Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Ba phía trước khi mở màn: Đạo diễn Vince Liotta - Thị Kính – Khán giả

Anvi Hoàng/Viễn Đông Monday, 05/11/2012 - 01:45:14

Cho dù đó là nhiều người, vài người, hoặc một người. Nhưng phải làm vì mọi người chứ không làm để hành hạ bản thân mình.

Dàn dựng vở opera Thị Kính (kỳ 4)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Việc dàn dựng một vở opera thường liên quan đến nhiều vấn đề cụ thể và nhiều khái niệm trừu tượng phức tạp. Dàn dựng một vở opera như “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của P.Q. Phan thì còn phức tạp hơn vì nó liên quan đến vấn đề chuyển tải văn hóa. Trách nhiệm này được đặt vào tay của Vince Liotta, người đã có kinh nghiệm đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp hơn 40 năm và đã làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Ông đồng thời cũng hết lòng vì giáo dục. Ông nói về việc dàn dựng “Chuyện Bà Thị Kính” như sau.

Vince Liotta - nguồn ảnh: Indiana University


Viễn Đông: Những suy nghĩ ban đầu của ông khi nghe câu chuyện Thị Kính là gì?
Vince Liotta: Qua tóm tắt câu chuyện, tôi nghĩ rằng đây có thể là một ý tưởng rất hay cho một vở opera bởi vì rõ ràng P.Q. Phan với tư cách là nhà soạn nhạc và người viết tuần bản có mối liên hệ sâu sắc với câu chuyện này. Tôi cũng nghĩ rằng đây là một câu chuyện thú vị: nào là gái giả trai đi tu, nào là bị bỏ rơi các thứ. Câu chuyện như thế mang một giá trị sân khấu cao.

Viễn Đông: Khi cho rằng câu chuyện thú vị, ông nghĩ đến khán giả Mỹ hay khán giả Việt Nam?
Vince Liotta: Tôi nghĩ đến khán giả Mỹ là chính. Một điều tôi cho là thú vị về câu chuyện này là nó có giá trị phổ quát (universal) tuyệt vời. Theo cảm nhận của tôi, điều tôi có thể làm và cần làm là dàn dựng một câu chuyện mang màu sắc văn hóa Việt Nam cho những khán giả không có cảm nhận về văn hóa Việt Nam. Nhưng tôi không muốn nó mang tính dân tộc học (ethnography) hoặc nhân chủng học về văn hóa (cultural anthropology), bởi vì nếu muốn miêu tả chính xác trăm phần trăm văn hóa, con người Việt Nam thì chi bằng dàn dựng lại vở hát chèo cho rồi.


Việc chuẩn bị trên sân khấu - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Đối với vở opera này, nhà soạn nhạc viết nhạc kiểu Tây. Vì vậy việc dàn dựng phải được cân bằng giữa các yếu tố Đông – Tây, giữa tính Việt Nam và văn hóa không phải Việt Nam. Ngoài ra điều không thể quên trong quá trình dàn dựng là phải cho thấy được đây là tác phẩm sân khấu rất xưa, rất truyền thống, và rất được yêu thích của Việt Nam.

Viễn Đông: Vậy nên ông sẽ diễn giải câu chuyện cho khán giả toàn cầu?
Vince Liotta: Tôi cho rằng đây là cách duy nhất để dàn dựng "Chuyện Bà Thị Kính". Thứ nhất, tôi xin nói lại, nếu dàn dựng sao cho nó giống truyền thống Việt Nam hoàn toàn thì dựng hát chèo cho xong. Thứ hai, tôi đã đi Việt Nam để xem hát chèo, và biết mình không dựng hát chèo được vì tôi không được huấn luyện để làm việc này. Vì vậy tôi phải tìm cách chuyển tải những gì tôi cảm nhận được về câu chuyện, về những gì tôi thấy ở Việt Nam, về những gì tôi biết về văn hóa Việt Nam trong kinh nghiệm giới hạn của mình, rồi diễn giải lại qua lăng kính phương Tây của mình. Nếu tôi làm được chuyện này thành công thì những người khác [không phải người Việt] cũng sẽ hiểu được.
Lúc ở Việt Nam tôi có đi xem một viện bảo tàng dân tộc, trong đó có rất nhiều thông tin, nhưng không thể bê y nguyên những ý tưởng trong đó đặt lên sân khấu cho khán giả Việt Nam hoặc khán giả Mỹ. Lý do là khán giả Việt Nam đã có sự kỳ vọng về vở opera này vì họ là “khán giả văn hóa” cả ngàn năm nay. Vì vậy họ đã có khái niệm về việc vở opera phải được dàn dựng ra sao và như thế nào thì đúng.
Khán giả Mỹ thì chả có kỳ vọng gì bởi vì họ không hiểu biết gì về văn hóa Việt Nam. Tôi cho mình giống như một “nhà nhân chủng học” rồi mà hiểu biết của tôi về văn hóa Việt Nam cũng rất ít ỏi, chứ đừng nói gì đến hầu hết những người Mỹ khác -- họ sẽ chả hiểu gì. Vì vậy nếu “thẩy” y nguyên câu chuyện Thị Kính lên sân khấu sao cho nó miêu tả chính xác hoàn toàn văn hóa, con người Việt Nam như trong một vở hát chèo thì khán giả người Mỹ sẽ bối rối không biết đường nào mà mò. Quay qua khán giả Việt Nam, khi dựng chuyện Thị Kính theo kiểu Tây phương hoàn toàn thì khán giả Việt Nam cũng sẽ không kém phần bối rối.
Do đó, mấu chốt vấn đề là dàn dựng chuyện Thị Kính sao cho nó ám chỉ hoặc mang hơi hướng Việt Nam nhưng vẫn mang phong cách phương Tây -- là ngôn ngữ đã được dùng để viết vở opera Thị Kính.

Viễn Đông: Tại sao ông chọn Erhard Rom làm nhà thiết kế sân khấu?
Vince Liotta:
Erhard là nhà thiết kế thú vị ở chỗ ông có thể đi vào chi tiết cụ thể đến mức tạo được hình ảnh chính xác, nhưng ông đem tính cụ thể đó mà chuyển hóa nó thành một loại ngôn ngữ tượng trưng. Trong vở opera Thị Kính, tôi muốn yếu tố hình ảnh phải nhìn giống Việt Nam và tạo ra cảm giác Việt Nam qua những ám chỉ về kiến trúc, áo quần, màu sắc – nhưng không được giống một Việt Nam trong viện bảo tàng.
Khi tôi ở Việt Nam, rồi đi xem hát chèo, quan sát hóa trang, tôi để ý một điều là nếu những thông tin về văn hóa không chính xác, nếu những gì khán giả Mỹ hoặc Việt Nam thấy trên sân khấu mà không giống như ngoài đời thì không ai cảm nhận được điều gì cả. Những người biết về văn hóa Việt Nam sẽ nói: “Thế thì liên quan Việt Nam chỗ nào?”. Còn người không biết thì bảo: “Không giống Việt Nam mà mình biết tí nào”.
"Chuyện Bà Thị Kính" là một vở opera Mỹ, do nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt viết, theo kiểu nhạc Tây, dựa vào câu chuyện xưa cả ngàn năm của Việt Nam. Điều quan trọng là phải nghiên cứu văn hóa gốc của nó, nhưng câu chuyện phải được diễn giải lại thì qua lăng kính thẩm mỹ của Mỹ.
Thường người ta hay cho rằng đa văn hóa có nghĩa là lấy một thứ ở nơi này, bê nó sang nơi khác, rồi hy vọng là nó ăn khớp. Tôi không nghĩ vấn đề đơn giản như thế. Tôi cho rằng việc mình chọn gì, bỏ gì, thêm gì, bớt gì, dùng hình ảnh nào, bỏ hình ảnh nào, tất cả đều là quá trình tìm sự cân bằng sao cho mình tiếp cận được mọi người và tôn trọng tác phẩm, sao cho những khán giả không phải người Việt đều hiểu được, và khán giả người Việt thì thấy rằng đây là sự diễn giải một tác phẩm vượt thời gian chứ không phải là sự lạm dụng, hoặc hạ phẩm giá. Mục đích cuối cùng là thế.

Viễn Đông: Ông có dạy sinh viên cảm nhận về Việt Nam được không?
Vince Liotta: Không. Điều tôi làm được là làm cho cả vở opera toát ra tính Việt Nam. Một số chuyện tôi làm được và dạy được là: ví dụ vài cử chỉ, vài điệu bộ. Đơn giản nhất là màu sắc. Người ta biết rằng nếu đi xem vở Thị Kính do đoàn hát chèo biểu diễn, người ta sẽ thấy màu sắc đi đôi với các nhân vật. Không những thế, màu sắc sặc sỡ và đậm đà. Mọi thứ có sự sống động trong nó – điều đó không giống phương Tây. Nhưng nếu mình dùng màu sắc đó như một phần của ngôn ngữ tượng hình đặc trưng của phương Tây thì sẽ tạo được bầu kkhông khí thích hợp. Không nhất thiết phải copy áo quần y chang nhưng phải hiểu biết về phạm vi trang phục, về trang phục cho các vật khác nhau. Do đó, trang phục sẽ có giá trị tương đương nhưng không phải là bắt chước hoàn toàn. Đây chính là vấn đề tôi đã thấy. Khi người ta cố gắng chuyển tải văn hóa, thường thì việc đầu tiên người ta làm là bắt chước. Trời, tôi không nói được tiếng Việt chứ đừng nói đến chuyện giả làm người Việt. Nên bắt chước là không ổn. Nhưng tôi có thể dàn dựng vở opera sao cho nó có hơi hướng Việt Nam mà vẫn tiếp cận được khán giả phương Tây.

Viễn Đông: Ông có một khái niệm xuyên suốt trong việc đạo diễn Chuyện Bà Thị Kính hay không?
Vince Liotta: Tôi nghĩ rằng ngay cả một tác phẩm có “cuộc sống" lâu dài như La Bohème chẳng hạn, một khái niệm không quan trọng bằng việc: đó là một tác phẩm không quá cứng nhắc ở các chi tiết cụ thể đến mức không thể trở thành phổ quát. Vì vậy nếu dàn dựng vở “Chuyện Bà Thị Kính” mang tính Việt Nam đặc trưng quá thì nó chỉ có thể đến với khán giả Việt Nam. Trong vở này có một cảnh nổi tiếng là cảnh người đầy tớ đang trốn trong trống thì cha của Thị Mầu về và đánh vào trống. Khán giả Việt Nam thì thấy cảnh đó buồn cười nhưng người Mỹ thì không. Vậy thì cảnh này không có giá trị phổ quát. Chúng tôi phải làm việc với nhau để làm nổi bật những phần mang tính phổ quát mà thôi.

Viễn Đông: Cả ông và nhà soạn nhạc đều có những quan điểm, viễn kiến riêng về việc dàn dựng vở opera. Làm sao hòa hợp đây?
Vince Liotta: Mục đích là đem lại tính phổ quát. Còn cụ thể, cái nhìn của tôi là: khi xem trình diễn, khán giả không cho rằng hành động của Thị Kính là sự hy sinh, mà là vì mục đích cao đẹp hơn. Hai chuyện này là khác nhau. Theo tôi, không có chuyện gì Thị Kính làm là vì hy sinh, nhưng là vì về lâu về dài thì mọi chuyện sẽ tốt hơn cho mọi người. Do đó Thị Kính không hy sinh cuộc đời mình để đi tu, hoặc không hy sinh cuộc sống của mình để cứu đứa bé. Theo tôi đó là cách nhìn nhận sai lầm. Sau khi xem xong vở diễn, khán giả phải thấy rằng Thị Kính biết rõ mình phải làm gì và cuối cùng đã làm được những gì mình cần làm. Trong một thế giới lý tưởng tốt đẹp nhất, đó là cách người ta sống: người ta làm những chuyện người ta phải làm vì những người chung quanh, cho dù đó là nhiều người, vài người, hoặc một người. Nhưng phải làm vì mọi người chứ không làm để hành hạ bản thân mình.

Vince Liotta sẽ bàn tiếp về quá trình làm việc với nhà soạn nhạc và nhà thiết kế trong Dàn dựng vở opera Thị Kính (kỳ 5).

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT