Tiêu Thụ

Bác sĩ và thuốc men

Friday, 14/08/2015 - 08:03:02

Trong một bài viết phổ biến vào đầu tháng Tám, bác sĩ David Eifrig, một phẫu thuật gia (kiêm cố vấn đầu tư) có tiếng tại Hoa Kỳ, đã tiết lộ, “Rõ ràng đa số khiến thức mới chúng tôi học được sau khi tốt nghiệp là trong các buổi tập huấn cũng là nghỉ hè hàng năm.”

Bài ERIC TRẦN

Một chi phí mà không ai trong chúng ta tránh được, đó là tiền cho bác sĩ và tiền thuốc. Có thể bạn chẳng bao giờ phải bỏ tiền mua xăng, mua TV, mua điện thoại, mua computer, v.v., nhưng bạn vẫn phải bỏ tiền ra đóng cho bác sĩ và mua thuốc. Không phải chỉ là vài năm một lần, mà mỗi tháng một lần.
Mặc dầu là một người khỏe mạnh, nhiều năm chẳng nhìn hề nhìn thấy mặt bác sĩ hoặc cầm được một viên thuốc, bạn vẫn phải mua bảo hiểm sức khỏe để phòng khi đau bệnh. Chi phí bác sĩ và thuốc men là một điều hiển nhiên, đụng chạm tới túi tiền mọi thành phần trong giới tiêu thụ.
Nhưng có ai đặt ra câu hỏi: Có phải chúng ta, giới tiêu thụ, đang bị khai thác, bị lạm dụng để làm giàu cho giới y sĩ và dược sĩ không?

Có bao giờ chúng ta chợt nghĩ lại “mình dùng quá nhiều thuốc, hơn mức cần thiết” không?



Nói như vậy quả là phạm thượng! Ít người đã từng nghĩ tới câu hỏi đó, hoặc nếu nghĩ tới, không mấy ai dám đặt ra một cách công khai. Nếu ai liều mình làm như vậy, đa số chúng ta cũng chỉ nhún vai cho rằng, đó chỉ là những kẻ “ghen ăn, tức ở.” Chỉ trừ khi chính những người trong cuộc, vốn là bác sĩ, dược sĩ hoặc “bề trên” của họ tiết lộ và thú nhận rằng: Chúng tôi từng nhận “ân huệ” của các hãng dược phẩm để quảng cáo thuốc cho họ.
Trong một bài viết phổ biến vào đầu tháng Tám, bác sĩ David Eifrig, một phẫu thuật gia (kiêm cố vấn đầu tư) có tiếng tại Hoa Kỳ, đã tiết lộ, “Rõ ràng đa số khiến thức mới chúng tôi học được sau khi tốt nghiệp là trong các buổi tập huấn cũng là nghỉ hè hàng năm.”
Trong các buổi tập huấn với rất nhiều tiện nghi xa xỉ này, họ được đại diện của các hãng dược phẩm giới thiệu về ích lợi của các loại thuốc mới ra lò. Ông Eifrig nhớ lại, sau một cuộc tập huấn được tổ chức ở San Diego cách đây vài năm, các bác sĩ ra về và bắt đầu ghi toa cho thuốc “Statin” một cách dễ dàng và rộng rãi cứ y như là … phát kẹo!
Lý do dễ hiểu: Trong buổi tập huấn vừa qua, các công ty dược đã đến báo cáo những kết quả tích cực và lạc quan mà loại thuốc này mang lại trong nỗ lực làm giảm bệnh tim. Đai diện các hãng dược cũng quả quyết, thuốc Statin không hề để lại tác dụng phụ (side effect) gì, một điều mà hiện nay mọi người thấy rõ ràng là không thật.
Một cuộc khảo cứu gần đây của Đại Học Minnesota cho biết, trung bình mỗi ngày có chừng 11 người chết vì phản ứng thuốc mà không được báo cáo đúng thời hạn cho cơ quan FDA của chính phủ Hoa Kỳ. Đó chỉ là những vụ tử vong báo cáo trễ, nếu kể cả những vụ chết người đã được báo cáo đúng qui định có thể còn nhiều hơn.
Báo cáo trên cũng cho biết, trong gần 2/3 trường hợp ghi toa, các bác sĩ đã không hề nói cho bệnh nhân của mình biết về các hậu quả phụ (side effect) rất nguy hại có thể đưa đến tử vong hoặc tàn phế cho người dùng thuốc. Đó là đối với người Mỹ, đối với bệnh nhân người Việt, con số này chắc chắn còn cao hơn.

        Và có ai nghĩ rằng, giới bác sĩ nhận “ân huệ” của nhà thuốc khi ghi toa cho chúng ta không?

Về cái lý do khiến các bác sĩ không muốn nói đến các side effect nguy hại đó, ông Eifrig nói một cách rất “bay bướm” rằng: “Xin quí vị nhớ cho…. Bác sĩ của quí vị học được những điều này từ một buổi tập huấn ở một khách sạn sang trọng bên một bờ biển ấm áp trong những tháng mùa đông,” trong lúc các bộ máy quảng cáo của ngành dược thì không hề giấu giếm rằng họ đã phải bỏ ra rất nhiều thời giờ và tiền bạc để vận động bác sĩ của quí vị nên cho toa loại thuốc gì.
Để có một ý niệm về những chi phí đó, xin đọc báo cáo của BBC công bố hồi năm ngoái: Có đến 9 trong 10 công ty dược phẩm bỏ tiền quảng cáo nhiều hơn số tiền bỏ ra để nghiên cứu thuốc men. Tìm được một công ty bỏ tiền nghiên cứu ($9.3 tỷ mỗi năm) bằng số tiền quảng cáo ($9 tỷ) như Roche, đại công ty dược phẩm của Thụy sĩ, thật là hiếm hoi. Còn hãng dược khổng lồ Pfizer, cha đẻ của những viên thuốc Viagra “quí giá,” thì tiêu $6.6 tỷ cho nghiên cứu, nhưng xài tới $11.4 tỷ cho quảng cáo! Quảng cáo cho ai? Ai là người có thể phổ biến sự sử dụng các loại thuốc này, ngoài bác sĩ. Thật là những món tiền khổng lồ được dùng để vận động giới thầy thuốc.
Nói “vận động” là còn là tế nhị, thực tế nhiều khi rõ ràng hơn: Nhiều bác sĩ còn được thuê làm phát ngôn viên trực tiếp cho các hãng dược. Trên trang mạng được chính phủ Hoa Kỳ thiết lập để theo dõi các dịch vụ dành cho người có Medicare and Medicaid Services (CMS) có ghi nhận nhiều bác sĩ nhận cả hàng trăm ngàn đô la để làm phát ngôn viên cho hãng dược. Một bác sĩ Illinois nhận gần $450,000 của Pfizer. Và, bác sĩ Eifrig viết, “Tôi cho rằng ông bác sĩ này rõ ràng đang vi phạm luật conflict of interest – lạm dụng quyền lực – khi nhận tiền của hãng dược rồi kê toa thuốc cho bệnh nhân.”
Cuối cùng, bác sĩ Eifrig khuyên, “Vậy lần tới, nếu đi khám bệnh và nhận một toa thuốc của bác sĩ, quí vị nhớ hỏi họ là có nhận tiền hoặc ân huệ gì của nhà bào chế ra thuốc này hay không?” Liệu bạn có tính hỏi như vậy không?
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT