Thế Giới

Bắc Hàn lần đầu tiên thừa nhận hội nghị Trump - Kim không có kết quả

Saturday, 09/03/2019 - 09:52:15

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu diễn biến phức tạp, khi tình báo Nam Hàn cho biết Bắc Hàn đã khôi phục cơ sở phóng vệ tinh Sohae, dù ông Kim đã đồng ý phá dỡ bãi thử này từ năm 2018.

BÌNH NHƯỠNG - Truyền thông Bắc Hàn đã thừa nhận hội nghị với Tổng Thống Donald Trump không có kết quả, và ngầm ám chỉ Hoa Kỳ có lỗi khi hai bên không đạt được kết quả mong muốn trong cuộc gặp ở Việt Nam. “Dư luận trong nước và nước ngoài đang cảm thấy tiếc, đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì cuộc họp lần 2 không đạt được thoả thuận nào,” hãng truyền thông nhà nước Bắc Hàn KCNA hôm thứ Sáu cho biết. Đây là lần đầu tiên KCNA công khai thừa nhận hội nghị giữa Chủ Tịch Kim Jong-un và Tổng Thống Donald Trump tại Hà Nội không đạt được kết quả.
Trước đó, truyền thông Bắc Hàn đã đưa tin về hội nghị, trong đó nói rằng nước này và Hoa Kỳ đã đồng ý tiếp tục các thảo luận "hữu ích" về phi hạt nhân hóa. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao Động Bắc Hàn, còn đăng trên trang bìa hình ông Kim bắt tay ông Trump khi kết thúc cuộc họp. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu diễn biến phức tạp, khi tình báo Nam Hàn cho biết Bắc Hàn đã khôi phục cơ sở phóng vệ tinh Sohae, dù ông Kim đã đồng ý phá dỡ bãi thử này từ năm 2018.

Mạng điện tại Venezuela vẫn chập chờn sau vụ cúp điện toàn quốc
CARACAS – Vào thứ Sáu, mạng điện tại Venezuela vẫn chập chờn và chỉ hoạt động tại một số khu vực nhỏ, vào 1 ngày sau khi vụ cúp điện tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua đã khiến toàn quốc gia này gần như tê liệt, làm tăng thêm nỗi thống khổ của hàng triệu người vốn đang phải đối mặt với lạm phát cao và thiếu thốn nhu yếu phẩm. Gần như toàn bộ Venezuela đã bị cúp điện vào chiều thứ Năm, do trục trặc tại nhà máy thủy điện chính của quốc gia. Chính phủ của Tổng Thống Nicolas Maduro cáo buộc đây là “một vụ phá hoại” của phe đối lập.
Vào chiều thứ Sáu, điện đã sáng trở lại tại một số nơi ở thủ đô Caracas, nhưng lại bị cúp rất nhanh sau đó. Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa cầm quyền và hãng điện quốc gia Corpoelec vẫn chưa cung cấp thông tin gì về tình trạng này. Trong khi đó, lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người được nhiều nước phương Tây công nhận là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, đã chỉ trích chính phủ vì không thể quản lý được nguồn cung cấp năng lượng, và nói ông Maduro mới là người phá hoại quốc gia.
Cũng trong ngày thứ Sáu, tổ chức Ngân hàng thế giới (World Bank) phán quyết chính phủ Maduro phải trả cho hãng ConocoPhillips hơn $8 tỷ Mỷ kim, vì đã tịch thu nhiều sản phẩm và tài sản của hãng khai thác dầu mỏ này, trong làn sóng quốc hữu hóa tài sản nước ngoài. Trong cùng ngày, Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc khủng hoảng Venezuela đã khiến tổng cộng 3.4 triệu người di cư khỏi quốc gia, và 250,000 người rời đi riêng trong năm 2018.

Iraq đe dọa tử hình phiến quân nước ngoài tham gia ISIS
BAGHDAD - Tổng thống Iraq hôm thứ Sáu tuyên bố sẽ trừng trị nghiêm khắc những tay súng ISIS phạm tội chống lại chính quyền và người dân nước này. "Các phiến quân nước ngoài phục vụ cho Nhà Nước Hồi Giáo sẽ bị xét xử theo luật pháp Iraq và có thể bị kết án tử hình nếu bị buộc tội giết người Iraq. Luật pháp Iraq cho phép tuyên án tử hình và chúng tôi sẽ duy trì quy định này,” Tổng Thống Iraq Barham Salih nói. Tuyên bố được đưa ra sau khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Hoa Kỳ hậu thuẫn bàn giao cho chính quyền Baghdad khoảng 280 người mang quốc tịch Iraq và nước ngoài, bị nghi là thành viên ISIS.
Thủ Tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho biết nước này có thể cho dẫn độ các tù nhân ISIS không mang quốc tịch Iraq về nước của họ, nhưng sẽ đem ra xét xử những kẻ phạm tội ác chống lại chính quyền và nhân dân Iraq. SDF hồi đầu tháng cũng thả hàng trăm tù binh ISIS khỏi các nhà tù ở miền bắc Syria, sau khi liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu đạt thỏa thuận với nhóm phiến quân về việc đưa những tay súng rời khỏi khu vực do SDF kiểm soát ở đông Syria. Phiến quân ISIS từng chiếm nhiều khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Iraq và Syria. Quân đội Iraq tuyên bố đánh đuổi hoàn toàn ISIS khỏi đất nước này vào tháng 12, 2017. Tuy nhiên, các tay súng ISIS vẫn tiếp tục mai phục, thực hiện các vụ ám sát và đánh bom trên lãnh thổ Iraq, đặc biệt tại khu vực dọc biên giới với Syria.

Nam Hàn ký thỏa thuận tăng đóng góp chi phí quân sự cho Hoa Kỳ
SEOUL – Chính quyền Nam Hàn đã đồng ý gánh vác thêm chi phí an ninh cho lực lượng đồn trú của Hoa Kỳ, sau nhiều áp lực của chính quyền Tổng Thống Donald Trump. Ngoại Trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha và Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn Harry Harris hôm thứ Sáu đã ký thỏa thuận chính thức về việc Seoul tăng đóng góp tài chính cho lực lượng Mỹ đồn trú ở nước này. Bà Kang gọi đây là "kết quả của những nỗ lực, đôi khi rất khó khăn" nhằm giúp quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn trở nên mạnh mẽ hơn. Ông Harris cho rằng việc ký thỏa thuận cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh bền vững giữa hai nước.
Thỏa thuận chia sẻ chi phí này dự kiến được quốc hội Nam Hàn dễ dàng phê chuẩn, bởi đảng đối lập cũng đánh giá cao mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Hai nước chưa tiết lộ mức tăng thêm trong đóng góp chi phí quân sự của Nam Hàn.
Tổng Thống Trump trước đó đã gây áp lực để Nam Hàn tăng đóng góp tài chính cho quân đội Mỹ đồn trú, và đe dọa sẽ rút 28,500 quân khỏi nước này nếu Seoul không chịu gánh vác thêm nghĩa vụ tài chính. Yêu cầu này của ông Trump khiến nhiều nhà quan sát lo lắng về tương lai của mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua. Sau hội nghị lần đầu tiên với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un ở Singapore năm ngoái, ông Trump đã ra lệnh giảm quy mô các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vì cho rằng chúng quá tốn kém. Quân đội hai nước cũng hủy đợt tập trận chung lớn vào tháng 5, 2019 và thay bằng cuộc diễn tập có quy mô nhỏ hơn, nhằm tạo thuận lợi cho nỗ lực ngoại giao với Bắc Hàn.

Ấn Độ ký hợp đồng thuê tàu ngầm Nga
NEW DELHI - Chính phủ Ấn Độ vào ngày thứ Năm đã ký hợp đồng trị giá $3 tỷ Mỹ kim để thuê một tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Nga trong 10 năm, giúp New Delhi tăng khả năng quân sự trên Ấn Độ Dương để đối phó các đối thủ là Pakistan và Trung Quốc. Thỏa thuận mới, được thành lập sau nhiều tháng đàm phán, diễn ra giữa lúc căng thẳng đang tăng cao giữa Ấn Độ và Pakistan, và trong lúc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Bộ Quốc Phòng Ấn Độ từ chối xác nhận thông tin này, nhưng các báo cáo cho biết tàu ngầm hạt nhân lớp Akula-1, vốn là chiếc thứ ba được Ấn Độ thuê từ Nga, sẽ được giao vào năm 2025. Nga cũng sẽ giúp bảo trì tàu ngầm, hỗ trợ kỹ thuật, và giúp huấn luyện thủy thủ đoàn.
Tàu ngầm mới sẽ thay thế cho chiếc INS Chakra, cũng là một tàu ngầm lớp Akula được thuê theo hợp đồng 10 năm với Nga vào tháng 4, 2012. Hợp đồng thuê chiếc INS Chakra sẽ được gia hạn cho tới khi tàu ngầm mới bắt đầu hoạt động. Vào thời Chiến Tranh Lạnh, Nga là một trong các đồng minh của Ấn Độ, và đến nay, nước này vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho New Delhi. Vào tháng 10 năm ngoái, trong chuyến thăm New Delhi của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đồng ý mua hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-400 của Nga với giá 5.2 tỷ Mỹ kim. Ngoài Pakistan, Ấn Độ hiện đang rất lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, nơi vốn được New Delhi coi là sân nhà. Ngoài ra, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc cũng tiếp cận Sri Lanka và Maldives, các quốc gia lâu nay vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của New Delhi.

Nhật Bản giới thiệu dự luật cấm quấy rối ở sở làm
TOKYO – Vào thứ Sáu, chính phủ Nhật Bản đã giới thiệu một loạt dự luật sửa đổi, trong đó cấm mọi hình thức quấy rối ở nơi làm việc và yêu cầu các công ty ngăn chặn tình trạng lạm dụng chức quyền hoặc ức hiếp, bắt nạt. Bộ luật mới quy định, mọi hành vi quấy rối ở sở làm, của những người lợi dụng chức vụ cao hơn, sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, dự luật không đặt ra khung hình phạt đối với những người vi phạm. Những quy định mới cũng sẽ cấm các công ty đối xử không công bằng đối với những nhân viên báo cáo việc họ là nạn nhân của quấy rối tình dục. Ngoài ra, các công ty có nhân viên quấy rối tình dục một nhân viên của công ty khác sẽ buộc phải hợp tác trong việc điều tra khi được yêu cầu.
Để thúc đẩy sự tiến bộ xã hội của phụ nữ, chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu các công ty vừa và nhỏ, có quy mô từ 100 đến 300 nhân viên, phải đặt ra một loạt mục tiêu để thúc đẩy vai trò của phụ nữ lên các vị trí cao hơn. Trước đây, chỉ có hãng lớn mới bị buộc phải đặt ra các mục tiêu như vậy. Ngoài ra, các hãng lớn cũng sẽ bị yêu cầu công khai các thông tin như tỷ lệ nữ giám đốc điều hành, và số lao động nữ hoặc nam đã nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái. Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ công bố danh sách các công ty không tuân thủ các quy định này. Nếu được Quốc Hội phê chuẩn, dự luật nên trên sẽ có hiệu lực sớm nhất là từ năm tài khóa 2020.

Lũ lụt nghiêm trọng tại Indonesia, hàng trăm người di tản
JAVA - Cơ quan đối phó thảm họa Indonesia vào ngày thứ Sáu thông báo ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác mất tích, sau khi mưa lớn gây lũ lụt tại nhiều khu vực khiến hàng trăm người phải di tản. Mưa lớn đã trút xuống miền Đông Indonesia trong những ngày qua, khiến nước sông Citarum trên đảo Java tràn bờ, đồng thời gây lũ quét trên khu vực rộng. Cư dân tại vùng ngoại ô thành phố Bandung, cách thủ đô Jakarta 180 cây số về phía Đông, đã buộc phải lội qua các con đường nước ngập tới ngực. Các hình ảnh hiện trường cho thấy người dân đang di chuyển bằng thuyền gỗ và thuyền bơm hơi tới các địa điểm an toàn.
Nhà chức trách cũng cho biết lũ lụt và lở đất đã khiến 2 người thiệt mạng tại tỉnh Nusa Tenggara trên đảo Flores. Ngoài ra, 6 người vẫn đang mất tích và 3 người bị thương trong đợt thiên tai này. Lũ lụt thường xảy ra vào mùa mưa của Indonesia, kéo dài từ tháng 10 năm trước cho tới tháng 4 năm sau. Hồi tháng 1 vừa qua, ít nhất 70 người đã thiệt mạng khi lũ lụt và lở đất tấn công tỉnh Nam Sulawesi. Các trận lũ lụt gần đây đã ảnh hưởng tới hơn 30,000 người dân tại các khu vực thuộc các tỉnh Tây Java và Đông Java.
Mực nước Citarum, con sông dài nhất ở tỉnh Tây Java với chiều dài gần 300 cây số, thường xuyên dâng tràn bờ trong các trận mưa lớn. Ngân Hàng Thế Giới gọi đây là "con sông ô nhiễm nhất thế giới" khi rác thải công nghiệp từ các nhà máy, nước thải sinh hoạt của người dân cùng rác rưởi tràn ngập con sông này. Hồi tháng 2 năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch dài 7 năm nhằm "tái sinh" sông Citarum.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT