Hoa Kỳ

Bangladesh yêu cầu EU không trừng phạt kinh tế

Sunday, 05/05/2013 - 09:03:14

Vụ tai nạn đã khiến mọi người chú ý đến các hãng bán lẻ phương Tây, vốn đang coi quốc gia Nam Á này là nguồn cung cấp các loại hàng hóa giá rẻ.

DHAKA, Bangladesh – Hôm Thứ Bảy, Bangladesh đã lên tiếng yêu cầu Liên Minh Châu Âu (EU) không trừng phạt kinh tế đối với ngành may mặc của nước này, sau vụ sập tòa nhà 8 tầng khiến 550 người thiệt mạng.

Xác của các nạn nhân vẫn tiếp tục được kéo ra khỏi đống đổ nát vào hôm Thứ Bảy, trong khi các gia đình đau khổ đứng chờ bên ngoài để nghe ngóng tin tức, trong vụ tai nạn tệ hại nhất từ trước đến nay đối với ngành may mặc của Bangladesh. Nữ Thủ Tướng Sheikh Hasina đã quy trách nhiệm cho những người chủ xưởng may, nói rằng họ đã phớt lờ những lời cảnh báo về các vết nứt trên tường của tòa nhà Rana.
Liên Minh Châu Âu, thị trường nhập cảng hàng may mặc lớn nhất của Bangladesh, đã đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt, để buộc chính quyền Dhaka phải gia tăng các tiêu chuẩn an toàn cho công nhân, sau khi tòa nhà Rana xây trái phép đổ sập vào ngày 24 tháng 4. Các nhà điều tra cho rằng, nguyên nhân của thảm họa bắt nguồn từ việc các máy phát điện riêng của tòa nhà được khởi động, do khu vực này đang bị cúp điện. Vụ tai nạn đã khiến mọi người chú ý đến các hãng bán lẻ phương Tây, vốn đang coi quốc gia Nam Á này là nguồn cung cấp các loại hàng hóa giá rẻ.
Khoảng 4 triệu người đang làm việc trong ngành may mặc của Bangladesh, biến nước này thành nước xuất cảng đứng thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc. Một số công nhân nước này chỉ được trả lương 38 Mỹ kim một tháng, điều mà Đức Giáo Hoàng Francis từng gọi là “lao động nô lệ”.
Được miễn thuế khi bán hàng qua các nước phương Tây và tiền lương công nhân rẻ, là các yếu tố đã giúp ngành xuất cảng hàng may mặc của Bangladesh kiếm được 19 tỷ Mỹ kim mỗi năm, và 60% số hàng quần áo này được bán qua Châu Âu.
“Nếu Châu Âu hoặc những quốc gia khác đặt ra các lệnh trừng phạt thương mại đối với Bangladesh, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, và hàng triệu công nhân sẽ mất việc làm,” theo lời ông Mahbub Ahmed, thuộc Bộ Thương Mại Bangladesh. Chính phủ nước này vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo trừng phạt nào từ Châu Âu hay các nước khác, liên quan đến tai nạn sập nhà. Ngoài ra, một nhóm viên chức chính phủ, đại diện các chủ xưởng may, và đại diện giới công nhân, đã gặp gỡ viên chức của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, và đã đồng ý về các kế hoạch nhằm nâng cao đời sống công nhân.
Các kế hoạch này bao gồm việc kiểm tra tiêu chuẩn an toàn tại các xưởng may chuyên xuất cảng hàng hóa ra nước ngoài, việc gia tăng số lượng thanh tra, và thúc giục quốc hội Bangladesh tăng thêm quyền lợi cho giới công nhân.
Nhà chức trách đã bắt giữ 9 người có liên quan đến vụ sập nhà, bao gồm cả người kỹ sư đã cảnh báo về sự an toàn của tòa nhà 8 tầng vào 1 ngày trước tai nạn. “Cảnh sát đã yêu cầu các chủ xưởng may phải ngưng hoạt động, sau khi trên tường tòa nhà xuất hiện nhiều vết nứt,” Thủ Tướng Hasina nói. “Nhưng họ vẫn quyết định tiếp tục mở cửa xưởng may. Sau một vụ cúp điện, khi họ khởi động các máy phát điện thì tòa nhà sụp đổ.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT