Thể Thao

Anh và Hoa Kỳ vào tứ kết, Na Uy và Colombia bị loại

Monday, 22/06/2015 - 08:26:30

Thế nhưng đá banh thì, khác với chuyện ngoài đời, ai cũng đều học được chữ “ngờ” cả! Bởi vậy mà chưa đầy 10 phút sau, ở phút thứ 60 thì cũng lại từ một cú sút phạt góc bên cánh phải cấm địa của đội Na Uy...

Alex Morgan làm bàn thắng thứ nhất trong trận Hoa Kỳ thắng Colombia 2-0. (Getty Images)

Anh và Hoa Kỳ vào tứ kết, Na Uy và Colombia bị loại

Bài THANH NGUYỄN

Thứ Hai 22/6, tám đội bên Chile nghỉ xả hơi để chờ đấu tứ kết, trận đầu tiên vào ngày 24/6, tức là một ngày sau trận cuối cùng của vòng 16 bên Canada giữa Nhật với Hòa Lan. Trong ngày thì giới bóng đá quốc tế ở Âu Châu chỉ có hai cái tin nổi bật hơn cả. Một là tay Neymar của đội Brazil, bị kỷ luật không được đá cho đến ngày Copa America kết thúc, đã víết lời xin lỗi các bạn đồng đội cũng như đám khán giả mộ điệu. Trong lá thư của cu cậu có câu: “Tôi sẽ lấy kinh nghiệm của sự khiếm khuyết vừa qua để làm bài học nhằm tự tu sửa trong sự nghiệp bóng đá của mình.”

Để chờ đấy xem, vì cứ theo kinh nghiệm của loài người thì tính khí con người ta coi vậy chứ rất khó sửa!

Chuyện thứ hai là chuyện hục hặc giữa cầu thủ gạo cội của Real Madrid, Sergio Ramos, với ban lãnh đạo, mà nói thẳng ra là với chủ tịch Florentino Perez của R.M. Hai bên đã không ăn ý với nhau từ khá lâu. Ramos là đội phó của R.M; đội trưởng là Casillas. Mà Perez thì lại có ý muốn thay Casillas bằng cậu De Gea người Tây ban Nha của đội Manchester United bên Anh. Manchester United lại cắc cớ ra điều kiện là “Các anh muốn mua De Gea thì phải bán Ramos cho chúng tôi”!

Kỳ rồi, khi Perez sa thải huấn luyện viên Ancelotti thì Ramos và hầu như toàn đội R.M. lại lên tiếng ủng hộ ông Ancelotti. Hẳn nhiên là Perez rất bực mình vì thái độ đó của đám trẻ, mà vì Casillas cũng như Ramos là những tay đầu sỏ của đội cho nên Perez lại càng bất bình với cả đội trưởng lẫn đội phó. Chuyện còn dài!

Hai trận bên Canada

Trận đầu tiên là giữa Anh với Na Uy. Giới bình luận bóng đá Âu Châu thì cho là Na Uy có phần “ngon lành” hơn đội nữ của nước Hồng Mao.

Đôi bên đấu với nhau ở sân Lansdowne bên Ottawa. Trời nắng ráo đẹp đẽ. Khán đài không đông như ở sân tại Vancouver hôm Chủ Nhật 21 giữa Canada với Thụy Sĩ. Có thể vì hôm nay là đầu tuần, mà cũng có thể là dân Canada cốt rủ nhau đi em đội nhà của họ đấu, rồi khi thấy đội nhà đã thắng và lọt vào tứ kết thì ai khác muốn đấu với ai, thắng bại ra sao là “chuyện người dưng.”

Hiệp 1, Na Uy chứng tỏ đúng mình có phần “ngon lành” hơn đội Anh. Na Uy lo đá, Anh lo đỡ. Hiệp 1 cộng thêm 1 phút phụ trội vẫn bất phân thắng bại.

Qua hiệp 2, phút thứ 53, từ cú sút phạt góc bên cánh trái cấm địa của đội Anh, Solveig Gulbrandson đánh đầu trúng mép dưới sà ngang, banh văng xuống bên trong khung thành, một hậu vệ của Anh đá quả banh ra, thế nhưng vì banh đã lọt vào “không phận” bên trong khung thành cho nên Anh đành thua Na Uy 1 quả.

Xem tình hình hiệp 1 rồi nhìn vào kết quả vào phút 53 của hiệp 2 như thế thì huấn luyện viên của đội Na Uy đứng ngoài bìa sân, áo sơ-mi trắng hở cổ, người tròn trịa và chắc nịch như đòn bánh tét, với gương mặt nở nang lại càng thêm “nở nang mặt mũi” với thành tích chớp nhoáng của đội mình. Huấn luyện viên của đội Anh đứng cạnh đấy, cũng sơ-mi trắng hở cổ, khổ người nhỏ con hơn nhiều, trông lại như muốn thu mình cho nhỏ hơn trước bàn thua chớp nhoáng của đội mình.

Thế nhưng đá banh thì, khác với chuyện ngoài đời, ai cũng đều học được chữ “ngờ” cả! Bởi vậy mà chưa đầy 10 phút sau, ở phút thứ 60 thì cũng lại từ một cú sút phạt góc bên cánh phải cấm địa của đội Na Uy, Steph Houghton từ làn ranh trước cấm địa đánh đầu quả banh văng xuống sân cỏ nhân tạo trước khung thành, rồi banh nẩy lên mép trong cột phải khung thành và bay vào lưới. Tỷ số đôi bên trở thành 1-1. Huấn luyện viên đội Anh vung tay, xoay người, hô lớn lên một tiếng.

Và nếu ở hiệp 1 đội Na Uy chơi có phần “ngon lành” hơn đội Anh thì từ phút đó, xem ra đội Anh lại chơi có phần “ngon lành” hơn đội Na Uy. Có điều là cũng phải hai mươi phút sau, phút thứ 79 thì đội Anh mới bắt được cái trớn của phút 60. Banh trong phần đất Na Uy, Lucy Bronze sút từ khoảng 1 mét bên cánh phải làn ranh cấm địa của Na Uy. Banh bay vào góc phải khung thành. Thủ môn Hjelmseth nhảy vươn cao bàn tay trái lên đỡ, banh chạm tay nhưng do tốc độ nên vẫn bay vào lưới.

Kết thúc trận đấu với 3 phút phụ trội, Anh thắng Na Uy 2-1. Na Uy bị loại khỏi vòng 16.

 

Lucy Bronze làm bàn thắng thứ nhì cho đội Anh trong trận Anh thắng Na Uy 2-1. (Getty Images)

Trận giữa Hoa Kỳ và Colombia

Đôi bên đấu với nhau tại sân ở Edmonton bên vùng Alberta. Trời cũng nắng ráo, đẹp đẽ với những cụm mây trắng lửng lơ trên nền trời cao, xanh biếc.

Nếu trận trước đấy người ta cho rằng Na Uy “có thế” hơn đội Anh nhưng rồi Anh thắng thì trường hợp đội Hoa Kỳ đấu với đội Colombia, thiên hạ cũng cho là Hoa Kỳ dễ thắng hơn đội Colombia. Và trường hợp này thì cách đánh giá đó cũng không có gì sai lệch cho lắm, nhất là căn cứ vào quá trình giao đấu của hai đội từ vòng loại chứ không đợi cho đôi bên đụng trận ngày hôm nay.

Cứ trông cách dàn đội hình của đôi bên cũng đủ thấy quan điểm của mỗi bên. Hoa Kỳ dàn quân theo 4-4-2, chủ tấn công. Colombia dàn đôi ngũ theo 4-5-1; cho 1 tiền đạo tụt uống mé dưới để cùng thủ giữa sân với 4 trung đạo chính quy. Và chỉ cần vào trận chừng mươi phút là thấy rõ những mặt mạnh mặt yếu của cả đôi bên. Đội ngũ Hoa Kỳ khỏe, nhanh và đá chính xác hơn đội Colombia một cách rõ rệt. Banh cứ quanh quẩn trên phần sân Colombia. Colombia chỉ mải lo đỡ cho nên thỉnh thoảng chuyền một quả banh đường dài cho tiền đạo một mình bơ vơ trên phần sân đối phương thì phỏng có làm được gì với 4 hậu vệ khỏe mạnh, lanh lẹn của đội Hoa Kỳ ?

Nhưng cũng nhờ ráo riết cầm cự cho nên suốt hiệp 1 đội bên vẫn huề nhau 0-0!

Nhưng vào hiệp 2 một cái , phút 49, là tai biến xảy ra ngay cho đội Colombia. Banh lọt vào trước khung thành Colombia; thủ môn Perez chạy ra tranh banh, đốn ngã đối phương trái phép, bị cái thẻ đỏ ra khỏi sân. Thủ môn Castano thay thế nhưng một cầu thủ của Colombia phải ra khỏi sân vì Colombia chỉ còn được đấu với 10 người, kể cả thủ môn. Đã khó địch với đội Hoa Kỳ về mặt thể lực cùng tài nghề mà bây giờ lại còn cú penalty với 10 người thì số phận của Colombia kể như đã được định đoạt vào phút 49 đó!

Thế nhưng cái “chắc” và “không chắc” trong bóng đá là khi mà Abby Wambach đứng ra sút quả phạt đền – nhân vật Wambach mà báo chí Hoa Kỳ không ngớt đề cao từ bao nhiêu năm nay- thì chị chàng lại sút quả banh bay cách xa cột trái khung thành đến cả 3 mét chứ không ít, trong khi cô thủ môn Castano đã bay lạc hướng qua cánh phải khung thành!

Thế nhưng chỉ không đầy 5 phút sau, từ một quả banh bên cánh phải cấm địa của Colombia, Alex Morgan –cũng lại một nhân vật được báo chí bơm lên tối đa- sút chéo vào góc phải khung thành, Castano nhào qua đỡ, banh chạm vào người và văng vào trong lưới. Hoa Kỳ gác Colombia 1 bàn. Cứ xem tình hình thì cũng thấy ngay là trừ phi có một thứ “phép mầu” nào đấy chứ còn thua một quả không thôi thì Colombia cũng khó có cách chi mà gỡ!

Để rồi đến phút thứ 64, banh trong cấm địa của Colombia thì Rapinoe của đội US bị đốn ngã. Lại penalty! Và lần này thì Lloyd sút lọt lưới.

 

Ingrid Vidal áo vàng của Colombia đang giành banh với Alex Krieger áo trắng của Hoa Kỳ tại giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới Nữ 2015 diễn ra trên sân Edmonton, Canada ngày thứ Hai. (Hình: Todd Korol/Getty Images)

 Nếu như có điều gì đấy đáng ngạc nhiên thì nó là ở chỗ cho đến hết trận đấu, Hoa Kỳ cũng chỉ thắng Colombia được có 2 bàn trắng. Hoa Kỳ vào tứ kết đấy, Colombia sớm quay về nước đấy, thế nhưng vào tứ kết thì Hoa Kỳ sẽ không đụng trận với cỡ kém sức kém tài so với mình như đội Colombia!

Trong ngày thì ông Obama cũng đã gửi cái “message” chúc đội nữ của Hoa Kỳ đạt được thắng lợi! Có điều là chưa xong tứ kết, bán kết, chung kết thì tòa Bạch Ốc e cũng chưa có kế hoạch để mời đội nữ Hoa Kỳ đến số 1600 Pennsylvania ở Washington D.C. mà dự tiệc liên hoan! Còn hơi sớm!

 

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT