Văn Nghệ

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi với chương trình âm nhạc thật tuyệt vời kỷ niệm 30 năm thành lập

Tuesday, 26/11/2019 - 07:30:53

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi được thành lập vào tháng 4 năm 1989, đến nay đã 30 năm.

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi với nhạc phẩm Lữ Hành, nhạc và lời của NS Phạm Duy. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

 

Bài THANH PHONG

FOUNTAIN VALLEY - Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi được thành lập vào tháng 4 năm 1989, đến nay đã 30 năm. Để kỷ niệm dấu mốc thời gian này, một chương trình trình diễn âm nhạc thật tuyệt vời vừa được Ban Hợp Xướng tổ chức tại hí viện Saigon Performing Arts Center thuộc thành phố Fountain Valley vào tối Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019.
Quá trình thành lập cũng như những sinh hoạt của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi 30 năm qua đã được phóng viên Băng Huyền của nhật báo Viễn Đông tìm hiểu và viết liên tục trên ba số báo mới đây. Riêng về các ca khúc trình diễn, tác giả Như An đã giới thiệu rất đầy đủ trên nhật báo Viễn Đông ra ngày 20 tháng 11, nên trong bài báo này, chúng tôi chỉ ghi lại những hình ảnh sống động, những lời ca, tiếng hát, những chia sẻ chân tình của người tham dự để thấy sự lớn mạnh và nét đặc trưng của một Ban Hợp Xướng nó khó khăn, nhiêu khê như thế nào.

Hẳn quý độc giả cũng đã biết, để có được buổi trình diễn như hôm nay, từ nhạc trưởng, ca sĩ đến nhạc công đều phải tập luyện hàng mấy tháng trời vào mỗi ngày Chủ Nhật vì như đường hướng và mục tiêu của Ban Hợp Xướng đã nói rõ, “Ngàn Khơi tin rằng việc hát hợp xướng sẽ nuôi dưỡng sự thăng hoa tâm linh và tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng. Mỗi ca viên, khi dùng giọng ca của chính mình như một nhạc khí, sẽ tìm được một cảm giác sâu đậm gây ra bởi những rung động của giây thanh quản và từ trường sinh lý của âm thanh. Mỗi ca viên tác động hỗ tương với các ca viên khác để đạt tới một cảm quan tuyệt diệu do sự hòa thanh hoàn hảo của các giọng ca. Như vậy hợp xướng sẽ đưa đến trạng thái thăng bằng về cảm xúc, và góp phần tạo dựng một cuộc sống hài hòa…”


Dàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Để có được một Ban Hợp Xướng như Ban Ngàn Khơi không phải dễ. Giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, người viết hòa âm cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng: Bài Ca Ngợi Tự Do, Ngày Mai Chia Tay, Kiếp Dã Tràng, Hòn Vọng Phu 1, 2, 3, Việt Nam Việt Nam, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Giấc Mơ Hồi Hương, Dạ Lai Hương, Tình Hoài Hương, Bình Bán Vắn, và Đôi Mắt Người Sơn Tây trong chương trình đã chia sẻ cảm nghĩ của ông với Viễn Đông, “Nhạc Việt Nam của chúng ta thì mình chỉ có cái giai điệu tức là cái giọng lên xuống để mình hát với lời ca đi theo, ngoài ra không còn gì nữa hết, nhưng theo cái tiêu chuẩn của âm nhạc thì nó phải có ba phần hợp lại để nó làm nên cái đẹp của âm thanh. Đó là cái tiết nhịp của cái melodi cũng như cái nhịp tim. Mình không có nhịp tim là mình chết, rồi mới có cái giai điệu melodi là phần mình hát lên rồi nó phải có cái hòa âm. Hòa âm nó hỗ trợ cho mấy cái kia để làm cho bài nhạc đẹp, thí dụ những đoạn hùng mạnh nó giúp, nó tiếp làm cho hùng mạnh, chỗ nào buồn thảm lả lơi thì nó tiếp theo để nó đưa cái không khí đó cho người nghe; nhạc Việt Nam mình không có, cho nên khó lắm. Cái phận sự của tôi là mình cố làm sao để hòa trộn nó lại để cho nó có một cái đẹp chung của dàn nhạc mà nếu nói dàn nhạc giao hưởng thì ở thế giới có nhiều, Việt Nam mình hiếm lắm.

“Hồi trước mình có một ít, khi còn ở nhà (VN) khi mình làm chương trình mà có dàn nhạc giao hưởng thì những người chơi violon là những giáo sư trong Nhạc Viện của mình, còn phần chơi thổi kèn thì nhờ anh em nhạc công bên quân đội qua tiếp, có nghĩa là mình không đủ người để làm ra được một cái dàn nhạc giao hưởng như vậy. Qua đây nhạc sĩ nhiều hơn ở Việt Nam thành ra kể như mình có được rộng tay hơn. Nhưng còn một điểm hết sức trở ngại là khán giả Việt Nam chưa quen, thành ra khi họ chưa quen thì họ không thích. Chuyện đó là chuyện đương nhiên thôi! Cho nên làm một chương trình cho loại hợp ca này rất là tốn kém, rất là nhiêu khê, nên khi làm mình phải định “lỗ” bao nhiêu chứ không phải “lời bao nhiêu. Cái lỗ đó mình có chịu nổi hay không? Nhắm chịu nổi thì mới làm, anh em bỏ công, bỏ thì giờ, bỏ tiền bạc, bỏ này kia kia nọ đi tập dượt cả năm may ra mới làm được một chương trình, thành ra nó rất khó nhưng đối với thế giới mình không có cái đó có nghĩa là mình hụt nên mình cần phải làm, cần phải có.”


Giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa và Đại Tá Trần Minh Công, hai khán giả đầu tiên có mặt trước khi chương trình khai mạc. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Hí viện Saigon Performing Arts Center đầy ắp người và chương trình khai mạc rất đúng giờ là một điểm son đầu tiên được nhiều người ghi nhận. Kế đến là ba MC chuyên nghiệp: Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, cô Lê Đình Y Sa và cô Bích Trâm; đặc biệt LS Nguyễn Hoàng Dũng có trí nhớ tuyệt diệu, ông nhớ tiểu sử của từng nhạc sĩ mà không cần cầm tài liệu. Cả ba MC đều có giọng nói nhẹ nhàng, duyên dáng và không thừa một chữ, không thiếu một câu trong lời giới thiệu. Hai mươi hai tiết mục lần lượt được trình bày với các giọng ca của những ca sĩ chọn lọc: Bích Vân, Bích Liên, Lê Hồng Quang, Mê Linh, Nguyên Khang, Ngọc Hà, Thu Vàng, Vasa Diệu Nga và các nhóm ca Cát Trắng, Sóng Xanh, VS Music Studio Childrens Choir qua sự điều khiển của các nhạc trưởng: David Rentz, Nguyễn Hoàng Hương, Bùi Quỳnh Giao, Trần Mộng Thủy và Lee Lee Trương. Đặc biệt với dàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County do nhạc trưởng Dr.David Rentz làm Giám Đốc với các nhạc công hầu hết là người Mỹ đã sử dụng các nhạc cụ Violin, Viola, Bass, Flute, Oboe, Clarinet, Bassoon, Trumet và Timpani để chơi nhạc Việt Nam một cách thành thạo. Mở đầu với bản Bình Bán Văn do nhạc sư Lê Văn Khoa ký âm và hòa âm, dàn nhạc Orchestra Collective of OC hòa tấu và kết thúc với nhạc phẩm quen thuộc Việt Nam Việt Nam, nhạc và lời của nhạc sĩ Phạm Duy và Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trình bày.

Ngồi ở hàng ghế đầu sát sân khấu, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói rất ngắn gọn với Viễn Đông, “Rất là hay, giữ được cái văn hóa Việt Nam như thế này thật là giỏi. Cám ơn Ban Ngàn Khơi rất có tâm huyết trong chương trình hôm nay.”
Chị Trần Thị Thúy Hằng cho biết, “Tôi đi xem Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi nhiều lần rồi nên từ những ngày đầu bán vé tôi đã mua ngay để có chỗ tốt, và thật xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra, rất hay, rất hay.”
Ông Nguyễn Ngọc Triệu, cư dân Fountain Valley chia sẻ; “Nhà tôi ở gần cái rạp này, may quá họ trình diễn ở đây nên dù có kết thúc muộn cũng không sao. Tôi hoàn toàn thích thú với buổi trình diễn của Ban Ngàn Khơi, không có tiết mục nào chê được hết, mà tôi phục một cái nữa là mấy ông đánh đàn, thổi kèn, kéo Violin toàn người Mỹ, chỉ có đâu bốn năm người Việt mà sao họ chơi nhạc Việt Nam hay quá, tôi khoái quá.”
Đại Tá Trần Minh Công, nguyên Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, một khán giả có mặt từ đầu tới cuối, là một sĩ quan cao cấp của lực lượng CSQG/VNCH, đã chia sẻ cảm nghĩ của ông với độc giả báo Viễn Đông, “Từ rất nhiều năm qua tôi vẫn yêu thích những buổi trình diễn cũa Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi. Tôi yêu thích họ vì nhiều lý do. Một, tôi nghĩ hầu hết họ là những ca viên tài tử nhưng lại có vẻ rất chuyên nghiệp khi hát và trình diễn. Chắc hẳn họ phải là những người yêu thích âm nhạc và phải mất nhiều thời giờ tập dượt để cống hiến cho chúng ta những chương trình vừa hay vừa ý nghĩa. Tôi có phần ngưỡng mộ họ vì hầu hết họ là những người trí thức có tâm hồn, muốn gìn giữ văn hóa và gia tài âm nhạc VN, không những cho chúng ta mà còn cho các thế hệ con cháu chúng ta hiểu được những nét đẹp của văn hóa VN mà âm nhạc là một thể hiện rất truyền cảm và gần gũi với chúng ta.


Khán giả đầy ắp hí viện Saigon Performing Arts Center trong buổi kỷ niệm 30 năm thành lập Ban Ngàn Khơi. (Thanh Phong/Viễn Đông)


“Hai, Ngàn Khơi đáng cho chúng ta ủng hộ không chỉ vì tài năng của họ mà còn vì họ đang đóng góp cho nỗ lực bảo tồn nền văn hóa khai phóng của VNCH qua âm nhạc. Tôi thật cảm động khi thấy Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi đang huấn luyện và giới thiệu các ca viên trẻ kể cả các em bé mới chỉ 9 -10 tuổi. Trong đêm trình diễn vừa qua, cháu Mê Linh mới 14 -15 tuổi sanh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ nhưng đã hát rất hay và đặc biệt là với tiếng Việt rất chuẩn. Đó là công lao của nhóm bạn Ngàn Khơi. Hướng dẫn các bạn trẻ và các cháu nhỏ vào một chương trình bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Việt qua âm nhạc như vậy thật là một ý kiến hay và rất đáng ca ngợi.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT