Thế Giới

Azerbaijan tuyên bố không nhượng bộ khi đàm phán đình chiến

Friday, 09/10/2020 - 05:21:39

Tuyên bố của Tổng Thống Ilham Aliyev làm giảm khả năng đạt được thỏa thuận, dù các ngoại trưởng của Azerbaijan và Armenia đã đến Moscow, Nga, để thương lượng.


Người Lebanon gốc Armenia đang xem hình ảnh chiến tranh từ Nagorno-Karabakh tại thủ đô Beirut ngày 9 tháng 10, 2020. Armenia và Azerbaijan đã tranh giành chủ quyền tại Nagorno-Karabakh suốt mấy thập niên. Vùng này có đông người Armenia và từng tách ra khỏi Azerbaijan khi chế độ Liên Sô sụp đổ trong thập niên 1990. Chiến tranh vào lúc đó đã giết chết khoảng 30,000 người. Nay số tử thương đã lên tới hàng trăm người kể từ cuối tháng 9 đến nay. (Anwar Amro/ AFP via Getty Images)

 

BAKU - Tổng thống Azerbaijan đã bác bỏ khả năng nhượng bộ Armenia, trong lúc hai bên đang đàm phán để đình chiến tại vùng Nagorno-Karabakh, cũng là cuộc chiến chết người nhiều nhất tại khu vực Nam Caucasus trong hơn 25 năm qua.

Tuyên bố của Tổng Thống Ilham Aliyev làm giảm khả năng đạt được thỏa thuận, dù các ngoại trưởng của Azerbaijan và Armenia đã đến Moscow, Nga, để thương lượng.

Cuộc gặp giữa các ngoại trưởng là sự liên lạc ngoại giao đầu tiên giữa hai nước, sau khi chiến sự bùng lên tại vùng Nagorno-Karabakh vào ngày 27 tháng 9, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Khu vực miền núi này thuộc về Azerbaijan theo luật quốc tế, nhưng đã ly khai trong một cuộc chiến vào lúc Liên Xô sụp đổ, và hiện đang được kiểm soát bởi cộng đồng người Armenia.

Xuất hiện trên truyền hình vào thứ Sáu, Tổng Thống Aliyev nói ngoại trưởng của ông đến Moscow để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và sẽ không nhượng bộ.

Ông Aliyev nó thêm rằng quân đội Azerbaijan đang thắng thế và lực lượng Armenia sẽ phải rời đi. Trong khi đó, chính phủ Armenia cho biết các cuộc họp sẽ tập trung vào việc chấm dứt các hành động thù địch và trao đổi tù nhân cùng thi thể người chết.

Cuộc đàm phán ngừng bắn tại Moscow diễn ra theo sự vận động của Pháp, Nga, và Hoa Kỳ, do Tây Phương lo ngại một cuộc chiến lớn hơn có thể xảy ra, kéo theo cả Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận của Azerbaijan, và Nga, nước có hiệp ước quốc phòng với Armenia.

Ngoài ra, chiến sự cũng đang gây nguy hiểm cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Azerbaijan đến Âu Châu.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT