Thế Giới

Bà giám đốc của Huawei được đóng $10 triệu tiền thế chân, sẽ bị dẫn độ qua Mỹ

Tuesday, 11/12/2018 - 08:49:21

Lệnh bắt bà Meng của Hoa Kỳ phải được coi là một phần trong một chiến lược rộng lớn hơn. Chiến lược đó là cắt bỏ những chiếc cánh của Huawei, có lẽ là công ty công nghệ cao và có tầm vóc toàn cầu, quan trọng nhất của Trung Quốc.


Người Trung Hoa trưng cờ Trung Cộng trong cuộc biểu tình bên ngoài tòa án tại Vancouver, Canada ngày thứ Ba, 11 tháng 12, 2018. Họ yêu cầu Canada thả bà Meng Wanzhou. (Getty Images)

VANCOUVER – Bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu), tổng giám đốc tài chánh của đại công ty Huawei của Trung Quốc đã được một quan tòa tại Canada cho phép đóng $10 triệu Gia kim (khoảng $7.5 triệu Mỹ kim), để được tại ngoại trong lúc chờ ngày bị dẫn độ qua Hoa Kỳ, nơi bà bị tố cáo đã trợ giúp Huawei tránh né luật cấm vận của Hoa Kỳ đối với Iran.


Bà Meng, 46 tuổi, bị bắt vào ngày 1 tháng 12 tại Phi Trường Quốc Tế Vancouver, trong lúc chuyến bay của bà được chuyển tiếp tại phi trường này.


Meng Wanzhou (CNN)

Theo điều kiện được đóng tiền thế chân tại ngoại, bà Meng Wanzhou phải nộp hết các hộ chiếu, hay sổ thông hành. Bà có ít nhất bốn hộ chiếu mà trong đó có ba hộ chiếu do Hồng Kông cấp. Cũng theo điều kiện do tòa thượng thẩm tỉnh bang British Columbia đưa ra, bà Meng phải sống trong một trong những ngôi nhà của bà ở Vancouver. Bà phải đeo còng điện tử GPS và phải tự trả tiền cho các nhân viên bảo vệ an ninh 24-7.

Quyết định được công bố ngày thứ Ba diễn ra trong ngày thứ Ba tòa lắng nghe trường hợp bị bắt của bà Meng. Bà là giám đốc cao cấp của một trong các công ty lớn nhất thế giới chuyên sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng điện toán. Ngoài chức tổng giám đốc tài chánh, bà cũng là phó chủ tịch hội đồng quản trị của Huawei.

Tại sao Meng Wanzhou có 3 passport Hồng Kông?

Từ khi bà Meng bị bắt, Trung Cộng đã phẫn nộ và yêu cầu Canada phải thả bà ngay lập tức. Vụ bắt này không chỉ ảnh hưởng đến công ty Huawei mà còn cả Hồng Kông.

Bà Meng bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Mỹ đã tố cáo công ty Huawei (Hoa Vi) của bà Meng đã giúp cho chính phủ Iran tránh né các biện pháp chế tài.

Trong khi bắt bà Meng, nhà chức trách Canada khám phá bà có tới ba passport (hộ chiếu) do Hồng Kông cấp, ngoài những passport từ Hoa Lục.

Câu hỏi đầu tiên là bà Meng có quyền hưởng một passport Hồng Kông hay không, chứ chưa nói tới chuyện bà có tới ba sổ thông hành. Bà ta đã không sống ở Hồng Kông trong thời gian đủ lâu - bảy năm - để được cấp qui chế thường trú nhân, là điều kiện cho phép bà được mang passport của khu vực tự trị Hồng Kông.
Có hai cách khác dẫn đến qui chế thường trú nhân ở Hồng Kông, là đầu tư một khoản tiền đủ lớn vào một cơ sở kinh doanh ở thành phố này tạo ra những việc làm tay nghề cao, hoặc là một người đặc biệt nổi tiếng, chẳng hạn như một ngôi sao thể thao.

Người ta vẫn chưa biết bà Mạnh có hội đủ điều kiện nào để thuộc về một trong hai loại này hay không. Cũng không rõ tại sao bà lại có tới ba passport như vậy. Cơ Quan Di Trú Hồng Kông cần trả lời thắc mắc này.
Mặc dù bà Meng cũng mang mấy passport Trung Hoa lục địa, nhưng những passport Hồng Kông có ưu tiên hơn của Trung Quốc tại các quốc gia, cho phép bà được miễn visa để tới nhiều quốc gia yêu cầu visa từ những người có passport của Trung Quốc.

Vì vậy, bất kể những hoàn cảnh thực tế của các passport của bà ra sao, có lẽ Hoa Kỳ (và những nước khác) sẽ coi đó là một cách thức xóa mờ thêm ranh giới giữa đại lục và Hồng Kông, vào thời điểm chính phủ Hồng Kông đang khuyến khích việc hội nhập chặt chẽ hơn với đại lục.

Vấn đề gặp nguy cơ là việc đối xử riêng rẽ với Hồng Kông không những vì mục đích thương mại, mà còn vì việc tiếp cận với công nghệ cao và các lợi ích kinh tế khác theo nguyên tắc Một Quốc Gia-Hai Hệ Thống, được cho là đang được áp dụng tại vùng lãnh thổ này.

Ngay trước khi vụ Huawei xảy ra, đã có những người ở Mỹ lên tiếng kêu gọi xem xét lại mối quan hệ giữa Mỹ với Hồng Kông, như được quy định trong Đạo Luật Chính Sách Hoa Kỳ-Hồng Kông năm 1992.

Ngoài việc Mỹ không hài lòng với việc đàn áp nền dân chủ và giới bất đồng chính kiến ở Hồng Kông, nay còn thêm vào đó mối lo ngại rằng cương vị riêng biệt của Hồng Kông đang được Bắc Kinh lạm dụng cho những mục đích có lợi cho Hoa Lục. Mặc dù Huawei tự nhận là một công ty tư nhân, nhưng công ty này vẫn liên kết với các quan chức cao cấp nhất ở Bắc Kinh và trong quân đội.

Lệnh bắt bà Meng của Hoa Kỳ phải được coi là một phần trong một chiến lược rộng lớn hơn. Chiến lược đó là cắt bỏ những chiếc cánh của Huawei, có lẽ là công ty công nghệ cao và có tầm vóc toàn cầu, quan trọng nhất của Trung Quốc.

Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan mới đây đều cấm Huawei tham gia vào các hệ thống 5G , còn nước Anh đang áp đặt những biện pháp hạn chế chặt chẽ đối với các hoạt động của công ty này ở đó. Những nước khác cũng có thể làm theo. Tuy nhiên các nước nhỏ hoặc đang phát triển sẽ lo lắng ít hơn về hoạt động gián điệp của Trung Cộng, có thể ưa chuộng những sản phẩm của Huawei vì chúng có giá rẻ hơn.

Hầu chắc Hoa Kỳ có cơ sở mạnh mẽ để kiện bà Meng. Trong hầu hết những trường hợp liên quan tới việc vi phạm các biện pháp chế tài của Mỹ trừng phạt Iran, Bộ Tư Pháp đã nhắm mục tiêu vào các công ty hơn là vào các giám đốc điều hành. Do đó Hoa Kỳ đã áp đặt những khoản tiền phạt rất lớn đối với một số ngân hàng ngoại quốc, thay vì những cá nhân phạm tội gian lận.
Giờ đây mọi người sẽ chờ xem Canada và Hoa Kỳ sẽ xử bà Mạnh Vãn Chu theo tư cách cá nhân hay công ty mà bà đại diện.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT