Đời Sống Việt

Ba mãi là điểm tựa cần thiết đời con (Phần 1)

Wednesday, 17/06/2015 - 10:37:50

Cám ơn ba đã cho con gái một thời tuổi trẻ thoải mái, có thể quyết định và tự chịu trách nhiệm mọi chuyện quan trọng cho cuộc đời mình, ngay cả việc "cưới xin"...

Phượng Vũ

**"Con viết cho ba không vì trả nghĩa
con biết ba chẳng cần!
Con viết cho ba từ thôi thúc lòng mình
từ kính yêu và nể trọng."**

Từ lúc tôi có trí khôn, ba tôi luôn hiện ra như hình ảnh một người cha nghiêm khắc. Mỗi lần má nói gì mà chị em tôi không chịu nghe lời, má chỉ cần nói: "Về méc ba!" là chị em tôi răm rắp nghe lời ngay. Sau này lớn lên tôi mới nhận ra, bên trong cái vỏ bọc nghiêm khắc là một tình thương con vô bờ, ba thương con nhưng ba không nói.
**"Ơn cha như Thái Sơn cao bao từng
Ngoài tuy cương quyết, mà lòng thương mến."**

Năm tôi đủ tuổi vô lớp 1, ba dặn má thay cho tôi áo đầm mới, rồi tự tay dẫn tôi tới trường tiểu học gần nhà xin nhập học. Ai dè ông hiệu trưởng vừa nhìn thấy tôi đã chê liền:
- Bé có chút xíu mà bắt đi học nỗi gì!
- Nhưng thưa ông hiệu trưởng, cháu đã đủ tuổi đến trường rồi!
Nói xong ba tôi đưa cho ông xem giấy khai sinh. Đọc xong ông nói:
- Đúng là cháu đã đúng năm, nhưng sinh cuối tháng 12, thành thử coi như bé bị oan 1 tuổi. Hơn nữa bé nhỏ con quá, đi học sẽ bị bạn bè ăn hiếp, tội nghiệp! Đem bé về nuôi, sang năm lớn thêm chút nữa, đi học mới được.
Tôi nghe nói vậy thì mừng rơn trong bụng, nhỏ con cũng có lợi quá chứ! Vậy là tôi được thêm 1 năm rong chơi không phải đi học, nhưng ba tôi thì buồn ra mặt. Ba muốn nài nỉ ông hiệu trưởng cho tôi vô học, nhưng sợ con gái bị bạn bè “ăn hiếp” nên thôi. Ba đưa tôi về mà lòng đầy tiếc nuối:
- Tiếc quá, con bị mất 1 năm học rồi! Kỳ này về con phải nhớ ăn thêm mỗi bữa 1 chén cơm cho mau lớn mà đi học với người ta.
Sau này lớn lên tôi mới biết ba rất quý trọng sự học của các con, đó có lẽ cũng là nét đặc trưng của tất cả cha mẹ Việt Nam. Việc học của các con luôn là ưu tiên hàng đầu của ba. Bất cứ việc gì chỉ cần nêu lý do vì việc học là ba đồng ý liền.
Năm tôi thi vô Gia Long, ba dặn dò tôi đủ điều: “Gia Long là trường nổi tiếng, lớn nhất Saigon, thi đậu vô rất khó, nên con phải ráng hết sức nghen con!” Tôi ngoan ngoãn gật đầu: “Dạ”.
Khi làm bài thi xong, dò lại rồi, không biết làm gì, tôi bèn lên nộp bài rồi đi ra. Thấy tôi chạy ra cổng, ba tôi vội tới đón:
- Con làm bài được không? Sao còn 30' phút nữa, con ra sớm làm gì? Khổ quá ba đã dặn con rồi, cứ ngồi yên trong đó, dò tới dò lui cho chắc ăn.
- Con làm bài được, con cũng dò lại rồi ba à!
Ba chở tôi về mà lòng không an tâm vì vụ ra sớm của tôi. Mãi sau này khi nhận được kết quả thi tuyển, tôi không những đậu mà còn đậu cao được lãnh học bổng toàn phần, ba mới hài lòng vui vẻ xoa đầu tôi và khen:
- Con gái ba giỏi, thông minh!
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ba yên tâm, không theo dõi sát vụ học hành của con. Hồi còn học tiểu học thì mỗi ngày ba kiểm tra bài, rồi kèm học thêm, nhưng lên trung học rồi, ba chỉ nhắc nhở thôi. Nhà tôi có căn gác phía sau, ba dành làm chỗ học và ngủ của 2 chị em tôi. Tối nào ba cũng lên kiểm tra coi chị em tôi học hành ra sao? Mỗi lần ba lên kiểm tra thì đều thấy chị tôi vẫn chong đèn ngồi học, còn tôi thì đã chui vô mùng ngủ tự lúc nào. Ba phải vén mùng lôi chân tôi ra :
- Sao con ngủ sớm vậy? Phải lo thức học bài chứ.
- Nhưng con học xong hết rồi mà ba!
- Học gì mà lẹ vậy? Chị con còn thức học, mà con thì lúc nào cũng lo ngủ là sao?
Tôi ấm ức, nhưng đành phải nghe lời ba, ngồi vô bàn cầm sách giả bộ học cho ba yên lòng. Đợi 15 phút nhìn xuống dưới nhà thấy tắt đèn biết ba đi ngủ rồi, tôi rón rén xếp sách lại, chui vô mùng ngủ tiếp. Đến cuối năm khi tôi được lãnh phần thưởng, thấy ba vui mừng hớn hở như là chính ba được lãnh phần thưởng chứ không phải tôi. Tôi bèn lợi dụng thời cơ thủ thỉ nói với ba:
- Ba ơi! ba thấy con học được lãnh thưởng, nên ba phải tin là con tự học được nha! Từ nay ba đừng theo canh chừng bắt ép con học nữa nhen ba!
Ba đành gật đầu và dặn:
- Ừ ba tin con, nhưng con phải nhớ học giỏi nghen!
Tôi sung sướng gật đầu: "Dạ, con biết rồi ba."
Từ đó, mỗi tối tôi không còn bị ba lôi chân ra khỏi mùng để bắt ngồi học nữa. Không biết tôi giống tính ai, có lẽ tôi ảnh hưởng tính cách của người dân phương Nam, nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, thoải mái, không thích hơn thua. Khi làm bài thi tôi hay nhẩm trong đầu tính điểm, thấy dư điểm đậu (đủ xài), sau này tôi trừ hao thêm (cho ba) ít điểm cho "dư sức qua cầu". Xong rồi phần còn lại tôi làm bài thoải mái "đúng thì tốt, mà trật cũng không sao!" Vì cái tính này mà tôi bị ba la hoài! Ba thì hay "ky cóp" tính từng điểm, tôi thì lại không hề "ham" điểm bao giờ. Đó là điều 2 cha con không giống nhau! Ngoài ra còn 1 điểm không giống nữa là ba tôi cao, má cũng cao, mà sao tôi lại nhỏ con? Đôi khi tôi tự hỏi: "Ủa, tôi giống ai vậy ta?" Thắc mắc hỏi má, má cười: "Chắc giống ông hàng xóm?", tôi nghe mà ấm ức hoài. Nhớ lại có một lần hồi còn nhỏ tôi bịnh gì không biết mà ba phải chở tôi qua bên kia cầu chữ Y để gặp ông lang hốt thuốc. Trên đường về đi ngang một cái chợ “chồm hổm” có nhiều ổ gà, “tưng” một cái, tôi vừa nhỏ, vừa nhẹ, rớt xuống đất mà ba không biết cứ mải miết đạp xe. Mấy bà bán hàng kêu réo, nhưng chắc lúc đó ba mải suy nghĩ lo âu cho bệnh của tôi nên không để ý. Tôi thút thít khóc vì vừa đau, vừa sợ bỗng dưng bị rớt giữa đường giữa những người xa lạ. May là mấy bà bán hàng tử tế an ủi: "Nín đi, lát nữa thế nào ba cũng quay lại kiếm con". Đúng vậy, khoảng 10 phút sau, ba hớt hải quay lại dáo dác kiếm con. Thấy tôi, ba mừng quá: “Con có sao không? Sao rớt hồi nào mà không kêu ba?" Mấy bà bán hàng lanh miệng trả lời giùm: “Kêu quá trời mà ông đâu có nghe!” Từ lần đó trở đi, khi chở tôi đi đâu ba đều bắt tôi phải ôm ba thật chặt, kẻo rớt mất con gái cưng nhỏ bé của ba.
Tôi nhớ lại khi lớn lên một chút, nhìn thấy mấy bạn hàng xóm biết đi xe đạp, tôi về nhà đòi ba tập cho tôi đi xe đạp. Thời đó có mấy tiệm cho mướn xe đạp theo giờ, nên không cần phải mua xe. Mỗi chiều ba đi làm về, ba dẫn tôi ra sân trường gần nhà để tập cho tôi. Lúc ba giữ tay lái cho chặt thì tôi yên tâm đạp ngon lành, rồi dần dần ba giữ sau yên xe, khi nào ba thử buông ra là tôi sợ, đạp lạng quạng rồi lảo đảo muốn té. Sau đó mỗi lần lên xe là tôi phải nhắc, "Ba đừng buông con ra nha!" Ba gật đầu, "Ừ, lúc nào ba cũng chạy bên cạnh con đây". Nhưng ba dạy tôi là phải tự tin, đừng sợ thì mới đạp xe một mình được. "Con yên tâm, ba luôn bên cạnh, đừng sợ, con sắp té là có ba đỡ con liền." Nhờ vào sự tin tưởng ba luôn bên cạnh nên tôi an tâm tự tin và mạnh dạn từ từ đạp xe được một mình. Có lẽ cuộc đời tôi sau này cũng vậy , ba luôn là người "chạy bên cạnh" để đỡ nâng tinh thần giúp tôi yên tâm trên đường đời gập ghềnh. Tôi cũng luôn nhớ lời ba dạy "phải tự tin, đừng sợ" để làm hành trang vững vàng đi vào cuộc sống độc lập của riêng mình.
Theo năm tháng tôi lớn lên vô tư hồn nhiên trong sự ân cần chăm sóc của ba, chưa hề biết buồn, biết nhớ nhung là gì? Cho đến một hôm khi đi ngủ tôi bỗng thấy bất an, trằn trọc không ngủ được, hình như có cái gì đó thiếu vắng trong căn nhà này? Tôi chợt nhớ ra sáng nay ba đi theo chú A lên Ban Mê Thuột coi vụ làm ăn gì đó trên đồn điền cà phê từ sáng sớm khi tôi đang ngủ. Tôi thức dậy, ăn sáng, rồi đi học, vui chơi với bạn bè như không có gì xảy ra. Nhưng giờ đây trong không gian yên tĩnh của đêm tối, trái tim non nớt nhỏ bé của tôi lần đầu tiên thấy xao xuyến với một cảm xúc khó tả. Tôi thầm gọi, "Ba ơi! con nhớ ba quá!", rồi nước mắt ứa mi! Ba đi tới 3,4 ngày mới về, con cầu nguyện cho ba đi bình an, rồi mau về với con nha ba. Hình như sự vắng mặt của ba mới làm tôi ý thức được rằng: tôi thương ba biết là bao nhiêu. May quá sau lần đó, ba không bao giờ đi xa nhà nữa. Sau này thỉnh thoảng ba vẫn nhắc tôi nhớ ăn cơm nhiều cho mau lớn, (trong khi bây giờ ở Mỹ đa số các bà đều "kiêng ăn cơm") kẻo nhỏ con quá bị bạn bè ăn hiếp, chắc ba lại nhớ lời ông hiệu trưởng năm xưa. Không biết có phải vì sự quan tâm nhắc nhở đó của ba, mà tôi ăn cơm nhiều và mau lớn hơn chăng?




Năm lên đệ tam, tôi bỗng nhiên "nhổ giò" trổ mã cao lên hẳn chỉ sau mấy tháng hè, làm bạn bè lâu không gặp vô cùng ngạc nhiên:
- Nhỏ này uống thuốc tiên hả, sao mau lớn quá vậy? Nhìn không ra, bây giờ nhỏ có chiều cao lý tưởng mà đám con gái tụi tao luôn mơ ước à nhen!
- Đâu có uống thuốc gì! Tại tui giống "gien" của ba tui nên mới cao!
Như vậy là thắc mắc năm xưa đã có câu trả lời: Ba ơi, con đúng là con gái ba thiệt rồi, con giống ba chứ đâu giống "ông hàng xóm" như má nói! Ba tôi có lẽ giống những người cha Việt Nam khác: ít nói và kiệm lời khen. Hằng năm hay có bão lụt miền trung, tôi theo ban xã hội của trường GL đi lên bộ xã hội phân loại quần áo: đàn ông, đàn bà, con nít...rồi theo nhóm Thanh Sinh Công ôm thùng đi từng nhà xin tiền, xin quần áo cũ về để giúp đồng bào bão lụt miền trung. Không hiểu sao tôi luôn tìm thấy niềm vui trong những công tác từ thiện này. Có khi tôi đi liên tiếp 3,4 ngày, má nói, “Lo đi hoài, không chịu lo học ba biết thế nào cũng bị rầy!” nên tôi luôn canh giờ về nhà trước khi ba về. Một hôm vì công việc nhiều quá, tôi về trễ thấy ba đã ngồi trong nhà, tôi dắt xe vô nhà rồi len lén tính dông ra phía sau. Ai dè ba thấy gọi lại, tôi líu ríu tới gần, khoanh tay cúi đầu đợi nghe ba rầy, nhưng ba ôn tồn nói:
- Con biết cảm thông và giúp đỡ những người khốn khổ hơn mình là tốt, nhưng nhớ là không được bỏ bê việc học hành.
Tôi mừng hết lớn “dạ” một tiếng thiệt to, rồi chạy lẹ ra phía sau. Hú vía, tưởng bị rầy, nhưng như vậy là ba khen việc tôi làm từ thiện là "tốt". Cám ơn ba đã "đồng cảm" với con. Tôi thấy ba cũng hay gom góp quần áo cũ trong nhà với ít tiền rồi đạp xe đi thiệt xa, xuống tận Tân Sơn Nhì để giúp những người đồng hương nghèo
Năm lên đệ nhị ba hứa nếu đậu tú tài 1 điểm cao, ( chắc ba sợ tôi làm bài thi thấy điểm “đủ xài” không thèm kiếm điểm thêm!) ba sẽ mua thưởng xe Velo Solex để đi học năm đệ nhất. Và ba đã giữ lời, cám ơn ba yêu! Thời đó con gái mặc áo dài đi học bằng Velo Solex là “oách” nhất, vì nó vừa nhanh, vừa lịch sự lại trang nhã làm sao. Hình ảnh cô nữ sinh ngồi Velo Solex đến trường vẫn là hình ảnh kỷ niệm đẹp đáng yêu thời đi học đệ nhất Gia Long của tôi.
Ba luôn khuyến khích và động viên con cái học hành giỏi giang, vì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời của ba. Vậy mà sau khi đậu tú tài 2, tôi đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học Nhật, nhưng ba không đồng ý cho đi. Tôi vốn ham thích du lịch từ nhỏ, thích khám phá những chân trời mới và được du học là cơ hội tốt nhất để mở rộng kiến thức, mở rộng tầm nhìn nên tôi nài nỉ:
- Ba ơi, cho con đi du học Nhật nghen ba.
- Không được con à, làm sao ba có thể yên tâm khi để con gái ba “một thân, một mình” nơi xứ lạ quê người, rồi thời gian học kéo dài 4,5 năm lỡ con yêu rồi lấy chồng ngoại quốc thì ba mất luôn con gái sao? Ở Saigon học đại học cũng được rồi con à! Con không thương ba sao mà đòi đi hoài vậy?
Ba nói tới đây thì tôi chịu thua, phải nghe lời ba thôi. Vì tôi thương ba nhất trên đời. Ba luôn là điểm tựa của đời tôi. Khi tôi lên đại học, ba nói: "Bây giờ con đủ trưởng thành rồi, ba tin con đã biết suy nghĩ để quyết định mọi chuyện cho đời con. Ba chỉ nhắc nhở con sống sao cho đúng con nhà gia giáo, nề nếp, dù “giấy rách phải giữ lấy lề”, làm gì cũng phải nhớ tới người khác, luôn lấy nhân nghĩa làm đầu.” Những lời dặn dò của ba luôn là "kim chỉ nam" cho cuộc sống tôi sau này. Từ bây giờ tôi sẽ được tự do quyết định chọn học ngành nào mình thích. Tôi chọn học Triết vì qua triết học tôi tìm được nhiều điều rất thú vị, hay vì người tôi ái mộ nhiều nhất lúc đó là "dân triết học"? Sau khi đậu dự bị Triết, bạn bè rủ tôi thi vô Đại Học Sư Phạm. Khi nghe tin tôi đậu vô ĐHSP ba rất hài lòng vì ba quan niệm, “Con gái Việt Nam chỉ có nghề dạy học là phù hợp nhất. Sau này có gia đình tuy ra ngoài xã hội đi làm, nhưng vẫn có giờ chăm sóc, phục vụ chồng con, lại biết cách giáo dục con cái cho tốt.Phụ nữ Việt Nam phải lấy gia đình làm gốc con à!”.
Về phương diện bạn bè, ba cũng để tôi tự do chọn lựa, ngay cả việc hôn nhân cũng vậy.Tôi thấy thời bây giờ nhiều cha mẹ còn ép con học ngành nghề mình muốn (ở O.C. cách đây mấy năm đã có 1 án mạng đáng tiếc, mẹ ép con trai học Y khoa trong khi anh không muốn và không thích..., rồi xảy ra cãi vã giữa 2 mẹ con, trong lúc nóng giận anh đã bóp cổ để mẹ khỏi nói nhiều, nhưng vì quá tay, mẹ đã chết mà anh không biết!) Ngoài ra cha mẹ cũng hay phản đối quyết liệt chuyện hôn nhân của con khi không đúng ý mình. Những lá thư kêu cứu của các con thường thấy xuất hiện trong các mục tâm tình trên các báo. Như vậy so với thời đó tôi thấy ba tôi quả là rất tiến bộ. Ba đã cho tôi một món quà quý giá nhất trên đời: luôn luôn tin tưởng ở tôi. Cám ơn ba đã cho con gái một thời tuổi trẻ thoải mái, có thể quyết định và tự chịu trách nhiệm mọi chuyện quan trọng cho cuộc đời mình, ngay cả việc "cưới xin"... Ngày đám hỏi của tôi cả nhà đều cực, vì theo tục lệ Việt Nam, đám hỏi nhà gái phải lo hết mọi chuyện từ A-Z, từ việc trang hoàng nhà cửa, mượn bàn ghế, xếp đặt chỗ ngồi cho tới việc dọn tiệc, dẹp tiệc rồi đi trả bàn ghế... Tôi nghĩ ba là người cực nhất, nhưng buổi tối sau khi mọi người về hết, ba nói với tôi:
- Bữa nay ai cũng cực hết, nhưng người cực nhất là T, người đến sớm nhất và là người về sau cùng. T còn trẻ, khỏe xốc vác nên đảm đương mọi chuyện. Con phải gặp T cám ơn tử tế đàng hoàng mới được. Ba chưa từng thấy người thanh niên nào tốt và cư xử cao thượng như T.
Tôi nghe ba nói tới chữ "cao thượng" mà giật mình, thì ra tuy không xen vào những quyết định của tôi, nhưng ba vẫn âm thầm lặng lẽ quan sát và biết hết những chuyện chung quanh tôi. Anh T quen tôi từ khi còn học GL, nhưng tính anh người miền nam hiền lành chân thật và ít nói. Anh luôn ân cần chăm sóc và bảo vệ tôi mọi lúc, nhưng không hề nói gì hết..., nên tôi vô tư đón nhận như sự chăm sóc của 1 người anh trai (vì tôi không có anh). Sau này khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống tôi mới nhận ra những tình yêu thầm lặng là những tình yêu chân thật “cho đi tuyệt đối mà không hề đòi lại chút xíu nào”. Ngày ấy tôi còn ngây thơ, chưa thể nhận ra được những tình cảm giấu kín phía sau những ân cần. Giá như ngày đó anh T:
**"Đừng giấu em
Anh có một trái tim biết khóc
Một trái tim khao khát vỗ về..."**
Nhưng thôi, có lẽ mỗi người đều có một số phận đã an bài. Biết đâu đó cũng là điều may, vì người ta thường nói:"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở". Ba ơi! có những lúc con vô tâm, cám ơn ba đã có cái nhìn tinh tế để nhắc nhở con phải cư xử thế nào cho đúng! Ba đúng là "điểm tựa cần thiết" của đời con mọi lúc, mọi nơi. Ba là phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của con.
(Còn tiếp tuần sau)
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT