Thế Giới

Ba Lan bắt nhân viên Huawei vì nghi ngờ hoạt động gián điệp

Friday, 11/01/2019 - 07:44:37

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết nước này "rất lo ngại" về vụ bắt giữ công dân, và kêu gọi Ba Lan giải quyết sự việc “một cách công bằng.” Trong khi đó, Huawei thông báo hãng “đã biết tình hình" và "đang xem xét.”

WARSAW – Nhà chức trách Ba Lan đã bắt một nhân viên Trung Quốc của hãng Huawei và một cựu viên chức an ninh người Ba Lan, với cáo buộc hoạt động gián điệp, theo một nguồn tin cho biết hôm thứ Sáu. Sự việc có thể làm tăng thêm mối nghi ngờ của các nước Tây phương đối với hãng công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Cơ Quan An Ninh Ba Lan nói rằng các cáo buộc gián điệp chỉ liên quan đến các hoạt động cá nhân, và không có liên quan trực tiếp tới hãng Huawei.
Theo ông Stanislaw Zaryn, phát ngôn viên cơ quan an ninh Ba Lan, cơ quan Nội An ISA của nước này vào ngày 8 tháng 1 đã bắt giữ một nhân viên quản lý người Trung Quốc của Huawei, và một cựu nhân viên an ninh Ba Lan, vì bị nghi "làm việc cho cơ quan an ninh Trung Quốc và gây tổn hại cho Ba Lan.”
Ông Zaryn cho biết giám đốc Huawei là Weijing Wang, còn người Ba Lan là Piotr D. Ông Weijing Wang từng làm việc cho đại sứ quán Trung Quốc ở Ba Lan. Ông Piotr D. là cựu nhânviên ISA và nay làm việc cho hãng viễn thông Orange Polska. Văn phòng của các hãng Orange Polska và Huawei đều đã bị khám xét. Nếu bị kết tội, hai người có thể phải ngồi tù 10 năm.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết nước này "rất lo ngại" về vụ bắt giữ công dân, và kêu gọi Ba Lan giải quyết sự việc “một cách công bằng.” Trong khi đó, Huawei thông báo hãng “đã biết tình hình" và "đang xem xét.”
Tuyên bố của Ba Lan đưa ra vài tuần sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt Iran. Hãng Huawei có liên hệ chặt chẽ với giới quân sự Bắc Kinh, và bị Hoa Kỳ cùng đồng minh nghi ngờ là hoạt động phục vụ cho tình báo Trung Quốc.

Miến Điện bác đơn kháng án của ký giả Reuters
YANGON – Tòa án Miến Điện vào ngày thứ Sáu đã bác đơn kháng án của hai ký giả Reuters, bị kết án 7 năm tù vì tội vi phạm luật Official Secrets Act (tạm dịch: Luật bí mật quốc gia), vì cho rằng bên biện hộ không đưa ra được bằng chứng hữu hiệu để chứng minh thân chủ của họ vô tội.
Ông Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị kết án bởi tòa cấp dưới vào tháng 9 năm ngoái, và sự việc đã khiến thế giới nghi ngờ về tiến trình dân chủ của Miến Điện, đồng thời bị chỉ trích dữ dội bởi giới ngoại giao và các nhà hoạt động nhân quyền.
“Đó là một hình phạt phù hợp,” Thẩm Phán Aung Naing nói, nhắc đến bản án 7 năm tù do tòa án cấp dưới quyết định. Phe biện hộ nay có thể tiếp tục kháng án lên Tối Cao Pháp Viện của Myanmar tại thủ đô Naypyitaw. “Phán quyết hôm nay là một sự bất công nữa đối với Wa Lone và Kyaw Soe Oo. Họ bị giam chỉ vì 1 lý do: có những thế lực muốn che dấu sự thật,” Tổng biên tập Reuters, ông Stephen J. Adler, nói trong thông cáo báo chí.
Trước khi bị bắt, hai ký giả đang thực hiện một cuộc điều tra cho Reuters về vụ sát hại 10 người đàn ông và trẻ em trai là người Hồi giáo Rohingya, do lực lượng an ninh Myanmar và những dân quân người Phật giáo gây ra tại bang Rakhine, trong thời gian quân đội mở cuộc đàn áp dã man bắt đầu vào tháng 8, 2017.

Liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu bắt đầu rút khỏi Syria
QAMISHLI – Liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Nhà Nước Hồi Giáo đã bắt đầu quá trình rút khỏi Syria, theo một phát ngôn viên cho biết hôm thứ Sáu. Liên quân “đã bắt đầu rời khỏi Syria. Vì lý do an toàn, chúng tôi sẽ không tiết lộ lịch trình chi tiết, địa điểm, và các hướng chuyển quân,” Đại Tá Sean Ryan nói. Nga, quốc gia đang ủng hộ chính phủ Damacus, nói rằng nước này có cảm giác rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại, bất chấp thông báo rút quân. Trong khi đó, các cư dân sống gần các tuyến đường biên giới, nơi thường được lực lượng Hoa Kỳ sử dụng để từ Iraq ra vào Syria, nói rằng họ không nhìn thấy sự di chuyển đáng kể nào của lực lượng Hoa Kỳ vào ngày thứ Sáu.

Hằng Nga 4 hoàn thành nhiệm vụ trên vùng tối của Mặt Trăng
BẮC KINH – Vào ngày thứ Sáu, Trung Quốc thông báo đã kết thúc thành công nhiệm vụ Hằng Nga 4 (Chang'e-4) sau khi là quốc gia đầu tiên có tàu thăm dò hạ cánh xuống được vùng tối của Mặt Trăng. Với sự hỗ trợ của vệ tinh Queqiao (Cầu Ô Thước - Magpie Bridge), xe tự hành Thỏ Ngọc 2 (Yutu-2) và tàu thăm dò Hằng Nga 4 đã chụp được ảnh lẫn nhau. Theo Cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA), các thiết bị khoa học trên tàu đều hoạt động tốt, và những hình ảnh tàu chụp và dữ liệu thám hiểm đều đã được gởi về trung tâm kiểm soát ở Trái Đất.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phân tích địa hình và mẫu vật tại khu vực tàu thăm dò đáp xuống, và lên kế hoạch khám phá thêm bằng xe tự hành trong tương lai. Trước đó, ngày 3 tháng 1, tàu Hằng Nga 4 hạ cánh xuống gần hố trũng Von Karman, vũng Aitken ở địa cực phía Nam thuộc vùng tối của Mặt Trăng. Đây là bước tiến lớn của Bắc Kinh trên con đường chinh phục không gian và là sự kiện đi vào lịch sử vũ trụ thế giới, khi lần đầu tiên một tàu thăm dò hạ cánh xuống phần tối của vệ tinh của Trái Đất.
Các nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 gồm quan sát thiên văn, địa hình, địa tầng, và thành phần khoáng chất của Mặt Trăng, và đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung lập để nghiên cứu môi trường mặt tối của Mặt Trăng. Chương trình khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc mang tên Hằng Nga bắt đầu từ năm 2004, với việc bay vào quỹ đạo và hạ cánh trên Mặt Trăng mang theo mẫu vật trở về Trái Đất. Theo CNSA, chương trình này đã thành công 5 lần liên tiếp.

Pháp chuẩn bị đối phó biểu tình
PARIS – Nhà chức trách Pháp hôm thứ Sáu cho biết họ dự kiến phe “Áo vàng” sẽ có thêm các cuộc biểu tình vào cuối tuần này, với quy mô lớn hơn và bạo lực hơn tuần trước. Phong trào này đang mạnh trở lại, sau khi có một số dấu hiệu suy yếu cuối năm 2018. Ông Eric Morvan, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Pháp, cho biết người biểu tình có thể "trở lại ngang bằng với mức trước kỳ lễ Giáng Sinh.” Đây là tuần thứ 9 liên tiếp người biểu tình xuống đường ở toàn nước Pháp, đụng độ với cảnh sát và phá hủy các công trình công cộng.
Theo ông Michel Delpuech, Cảnh sát trưởng Paris, dự kiến người biểu tình ở thủ đô sẽ đông hơn con số 3,500 người tập trung ở Quốc hội tuần trước, và họ "dễ bị kích động bạo lực hơn.” Các biểu tượng quyền lực của chính phủ được cho là sẽ trở thành các mục tiêu chính. Viên chức an ninh ở vùng Cher tuyên bố những người biểu tình áo vàng sẽ bị cấm xuống đường ở Bourges, thị trấn trung tâm, nơi một số người định kéo đến vào ngày thứ Bảy.
Tổng Thống Emmanuel Macron vào tháng 12 công bố sẽ chi $11.5 tỷ Mỹ kim để tăng lương và giảm thuế cho những người thu nhập thấp. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn không hài lòng và cáo buộc ông Macron và chính phủ "giả điếc" trước những lo ngại của người dân và ưu ái người giàu. Cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu chính trị Cevipof công bố hôm thứ Sáu cho thấy tỷ lệ người dân Pháp mất lòng tin vào các chính trị gia ở mức cao chưa từng có, đạt 77%.

UAV cài bom tấn công lễ diễn binh ở Yemen, 6 người chết
ADEN - Một máy bay không người lái (UAV) mang thuốc nổ của phiến quân Houthi, vào ngày thứ Năm đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào lễ diễn binh của quân đội chính phủ Yemen tại căn cứ không quân Al-Anad, thành phố cảng Aden khiến ít nhất 6 binh sĩ thiệt mạng và nhiều người bị thương. Một phóng viên tham dự sự kiện cho biết đã nhìn thấy chiếc UAV xuất hiện vài phút sau khi lễ diễn binh bắt đầu và bay lơ lửng ở độ cao 25 mét, sau đó phát nổ khi một viên chức quân đội Yemen đang đọc diễn văn.
Phe Houthi ngay sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, khẳng định họ đã tiêu diệt "hàng chục kẻ xâm lược và lính đánh thuê tại căn cứ ở tỉnh Lahj.” Các viên chức Yemen cho biết trong số những người bị thương có cả giám đốc tình báo quân đội, một chỉ huy quân sự cấp cao và thống đốc Lahj. Yemen rơi vào hỗn loạn sau khi phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn gây ra cuộc đảo chính lật đổ Tổng Thống Ali Abdullah Saleh năm 2012. Liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu từ năm 2015 bắt đầu chiến dịch quân sự chống Houthi ở Yemen, nhằm khôi phục chính phủ của ông Saleh.

Trung Quốc nới lỏng quyền tiếp cận Tây Tạng trước áp lực của Hoa Kỳ
BẮC KINH – Ông Qizhala, chủ tịch khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc cho biết chính quyền sẽ rút ngắn một nửa thời gian xem xét cấp quyền tiếp cận khu vực cho các du khách, và cố gắng tăng lượng người tới đây du lịch lên 50%, theo truyền thông đưa tin hôm thứ Sáu. Du khách không phải người Trung Quốc phải xin giấy phép đặc biệt để tới thăm vùng núi xa xôi này. Chính quyền thường chỉ cấp giấy phép cho những người đi cùng hãng du lịch và hiếm khi chấp nhận các nhà báo và nhà ngoại giao.
Quyết định của chính quyền Tây Tạng đưa ra trong bối cảnh Tổng Thống Donald Trump hồi tháng 12 ký đạo luật tiếp cận Tây Tạng. Theo đó, các viên chức được cho là chịu trách nhiệm trong việc hạn chế tiếp cận Tây Tạng sẽ không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Biện pháp này dường như nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc mở cửa Tây Tạng. Bắc Kinh cho rằng đạo luật can thiệp chuyện nội bộ quốc gia và có thể "gây tổn hại nghiêm trọng" mối quan hệ với Washington.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT