Hôm Nay Ăn Gì

Bánh bèo tôm ngày mưa

Thursday, 22/10/2020 - 07:15:05

Bánh bèo, nhắc tới món này, chỉ có thể nói rằng đây là món của người miền Trung.


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM


Bánh bèo, nhắc tới món này, chỉ có thể nói rằng đây là món của người miền Trung. Bây giờ thì miền nào cũng có món này, nhưng đó là món của người miền Trung. Vì sao tôi dám võ đoán như vậy? Bởi bánh bèo là món “hậu kỳ” của mì Quảng, nghĩa là khi tráng mì Quảng, người nội trợ thấy mệt, đau lưng thì chuyển sang làm bánh bèo cho hết mẻ bột. Mà thực ra, bánh bèo cũng là một biến thể, làm đổi thay khẩu vị, tạo hấp dẫn mà bà nội trợ miền Trung đã khéo léo chuyển hệ từ mì sang bánh. Đặc biệt, bánh bèo của miền Trung có cung nhịp, có phách, thậm chí có khúc thức nếu làm một điểm xuất phát ở Phú Xuân - Huế đi thẳng vào thành Đồ Bàn, Bình Định.

Bánh bèo Huế mang chất nhã nhạc cung đình, nhẹ, thanh, phong phú, đa sắc. Bánh bèo Quảng Nam mang chất lý lơi hò khoan, có chút gì đó nghệ sĩ nhưng kham khổ và bạt mạng, bánh bèo Quảng Ngãi, Bình Định có chút hùng hồn trống trận, mạnh mẽ và khúc chiết… Dường như cầm mỗi chén bánh bèo của mỗi vùng miền, người ta có thể nghiệm ra tâm tính, điệu sống và không khí văn hóa, chính trị của vùng miền đó.

Bánh bèo Huế, chén bánh mỏng dính như tai bèo, đúng nghĩa của chữ “bèo,” không có nhưn ướt như bánh bèo Quảng Nam hay Bình Định mà có một ít bột tôm khô đã qua chế biến rắc lên trên, một ít hành phi, tỏi phi, một chút nước mắm loãng với ớt, chanh, đường chan lên bên trên. Khi bưng chén bánh bèo Huế, cảm giác không phải là bưng mà đang cầm một cánh bèo dâu tây mỏng manh trên tay để lắng nghe hơi thở Hương Giang, nghe hương vị đất trời, nghe cả mùi thời gian, nghe một thuở lầu son gác tía đang ẩn mình bên trong cánh bèo ấy. Và việc ăn bánh bèo, không thể ăn nhanh, càng không thể ăn cho no mà hình như ăn cho đỡ nhớ (cho dù ăn lần đầu) về một quá khứ vàng son nào đó.

Không hiểu sao xứ Huế rộng như vậy nhưng cứ nhắc tới quán bánh bèo thì không thể không mường tượng một quán cóc nho nhỏ, thanh lịch nằm nếp mình bên một bờ hồ, hương sen thơm ngát, hàng cây tỏa bóng mát và những con đường cổ độ hun hún vào một quá khứ nào đó, thảng hoặc hiện ra trước mắt. Bánh bèo Huế là vậy.


(Tom/ Viễn Đông)

Bánh bèo Quảng Nam đậm khí chất nông điền mà cũng đầy vẻ lý lơi hò khoan, phóng dật hơn, không khuôn nếp như bánh bèo Huế. Cầm chén bánh bèo Quảng Nam là thấy ngay anh nông dân cục mịch, chân lấm tay bùn, cổ rát khô vì làm mệt, vì khát nước, vì hát hò khoan cho đỡ buồn… nhưn bánh bèo xứ Quảng phải là nhưn tôm ướt (cho dễ nuốt), cái bánh to, rõ ràng, cũng mang hình cánh bèo hoa dâu nhưng hình như cánh bèo này ở trong đầm có nhiều dưỡng chất, nó được ăn bánh dầu nên mập mạp… Nhưng nó cũng cho thấy rằng người thưởng thức/ăn nó có đời sống không mấy thanh cảnh, ăn chắc mặc bền, ăn cho no, rồi lại ra đồng, rồi lại bám lấy đời sống mà tự làm vui, tự nâng cánh cuộc đời mình để băng qua cánh đồng khổ nhọc…

Và, ăn bánh bèo Quảng Nam, người ta nghĩ ngay đến những quán bánh bèo bên đường hay ngã ba đầu làng, ở đó không có ao sen ngát hương nhưng có thể nhìn ra ruộng lúa bát ngát hoặc nhìn ra những cánh đồng trơ gốc rạ, đất bệ tháng Tư nứt nẻ hoặc nhìn cảnh người ta hun khói đốt đồng, nhìn vài lũy tre làng còn sót lại, lưa thưa, phất phơ đâu đó… Quán bánh bèo xứ Quảng vừa thơ mộng vừa buồn, mộc mạc nhưng chắc chắn khó mà tìm ra cảm giác thanh cảnh. Quán bánh bèo xứ Quảng cũng hơi ồn ào hơn so với quán bánh bèo xứ Huế bởi người ta chào mời, trò chuyện rôm rả, thói quen vừa ăn vừa nói chuyện của người Quảng không tốt trong văn hóa ẩm thực nhưng lại tốt trong giao du tình làng nghĩa xóm. Bởi ai cũng bận bịu, chỉ có phút giây ăn uống là rảnh rang đôi chút…

Nói tới bánh bèo Quảng Ngãi, Bình Định, bạn dễ dàng hình dung ra chén bánh bèo tràn đầy, nục nịch, chắc mẫm. Một chén bánh bèo Bình Định, Quảng Ngãi phải lớn gấp đôi chén bánh bèo Quảng Nam và lớn gấp năm, sáu lần chén bánh bèo Huế. Bánh bèo Bình Định là để ăn no, ăn không cần suy nghĩ, miễn thấy no bụng. Nhìn chén bánh bèo người ta cũng có thể hình dung nơi đây là đất võ, một võ sĩ sau buỗi tập luyện, lao động mệt nhọc, phải ăn cho bù sức, có thể nhưn không nhiều và ngon như bánh bèo Quảng Nam, không thanh cảnh như bánh bèo Huế nhưng chắc chắn rằng người bình thường ăn chừng ba đến năm chén thì no cứng bụng. Thế nhưng có những người Bình Định, dân nhà võ, có thể ăn bánh bèo tính theo đòn gánh và cá cược với nhau người nào ăn càng nhiều đòn gánh thì càng thắng cao điểm.

Nghĩa là người ta sắp bánh bèo thành một dãy dài, tương đương với chiều dài cây đòn gánh, chừng 1.4 mét, chừng 23 đến 25 chén bánh bèo. Có người ăn hai đòn gánh, cũng có người ăn đến hai đòn gánh rưỡi, ba đòn gánh. Thường, những người ăn tới ba đòn gánh thì được xem là thượng thừa, và hầu hết những người này có sức mạnh khác thường, thậm chí họ mạnh gấp đôi, gấp ba lần người bình thường. Tương truyền vua Quang Trung ngày xưa ăn tới ba đòn gánh bánh bèo, và thời của ông, ông không có đối thủ.


(Tom/ Viễn Đông)

Nói tới đây, có thể thấy rằng bánh bèo miền Trung có cung bậc, điệu sống và cả số phận của nó, chiếc bánh bèo như là hiện thân của đời sống, văn hóa vùng miền và cả số phận của vùng miền, con người nơi đó. Mà nói tới bánh bèo, chắc chắn phải có nhưn tôm, nhưn khô hay nhưn ướt tùy vùng, phải có chút nước mắm chanh đường ớt, phải có chút đậu phụng rang giã dập rắc lên trên và phải có chiếc xìa (dao tre) đi kèm, người ta sẽ dùng xìa để xẻ bánh thành nhiều mảnh, ghim từng miếng bánh mà nhâm nhi…

Nói tới bánh bèo, người ta nói tới những ký ức của ngày mưa, hình ảnh bà, mẹ, chị tỉ mẩn xay từng mẻ bột gạo trên cối xay đá, hí hoáy đúc từng chiếc bánh, sênh một nồi nhưn… Và con cái, anh em, gia đình quây quần bên mâm bánh bèo… Một món ăn mang hồn vía đất đai, tổ tông và sống phận vùng miền, ngùi thơm và gây nhớ!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT