Bình Luận

Bác Sĩ Dairon Elisondo Rojas

Friday, 27/12/2019 - 07:40:44

Bác sĩ Dairon Elisondo Rojas -người Cuba- đang làm việc tại trại tị nạn Matamoros, Mexico; mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 6 tiếng đồng hồ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Bác sĩ Dairon Elisondo Rojas -người Cuba- đang làm việc tại trại tị nạn Matamoros, Mexico; mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 6 tiếng đồng hồ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, và lãnh mỗi ngày $30 của một hội thiện nguyện.
Elisondo, 28 tuổi, cũng là một người tị nạn đang làm thủ tục để được định cư tại Mỹ; ông đã được tòa di dân tại Brownsville, Texas, nhận hồ sơ của ông và của người bạn gái. Trả lời câu hỏi, "Chừng nào đi Mỹ?" Elisondo nhún vai, “Biết đến chừng nào?”
Trại tị nạn Matamoros có khoảng 2,500 người Trung và Nam Mỹ, thành phần vị thành niên đông hơn người lớn; bệnh nhân của Elisondo cũng vậy -đa số là trẻ con; đa số mắc bệnh thông thường của trẻ con -té re, cảm, ho, ... một đứa gẫy xương ống chân vì đá banh. Elisondo gửi nó sang bệnh viện Mễ, bác sĩ Mễ có đủ phương tiện giải phẫu, băng bó cho đứa trẻ, rồi gửi nó trở lại trại tị nạn.


Bác sĩ Elisondo sống trong trại tị nạn, vì chính ông và cô bạn gái của ông cũng đang xin tị nạn. (NY Times)


Elisondo nói bằng tiếng Spanish và thích câu này, “Tuyệt vời, cuộc sống được như thế này là tuyệt vời rồi. Tôi đang được làm cái nghề duy nhất mà tôi biết làm." Ông lại hơn những người đồng cảnh, và đồng tạm trú trong trại tị nạn $30 Mỹ kim mỗi ngày.
Ông tận tụy đến mức không nghỉ ngày nào cả; thân chủ của ông khá đông -trong những điều kiện sinh sống eo hẹp của trại tị nạn, không một người nào hoàn toàn khỏe khoắn cả.



Chú cầu thủ gẫy giò. (NY Times)


Elisondo tốt nghiệp khóa bác sĩ đặc biệt được huấn luyện để gửi đến giúp những quốc gia đồng minh với Cuba và cùng chia cảnh nghèo khó với Cuba.
Quốc gia đầu tiên Elisondo được phái tới giúp đỡ là Venezuela; ông phục vụ tại một bệnh viện của nước đó và bị gọi trở về Cuba vì ông chỉ trích chính sách của Tổng Thống Nicolas Maruro, vì ông cho là chính Maruro làm nền kinh tế của Venezuela mỗi ngày một lụn bại.
Elisondo nói, “Trở lại Cuba, tôi bị chính phủ trừng phạt: không được hành nghề bác sĩ nữa, và thường xuyên phải trình diện công an.”
Cuối cùng, không chịu nổi chế độ 'công an trị' của cộng sản Cuba, Elisonda dắt người tình vượt biên sang Nam Mỹ, và xin tị nạn tại Mỹ. Họ đến đồn biên giới Mỹ trình diện, và được trả lời là trở lại tạm trú tại Mễ làm thủ tục xin tị nạn.

Elisondo và cô bạn gái mướn apartment ở tạm và xin được việc làm tại một xưởng chế tạo hộp đựng mỹ phẩm. Ông được trở lại hành nghề bác sĩ, nhờ một buổi đi dạo, đứng đọc một cái bích chương thấy trong đó có hai chữ “Medical” và “Médico.”
Ông hỏi bà Helen Perry, giám đốc của nhóm Global Response Management -một tổ chức bất vụ lợi chuyên giúp đỡ người tị nạn trên khắp thế giới, xem ông có thể làm việc với tổ chức đó không.
Bà Perry trả lời, “Nếu quả thật anh là bác sĩ, thì chắc chắn tôi sẽ tuyển dụng anh.”
Chứng từ về học vấn và nghề nghiệp của Esisondo được chuyển đến GRM (Global Response Management) ngay ngày hôm sau, qua phương pháp WhatsApp, và anh di dân trở thành bác sĩ trong trại tị nạn.
Sau một tuần tuyển dụng Elisondo, bà Perry -nguyên là một y tá- tuyên bố, “Bác sĩ Elisondo tuyệt vời; ông không chỉ là một bác sĩ, mà còn là một người tị nạn nữa.”

Tư cách 'người tị nạn' giúp Elisondo thông cảm cảnh thiếu thốn của trại tị nạn; ông nghe mạch, viết toa thuốc cho bệnh nhân dưới một bóng mát, hay trong một túp lều. Ông lại có mặt và hành nghề ngay trong trại tị nạn, giúp người tị nạn tránh được những di chuyển trở thành khó khăn vì họ không có xe cộ.
Anh tị nạn Luis, người Honduran kể lể, “Trời còn tội nghiệp người tị nạn nên mới xui khiến việc bác sĩ cũng đi tị nạn. Có bác sĩ sẵn trong trại, chúng tôi khỏi nhờ bác sĩ bên ngoài."
Anh Luis khoe bác sĩ Elisondo chỉ khám cho con gái anh có một lần, mà cho thuốc trị dứt chứng ho kinh niên của cô bé 9 tuổi.
Cậu cầu thủ 10 tuổi gẫy xương chân khoe là cậu đi bó bột ngoài nhà thương Mễ, trở về trại tị nạn, thấy hai chiếc xe hơi nhỏ để trên gối -quà của bác sĩ Elisondo.
Cùng với một y công thiện nguyện người Mỹ, mỗi ngày Elisondo săn sóc được trên, dưới 50 bệnh nhân; ngoài sĩ số 2,500 người tị nạn trong trại, khoảng 1,000 người tị nạn cư ngụ gần đó cũng vào trại Matamoros xin khám bệnh.



Elisondo và cô thân chủ Estephanie, 4 tuổi. Bé Estephanie bị bệnh suyễn. (NY Times)

Uy tín bác sĩ của Elisondo lớn đến mức Mỹ đồng ý nhận những bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp được di tản sang bệnh viện Mỹ chữa trị, như trường hợp của một đứa trẻ bị phỏng cấp 3 mới đây.
Đầu tháng Chạp 2019, GRM cải tiến 'phòng mạch gốc cây' của Elisondo bằng cách đưa một chiếc xe y tế có bàn ngồi cho bác sĩ và bệnh nhân, có máy ultrasound machines, và nhiều y cụ khác nữa.
Nhưng Elisondo vẫn cứ mặc chiếc áo thun đỏ, và đang băn khoăn với ba chứng bệnh chính của người tị nạn epileptic seizures, appendicitis và heart attacks -chứng động kinh, viêm ruột thừa và bệnh tim.
Elisondo vẫn học thêm tiếng Anh để chờ ngày được cho vào Mỹ định cư; trên góc cạnh chính trị, ông cũng là một người tị nạn chính trị: ông bỏ chế độ cộng sản Cuba đi tìm một cuộc sống tự do hơn.
Bà Perry nói tổ chức GRM sẽ gửi Elisondo đi nhiều địa điểm khác trên thế giới, nơi mà người tị nạn cần một bác sĩ cũng là người tị nạn như họ, để hiểu và yêu thương họ.
Tuy nhiên, họ vẫn phải chờ sự đồng thuận của Elisondo, vì anh vẫn chưa có một mảnh đất nào để gọi là trú quán.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT