Hoa Kỳ

Apple "chính thức phản đối" lệnh buộc công ty giúp mở khóa iPhone

Wednesday, 02/03/2016 - 09:49:47

Các công tố viên liên bang nói rằng chiếc máy điện thoại làm việc của Farook, do San Bernardino County cấp cho anh ta, có thể giấu ẩn “bằng chứng quan trọng” về cuộc tấn công khủng bố, bao gồm bất kỳ cuộc liên lạc nào với những kẻ cực đoan khác.

Ông Tim Cook, CEO của Apple.

 

CALIFORNIA - Hôm Thứ Ba, Apple thuyết phục các nhà lập pháp giúp giải quyết cuộc đối đầu căng thẳng giữa đại công ty kỹ nghệ này với chính phủ Hoa Kỳ. Cách mấy giờ sau đó, Apple chính thức lên tiếng phản đối lệnh của một nữ thẩm phán liên bang bắt công ty này phải giúp cho các nhân viên FBI đột nhập vào một chiếc máy điện thoại iPhone. Chiếc máy này đã được để lại bởi một trong hai kẻ nổ súng bắn chết nhiều người ở San Bernardino, California.

Trong một hồ sơ nộp tại Tòa Án Liên Bang Địa Hạt Miền Trung California, các luật sư đại diện cho Apple đã thông báo cho thẩm phán rằng thân chủ của họ “chính thức phản đối” lệnh do bà đưa ra cách đây hai tuần. Thông báo nói rằng hồ sơ ấy đã được nộp “một cách hết sức thận trọng”. Bản thông báo được đưa ra cách ba tuần trước khi các công tố viên liên bang và các luật sư của Apple đích thân biện luận cho trường hợp của họ trước mặt thẩm phán liên bang Sheri Pym.Apple đã nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh của bà Pym trong những cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông và trong những văn bản công khai. Mới đây nhất là trước một ủy ban Hạ Viện vào hôm Thứ Ba, khi luật sư chính Bruce Sewell của Apple tố cáo việc FBI yêu cầu Apple tạo ra một “cửa sau” để vào chiếc iPhone ấy. Ông Sewell - nói rằng đó là một động thái “quá nguy hiểm”, vì “sẽ làm suy yếu an ninh cho tất cả” các máy iPhone.

Các giới chức hàng đầu của FBI đã bác bỏ quan điểm cho rằng việc Apple giúp đỡ trong cuộc điều tra về vụ thảm sát ở San Bernardino sẽ gây nguy hiểm cho những máy điện thoại khác trên thế giới. Trong tuần qua, giám đốc FBI James Comey nói với Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện: “Mật mã mà thẩm phán đã chỉ thị cho Apple viết chỉ hoạt động trong chiếc máy điện thoại này mà thôi. Vì vậy ý ​​tưởng cho rằng mật mã ấy lọt ra ngoài, và hoạt động trong điện thoại của tôi hoặc điện thoại của bạn, thì không phải là một điều có thực. Ngoài ra, mật mã ấy sẽ có tại Apple, và tôi nghĩ rằng công ty này đã làm được một công việc khá tốt trong việc bảo vệ mật mã của họ”.

Vào ngày 2 tháng 12 năm 2015, Syed Farook và vợ của anh ta là Tashfeen Malik mở một cuộc tấn công gây chết người, tại một bữa tiệc vào một dịp lễ của chính quyền quận hạt, giết chết 14 bạn đồng nghiệp của Farook ở San Bernardino. Ông Comey nói, với những cuộc tấn công như vậy, công chúng cần phải hiểu “những phí tổn của việc tiến tới đến một thế giới mã hóa phổ biến và hùng mạnh”.

Giám đốc Comey khẳng định: “Tôi yêu thích việc mã hóa”, nhưng ngành thực thi công lực thực sự cứu mạng dân chúng, giải cứu các trẻ em, và cứu các khu phố thoát khỏi những kẻ khủng bố..và chúng tôi làm điều đó rất nhiều thông qua những trát tòa ra lệnh lục soát các thiết bị di động”.

Các công tố viên liên bang nói rằng chiếc máy điện thoại làm việc của Farook, do San Bernardino County cấp cho anh ta, có thể giấu ẩn “bằng chứng quan trọng” về cuộc tấn công khủng bố, bao gồm bất kỳ cuộc liên lạc nào với những kẻ cực đoan khác.

Trong lời làm chứng của ông hôm thứ Ba, Sewell nói với các thành viên Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện rằng “quý vị và các đồng nghiệp của quý vị, với tư cách là những người đại diện của dân chúng”, chứ không phải là một thủ tục tòa án, phải giải quyết các vấn đề đang bàn. Trước đó trong tuần này, một thẩm phán liên bang chủ tọa xét xử một vụ án riêng rẽ có liên quan đến ma túy ở Brooklyn, New York, nói rằng nhà chức trách liên bang không có thẩm quyền pháp lý để buộc Apple phải bẻ khóa đột nhập vào một chiếc iPhone.

Nhiều nhà quan sát tin rằng ít nhất một trong những trường hợp ấy có thể rốt cuộc được đưa ra trước Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT