Thế Giới

Ba binh sĩ Ấn Độ rớt khỏi trực thăng vì đứt thang dây

Friday, 12/01/2018 - 10:17:50

Các binh sĩ này đã được đưa vào bệnh viện, và không bị nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân tai nạn được cho là do thang dây kém phẩm chất. Nhà chức trách Ấn Độ đang điều tra sự việc.



NEW DELHI - Ba binh sĩ của Ấn Độ đã bị thương do bị rơi khỏi trực thăng trong một buổi diễn tập hồi đầu tuần. Sự việc xảy ra hôm thứ Ba tại New Delhi, khi các binh sĩ Ấn Độ tập luyện cho cuộc diễn hành mừng kỷ niệm ngày thành lập quân đội 15 tháng 1. Khi đó, các binh sĩ từ trên trực thăng quân sự ALH Druv đu thang dây xuống bãi đất trống. Tuy nhiên, chiếc thang dây bị đứt khiến các binh sĩ rơi xuống và bị thương. Binh sĩ thứ nhất rơi ở độ cao khoảng 2 mét, binh sĩ thứ hai từ độ cao khoảng 6 mét và người cuối cùng từ độ cao ít nhất 15 mét.
Các binh sĩ này đã được đưa vào bệnh viện, và không bị nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân tai nạn được cho là do thang dây kém phẩm chất. Nhà chức trách Ấn Độ đang điều tra sự việc.

Nga tiêu diệt thủ phạm tấn công căn cứ ở Syria
MOSCOW - Bộ Quốc Phòng Nga hôm thứ Sáu tuyên bố đã tiêu diệt nhóm phiến quân thực hiện vụ tấn công bằng máy bay không người lái (drone) nhằm vào căn cứ Nga ở Syria tuần trước. Thông cáo của Bộ Quốc Phòng Nga cho biết, nhóm phiến quân bị tiêu diệt sau một chiến dịch đặc biệt của quân đội Nga ở Syria. "Ở giai đoạn cuối của chiến dịch, một đơn vị đặc nhiệm đã tìm ra doanh trại của nhóm phiến quân gần biên giới phía tây của tỉnh Idlib. Nhóm phiến quân bị tiêu diệt bằng đạn pháo thông minh Krasnopol có độ chính xác cao,” thông cáo cho biết.
Trước đó, vào đêm 6 tháng 1, 13 máy bay drone đồng loạt tấn công vào căn cứ Không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria. Lực lượng Nga đã nhanh chóng bắn hạ 7 máy bay drone, trong khi 6 máy bay còn lại bị khống chế. Đây là lần đầu tiên phiến quân sử dụng máy bay drone để tấn công căn cứ quân sự của Nga ở Syria. Tổng Thống Vladimir Putin tuyên bố đã biết thủ phạm là ai, nhưng từ chối tiết lộ.
Thông cáo của Bộ Quốc Phòng Nga cho biết, Moscow xác định được các máy bay drone này bắt nguồn từ tỉnh Idlib, Syria. Ngoài ra, các đơn vị tình báo quân sự của Nga cũng phát hiện và phá hủy một kho chứa máy bay drone dùng cho vụ tấn công “chưa từng có” vào căn cứ Hmeimim và Tartus.

Binh sĩ Ấn, Pakistan đấu súng ở Kashmir
KASHMIR - Binh lính Ấn Độ và Pakistan hôm thứ Sáu đã nổ súng vào các vị trí của nhau ở Đường kiểm soát LoC tại khu vực Kashmir. Vị trí xảy ra sự việc là khu vực Kamalkote, thuộc thị trấn biên giới Uri. Một viên chức Ấn Độ cho biết, quân đội Pakistan đã nổ súng dọc theo đường LoC ở Uri theo từng đợt ngắt quãng. Viên chức quân đội Ấn Độ nói, lực lượng Pakistan nổ súng vào khu vực Uri từ đêm thứ Năm, buộc quân đội Ấn Độ phải nổ súng "đáp trả một cách có hiệu quả". Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại hay thương vong từ hai bên sau sự việc.
Đường LoC là ranh giới trên thực tế phân chia vùng Kashmir làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát, nhưng cả hai nước đều đòi chủ quyền với toàn bộ Kashmir. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào năm 2003, các vụ đụng độ giữa binh sĩ hai bên ở khu vực biên giới vẫn thường xảy ra. Năm ngoái, có 820 vụ nổ súng xảy ra ở Kashmir, cả Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc nhau vi phạm thoả thuận.

Thặng dư thương mại giữa Tàu và Mỹ cao kỷ lục
BẮC KINH - Thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ đã tăng thêm vào năm ngoái, khiến có thể dẫn đến các phản ứng giận dữ từ Tổng Thống Donald Trump, và làm tăng nguy cơ về chiến tranh thương mại. Theo báo cáo ngày thứ Sáu, sự chênh lệch giữa xuất cảng và nhập cảng của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã tăng thêm 10%, lên $275.8 tỷ Mỹ kim. Thương mại giữa 2 nước đã trở thành chủ đề nhạy cảm, sau khi tổng thống Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh không công bằng, và cho rằng tình trạng này làm giảm số lượng việc làm tại Hoa Kỳ.
Các bình luận của ông Trump, cùng các hành động như rút lui khỏi TPP và dọa hủy bỏ NAFTA, đã khiến nhiều người lo ngại chiến tranh thương mại có thể xảy ra. Việc thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng có thể sẽ khiến Hoa Kỳ cân nhắc các biện pháp mạnh tay. Trong năm nay, Washington dự kiến cũng sẽ công bố kết quả điều tra về cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc cho đến nay vẫn không phản ứng quá mạnh trước những lời đe dọa tăng thuế và điều tra của Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, trong lịch sử, Bắc Kinh cũng từng đáp trả lệnh tăng thuế của Washington bằng các biện pháp tương tự. Báo cáo ngày thứ Sáu của cơ quan Quan Thuế cũng cho thấy giá trị xuất cảng của Trung Quốc tăng 7.9%, trong khi nhập cảng tăng 15.9%. Sự phát triển ngoại thương giúp các lãnh đạo Trung Quốc có thêm thời gian để thực hiện mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế, từ phụ thuộc xuất cảng sang phát triển ổn định dựa vào tiêu thụ nội địa.

Nepal hợp tác với Trung Quốc để mở rộng Internet
KATHMANDU – Cchính phủ Nepal đã hợp tác với Trung Quốc để cung cấp dịch vụ Internet cho người dân, chấm dứt tình trạng độc quyền của Ấn Độ vốn đã kéo dài nhiều thập niên qua. Từ nhiều năm nay, Nepal luôn phải phụ thuộc vào các hãng viễn thông của Ấn Độ để kết nối với mạng điện toán toàn cầu. Theo các viên chức Nepal, tình trạng này khiến dịch vụ Internet quốc gia dễ bị tấn công hoặc dễ gặp trục trặc. Mới đây, hãng Nepal Telecom và China Telecom Global đã bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet, sau khi hoàn thành việc lắp đặt đường cáp quang giữa vùng Kerung của Trung Quốc và Rasuwagadi của Nepal, cách thủ đô Kathmandu khoảng 30 dặm về phía bắc.
Viên chức Nepal nói, dự án này giúp quốc gia có thêm lựa chọn khác ngoài Ấn Độ cho dịch vụ Internet, bảo đảm việc kết nối không bị gián đoạn. Hơn 60% trên tổng số 28 triệu dân Nepal đã được tiếp cận với Internet vào năm ngoái, tăng đáng kể so với chỉ 19% vào năm 2012. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Nepal, vùng đệm giữa 2 cường quốc châu Á, bằng cách hứa hẹn đầu tư vào các dự án hạ tầng và thủy điện. Vào năm 2016, Bắc Kinh đã đồng ý cho Nepal sử dụng các hải cảng của nước này để trao đổi hàng hóa với nước thứ 3, chấm dứt thế độc quyền của Ấn Độ trong việc cung cấp cho Nepal con đường giao dịch thương mại. Nepal vào năm ngoái đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, và đang đàm phán với Bắc Kinh để mở rộng mạng lưới đường sắt từ Tây Tạng đến Nepal.

Trung Cộng đòi Delta xin lỗi vì gọi Đài Loan là quốc gia
BẮC KINH - Cơ quan hàng không Trung Quốc cho biết đã yêu cầu Delta Air Lines điều tra lý do Đài Loan, Tây Tạng được liệt kê là “quốc gia” trên trang web của hãng, và yêu cầu xin lỗi công khai. Ngoài ra, nhà chức trách Trung Quốc cũng cho biết sẽ yêu cầu tất cả hãng hàng không nước ngoài vận hành các tuyến đường đến Trung Quốc phải kiểm tra trang web, và "thực hiện đúng luật pháp và quy định của Trung Quốc để ngăn chặn điều tương tự xảy ra.” Vào sáng thứ Sáu, những người vào xem phần nhận xét của Delta trên trang web Trung Quốc của hãng này có thể chọn Tây Tạng và Đài Loan là những quốc gia mà họ muốn đến. Tuy nhiên, phần lựa chọn Tây Tạng đã bị xóa vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày.
Trước đó, vào ngày thứ Năm, hệ thống khách sạn Marriot cũng phải xin lỗi chính phủ Trung Quốc vì gọi Tây Tạng và Đài Loan là các quốc gia, trong một cuộc thăm dò ý kiến khách hàng. Trên trang web của mình, Tập đoàn Quốc tế Marriott cho biết họ "tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc" và "hoàn toàn không ủng hộ bất kỳ tổ chức ly khai nào làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.” Vì sự việc này, một số quản lý của Marriott đã bị cảnh sát thẩm vấn, với lý do điều tra việc hãng này có thể vi phạm luật an ninh mạng của Trung Quốc.
Bắc Kinh rất nhạy cảm về tình trạng của Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Cộng coi là một phần lãnh thổ, cùng với tình trạng của khu tự trị Tây Tạng. Bắc Kinh thường tấn công các nhà xuất bản sách, bản đồ, hoặc chương trình điện toán, mô tả Đài Loan như một quốc gia độc lập.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT