Thế Giới

Ba binh chủng hợp tác chế hỏa tiễn siêu âm

Monday, 30/07/2018 - 08:51:23

Trung Quốc được cho là đang dẫn đầu thế giới về công nghệ vũ khí siêu vượt âm, ít nhất là trong việc sử dụng loại vũ khí này cho chiến trường thực tế. DF-17 là hệ thống hỏa tiễn đầu tiên sử dụng đầu đạn siêu vượt âm trên thế giới, dự kiến được Bắc Kinh sử dụng vào năm 2020.


Dàn hỏa tiễn siêu âm của Ấn Độ.

Các binh chủng hải, lục, không quân của Hoa Kỳ vừa lập kế hoạch hợp tác để đẩy nhanh quá trình sản xuất vũ khí siêu vượt âm, nhằm đối phó Nga và Trung Quốc. Các bộ trưởng Không quân, Lục quân và Hải quân vừa ký một thỏa thuận hợp tác về chương trình phát triển một mẫu hỏa tiễn siêu vượt âm, có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tân tiến nhất thế giới.

Theo Bộ Trưởng Không Quân Heather Wilson, trong hơn 10 năm qua, Ngũ Giác Đài đã nỗ lực thiết kế và chế tạo hỏa tiễn có tốc độ trên Mach 5 (tốc độ cao gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Với sự hợp tác của các binh chủng, mẫu hỏa tiễn này có thể được thử nghiệm vào năm 2020 hoặc 2021, sớm hơn nhiều so với thời gian dự kiến được Bộ Quốc Phòng công bố trước đó.

"Mỗi binh chủng đều có chương trình riêng. Chương trình phát triển đầu đạn của Lục quân tiến triển tốt hơn Không quân. Vì vậy, chúng ta có thể lắp đầu đạn này lên một hỏa tiễn của Không quân và phóng vũ khí này từ oanh tạc cơ B-52, trong khi Lục quân tiếp tục phát triển hệ thống dưới mặt đất và Hải quân muốn đưa nó lên chiến hạm,” bà Wilson nói.

Nữ bộ trưởng cũng khẳng định việc nghiên cứu phát triển vũ khí siêu vượt âm sẽ gặp nhiều khó khăn bởi những yêu cầu cao về tốc độ cũng như kích thước.

Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Chiến Lược (STRATCOM) John Hyten trước đây từng nhận xét rằng, hiện Hoa Kỳ chưa có biện pháp phòng thủ nào chống lại những vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc.

Vũ khí siêu vượt âm thường có tốc độ khoảng 6,175-12,000 cây số/giờ. Về nguyên lý hoạt động, vũ khí siêu vượt âm đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của đầu đạn hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa để tăng tầm bắn và khả năng lẩn tránh lưới phòng không đối phương. Ngoài ra, vũ khí này cũng có khả năng cơ động phức tạp trong khi bay, khiến các hệ thống phòng thủ không thể xác định chính xác quỹ đạo bay để đánh chặn.

Trung Quốc được cho là đang dẫn đầu thế giới về công nghệ vũ khí siêu vượt âm, ít nhất là trong việc sử dụng loại vũ khí này cho chiến trường thực tế. DF-17 là hệ thống hỏa tiễn đầu tiên sử dụng đầu đạn siêu vượt âm trên thế giới, dự kiến được Bắc Kinh sử dụng vào năm 2020.

Trong thông điệp liên bang hôm 1 tháng 3 vừa qua, Tổng Thống Nga Vladimir Putin cũng giới thiệu hai vũ khí siêu vượt âm, gồm hệ thống hỏa tiễn diệt hạm Kinzhal đủ sức đánh chìm tàu chiến từ khoảng cách 2,000 cây số, cùng phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard với tốc độ tới 25,000 cây số/giờ và tầm bắn 10,000 cây số.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT