Thế Giới

Bạn có bị hội chứng Nomophobia?

Monday, 20/11/2017 - 10:28:47

Theo các nhà tâm lý học, chứng nghiện smartphone cũng tương tự với một số cơn nghiện khác, đều có liên quan đến việc rối loạn điều hòa dopamine.





Cảm giác bất an khi quên điện thoại ở nhà, mang điện thoại di động vào phòng tắm, để điện thoại bên cạnh khi ngủ, thường xuyên cập nhật mạng xã hội thay vì giao tiếp trực tiếp với mọi người. Đó đều là những biểu hiện của một hội chứng mới được các nhà khoa học Anh gọi tên là Nomophobia (no-mobile-phone phobia) - nỗi ám ảnh khi không có điện thoại di động bên người, mà nhiều người không biết mình đang gặp hội chứng này.

Theo các nhà tâm lý học, chứng nghiện smartphone cũng tương tự với một số cơn nghiện khác, đều có liên quan đến việc rối loạn điều hòa dopamine.

“Mỗi khi nhận được một thông báo từ điện thoại, não sẽ tiết ra dopamine và nói với bạn rằng có một thứ gì đó hấp dẫn, cho dù đó có thể là một tin nhắn từ người lạ, email hoặc bất cứ thứ gì,” David Greenfield, phụ tá giáo sư tâm thần học tại đại học y Connecticut, cho biết.  “Vấn đề nằm ở chỗ bạn không biết thông báo đó có nội dung gì và khi nào nó xuất hiện. Điều này sẽ thôi thúc não bộ liên tục kiểm tra chiếc điện thoại.”
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Anh trên 2,000 tình nguyện viên cho thấy gần 53% người sử dụng điện thoại di động ở Anh có xu hướng lo lắng khi “làm mất điện thoại di động, phải tắt nguồn để họp công việc hay thi cử, hết pin, hết tiền hoặc nằm ngoài vùng phủ sóng.”

Tại Mỹ, chứng nghiện smartphone càng trở nên tồi tệ. Thống kê cho thấy: Cứ 3 người thì có 2 người để điện thoại bên cạnh khi ngủ; 34% trả lời cuộc gọi của họ trong khi đang trong một cuộc họp hoặc cuộc hẹn với đối tác; Cứ 5 người lại có một người chấp nhận đi chân trần ra đường trong một tuần, chứ không thể không đụng đến điện thoại; Hơn 50% số người được phỏng vấn không bao giờ tắt điện thoại; 75% số người được hỏi thường xuyên dùng điện thoại trong phòng tắm.

Mới đây, một trung tâm nghiên cứu và chữa trị hội chứng Nomophobia đã được mở ra ở miền nam California. Tùy theo các mức độ nghiện điện thoại di động của người dùng mà các bác sĩ ở đây sẽ đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau từ những cách đơn giản như giảm dần thời lượng sử dụng điện thoại cho đến quyết liệt như cấm sử dụng các thiết bị công nghệ trong một thời gian dài.

Mọi quốc gia đều nhận định hội chứng Nomophobia là một vấn đề xã hội cần được y học hóa để giảm thiểu nhiều hơn tác hại gây ra trên não bộ, thị giác, hành vi và vô số vấn đề sức khỏe khác. Không chỉ thói quen dán mắt vào màn hình điện thoại mới gây hại, cảm giác căng thẳng, lo sợ hoặc tuyệt vọng khi tách rời chiếc điện thoại càng kích thích nảy sinh nhiều cảm xúc tiêu cực ở người dùng smartphone, khiến họ không thể tập trung vào công việc và phải liên tục kiểm tra thông báo mới trên điện thoại.

Làm gì để tránh mắc phải hội chứng Nomophobia? Điện thoại di động là phát minh vĩ đại khi đem lại rất nhiều lợi ích. Vì thế, không có lý do gì bạn phải từ chối sử dụng chúng. Thế nhưng, hãy sử dụng chừng mực, đừng để lệ thuộc vào chúng. Hãy giữ điện thoại bên mình phòng trường hợp khẩn cấp, nhưng khi bạn ở cạnh người khác, hay ưu tiên cho họ hơn cả, đồng thời thực hiện một số điều sau:

Cân bằng giữa thời gian nhìn vào màn hình và thời gian tiếp xúc với người khác.
Mỗi tháng nên dành một ngày sống không công nghệ, con người sẽ cảm thấy được giải phóng.
Đặt điện thoại cách xa ít nhất 5 mét trước khi đi ngủ. Việc này sẽ bảo vệ sức khỏe người dùng đồng thời tăng hiệu quả của chức năng “Báo thức.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT