Phóng Sự

Ban Hợp Xướng Trưng Vương, liều thuốc tinh thần kỳ diệu với các ca viên

Sunday, 25/09/2016 - 10:54:28

Nhất là với những người tuổi đã “xế chiều” giọng hát “tài tử” của họ càng ngày sẽ càng yếu đi theo thời gian chứ không thể khỏe như hồi còn trẻ, vậy mà họ vẫn dành tình yêu với âm nhạc thì đáng quý vô cùng.

Bài BĂNG HUYỀN

Suốt một năm qua, vào mỗi sáng Chủ Nhật hàng tuần, các thành viên của ban Hợp Xướng Trưng Vương tụ họp cùng nhau luyện thanh tại tư gia của ca trưởng Như An. Bà là người giúp các ca viên nâng cao khả năng cảm nhận âm nhạc, biết lắng nghe nhau, tăng sự nối kết tập thể giữa các thành viên khi hòa giọng cùng nhau, đây cũng chính là những yếu tố cần thiết để lập nên một ban hợp xướng.

Các ca viên và ca trưởng Như An của ban Hợp Xướng Trưng Vương trong tiệc văn nghệ mừng sinh nhật 1 tuổi của ban hợp xướng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Có rất nhiều điều đặc biệt về ban Hợp Xướng Trưng Vương, điều đầu tiên phải kể đến là hầu hết các ca viên đều chưa biết hát, hoặc hát chưa đúng, vậy mà chỉ sau một thời gian luyện tập nghiêm túc, cùng sự tận tình hướng dẫn của ca trưởng, giờ đây toàn ban hợp xướng gồm 25 ca viên đã có thể kết hợp ăn ý, nhịp nhàng, tạo nên những âm điệu mượt mà khi hát những bài hợp ca. Ban Hợp Xướng mang tên Trưng Vương vì từ ca viên cho đến ca trưởng, nhạc sĩ đệm đàn piano trong các buổi tập- chị Cúc Phương - đều là bạn học chung trường trung học Trưng Vương tại Sài Gòn trước đây.

Đây là một ban hợp xướng hội tụ những người ở tuổi “xế chiều” nhưng rất yêu ca hát. Phần lớn các ca viên có độ tuổi trung bình là 66, vài người trẻ nhất đã ngoài 50 tuổi và già nhất thì đã hơn 70. Mỗi người một cá tính, một chất giọng, sự cảm nhận âm nhạc khác nhau, họ đều đã qua thời thanh xuân của cuộc đời, nhưng khi tham gia vào ban hợp xướng này, họ đã tìm lại được ước mơ ca hát mà trong quãng đời tuổi trẻ của mình, vì bận mưu sinh, vì đời sống, vì bận bịu bổn phận làm vợ, làm mẹ, chăm sóc chồng, con mà họ đã đành tạm gác sang một bên.

Ban hợp xướng Trưng Vương hát mở màn cho chương trình văn nghệ mừng sinh nhật 1 tuổi (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Để mừng “thôi nôi”, vào tối Chủ Nhật, ngày 18 tháng 9, 2016 vừa qua, tại tư gia của ca trưởng Như An, ban hợp xướng Trưng Vương và một số thân hữu đã có buổi trình diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”, nhưng cũng khá đặc sắc với nhạc mục phong phú với hình thức hợp xướng, song ca, tam ca, đơn ca. Ban Hợp Xướng Trưng Vương mở màn, hát 2 bài “Bà Mẹ Quê” (Phạm Duy) và “Túi Đàn” (Canh Thân), đã đem lại thích thú cho người nghe bởi sự hài hòa, phối hợp nhịp nhàng của các giọng hát với nhau để cùng đem lại vẻ đẹp cho hai bài hợp ca.

Có mặt tại buổi văn nghệ này, người viết mới cảm nhận hết được niềm đam mê, yêu thích ca hát của các thành viên ban hợp xướng Trưng Vương và các thân hữu. Nhìn cách họ đứng trên sân khấu hát cứ như thể họ quên hết tuổi tác, quên hết những nỗi lo của người đã đi qua quá nửa cuộc đời, để được sống cùng những giai điệu, được thể hiện mình qua từng bài ca. Hầu hết những người có mặt trong buổi văn nghệ, từ người hát cho đến khán giả thưởng thức mái tóc đều đã hoa râm, dấu vết thời gian đủ đầy trên gương mặt và dáng vóc. Thế nhưng điểm chung ở họ, chính là tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống được thể hiện qua tình yêu dành cho âm nhạc. Họ háo hức như được sống lại những năm tháng tuổi trẻ, được hát ca với đam mê cháy bỏng. Mà ca hát chỉ khi mình tự thầm thì hát cho mình nghe thì dễ, còn hát trước đám đông cho người khác cùng thưởng thức, trên nền nhạc đệm hát sao cho đúng tông nhịp, phách, cao độ, trường độ của bài ca và thật cảm xúc thì chẳng dễ một chút nào. Nhất là với những người tuổi đã “xế chiều” giọng hát “tài tử” của họ càng ngày sẽ càng yếu đi theo thời gian chứ không thể khỏe như hồi còn trẻ, vậy mà họ vẫn dành tình yêu với âm nhạc thì đáng quý vô cùng.

Ca hát mang lại những lợi ích cho tinh thần của người trung niên, cao niên
Với cách hát đơn giản, mộc mạc, từng ca viên và các thân hữu đã mang tiếng hát chân phương, cảm xúc tự nhiên của mình góp vui cho buổi tiệc mừng sinh nhật 1 năm của ban Hợp Xướng Trưng Vương thêm phần hào hứng. Các tiếng hát “tài tử” này đều chọn cho mình những ca khúc trữ tình, lãng mạn, giai điệu hay, ca từ đẹp và phù hợp với chất giọng của từng người. Bên cạnh vài giọng ca vì quá hồi hộp khi hát trước mọi người, đã bị rớt nhịp, lạc tông khi hát, vẫn có những giọng ca chinh phục người nghe bằng chất giọng ngọt ngào, nét đằm thắm, sâu lắng trong từng giai điệu, từng ca từ khi cất lên. Người thưởng thức và người hát đều xúc động, đều cảm nhận được niềm vui của những người đã có tuổi nhưng vẫn yêu đời, vẫn có thể giữ được nét thanh xuân trong tâm hồn vì biết chọn cho mình đời sống tinh thần lạc quan. Và âm nhạc chính là liều thuốc công dụng nhất.

Trò chuyện với vài người trong số các ca viên của ban hợp xướng Trưng Vương, người viết nhận thấy các chị hoạt bát vô cùng, sự sắc xảo toát lên từ ánh mắt, giọng nói và đặc biệt niềm đam mê ca hát thì dường như tràn trề, khiến người đối diện như được truyền thêm năng lượng về niềm yêu cuộc sống của họ truyền sang.

Nói về những ích lợi khi tham gia hát trong ban hợp xướng Trưng Vương, chị Lê Minh Thu Cúc (là cựu nữ sinh trung học Trưng Vương niên khóa 1961- 1968, bạn chung lớp với ca trưởng Như An) cho biết:
-Từ ngày theo ban Hợp Xướng Trưng Vương, tôi thấy có nhiều điều rất thú vị, vì từ trước nay, mình chỉ hát theo bản năng của mình thôi, tôi có tham gia hát cùng các bạn trong những chương trình họp mặt của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam Cali, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Nam California (do ông xã tôi là cựu học sinh trường Chu Văn An), thích bài nào thì tôi hát, nốt nhạc thì cũng biết sơ sơ, nhạc lý cũng biết sơ sơ. Nhưng từ lúc vào ban hợp xướng, được ca trưởng Như An hướng dẫn, mình hát được những bài mình thích, mà lại hát đúng. Khi mình hát đúng rồi, mình cảm thấy bài đó thấm thía và mình có thể hy vọng đưa tới người nghe những điều trong bài hát mà mình không dám nói là đã được, nhưng phần nào những điều mà người nhạc sĩ đã gửi gắm, chứ trước nay mình hát không trúng, nên có những nốt nhạc hay về nhạc lý, không như nhạc sĩ mong muốn. Điều thứ hai nữa là khi vào sinh hoạt trong ban hợp xướng, mình có thêm tinh thần đoàn kết, hòa hợp với các chị em Trưng Vương với nhau, dễ dàng chia sẻ với nhau. Khi trước hát đơn ca thì tự mình hát sao cũng được, nhưng khi vào ban hợp xướng, trước nhất là theo sự hướng dẫn của ca trưởng, thứ hai phải cùng với bạn bè hát cho đúng nhạc lý hoặc lời ca của bản nhạc, cùng hòa giọng với nhau sao cho đều, thành ra mình hòa được vào chung quanh, cảm thấy thích vô cùng. Chồng con của tôi cũng rất ủng hộ khi tôi tham gia với ban Hợp Xướng Trưng Vương.

Còn chị Kim Nhung (là cựu nữ sinh trung học Trưng Vương khóa 1961- 1968) thì tâm sự:
-Hồi nhỏ tôi rất thích ca hát, nhưng không có điều kiện theo đuổi, bây giờ tuổi hưu cũng sắp đến, có cơ hội tìm lại các bạn bè từ hồi trung học, được tham gia hát trong ban Hợp Xướng Trưng Vương, tôi rất thích, vì ngoài việc hát ra, còn gặp lại những quý chị, quý em, quý bạn chung trường Trưng Vương, nhắc lại kỷ niệm cũ, thành ra vui lắm. Mỗi Chủ Nhật, chúng tôi gặp nhau học hát là một chuyện, đây còn là dịp để chúng tôi nói chuyện, hàn huyên đủ thứ với nhau, thành ra cứ bị ca trưởng la hoài, vì không lo tập hát mà cứ chuyện trò. Bây giờ lớn tuổi rồi, đã có gia đình, có những mối lo khác trong cuộc sống chi phối, dĩ nhiên sự chú ý của mình không bằng như hồi còn trẻ, thành ra học thuộc bài hát có chậm hơn một chút, nhưng ca trưởng Như An rất kiên nhẫn với chúng tôi, thành ra cứ mỗi Chủ Nhật đến tập là tập lại bài hát đó. Ngoài buổi tập hát chung, ca trưởng còn dành cho các ca viên giờ học riêng, dạy riêng từng người từ 30- 45 phút một ngày trong tuần. Hát hợp xướng là hát chung với nhau khác với hát đơn ca, nhưng ca trưởng không muốn mỗi người mai một khả năng đơn ca, thành ra ca trưởng dành giờ để tập luyện cho chúng tôi cách hát đơn ca. Ngày hôm nay là buổi recital, không chỉ hát hợp xướng, mà chúng tôi còn hát đơn ca vì ca trưởng muốn một người ca viên không chỉ phát triển phương diện hát chung mà còn hát đơn ca nữa. Vì khi mình hát chung, đứng bên cạnh bạn mình, mình đâu có sợ, nếu có mất hơi, thì bạn mình lấy hơi giùm mình rồi, nhưng khi mình hát đơn ca thì mọi thứ đều tự mình thực hiện.

Nói thêm về niềm vui tham gia vào ban hợp xướng Trưng Vương, chị Kim Nhung kể: -Trước khi tham gia vào ban hợp xướng, tôi thường lái xe xuống Little Saigon vào dịp cuối tuần, thường đi shopping, đi ăn... nhưng quanh quẩn những sinh hoạt đó cũng thấy chán. Từ hồi tham gia ca hát, tôi bận rộn vô cùng, bận học bài hát, tự luyện thanh thêm cho mình tại nhà, vì ca trưởng dạy kèm cho mình là một chuyện, nhưng nếu mình không tự tập luyện thêm ở nhà thì bị la vì đã quên hết những gì ca trưởng đã dạy. Gia đình rất ủng hộ việc ca hát của tôi, vì đây là niềm vui của tôi, khi tôi vui với ca hát, luôn có niềm vui trong lòng, mà khi vui trong lòng thì nhìn thấy mọi việc bên ngoài đều đẹp đẽ, tính tình mình cũng dễ chịu hơn.

Với chị Nguyễn Mộng Tâm (cựu nữ sinh trung học Trưng Vương niên khóa 1960- 1967) hiện là cố vấn của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam Cali, vì trước đây chưa hát bao giờ, nên dù đã gắn bó với ban hợp xướng Trưng Vương 1 năm qua, chị vẫn chưa đủ can đảm để hát đơn ca hay song ca, tam ca, mà chỉ thích góp giọng hát của mình vào ban hợp xướng Trưng Vương. Chị nói:

-Tuổi già rồi, tham gia ca hát với nhau để tìm niềm vui thôi, chứ đâu dám nghĩ sẽ trở thành ca sĩ. Rất cám ơn ca trưởng Như An nhiệt tình vô cùng, nắn nót cho từng ca viên từng chút, chỉ cách giữ hơi thở khi hát. Vào mỗi sáng Chủ Nhật trước khi tập hát, chúng tôi được hướng dẫn tập yoga từ 8 giờ 30- 9 giờ 30, sau đó 9 giờ 30 thì tập hát đến 11 giờ 30. Từ hồi tham gia vào ban hợp xướng Trưng Vương, tôi thấy vui lắm, đầu óc thoải mái lắm, nhiều khi có chuyện gì buồn bực trong lòng, hay lái xe bị kẹt xe, tôi lại nghêu ngao hát, khi đó đầu óc trở nên sáng suốt, không còn bực mình nữa. Phải học bài hát cũng là cách giúp luyện trí nhớ rất tốt. Theo tôi, quý vị trung niên, cao niên hãy tham gia một sinh hoạt ca hát như thế này, tốt lắm, để mình thoải mái tinh thần, khi mình thoải mái tinh thần, mình cũng trở nên vui vẻ, dễ chịu với con cái hơn.

Chị Nguyễn Thúy San (cựu nữ sinh Trưng Vương niên khóa 1960-1967) sống tại ngoại ô Altadena của thành phố Pasadena, là một trong những người ở xa nhất so với các ca viên khác đều sống quanh vùng Little Saigon. Chị cho biết mỗi sáng Chủ Nhật lái xe đến tập hát cùng các ca viên khác tại nhà ca trưởng Như An, nếu không kẹt xe thì từ chị đi khoảng 1 tiếng đồng hồ, còn kẹt xe thì phải hơn, có khi 1 tiếng rưỡi là chuyện thường, nhưng thấy đây là một sinh hoạt hữu ích, nên chị luôn cố gắng đều đặn tham dự, rất ít khi vắng mặt. Chị nói:
-Hát hồi xưa khi chưa có ai chỉ dẫn, thì cứ hát đại, về sau nhờ được ca trưởng Như An tập luyện, mới biết hát thế nào nghe văn minh một tí, chứ không còn kiểu hát quê mùa theo kiểu hát đại như lúc trước. Ca trưởng chỉ cho chúng tôi việc lấy hơi khi hát, lấy hơi cho thật đầy bụng, rồi dùng hơi đó diễn tả khi hát, không cắt đứt giữa chừng câu ca... Mỗi Chủ Nhật sau khi tập hát xong, đến trưa các chị em lại rủ nhau đi ăn với nhau, có dịp hàn huyên. Chồng con rất ủng hộ cho tôi tham gia ca hát như vậy, mỗi khi ban hợp xướng có tham gia hát các chương trình của các hội đoàn, thì chồng tôi lại chở tôi đi hát, còn mỗi Chủ Nhật, hôm nào anh rảnh, thì cùng đi với tôi xuống dưới này, tôi tập hát, anh đi gặp bạn bè, sau khi tập xong thì lại cùng nhau đi ăn với các bạn .

Chị Lan Phương (cựu nữ sinh Trưng Vương niên khóa 1961- 1968) thì chia sẻ:
-Tới tuổi này, học thêm một kỹ năng gì đó mới, lạ so với chính mình, thì tôi rất vui, hơn nữa tham gia trong ban Hợp Xướng Trưng Vương, các ca viên đều học chung trường, có người chung lớp, nên tình chị em của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương với nhau vốn từ xưa nay rất mạnh rồi, nhờ tham gia vào ban hợp xướng này, tình cảm thêm bền chặt hơn. Vào đây sinh hoạt thấy mình như trẻ lại, đời sống đỡ căng thẳng. Phần lớn các ca viên đều về hưu hết rồi, sinh hoạt này là đóng góp thời gian cho riêng mình, do mình chọn, còn khi đi làm, là việc mình phải làm để mưu sinh lo cho đời sống, bây giờ con cái lớn hết, mình tham gia ca hát này là thời gian vui vẻ cho chính mình.

Nếu các ca viên đều dành những lời biết ơn trước sự tận tâm của ca trưởng Như An dành cho mình, thì ca trưởng Như An cũng bày tỏ:
-Tôi nghĩ từ 1 năm qua khi hướng dẫn các chị em trong ban Hợp Xướng Trưng Vương tập hát, tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ các ca viên, có những điều mình biết mà mình không biết là mình biết, đến lúc mình dạy cho các ca viên, thì mình mới thấy là mình cũng biết khá nhiều. Ban hợp xướng này luôn hát live, đòi hỏi mọi người phải đi tập luyện đều đặn để tiến bộ mỗi ngày, chứ không phải như nhiều người nghĩ là hát hợp xướng thì cứ hát đại, hát sao cũng được. Không, chúng tôi luôn đặt tiêu chuẩn nghệ thuật rất cao và chúng tôi sẽ cố gắng giữ được như vậy. Tôi rất cám ơn các ca viên, có những điều tôi biết mà tôi cũng không áp dụng khi hát nữa, nhưng nhờ tôi dạy cho các ca viên cách làm sao hát hay, thì không chỉ họ phát triển khả năng của họ mỗi ngày tốt hơn mà chính tôi cũng phát triển khả năng của chính mình.

Nói về mục đích khi lập ra ban hợp xướng Trưng Vương, ca trưởng Như An giải thích:
-Vì tôi là người đã tham gia Phong Trào Du Ca tại Sài Gòn từ khi còn trẻ nhiều năm rồi, nên khi nào tôi cũng rất thích hát hợp ca, tôi thấy có nhu cầu mọi người muốn hát, nhưng khi hát đơn ca thì khó khăn, vì khó hơn, còn hát hợp ca thì mọi người dễ tham gia, lại có cơ hội diễn tả, biểu hiện được những gì trong lòng của mình. Hát cũng là một cách để mình biểu hiện cảm xúc của mình thông qua ca khúc. Sở dĩ tôi chỉ tập hợp mấy chị để lập ban Hợp Xướng Trưng Vương vì mấy ông đàn ông làm biếng tập hát lắm, nên chỉ mời mấy chị là bạn học chung trường Trưng Vương với nhau. Sau 1 năm, thì tôi thấy mình cũng đã phần nào đạt được mục đích từ đầu đề ra, và các thành viên vẫn còn gắn bó với ban hợp xướng đều rất thích thú với sinh hoạt này. Những người này cảm thấy tiến bộ rất nhiều trong việc hát, ở tuổi này, điều này rất cần thiết, vì mình học thêm một kỹ năng mới thì sẽ có nhiều cơ hội đánh bại bệnh Alzheimer.

Theo một bài báo được phổ biến trên mạng internet cho biết: “Hơn 4 năm qua, một nhóm các nhà khoa học thuộc trường ĐH California đã đến các lớp học hát hợp xướng trên khắp thành phố San Francisco để tìm hiểu về những lợi ích sức khỏe mà ca hát mang lại cho người già. Nghiên cứu của họ cho thấy, việc tham gia hát đồng ca khiến nhịp tim của người già ổn định hơn, giúp họ điều hòa hơi thở. Vì vậy, sức khỏe sẽ được nâng cao. Bà Julene Johnson, học viện Sức Khỏe và Tuổi Già, Trường Đại Học California, Mỹ cho biết:

-Có đến 30% những người lớn tuổi phàn nàn vì hay bị khó thở và việc hát trong dàn hợp xướng có thể giúp cải thiện hơi thở và hệ thống hô hấp. Những người cao tuổi ở các lớp học hát đều cảm thấy mình khỏe hơn.

Hiểu được những lợi ích có được cả về tinh thần và sức khỏe cho chính mình và cho mọi người khi hát, nên ca trưởng Như An nói rằng bà và các ca viên của hợp xướng Trưng Vương rất mong sẽ duy trì sinh hoạt này đều đặn, dù chỉ mới lập ra được 1 năm, nhưng ban hợp xướng Trưng Vương đã tham gia hát trong các chương trình của các hội đoàn trong cộng đồng, như chương trình gây quỹ của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng, Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định tại Nam California...
Ca trưởng Như An nói:

-Tôi nghĩ rằng hạnh phúc không phải là đích tới mà là con đường đi tới, vì vậy với việc tập luyện hằng tuần, chúng tôi cùng trau dồi kỹ năng để hát cho hay, là cách chúng tôi đang tận hưởng niềm vui, hạnh phúc rồi, chứ không phải đợi đến lúc hát thật hay mới là hạnh phúc.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT