Người Việt Khắp Nơi

Bà Phan bị Trung Cộng tuyên án, nhưng có thể được về Mỹ

Wednesday, 26/04/2017 - 08:13:08

Luật sư Shang nói,”Sau khi bản án được đọc, chánh án không hỏi bà rằng bà sẽ kháng cáo hay không, Nhưng, khi tôi gặp bà ngày hôm qua và trước đó, và hỏi bà, bà nói rằng bà sẽ không kháng cáo, miễn là bà có thể rời khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt."


Bà Phan Phan-Gillis trong một bức hình không đề ngày do chồng bà cung cấp cho báo chí.


Một nữ doanh nhân người Mỹ từ Houston đã bị kết án ba năm rưỡi tù giam tại Trung Quốc, vì những cáo buộc về tội làm gián điệp. Bản án được đưa ra hôm thứ Ba, hơn hai năm sau khi bà bị công an Trung Quốc bắt đi mất tích. Theo luật sư của bà cho biết, bà bị cáo buộc tội gián điệp xảy ra hơn 20 năm trước.

Tuy bị tuyên án, bà Phan Phan-Gillis, thường được gọi là Sandy và là một doanh gia người Việt gốc Hoa sống tại Houston, Texas, có thể sớm bị trục xuất về Mỹ để đoàn tụ với chồng Jeff Gillis. Ông Jeff đã cương quyết bác bỏ những lời tố cáo và từng tranh đấu suốt mấy năm để đòi tự do cho vợ, theo luật sư Shang Baojun của bà cho biết.

Sau một phiên tòa bí mật vào buổi sáng tại Nam Ninh, thủ phủ của vùng Quảng Tây ở miền nam Trung Quốc, một thẩm phán tuyên bố bà Phan-Gillis có tội, đưa ra bản án và ra lệnh trục xuất bà khỏi Trung Quốc. Tòa không nói rõ bà có phải thi hành bản án tù giam hay không trước khi bị trục xuất, theo ông Shang cho biết qua điện thoại.

Luật sư Shang nói, “Một tòa án có thể ra lệnh trục xuất những người ngoại quốc, sau khi họ thi hành một bản án, hoặc xảy ra đồng thời với một bản án bắt đầu. Nhưng thẩm phán không nói rõ ràng điều nào được áp dụng ở đây, vì vậy chúng tôi phải đợi cho tới khi đọc được bản phán quyết. Dĩ nhiên, tôi hy vọng rằng họ sẽ trục xuất bà càng sớm càng tốt. Nhưng chúng tôi phải chờ cho đến khi nào chúng tôi thấy văn bản tuyên án, thì mới biết chắc chắn.”

Có thể phải mất nhiều ngày trước khi ông nhận được văn bản tuyên án.
Tình trạng không chắc chắn về bản án đã tạo thêm phiền não cho chồng bà Phan-Gillis. Trong mấy năm qua, ông phải tìm tòi như một thám tử và đi vận động các viên chức Hoa Kỳ để cứu vợ trước sự vu cáo tội gián điệp của Bắc Kinh.

Tòa Lãnh Sự Mỹ tại Quảng Châu, ở miền nam Trung Quốc, đã giải quyết những nhu cầu về lãnh sự của bà Phan-Gillis, trong khi bà bị giam ở Nam Ninh, cách đó 315 dặm về phía tây. Tòa lãnh sự xác nhận rằng bà đã bị đưa ra xét xử, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.

Trong mấy năm gần đây, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã tăng gấp đôi những lời cảnh cáo người dân về việc Trung Quốc đang gặp những mối đe dọa tai hại từ các gián điệp ngoại quốc và từ những người muốn phá hoại nước.
Hậu quả là người ngoại quốc rất dễ bị bắt sau khi bị cáo buộc làm gián điệp. Trong số đó, có một ông người Canada được thả vào năm ngoái, sau khi cuộc xét xử ông kết thúc với một phán quyết có tội. Thế nhưng những người gốc Trung Hoa bị chiếu cố nhiều hơn hết. Họ rất dễ bị bắt.

Truyền thông Trung Quốc đã không loan tin về vụ bắt bà Phan Phan-Gillis cũng như cuộc xét xử này.
Bà Phan-Gillis, 57 tuổi, bị công an bắt giữ ở gần biên giới trong tháng Ba 2015, khi bà đi cùng với một phái đoàn gồm các viên chức và doanh gia từ Houston, trong số đó có cả quyền thị trưởng Ed Gonzalez.
Bà Phan-Gillis sinh ra ở Việt Nam. Bà vượt biên bằng thuyền ở tuổi thiếu niên, và cuối cùng tị nạn tại Hoa Kỳ. Bà làm chuyên viên cố vấn cho các cơ sở kinh doanh ở Houston muốn biết về khách hàng và vốn đầu tư từ Trung Quốc, cũng như cho những công ty Trung Quốc nào quan tâm đến Texas. Bà thường đến miền nam Trung Quốc.

Ông Gillis nói, lúc đầu ông giữ im lặng về vụ giam giữ bà Phan-Gillis, không muốn làm rùm beng vụ này và hy vọng các điều tra viên Trung Quốc sẽ thả bà ra, sau khi nhận thấy những cáo buộc ấy là vô căn cứ.
Thế nhưng sau nhiều tháng trôi qua, ông Gillis nhận thấy rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh không muốn nhượng bộ. Ông liền lên tiếng với báo chí Mỹ cũng như tìm gặp các chính khách để tìm cách giúp vợ được trả tự do.
Trung Cộng chỉ loan báo chính thức về việc bắt bà Phan vào tháng Chín 2015, chỉ cách mấy ngày trước khi ông Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, ông Gillis nói, “Tôi thực sự không muốn gây rối. Tôi không muốn phá đám ai cả. Tôi chỉ muốn đưa vợ tôi trở về.”

Bà Phan-Gillis đã bị truy tố vào tháng Bảy năm ngoái. Khi đó ông Gillis nói rằng những phát biểu trong bản cáo trạng đều không có cơ sở khi được xem xét kỹ lưỡng hơn. Các công tố viên nói rằng bà Phan-Gillis hoạt động gián điệp tại Trung Quốc trong một khoảng thời gian hồi năm 1996, ngay cả khi bà không ở trong nước này.
Trong bản cáo trạng, các công tố viên cũng nói rằng bà Phan-Gillis đã tìm cách tuyển mộ những người Trung Hoa sống ở Hoa Kỳ, để làm việc cho một “tổ chức gián điệp ngoại quốc.” Ông Gillis nói rằng điều họ nói như vậy cũng là sai. Ông nói, “Những cáo buộc ấy đều hết sức vô lý.”

Luật sư Shang nói rằng bà Phan bị tố cáo chung chung là “tham gia vào những hoạt động có hại cho nền an ninh quốc gia Trung Quốc,” ở cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, từ năm 1995 đến năm 1998.
Tại tòa, bà Phan-Gillis đã nhận tội với cáo buộc gián điệp, theo luật sư cho biết.

Luật sư Shang nói,”Sau khi bản án được đọc, chánh án không hỏi bà rằng bà sẽ kháng cáo hay không, Nhưng, khi tôi gặp bà ngày hôm qua và trước đó, và hỏi bà, bà nói rằng bà sẽ không kháng cáo, miễn là bà có thể rời khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt."

Trước đó bà Phan-Gillis nói rằng bà vô tội. Nhưng có thể bà đã thay đổi lập trường, với hy vọng sớm được thả và trở về Mỹ. Trong năm ngoái, một ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu trả tự do cho bà, vì ủy ban nhận thấy bà đã bị bắt một cách võ đoán, và bị tước mất quyền tiếp xúc với luật sư.

“Họ đã nhét những lời ấy vào trong miệng tôi,” bà Phan-Gillis từng nói với một viên chức tòa lãnh sự Mỹ, theo một bản tường thuật trước đó của ông Gillis.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT