Đời Sống Việt

‘Bánh Bao’ tự truyện (Viết thay ‘Nụ Quỳnh’ tí xíu của Ngoại)

Wednesday, 28/05/2014 - 11:38:24

Con xin tự giới thiệu con tên Nguyễn Quỳnh Anh, vì sinh ở Mỹ nên con có thêm tên Mỹ là Kathryn. Bác sĩ nói con đầu tháng Bảy mới ra đời, nhưng con nôn quá nên chui ra sớm. Tuy ra đời sớm nhưng con nặng gần 8 lbs, nên ai cũng khen con“đô con,” lại có tóc nhiều đen mướt (lớn lên con có thể là cô gái có suối tóc dài đen huyền).

Phượng Vũ

 
Con xin tự giới thiệu con tên Nguyễn Quỳnh Anh, vì sinh ở Mỹ nên con có thêm tên Mỹ là Kathryn. Bác sĩ nói con đầu tháng Bảy mới ra đời, nhưng con nôn quá nên chui ra sớm. Tuy ra đời sớm nhưng con nặng gần 8 lbs, nên ai cũng khen con“đô con,” lại có tóc nhiều đen mướt (lớn lên con có thể là cô gái có suối tóc dài đen huyền). May mà con chào đời 3 ngày truớc ngày 30/4, chứ lỡ chào đời trúng ngày đó thì không vui chút nào! Người Việt Nam sợ sanh nhằm ngày đó lắm. Ngày xưa Ngoại sinh mẹ con vào cuối tháng Tư, Ngoại cũng hồi hộp sợ rơi vào 30/4, nên mẹ con đã hối hả ra đời trước ngày đó một tuần, con thì trước ba ngày. Hên nữa, ngày 27 tháng Tư lại là ngày Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, nên chắc Chúa sẽ thương con nhiều lắm! Mai mốt sinh nhật con cũng dễ nhớ nữa, ngày Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót, bà con ai cũng nhớ nên chắc không ai quên mừng sinh nhật con, vậy con là vui rồi!

Chuyện con ra đời lúc đầu cũng không êm xuôi lắm, mẹ con chuyển bụng vào bịnh viện gần 20 tiếng mà vẫn chưa sanh con, nên bác sĩ quyết định phải mổ bắt con ra. Sau này mọi người thắc mắc không biết mẹ có thực sự cần phải mổ không? Hay là vì bác sĩ muốn mổ cho nhanh gọn, vừa lại có thêm tiền. Con nghe mọi người thì thầm, “Thời buổi này bác sĩ khoái mổ, nên đa số ai sinh cũng bị mổ hết, dù là bà mẹ muốn sinh tự nhiên. Bác sĩ kiểu ‘lương y như từ mẫu’ hơi hiếm,” nhưng dù sao cũng tạ ơn Chúa con ra đời khỏe mạnh, bình an.

Con ra đời có mẹ, cha, còn có ông bà nội ngoại hai bên, rồi chú bác cô dì… nhiều lắm, cả một đại gia đình luôn, nên con cảm thấy nhiều ánh nến tình thương lung linh chung quanh con:

Lung linh, lung linh tình mẹ, tình cha
Lung linh lung linh tình bà, tình ông…
Lung linh lung linh hai tiếng gia đình (N.L.)

Rồi còn bạn bè của bố mẹ, cả bạn của ngoại nữa…, ai cũng thương con, tặng quà cho con. Con bơi lội giữa biển tình thương mênh mông, nên con yêu đời mau ăn, chóng lớn, 2 tiếng con ăn một lần. Khi con đói bụng hay lúc thay tã là con “hát opera” to lắm, ở xa cũng nghe luôn. Mẹ nói ít bữa con lớn, vô ca đoàn, hát “solo” khỏi cần micro. Con đã quen luyện giọng từ trong bụng mẹ, tuần nào con cũng đi tập hát trong ca đoàn với bố mẹ, nên giọng con tốt lắm! Nói vậy chứ có lúc con cũng đổi “tông” chuyển qua ‘hát” truyền cảm, hai môi nhỏ xíu của con run run “nỉ non” như nghẹn ngào, ai nghe cũng động lòng. Ngoại phải vội chạy vô phòng bồng con lên, ôm con thật sát vào lòng, luôn miệng nói, “Thương, thương cục cưng nhiều lắm, thương, thương…” Khi nghe “thương, thương” nhiều lần êm tai, con liền giảm độ lớn rồi tắt máy vì con vốn là con người sống nhiều về tình cảm (giới nữ mà!) rồi từ từ ngủ luôn trong lời ru của ngoại.

Ồ! Nãy giờ lan man, con quên nói về nick name “Bánh Bao” của con! Khi con chào đời, bố đưa hình con lên “Face Book”, bạn bè của bố mẹ vào xem, ai cũng khen mặt con tròn giống cái bánh bao quá (con nặng gần 8 lbs mà!) và mọi người đặt tên con là “Bánh Bao,” nên nick name của con được đặt từ Face Book đó! Mẹ nói khi nào con no nê, sạch sẽ, mặt con tươi tỉnh giống bánh bao buổi sáng mới ra lò, trông hấp dẫn, muốn “cắn một cái.” Còn khi nào con đói bụng hay mông ướt con “khíu chọ” giống bánh bao chiều không ai thèm dòm. Ước gì con luôn luôn là bánh bao buổi sáng để đem niềm vui đến cho bố mẹ và mọi người.

Thế hệ trẻ của mẹ con đầu óc lúc nào cũng thực tế nên nói mặt con tròn giống bánh bao, nghe không có vẻ văn chương, thẩm mỹ gì hết, chứ thế hệ ngoại con sẽ diễn tả là “mặt tròn như trăng rằm.” Nghe thấy vừa đẹp, vừa có ánh sáng, gợi cảnh, gợi tình có thể làm thơ. Đúng là hai thế hệ khác nhau, nên tư tưởng khác nhau, mai mốt tới “thế hệ nhí” của con chắc sẽ còn khác nữa! Thế hệ mẹ con thích lên Face Book rồi đưa đủ chuyện riêng tư, cá nhân, gia đình mình lên cho thiên hạ biết hết (tỏ tình, nhắn tin, hẹn hò, ăn uống, chó đau, mèo ốm…)

Thế hệ ngoại con lại cho chuyện riêng tư, cá nhân sao đem lên chốn công cộng, kỳ quá! Có lần bạn ngoại con “kêu Trời” vì con trai bà cầu hôn với bạn gái rồi đưa hình lên Face Book, bạn bè thiên hạ biết hết mà bà thì không biết gì cả. Dĩ nhiên sau đó bà cũng được thông báo và là người biết sau cùng về chuyện hôn nhân của con trai mình.

Ngộ ghê! chẳng lẽ Face Book giúp mọi người mở rộng vòng tay thân ái với bạn bè năm châu bốn biển, còn vòng tay thân ái trong gia đình ruột thịt thì bị lãng quên? Có những người trẻ mỗi ngày lên Face Book tâm tình với bạn bè quốc tế, nhưng ngay trong mái gia đình nhỏ của mình thì lại “một đời câm nín.” Những tâm tình vui buồn đeo mang trong cuộc sống, lên net phổ biến hết, nhưng trong gia đình mình thì lại “lặng lẽ đi về.” Ngoại con thỉnh thoảng cũng lên Face Book để xem tin tức hình ảnh vui buồn của con, cháu. Đó là cách nhanh nhất biết tin tức về họ, chứ đợi chúng kể cho nghe thì chờ dài cổ! Không biết tới lúc “thế hệ nhí” con lớn lên thì Face book sẽ phát triển thành cái gì? “Body Book” chăng? Chờ xem…nhưng dù gì thì tình gia đình vẫn luôn quan trọng nhất!

Trở lại vụ nick name “Bánh Bao” của con, mẹ kể khi gần sanh, bác sĩ siêu âm nói thấy hai má con “phúng phính” dễ thương lắm, vụ “phúng phính” này lúc còn baby thì OK chứ lớn lên thành cô gái có lẽ con phải để dành tiền đi thẩm mỹ viện quá, vì bây giờ ai cũng khoái “mặt thon, cằm nhọn” chứ đâu có ai muốn giống Thúy Vân, người đẹp trong truyện Kiều, mà nhà thơ Nguyễn Du đã mô tả:

“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”

Nhưng nói vậy thôi! Con chịu giống Thúy Vân, vì cuộc đời Thúy Vân êm đềm và có hậu, chứ đâu có khổ “15 năm đoạn trường” như người đẹp Thúy Kiều. “Đẹp mà khổ” thì con không ham chút nào! Nói tới chuyện “giống ai”, con thấy ngộ ghê vì ai cũng muốn con giống họ hết. Chắc ai cũng muốn “quy chiếu” về mình. Người nói con giống cái lổ mũi, người nói giống tóc nhiều, rồi tới giống cái miệng, cả ngón chân, ngón tay luôn. Nói chung con là sản phẩm tổng hợp của nhiều người, nhưng con chỉ thích “con giống con” thôi, một tạo vật đặc biệt duy nhất Chúa đã dựng nên. Nói vậy, chứ bây giờ con còn bé xíu, mặt chưa rõ nét, làm sao biết con “giống ai?”
Trong phòng của con, trên tường có hàng chữ dán rất đẹp :

**“Kathryn: Daddy’s Girl , Mommy’s World”**

Con là con gái đầu lòng của bố mẹ, bố cưng con, mẹ yêu con, mọi thứ tốt đẹp nhất đều dành ưu tiên cho con.Con thương và cám ơn bố mẹ nhiều lắm! Con muốn sau này lúc nào cũng làm bố mẹ vui, không bao giờ phải phiền lòng vì con. Con ước nguyện :

“Con sẽ là mùa Xuân của mẹ
Con sẽ là màu nắng của cha” (TCS)

Con biết bây giờ con là “number 1” và là cả thế giới của mẹ con, cũng như mẹ con là cả thế giới của ngoại con vì :

“Con tuy lớn vẫn là con mẹ,
Đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con” (CLV)

Nhưng con không biết thế hệ trẻ của bố mẹ con có nhớ điều này không? Tháng Năm là tháng có ngày lễ Mẹ, nhưng ngoại con nói có nhiều bà mẹ bị lãng quên, bị buồn phiền vì con cái, con nghe thấy thương quá. Con muốn mở rộng trái tim tí xíu của con để yêu thương các bà và nói với những người con, “Trái tim người mẹ là kỳ quan đẹp nhất thế giới,” xin đừng làm tổn thương “báu vật” vô giá đó! Bạn ngoại con gửi email chúc mừng “Happy Mother’s Day” đã nói rằng: “Kathryn là món quà tặng vô giá” thượng đế đã tặng mẹ con nhân ngày hiền mẫu đầu tiên của mẹ. Con cũng muốn nói ké theo “Mẹ cũng là món quà tặng vô giá của con.” Chuẩn bị cho ngày lễ Mẹ, học sinh Đại Hàn có nghi lễ “Rửa Chân cho Mẹ,” họ mời mẹ đến trường, quỳ xuống trước mẹ để rửa chân, xong quỳ lạy cám ơn công sinh thành dưỡng dục của mẹ. Điều này đã làm các bà mẹ không giấu được nổi niềm hạnh phúc, có khi rơi lệ. Những bức ảnh đầy tình nghĩa và cảm động này đã làm mọi người xúc động sâu xa. Ôi ! tình Mẹ - Con thật thiêng liêng cao quý làm sao!

“Trông người lại ngẫm đến ta,” ngoại kể, Bạn ngoại mỗi ngày phải sang nhà con gái trông mấy đứa cháu ngoại, có khi cả ngày thứ Bảy. Vậy mà bà vẫn bị “bỏ quên” trong ngày Chủ Nhật Lễ Mẹ. Bà hay tâm sự với ngoại, “Kệ nó, muốn chửi, muốn cư xử thế nào cũng được, miễn là nó để tôi coi cháu là tôi vui rồi!” Đúng là “bà đã có phút giấu nước mắt cho cháu thơ ngây nụ cười.” Nghe mà thương làm sao. Ôi tình bà – cháu cũng thật bao la, vĩ đại (không kém gì tình mẹ - con) chắc bà vui vì thường nghe các cháu bà hát:

“Bà ơi bà cháu yêu bà lắm!
Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui!”

Con có tâm hồn yêu âm nhạc từ trong bụng mẹ, nên con nghe và nhớ nhiều bài hát lắm, nhưng con yêu nhất bài hát dễ thương mà ngoại đã từng thầm thì hát cho con nghe: “Nếu hỏi rằng con yêu ai? Thì con là con yêu ba nè, yêu mẹ nè, yêu bà, yêu ông…yêu hết cả nhà. Nhưng yêu nhất là yêu mẹ, yêu bà cơ!”. Đó cũng là tâm tình con muốn dùng để kết thúc tự truyện đầu tiên trong đời của con! Con xin cám ơn mọi người đã lắng nghe tự truyện “non nớt” của con. (pv)

(5/2014)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT