẵn sàng cho chiến tranh với Ấn Độ
BẮC KINH – Sau khi cáo buộc quân đội Ấn Độ xâm phạm biên giới tại vùng đất tranh chấp Sikkim vào tháng trước, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã tung ra bài viết kêu gọi hai bên kềm chế, nhưng cũng cảnh cáo rằng Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với Ấn Độ. Bài báo nói rằng, Bắc Kinh sẽ gởi quân đội và vũ khí đến biên giới, để chuẩn bị cho nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện.
Tờ báo tuyên bố, “Trung Quốc không công nhận vùng đất đang bị Ấn Độ kiểm soát hiện nay là lãnh thổ của Ấn Độ. Các cuộc thảo luận song phương vẫn đang diễn ra, nhưng tinh thần đàm phán đã bị Ấn Độ hủy hoại. Trung Quốc cố gắng tránh xung đột quân sự với Ấn Độ, nhưng sẽ không e ngại chiến tranh nếu đây là việc cần làm để bảo vệ chủ quyền, và sẽ luôn sẵn sàng cho các cuộc xung đột dài hạn.”
Mâu thuẫn biên giới gần đây giữa Trung Cộng và Ấn Độ được coi là nghiêm trọng nhất tính từ trận chiến năm 1962, với 2,000 người thiệt mạng, chủ yếu là binh lính Ấn Độ. Sự việc bắt đầu vào ngày 16 tháng 6, khi Bắc Kinh cáo buộc binh lính Ấn Độ băng qua đường ranh giới, phân chia giữa vùng Tây Tạng của Trung Quốc và bang Sikkim của Ấn Độ. Ngược lại, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh phá hoại an ninh của Ấn Độ và nước láng giềng Bhutan, khi mở rộng cơ sở hạ tầng gần biên giới. Cả hai phía đều không chịu nhượng bộ, và các hành động quân sự gần đây của Trung Quốc gây lo ngại rằng tình hình có thể sẽ thêm nghiêm trọng.

Venezuela: Đình công bùng phát thành bạo động
CARACAS - Vào hôm thứ Năm, cuộc đình công trên toàn đất nước Venezuela đã bùng phát thành bạo động, khi người biểu tình đụng độ cảnh sát và đốt một bưu điện gần văn phòng chính của đài truyền hình quốc gia. Người dân Venezuela đang hết sức giận dữ trước việc chính phủ của Tổng Thống Nicolas Maduro tìm cách viết lại hiến pháp để củng cố quyền lực. Nhiều thanh niên đeo mặt nạ đã nổi lửa đốt các hàng rào và ném đá vào cảnh sát, trong khi lực lượng an ninh đáp trả bằng hơi cay.
Trước đó, phe đối lập Venezuela đã kêu gọi đình công trên toàn quốc để phản đối Tổng Thống Maduro. Hệ thống xe bus công cộng gần như tê liệt, và hàng ngàn cơ sở kinh doanh tư nhân đã đóng cửa, bất chấp lời yêu cầu tiếp tục hoạt động của chính phủ. Ông Maduro đã xuất hiện trên đài TV quốc gia, khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực viết lại hiến pháp, và nói rằng hàng trăm công ty lớn của Venezuela vẫn đang hoạt động 100%. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa được xác nhận.
Chính phủ Venezuela đang chuẩn bị tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 30 tháng 7, để thành lập một Hội đồng lập hiến, nhằm viết lại hiến pháp và tái sắp xếp hệ thống chính trị, nhằm củng cố quyền lực cho đảng cầm quyền.

Kuwait trục xuất đại sứ Iran về nước
KUWAIT CITY - Đại sứ Iran tại Kuwait đã bị yêu cầu rời khỏi nước này trong vòng 48 ngày tới, sau khi 15 nhà ngoại giao Iran bị trục xuất. "Kuwait đã tuyên bố đại sứ Iran ông Alireza Enayati phải rời khỏi nước này trong vòng 48 ngày," theo tin hôm thứ Năm của hãng truyền thông chính phủ Iran ISNA.
Trước đó, chính phủ Kuwait đã ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao Iran và dừng các phái đoàn "quân sự, văn hóa và thương mại.” Quyết định này được đưa ra sau khi Tối Cao Pháp Viện Kuwait tuyên án tù chung thân đối với kẻ đứng đầu "nhóm khủng bố," cùng án tù có thời hạn với 20 người vì có liên hệ với Iran, lực lượng Hezbollah ở Lebanon, và âm mưu tấn công Kuwait.
Hãng truyền thông quốc gia Kuwait cũng loan tin, đại sứ quán Iran tại Kuwait City được yêu cầu giảm nhân viên, đóng cửa phòng kỹ thuật. Hành động này diễn ra trong bối cảnh đang có cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn tại vùng Vịnh. Ả Rập Saudi, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập UAE đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar từ ngày 5 tháng 6, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và Iran. Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố không chấp nhận các điều kiện để nối lại quan hệ ngoại giao. Kuwait đóng vai trò trung gian giải quyết khủng hoảng, nhưng chưa có tiến triển đáng kể.

Ba Lan: Hạ Viện bất chấp sự phản đối của EU
WARSAW – Các nhà lập pháp Ba Lan hôm thứ Năm đã phê chuẩn dự luật cho phép quốc hội có quyền bổ nhiệm các thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện, bất chấp sự phản đối của giới luật sư, các chính trị gia đối lập, và cả cộng đồng Liên Âu. Dự luật này được cho là sẽ đặt hệ thống tòa án dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ Ba Lan, dẫn đến phá hoại nền dân chủ và làm mất tính độc lập của luật pháp.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra một ngày sau khi Liên Âu cho Ba Lan thời hạn 1 tuần để đình chỉ dự luật. Nếu Warsaw không nhượng bộ, nước này có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả biện pháp mạnh tay là truất quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại hội đồng EU. Dự luật cải tổ tư pháp của Ba Lan được soạn thảo bởi đảng cầm quyền Law and Justice, đã được Hạ Viện phê chuẩn sau 3 ngày tranh luận và biểu tình dữ dội, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người trên khắp đất nước.
Dự luật này nay sẽ được chuyển lên Thượng Viện, nơi đảng Law and Justice đang chiếm thế đa số. Trong quá trình tranh luận, điều tra viên nhân quyền của Ba Lan, ông Adam Bodnar, nói với quốc hội rằng dự luật cải tổ tư pháp sẽ thay đổi cách thức chọn lựa thẩm phán, khiến người dân Ba Lan mất đi quyền có được một tòa án độc lập với chính phủ.
Nhiều nhà phê bình cũng cho rằng, dự luật này là nỗ lực của chính phủ Warsaw nhằm thành lập nền cai trị độc tài. Trong khi đó, đảng Law and Justice nói rằng, việc cải tổ là cần thiết để buộc tòa án làm việc có trách nhiệm hơn, và bảo đảm rằng các cơ quan chính phủ sẽ phục vụ mọi người dân Ba Lan, thay vì chỉ ưu tiên cho tầng lớp thượng lưu.

Động đất 5.8 độ Richter ngoài khơi Nhật Bản
HONSHU - Trận động đất có cường độ ban đầu 5.8 độ Richter đã xảy ra rạng sáng thứ Năm, phía đông bắc Tokyo, ngoài đảo lớn Honshu của Nhật Bản. Trung tâm cảnh báo sóng thần của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cho biết, tâm chấn được xác định ở độ sâu 33 cây số, cách Iwaki của đảo Honshu 79 cây số về phía đông - đông bắc. Trận động đất không gây cảnh báo sóng thần, và cũng không gây thiệt hại cho đất liền.
Nhật Bản là nơi thường xảy ra động đất, chiếm khoảng 20% các trận động đất mạnh 6 độ Richter hoặc hơn của thế giới. Đảo Honshu là đảo đông dân cư và quan trọng hàng đầu Nhật Bản. Ngày 11 tháng 3, 2011, trận động đất 9 độ Richter, mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản, và những đợt sóng thần có chiều cao đến 10 mét, đã tàn phá một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Nhật Bản, cướp gần 16,000 sinh mạng. Trận động đất gây nên sóng thần dẫn tới thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất, kể từ vụ Chernobyl ở Nga cách đây 25 năm.

Người Palestine bị bắn chết vì tấn công binh sĩ Israel
TÂY NGẠN – Một người Palestine đã bị bắn chết vào hôm thứ Năm, sau khi định dùng dao đâm hai binh sĩ Israel ở Tây Ngạn. Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh người Palestine càng lúc càng bất mãn với Israel, vì hệ thống máy dò kim loại mới được gắn ở khu đền thờ Temple Mount-Noble Sanctuary. Sau sự việc, lực lượng an ninh Israel cũng đã đụng độ với người Palestine tại Tekoa, gần thị trấn Bethlehem vùng Tây Ngạn.
Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu đang cân nhắc việc tháo bỏ máy dò kim loại tại khu đền thờ nổi tiếng. Biện pháp an ninh này được thực hiện sau khi một số người Ả Rập sống tại Isarael gây ra các vụ tấn công chết người nhắm vào cảnh sát, bên ngoài đền thờ Al-Aqsa vào tuần qua. Tuy nhiên, việc gắn máy dò kim loại đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ người Palestine.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT