Hoa Kỳ

Bắc Hàn kêu gọi cư dân Nam Hàn di chuyển trước khi tấn công

Hoài Mỹ/Viễn Đông Monday, 18/03/2013 - 07:52:20

Trong một bản tuyên cáo, chế độ Cộng Sản Bắc Hàn đã công kích Thủ Tướng Nam Hàn đồng thời đe dọa Thủ Tướng sẽ là mục tiêu đầu tiên trong cuộc tấn công miền Nam.

Hoài Mỹ/Viễn Đông


PYONGYANG/SEOUL - Thứ Ba tuần qua, ông James Clapper, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo của Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố rằng việc Bắc Hàn phát triển vũ khí nguyên tử đang tạo nên một “mối đe dọa nghiêm trọng”. Thứ Sáu, Hoa Kỳ hoạch định đặt 14 “hỏa tiễn phòng vệ” như thể một hành động đáp ứng cho mối đe dọa vừa kể.


Kêu gọi dân chúng Nam Hàn di tản

Bắc Hàn cảnh báo về một cuộc tấn công vào các hòn đảo của Nam Hàn nằm dọc theo biên giới mạn Tây của nước này. Họ đòi hỏi tất cả dân chúng hiện cư ngụ ở các đảo phải rời khỏi những nơi này ngay lập tức.
Tin trên như càng được xác quyết xuyên qua chuyến viếng thăm hải đảo Yonpyeong của Thủ Tướng Nam Hàn Chung Hong-won. Cách nay 3 năm, chính đảo này đã bị Bắc Hàn tấn công bằng pháo kích và hỏa tiễn.
Nhân chuyến kinh lý kể trên, Thủ Tướng Hong-won quả quyết rằng Nam Hàn sẽ phản công mạnh mẽ nếu phương Bắc thực hiện lời đe dọa của họ. Lời tuyên bố này dĩ nhiên đã gây “đất bằng nổi sóng” ở thủ đô Pyongyang (Bình Nhưỡng). Trong một bản tuyên cáo, chế độ Cộng Sản Bắc Hàn đã công kích Thủ Tướng Nam Hàn đồng thời đe dọa Thủ Tướng sẽ là mục tiêu đầu tiên trong cuộc tấn công miền Nam.

Cứu trợ
Bản phúc trình mới nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết tối thiểu 28 phần trăm trẻ em dưới 5 tuổi ở Bắc Hàn vẫn hứng chịu tình trạng suy dinh dưỡng hay dinh dưỡng sai lầm. Các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Bắc Hàn vẫn không ngừng thắt chặt hơn nữa - như thể một sự cảnh báo rằng nước này phải thay đổi chính sách vũ khí- và đối ngoại để nhận được sự cứu trợ.
Đầu tuần lễ vừa qua, cố vấn an ninh Tom Donilon của Hoa Kỳ đã tuyên bố là Washington sẵn sàng tham dự các cuộc đàm phán nghiêm chỉnh với Bình Nhưỡng nếu họ chịu thay đổi chính sách. Lời của ông Donilon: “Để nhận được sự giúp đỡ mà họ đang cần đến một cách vô vọng và sự tôn trọng mà họ vẫn nói là họ muốn có thì Bắc Hàn nay phải thay đổi đường hướng”.


Sai lầm
Trong một bản tuyên cáo, Ngoại Trưởng Bắc Hàn phát biểu rằng lời tuyên bố của cố vấn Tom Donilon là khôi hài cho dù những sự cám dỗ ấy (viện trợ) có thể gây nên tác dụng ở các quốc gia khác.
Bản tuyên cáo này đã được đọc trên hệ thống TV nhà nước ở Bắc Hàn. Ngoại Trưởng (Bắc Hàn) cũng bác bỏ các cáo buộc rằng Bắc Hàn dùng vũ khí nguyên tử để đổi lấy được nhiều sự viện trợ hơn. Bản tuyên cáo viết: “Hoa Kỳ đã sai lầm nặng nề nếu họ tin rằng Bắc Hàn sử dụng chương trình vũ khí nguyên tử của mình nhằm nỗ lực tìm kiếm thêm viện trợ của các quốc gia lân cận”.
Thiết tưởng cũng cần thiết nhắc lại ở đây việc tân Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, John Kerry hồi đấu tháng Hai vừa qua trong bài diễn văn nhậm chức, cũng đã cảnh cáo quyết liệt Bắc Hàn. Theo đó, cùng với Nam Hàn và Nhật Bản, Hoa Kỳ cảnh cáo Bắc Hàn và những hành động “khiêu khích” của họ trước khi khả thể diễn ra các cuộc thử nghiệm mới vũ khí nguyên tử của họ. Ông Kerry nhấn mạnh thêm rằng Bắc Hàn sẽ lãnh đủ mọi hậu quả từ cộng đồng quốc tế trong trường hợp họ tiếp tục lối hành xử khiêu khích.

Hoa Kỳ thiết lập căn cứ hỏa tiễn đề phòng Bắc Hàn
Thứ Sáu vừa rồi tân Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Chuck Hagel cho biết Hoa Kỳ hiện củng cố mạnh mẽ hơn nữa việc phòng vệ hỏa tiễn của mình nhằm “trả lời” sự gia tăng đe dọa của Bắc Hàn.
Theo lời của Tổng Trưởng Hagel, Hoa Kỳ sắp thiết lập đợt đầu 14 hỏa tiễn ở Alaska - Ground-based Midcourse Defense, GMD - với khả năng bắn hạ các hỏa tiễn vốn có thể phát xuất từ Bắc Hàn. Tính đến năm 2017, tổng số hỏa tiễn này được lượng định sẽ gia tăng từ 30 tới 44 chiếc.
Được biết, cuộc thử nghiệm loại hỏa tiễn canh phòng này nằm trong khuôn khổ việc thiết lập GMD, từ tháng Chạp năm 2010, tuy nhiên đã không đáp trúng mục tiêu. Mãi đến ngày 31-01-2013, việc tái thử nghiệm ở căn cứ không lực “Vandenberg” tại California mới đạt được kết quả mong muốn.

Tình hình giữa Bắc, Nam Hàn trở nên căng thẳng
Theo nhận định của phần đông phân tích gia quốc tế, hiện tình giữa hai quốc gia lân bang, Bắc và Nam Hàn đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết
Về phía Cộng Sản Bắc Hàn:
- Ngày 12 tháng 2 vừa qua, Bắc Hàn đã thực hiện cuộc thử nghiệm nguyên tử thứ ba bắt chấp sự phản đối của thế giới. Vào tuần trước đây, chính quyền Bắc Hàn thông báo họ muốn chấm dứt hiệp-ước-không-tấn-công của năm 1991 và cả hiệp ước đình chiến kết thúc chiến tranh Cao Ly năm 1953. Theo thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn, KCNA, việc hủy bỏ hiệp ước đình chiến này bắt đầu có hiệu lực kể từ Thứ Hai, ngày 18-03-2013. Trong khi đó Nam Hàn và Hoa Kỳ cũng đã khởi sự một cuộc thao dượt quân sự chung. Ngược lại, Bắc Hàn cũng hoạch định một cuộc tập luyện quân sự khác vào một tuần lễ sau.
-Thứ Tư, ngày 13-03-2013, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chánh Vân (Kim Jong-un) đe dọa “tiêu diệt” hòn đảo Baengnyeong ở biên giới Nam Hàn, biến nơi này thành “một biển lửa”. Ở đây có khoảng 5,000 cư dân.
-Cho tới năm 2010, những cuộc tấn công đều bằng ngôn từ. Thời gian gần đây đã xẩy ra những hình thức mới, các cuộc cảnh báo về tấn công diễn ra đều đặn, và những lời công bố của Bắc Hàn minh xác việc nước này nay được quyền tự do tấn công sau khi họ tự hủy bỏ hiệp-ước-không-tấn-công năm 1991 như thể một sự chủ tâm nhắm cách riêng vào tân Tổng Thống Nam Hàn, bà Park Geun-hye (Phác Cận Huệ). Giới lãnh đạo quân đội Bắc Hàn gọi bà là “con mụ hiếu chiến với chiếc váy phất phơ (the swish of skirt”), chủ nhân của tòa Nhà Xanh. (Tòa Nhà Xanh Cheong Wa Dae - là văn phòng Tổng Thống ở Nam Hàn).
-Đồng thời chế độ Cộng Sản Bình Nhưỡng cũng thông báo họ đã đơn phương cắt đứt đường dây điện thoại đỏ liên lạc với chính phủ ở mạn Nam vốn được sử dụng trong những trường hợp khủng hoảng. Thế nhưng, Thứ Tư vừa rồi, một phát ngôn viên của chính quyền Seoul cho biết là điện thoại khủng hoảng này vẫn hoạt động. Một phát ngôn viên khác của quân đội Nam Hàn cũng xác nhận: “Đường liên lạc quân sự này vẫn chuyển vận bình thường, và chúng tôi sẽ nhắn tin cho miền Bắc qua đường dây này khi cần thiết”.
Về phía Nam Hàn:
Hai người trong số 3 người Nam Hàn muốn có vũ khí nguyên tử. Việc Bắc Hàn cho nổ trái bom nguyên tử thứ ba hồi tháng Hai đã trở thành một cú “sốc” khốc liệt ở miền Nam. Cuộc phóng hỏa tiễn tầm xa thành công hồi trước lễ Giáng Sinh cho thấy Bắc Hàn tiến gần đến việc phát triển cả hỏa tiễn lẫn đầu đạn nguyên tử vốn có thể gây thiệt hại cho Nam Hàn.
Ông Han Yong-sup, Giáo Sư môn chính trị an ninh tại viện đại học Quốc Phòng Quốc Gia Đại Hàn ở Seoul, nói với nhật báo The New York Times rằng: “Cuộc thử nghiệm nguyên tử lần thứ ba đối với Nam Hàn giống như cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba đối với Hoa Kỳ vậy. Nó khiến cho sự đe dọa của Bắc Hàn trở nên rất gần và rất thực tế”.
Ngược lại, như trên đã kể, cuộc thao dượt quân sự chung giữa Hoa Kỳ với Nam Hàn, gồm 3,000 quân nhân Mỹ và 10,000 lính Nam Hàn, cũng khiến cho Bắc Hàn nổ tung cơn phẫn nộ bắng sự cuồng loạn ngôn từ. Sự kiện diễn ra sau khi hội đồng Bảo An LHQ củng cố các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn vì nguyên nhân thử nghiệm nguyên tử. Bắc Hàn còn như bị vỡ tung lồng ngực khi biết Trung Cộng cũng ủng hộ nghị quyết ấy.
Bởi thế những sự đe dọa không khác chi tận thế đổ xuống từ miền Bắc trong những tuần lễ qua. Bắc Hàn đã xé vụn hiệp ước đình chiến vốn chấm dứt cuộc chiến tranh Cao Ly vào năm 1953 đồng thời đe dọa cuộc tấn công nguyên tử đầu tiên vào Hoa Kỳ. Đối với Nam Hàn, họ đe dọa “phá hủy bình địa” thủ đô Seoul.
Các nhà phân tích vốn hiểu rõ Bắc Hàn, cho rằng cuộc “võ miệng” là bởi tân lãnh tụ “ngựa non hấu đá” Kim Chánh Vân mong muốn chiếm được sự nể trọng của các tướng lãnh. Thế nhưng lối lãnh đạo sôi nổi của Kim góp phần vào nỗi lo sợ ở miền Nam, bởi vì Bắc Hàn dưới sự điều khiển của “Kim-con” này còn tỏ ra bất khả tiên đoán so với “Kim-cha” tiền nhiệm.
Sự ao ước Nam Hàn có vũ khí nguyên tử đang lớn dần và được sự chia sẻ của đa số giới khoa bảng hàng đầu. Hoa Kỳ kể từ cuộc chiến Cao Ly năm 1950, vẫn là sự bảo đảm an ninh của Nam Hàn, thế nhưng càng ngày càng nhiều người đặt câu hỏi chẳng nhẽ Nam Hàn cứ mãi mãi núp dưới bóng dù nguyên tử của Hoa Kỳ? Nhiều người lo sợ những sự khó khăn về kinh tế của Hoa Kỳ sẽ gây ra những hệ quả cho các trách nhiệm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Nhiều tác giả tiên tiến trong những tháng qua đã đề xướng việc Nam Hàn nên có những phương tiện ngăn cản nguyên tử của riêng mình. Và càng nhiều người không ngừng đòi hỏi Hoa Kỳ vận chuyển trở lại vũ khí nguyên tử của họ vốn đã “được” mang đi vào năm 1991 chiếu theo kết quả chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh.
Tổng Thống Barack Obama đã dùng thỏa hiệp không-phổ-biến-vũ-khí-nguyên-tử làm một trong những hòn đá nền tảng cho chính sách đối ngoại của ông. Sự ước muốn của người Nam Hàn có được vũ khí nguyên tử riêng của mình bởi thế lần này chỉ trở thành một giấc mơ mà thôi. Hoa Kỳ vẫn thường tuyên bố là việc phòng vệ của họ có thể giải quyết được một cuộc tấn công nguyên tử từ Bắc Hàn.

Kim Chánh Vân bị mưu sát
Các nguồn từ cơ quan tình báo Nam Hàn ngày 14-03-2013 tiết lộ là lãnh tụ độc tài Kim Chánh Vân hồi năm ngoái đã lâm vào một vụ mưu sát ở ngay trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng. Nguồn tin này nói với nhật báo Joogang ở Nam Hàn rằng: “Chính quyền (Seoul) theo dõi vô cùng kỹ lưỡng vụ này, bởi vì vụ đột kích đã xẩy ra ở trung tâm Bình Nhưỡng chứ không phải trong một chuyến đi nào khác của ông ta ở trong nước”.
Nguồn này xác quyết rằng vụ mưu sát có quan hệ với cuộc tranh giành quyền lực nội bộ trong quân đội Bắc Hàn và quan hệ đến những người ủng hộ tướng bị thất sủng Kim Yong-chol (đừng lầm lẫn với người anh của Kim Chánh Vân vốn trùng tên).
Kim Yong-chol được mô tả là một trong những người hỗ trợ gần gũi nhất của Kim Chánh Vân vốn “có công” trong việc đánh chìm một chiếc tầu của Nam Hàn năm 2010. Đương sự được nhắc lên bậc tướng lãnh 4 sao vào tháng Hai năm 2012, nhung lại bị giáng xuống hàng 2 sao vào đầu tháng 11 cùng năm này. Theo báo Joogang, Yong-chol bị mất một sao sau khi đương sự phạm lỗi trong vụ gây gổ nội bộ; trong vụ ấy đã xẩy ra việc sử dụng vũ khí. Sao thứ hai của đương sự bị lột sau khi ông ta bị tình nghi có liên quan đến việc mưu sát nhà độc tài.
Theo nguồn kể trên: “Tất cả những người dính líu vào vụ bắn nhau trong cuộc gây gổ cũng đều bị xét có liên hệ đến cuộc mưu sát”. Và số phận của những người này hiện nay không ai còn biết rõ nữa. (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT