Thể Thao

Asian Cup vòng tứ kết: Nhật thua UAE, Iraq thắng Iran

Friday, 23/01/2015 - 08:33:33

Iraq thắng Iran, gây sửng sốt cho nước láng giềng tại giải Asian Cup đang diễn ra ở nước Úc. Cũng trong vòng tứ kết hôm thứ Sáu, Nhật gây ngỡ ngàng sau khi thua tiểu vương UAE.


Hai người đang ăn mừng chiến thắng của Iraq trên đường phố thủ đô Baghdad ngày thứ Sáu, sau khi đội tuyển quốc gia Iraq thắng Iran, gây sửng sốt cho nước láng giềng tại giải Asian Cup đang diễn ra ở nước Úc. Cũng trong vòng tứ kết hôm thứ Sáu, Nhật gây ngỡ ngàng sau khi thua tiểu vương UAE. Cả hai trận đều được giải quyết băng phương pháp đá luân lưu. Hình bên phải là cầu thủ Yoshinori Muto phản ứng sau khi đá trật khung thành của UAE. (Hình: Ali Al-Saadi/ Saeed Khan/Getty Images)

Giải Asian Cup vòng tứ kết: Nhật thua UAE, Iraq thắng Iran
Bài THANH NGUYỄN

SYDNEY - Hai trận tứ kết giữa Nhật với United Arab Emirates và Iran với Iraq ngày thứ Sáu vừa qua đã có những điểm ngoạn mục không kém hai trận một ngày trước đó. Và cũng có những mặt tương tự nhưng theo cách khác.
Nếu trong cả hai trận ngày thứ Năm mà chỉ một cầu thủ của Úc cũng như một cầu thủ của Nam Hàn thắng 2 bàn trắng để đưa đội mình vào bán kết thì trong cả hai trận ngày thứ Sáu, cả bốn đội đều phải qua đá luân lưu (penalty shootout) sau 120 phút giao đấu chính thức để phân thắng bại. Và hấp dẫn, gay cấn nhất, vấn là ở chặng đá luân lưu.

Trận Iran và Iraq
 
Iraq từng là vô địch giải vô địch túc cầu Á Châu năm 2007; nhưng đội Iran cũng không phải “tay vừa.” Đôi bên giao đấu tại sân vận động ở Canberra. Hiệp 1, cầu thủ Iran làm bàn trước tiên ở phút 24 với quả đánh đầu. Phút 56 cầu thủ Iraq gỡ hòa với 1 cú sút vào góc dưới khung thành.
Trước đó có màn gay cấn: Banh lọt vào vòng cấm địa của Iraq, thủ môn Iraq bay ra để kịp vồ quả banh trong tay nhưng một cầu thủ Iran vẫn chạy lướt tới, hai chân dạng ra trên người thủ môn Iraq vẫn còn nằm trên cỏ. Anh thủ môn này nổi dóa, đứng lên đẩy mạnh vào ngực cầu thủ Iran khiến anh này ngã bật ngửa trên cỏ, xong rồi thủ môn Iraq chạy ra phân bua cái gì đó với trọng tài. Trọng tài rút ra cái thẻ đỏ, tưởng là thủ môn Iraq sẽ bị trục xuất, nhưng hóa ra anh cầu thủ Iran kia lại bị trục xuất. Iran đấu với 10 người còn lại cho đến hết trận banh.
Hết hai hiệp 90 phút theo quy đinh, với tỷ số giữa đôi bên là 1-1. Chuyển qua 2 hiệp phụ trội, mỗi hiệp 15 phút.
Phút 93: Iraq thắng 1 quả đánh đầu. Phút 103: Iran thắng một quả đánh đầu, gỡ hòa 2-2.
Phút 116: Cầu thủ Iraq đưa banh vào trước khung thành nhưng bị cầu thủ Iran ngáng chân ngã. Penalty, với thêm 1 bàn thắng cho Iraq. Tưởng đến giờ phút đó thì đã yên chuyện, nào ngờ phút 119, tức chỉ còn 1 phút nữa là hết 30 phút phụ trội, từ một quả hưởng cú phạt góc cầu thủ Iran đón được banh, sút trúng cột khung thành, bật ra, một cầu thủ Iran khác nhận được quả banh bật ra đó, sút bồi một quả nhưng lại trúng sà ngang khung thành, banh bật trở xuống, và lại một cầu thủ Iran khác đánh đầu quả banh lọt lưới. Kết thúc 120 phút giao đấu với tỷ số 3-3; cực kỳ gay cấn.
Nếu có những giây phút khiến ủng hộ viên của hai đội banh dễ bị xuất huyết máu não hay nhồi máu cơ tim thì ấy là khi hai đội giải quyết thắng bại bằng đá luân lưu. Có không hiếm phóng viên tường thuật một trận đấu bóng vẫn thường chép miệng trước khi khởi sự cái màn này, “Và bây giờ thì đến màn sổ số.”.
Thực ra thì cũng khó nói rằng “penalty shootout” là chuyện may rủi. Thủ môn đội này với đội kia có hơn nhau hay không là về những mặt phản xạ, trực giác khi đoán hướng banh, v.v. Mà gì thì gì đi nữa, cái khung thành rộng thênh thang như vậy nhưng cầu thủ một bên mà không đá vào đúng khung thành đó, khoan nói gì đến việc thủ môn đối phương có đón bắt banh được hay không, thì sao gọi là “rủi may”?
Iran đá quả penalty đầu tiên: Banh bay tuốt lên trời. Iraq sút tiếp đấy: Banh ra ngoài khung thành! Từ đó đôi bên làm bàn cho đến cú sút thứ 15 thì Iran đá trúng cột gôn, banh bật ra ngoài. Cú sút thứ 16: Salam Shakir đá lọt lưới, đưa đội Iraq vào bán kết ngày thứ Hai tới đây với tỷ số 3-3 và tỷ số Iraq-Iran 7-6. Trên màn hình TV, một cầu thủ Iran nước mắt ròng ròng !

Trận Nhật và UAE

Trận này thì tất nhiên cũng gay go không thua so với trận trên. Đối với các nhà bình luận bóng đá quốc tế thì rất có thể ấn tượng chung là “ngỡ ngàng.” Người viết ở đây khi theo dõi trận banh cũng đã ngỡ ngàng đến cái mức khi viết những dòng bình luận ở đây thì cũng chỉ muốn rút gọn nó lại cho đỡ phải thêm … ngỡ ngàng!
Trận đấu diễn ra ở Sydney. Phút thứ 7, cầu thủ Ali Mabkhout của UAE từ một góc của khung thành Nhật sút lọt lưới quả đầu tiên của trận đấu. Phải mãi dến phút 81 của hiệp 2 thì cầu thủ Shibasaki của Nhật mới gỡ hòa được với tỷ số 1-1. Phút cuối cùng của hiệp 2, banh trong chân đám cầu thủ Nhật lọt vào vòng cấm địa của UAE.
Đá qua đá lại, giao banh qua giao banh lại, banh lọt đến chân của Shinji Kagawa, một trong những tay cầu thủ hàng đầu Nhật và cũng là cầu thủ của Borussia Dortmund (Đức), Manchester United (Anh) mua với 12 triệu Euro, rồi Dortmund vừa mua lại với giá 6 triệu Euros. Giữa Kagawa với khung thành hầu như là thoáng, ấy vậy mà cú sút đưa quả banh chệch khỏi cột trái khung thành chừng hai gang tay! Trước cú sút đó, người tường thuật trận đấu trên màn hình TV đã hô to lên là “Shinji Kagawa chắc chắn sẽ đưa Nhật vào bán kết” ! Đây đúng là một trường hợp “Coi vậy mà không phải vậy”!
Hai hiệp của 30 phút phụ trội cho 90 phút theo quy định cũng không giải quyết được thắng bại giữa đôi bên.
Và thế là cũng lại cái màn đá luân lưu.
Trình tự các cú sút:
1. Keisuke Honda của Nhật đá vọt quả banh lên trời. Và đây cũng là cầu thủ thuộc hàng đầu của Nhật kiêm cầu thủ thường trực của đội Milan bên Ý.
Cầu thủ Omar của UAE ( trông rất giống David Luiz người Brazil trong đội Paris Saint Germains của Pháp ) làm bàn.
2. Nhật làm bàn. UAE lam bàn.
3. Nhật làm bàn. UAE làm bàn.
4. Nhật làm bàn. Cầu thủ UAE bắt chước Honda, sút quả banh lên trời !
5. Nhật làm bàn. UAE làm bàn
6. Shinji Kagawa sút banh vào cột trái của khung thành; banh bật ra ngoài. Ahmed của đội UAE đá lọt lưới, đưa đội mình vào bán kết trong tuần tới.
Suy nghĩ kết luận. Không lẽ cỡ như Keisuke Honda với Shinji Kagawa mà lại kém cỏi đến thế? Chỉ còn có thể suy nghĩ theo hướng này: Đấy là những giây phút cực kỳ căng thẳng cho cả hai đội banh, không chừa một ai. Người đá quả banh vọt lên trời – như Honda - thì có thể đã nhắm cho banh lọt vào phía dưới sà ngang để thủ môn đối phương khó đỡ.
Còn Shinji Kagawa thì rất có thể cũng muốn đưa quả banh vào góc trái khung thành để thủ môn đối phương khó nhào theo mà ngăn chặn kịp. Bởi thế mà banh mới bay trúng ngay cột khung thành. Có thể là như thế. Mà cũng có thể người viết ở đây quá ngỡ ngàng với hai danh thủ đó cho nên mới “luận” ra như thế! (tn)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT