Thế Giới

Ba người thiệt mạng trong vụ bắt con tin trong quán cafe

Monday, 15/12/2014 - 11:55:45

Trong một cuộc họp báo khác, Thủ Tướng Úc Tony Abbott đã ngỏ lời cám ơn lực lượng cảnh sát về cách đối phó của họ trong tình huống khó khăn này, và thủ tướng cũng gởi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân.

SYDNEY – Một vụ cố thủ với các con tin đã kết thúc sau 16 tiếng đồng hồ tại thành phố lớn nhất nước Úc vào sáng thứ Ba theo giờ địa phương. Đến khi lực lượng cảnh sát cảm tử xông vào quán café nằm ở trung tâm thành phố Sydney để giải cứu các con tin, ba người bị bắn thiệt mạng mà trong đó có cả hung thủ.



Một nhân viên của quán cafe đã được trợ giúp trong lúc cảnh sát tiến vào bên trong để thanh toán hung thủ. (Chris McKeen/Newspix/Getty Images)


Kẻ duy nhất gây ra vụ bắt con tin đầy căng thẳng, khiến hàng triệu người Úc phải xem truyền hình suốt nhiều giờ đồng hồ là một di dân gốc Iran. Ông ta từng có nhiều tiền án và cũng tự nhận là một giáo sĩ Hồi quá khích. Ông đã xông vào quán cafe, bắt giữ 17 người gồm các nhân viên và khách hàng.
Theo tường trình vào sáng thứ Ba theo giờ tại Úc (giờ Sydney đi trước giờ California 19 tiếng), Hai con tin bị thiệt mạng là bà Katrina Dawson, 38 tuổi, một luật sư và mẹ của ba đứa con, và ông Tori Johnson, 34 tuổi, một quản lý của một cơ sở thương mại trong khu phố. Bốn người khác đã bị thương. Trong các con tin có cả các luật sư và giám đốc tài chánh.
Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba, Thống Đốc Michael Baird của New South Wales nói, “Sáng hôm nay tôi đến với quí vị với lòng đau buồn nhất; thật không ngờ chúng ta đã có vài người mất mạng trong đêm vừa qua. Chúng ta bị rúng động bởi một thảm kịch mà không ai trong chúng ta có thể ngờ xảy ra.”
Cảnh sát tin rằng hung thủ là người duy nhất gây ra vụ bắt con tin. Các nguồn tin tại Úc cho biết người này là ông Man Haron Monis, 50 tuổi, một di dân từ Iran, Trung Đông.
Nhà chức trách khẳng định đây là một vụ cá biệt, không nằm trong một âm mưu rộng lớn. Ủy Viên Cảnh Sát Andrew Scipione cho biết, “Chúng ta không thể để cho vụ này tiêu diệt hoặc thay đổi cách sống của chúng ta. Biến cố này sẽ thay đổi những gì mà đất nước chúng ta rất trân quí.”
Trong một cuộc họp báo khác, Thủ Tướng Úc Tony Abbott đã ngỏ lời cám ơn lực lượng cảnh sát về cách đối phó của họ trong tình huống khó khăn này, và thủ tướng cũng gởi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân.



Các con tin chạy thoát ra ngoài quán Lindt Cafe, Martin Place với tay đầu hàng vào đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba tại thành phố Sydney, Úc. Sau 16 tiếng bao vây hung thủ với các con tin, lực lượng cảnh sát cảm tử đã xông vào để giải cứu các con tin còn lại sau khi nghe có tiếng súng nổ ở bên trong. (Hình: Joosep Martinson/Getty Images)


“Chúng tôi rất đau lòng và chia buồn cùng tất cả những ai đã bị liên lụy trong biến cố kinh hoàng này,” Thủ Tướng Abbott nói. “Những sự kiện như thế này cho thấy rằng ngay cả tại một quốc gia tự do, cởi mở, rộng lượng, an toàn như của chúng ta cũng có thể bị tấn công vào chỗ yếu.”
Vụ bắt con tin tại quán cafe đã gây tê liệt thành phố lớn nhất nước Úc. Nhà chức trách đã phong tỏa nhiều con đường ở trung tâm thành phố từ sáng thứ Hai. Cho đến sáng sớm thứ Ba khi mặt trời chưa lên, lực lượng cảnh sát đã quyết định xông vào vào quán Lindt Chocolat Cafe sau khi họ nghe có tiếng súng nổ ở bên trong.
Ủy Viên Cảnh Sát Scipione cho biết, “Cảnh sát đã quyết định tấn công vào quán vì họ tin rằng nếu lúc đó mà họ không xông vào thì còn có thêm nhiều mạng sống khác bị giết.”
Trước đó, các nguồn tin từng cho biết hung thủ đã có hai trái bom trong quán cafe và hai trái bom được gài ở nơi khác. Thế nhưng trong cuộc họp báo, ông Scipione cho biết cảnh sát không tìm thấy chất nổ nào trong quán cafe.
Ông đã bày tỏ sự biết ơn đối với các cảnh sát viên đã hành động can điểm, sẵn sàng hy sinh mạng sống. Trong những người bị thương có một cảnh sát viên bị bắn vào mặt. Ông Scipione cho biết cảnh sát viên này đang phục hồi khả quan trong bệnh viện.
Hình chiếu trực tiếp từ đài truyền hình cho cuộc tấn công của cảnh sát được bắt đầu với nhiều tiếng nổ lớn. Sau đó người ta thấy các cảnh sát cảm tử tràn vào bên trong. Sau khi sáu con tin chạy ra ngoài, người ta còn nghe thêm nhiều tiếng nổ. Một con tin (phụ nữ Á Đông) đã được trợ giúp bởi lực lượng chống khủng bố.
Các con tin khác được đưa bằng băng-ca ra ngoài, trong lúc cảnh sát tiếp tục tràn vào bên trong.
Hung thủ Monis là người tự nhận là một giáo sĩ Muslim và đã bị bắt nhiều lần vì những tội bạo động. Một cựu luật sư của Monis mô tả với báo chí rằng ông Monis là một kẻ bị rối loạn tâm thần, không thể nào hợp tác với ai khác trong hành động khủng bố này.
Luật sư Manny Conditsis nói với đài ABC Úc, “Ông ta có lý tưởng quá mạnh, quá bạo, khiến cho sự suy nghĩ hợp lý và khách quan của ông ấy bị che mờ.”
Monis đến tị nạn tại Úc vào năm 1996. Sự việc ông là người tị nạn sẽ đổ dầu vào lửa trong cuộc tranh cãi giữa những người Úc chống người tị nạn đang tiếp tục đến nước này bằng thuyền và những người bênh vực thuyền nhân. Đây là một đề tài rất nóng bỏng tại Úc trong mấy năm qua và chưa có giải pháp để có thể lắng dịu xuống,
Trong quá khứ, Monis đã bị truy tố về việc có dính líu đến sự sát hại vợ cũ của ông. Đầu năm nay, ông cũng bị tố cáo nhiều lần về những vụ tấn công tình dục. Monis tự nhận là một giáo sĩ có thể chữa bệnh cho các phụ nữ, và từ đó đưa đến những vụ lạm dụng những người tin tưởng ở Monis.
Trên những phương tiện mạng toàn cầu, ông ta đã được nhiều người biết đến qua những viết công kích những gia đình Úc có quân nhân tử trận trong cuộc chiến tại Afghanistan. Ông nói những người lính đó đã chết như những con lợn. Nhân vật quá khích này cũng chỉ trích các chính trị gia kể cả Thủ Tướng Abbott. Mỗi khi bị chất vấn, ông ta viện lý do dùng quyền tự do ngôn luận để bày tỏ ý kiến.
Khi hay tin hung thủ là một người gốc Iran, chính phủ Iran đã lên án hành động bắt giữ con tin.
Nữ phát ngôn viên Marziyeh Afkham của Bộ Ngoại Giao Iran tuyên bố, “Tất cả những hành động khủng bố nào gây hại cho ấn tượng nhân ái của Islam đều bị lên án.
Thảm kịch tại Sydney bắt đầu lúc 9:45 sáng thứ Hai trong khu thương xá Martin Place. Nơi đây nằm trong khu vực tài chánh và thương mại của thành phố. Khu phố đã có đông người đi mua sắm mùa Giáng Sinh.
Quán cafe nằm không xa các tòa án, tòa nhà quốc hội của tiểu bang New South Wales, Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ và Ngân Hàng Dự Trữ Úc. Khi vụ bắt con tin bắt đầu, người dân trong tất cả các cơ sở ở chung quanh đã được lệnh di tản. Người dân cũng phải di tản ra khỏi nhà hát lớn Sydney Opera House, một biểu tượng của Úc nằm cách xa hơn một dặm.
Vào chiều thứ Hai, khi vụ cố thủ với con tin chưa chấm dứt, Thủ Tướng Abbott đã xác nhận rằng vụ này có dính líu đến chính trị.
Trong sáu giờ đầu tiên, một số con tin đã có thể tự chạy thoát ra ngoài. Có lúc hai con tin bị bắt đứng sát cửa sổ, tay cầm một lá cờ đen được viết với những chữ Ả Rập: “Không có thượng đế nào khác ngoài Allah, và Muhammad là sứ giả của Thượng Đế.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT