Hôm Nay Ăn Gì

Bánh canh cá lóc và lời chúc bình yên, may mắn

Thursday, 23/04/2020 - 06:31:56

“Triệu người quen có mấy người thân/Khi lìa trần có mấy người đưa.”


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM


“Triệu người quen có mấy người thân/Khi lìa trần có mấy người đưa.”

Những ca từ chứa chan máu lệ này, có lẽ khi viết, nhạc sĩ Vũ Thành An cùng lắm chỉ nghĩ đến những xót xa thân phận của người yêu, của bản thân, của thế hệ trong nỗi cô đơn nhân tình thế thái… Và chắc chắn một điều, người nghệ sĩ đã đi qua chiến tranh như ông cũng không bao giờ hình dung hay tưởng tượng được rằng thế giới có một lúc mà hàng ngàn người, hàng ngàn số phận khi lìa trần không có ai đưa tiễn như bây giờ. Đại dịch cúm Vũ Hán hay cuộc chiến tranh sinh học, hay thế chiến III, mọi thứ vẫn đang trong vòng bí ẩn, chưa được giải mã và con người phải đối mặt với nỗi cô đơn và đau khổ tột cùng. Và, trong lúc này, tự dưng tôi lại nhớ đến Như, một thằng bạn có cái tên hơi con gái, sống nhiệt tình, sống hồn nhiên và luôn đối đãi chí thiết với bạn bè, nhưng rồi… Mỗi khi nhớ nó, tôi nhớ tới tô bánh canh cá lóc cũng cuộc đời thật dài mà thật ngắn ngủi của nó.

Nhà tôi và nhà Như cùng huyện nhưng cách nhau khá xa, nhà Như cuối huyện, lệch về miền núi, tôi đầu huyện, nhà giáp vùng cát biển. Như học rất giỏi, hắn kể ra cũng thuộc dạng đẹp trai và có nhiều tài lẻ, chơi đàn cũng hay… Nói chung, trong đám bạn học cấp ba, đứa nào ưa cô bạn nào đó mà không biết cách tiếp cận, cần một sư phụ dạy tán gái thì cách gì cũng tìm gặp Như để thọ giáo sư phụ. Mà có cái hay là Như chỉ chiêu nào thì ăn chắc chiêu đó, nghĩa là gặp sư phụ Như xong, vài bữa sau cách chi cũng tán được cô đó đổ.
Nói cho vuông thì tất cả các đệ tử của sư phụ Như, chưa có đứa nào thất bại, ngoại trừ sư phụ Như! Chỉ cho đệ tử thì rất ngon cơm, nhưng sư phụ như yêu chết yêu sống một cô lớp nhỏ trong mấy năm trời mà lên bờ xuống ruộng. Khi Như vào đại học thì cô này lên lớp 12, Như cũng chỉ đạt được mức bạn hơi thân chút xíu, nghĩa là cô này chấp nhận gọi bằng “anh Như” là xem như đã đạt được chỉ tiêu trong năm, thậm chí đạt được chỉ tiêu của ba năm cấp phổ thông trung học.


(Tom/ Viễn Đông)

 

Vào đại học, Như cũng được nhiều em sinh viên cùng lớp để ý nhưng chỉ nghĩ tới em lớp 12, quyết không dây dưa với bất kì em nào khác. Lên năm 2 đại học, Như nổi tiếng vì tham gia các chương trình sáng tạo của sinh viên, đoạt giải A toàn thành phố và trước đó (năm thứ nhất) đoạt học bổng toàn phần, đứng đầu bảng điểm. Nói chung, về sự học là “sư phụ Như” vô đối, về sự nghiệp làm thầy (tán gái), sư phụ Như cũng vô đối. Chỉ mỗi việc của riêng sự phụ thì hơi tế nhị, khó nói, vì sư phụ dạy đệ tử phải dũng cảm, anh hùng cỡ nào thì chính sư phụ lại nhút nhát, gan chuột chừng đó. Mọi chuyện cứ lưng lửng không đâu vào đâu, thế rồi… Năm ba đại học của Như thì cô em gái bước vào năm thứ hai trường sư phạm. Tết, Như đi thăm cô em, định mời cô đi uống cà phê nhưng rồi lại về sớm, ghé rủ tôi uống rượu.

Nghe nó rủ uống rượu là tôi biết chuyện gì đó không lành, bởi nó có bao giờ uống rượu, đùng một cái mang sẵn chai rượu tới nhà tôi rủ uống. Bữa đó nó uống say mặc dù hai thằng uống chưa được nửa chai, nó uống nhiều hơn tôi. Bởi hồi đó tụi tôi chưa biết uống rượu như mấy đứa trẻ bây giờ, sinh viên chỉ biết ăn, học, không dễ gì đụng tới ly bia hay ly rượu, nên uống vào là thấy trời đất quay ngay. Uống say, nó đi ngủ, không nói năng gì. Và từ đó, nó cũng không nhắc tới cô gái ấy nữa. Tôi cũng đoán được ít nhiều nhưng không hỏi.
Vào năm học, Như xin bảo lưu kết quả học tập một năm để đi làm. Nó nói với tôi là không thể nào chịu cảnh nghèo được nữa, bí bách đủ thứ, gia đình nó đã nợ ngân hàng nhiều rồi, vay học phí cho nó không được nữa, thôi thì đi làm một năm, có chút tiền rồi quay trở lại học. Nó đã quyết thì khó ai cản. Bữa đó nó ra chợ quận Tư, mua một con cá lóc vừa, mua một ít bột mì, hành, tỏi, tiêu về nấu bánh canh. Phải nói thằng này có khả năng nấu ăn cũng thuộc hàng thượng thừa. Nó nấu ngon đến độ hai thằng ngồi ăn một lúc thì bay cả nồi bánh canh gồm nửa ký bột mì, một con cá lóc và gần ba lít nước (nhưn).
Khi tôi hỏi nó học đâu ra tài nấu ăn giỏi như vậy thì nó buồn bã nói, “Mẹ hay nấu bánh canh cho tao ăn mỗi khi tao chuẩn bị làm chuyện gì đó, vì mẹ nghĩ rằng đây là món ăn giúp chân cứng đá mềm. Nhưng, trước khi mẹ đi tù…! ”


(Tom/ Viễn Đông)

 

Nó nói tới đây thì không nói thêm được gì, tôi lúc đó cũng chảy nước mắt khi nhớ lại chuyện mẹ của Như phải ngồi tù vì lỡ gây tai nạn chết người mà nạn nhân lại là con của một ông lớn. Nhà nó phải bán áo kháo bành để lo chạy chữa, rồi lo tiền đền mạng cho gia đình ông ta nhưng ông vẫn quyết không bãi nại. Kết cục là mẹ của Như phải ngồi tù ba năm. Nhưng không may, đến năm thứ hai thì bà lên cơn nhồi máu cơ tim và chết trong một trạm y tế của trại giam… Cuộc đời của hắn cũng buồn từ đó, khó khăn từ đó.
Tôi tiễn Như ra bến xe Miền Đông, trước khi lên xe về quê, nó vỗ vai, dặn tôi, “Cuộc đời tao tính ra cũng buồn thật, mày cố gắng học nha, có gì khó quá cứ điện thoại cho tao, điện cho ai đó gần nhà nhắn tao cũng được. Để về tao xin vài số gửi vào cho mày gọi. Tao sẽ gởi tiền cho mày mượn khi cần gấp. Nhớ kiên cường nghe mày!”

Thế rồi nó về quê, đi làm, nó có gửi thư cho tôi và dặn cũng y câu hồi ở bến xe Miền Đông, tôi cũng hồi âm và dặn nó nhớ vào học lại. Hè, tôi về quê, lên thăm nhà Như thì được biết nó đã lên núi làm việc, nghe đâu đi làm phu đào vàng. Tự dưng, tôi thấy trống rỗng khi nghĩ đến nó lạc lỏng giữa rừng với các phu tìm vàng. Nhưng tôi không thể liên lạc với nó được vì không có manh mối. Thế rồi hai năm kế tiếp trôi qua, Như vẫn không trở lại trường. Tôi lại nghĩ có lẽ thằng này lên núi trúng vàng, quyết làm ăn cho giàu lên luôn rồi về học lại. Vì có nhiều người xin bảo lưu kết quả một năm để đi làm, ra đời làm ăn trúng đậm, nghỉ luôn mấy năm, sau đó vào trường xin học lại từ đầu, nhưng nhờ có tiền và thầy cô cũng thương nên lục lọi kết quả bảo lưu để cho học tiếp… Thời tôi đi học, chuyện này nhiều lắm!
Thời gian học đại học của tôi cũng trôi qua nhanh chóng với buồn nhiều hơn vui. Như thì bặt vô âm tín. Tôi định bụng sẽ sang nhà của nó, rủ ba hoặc em nó cùng lên núi tìm nó, nghe đâu nó lên tận Phước Sơn, một huyện miền núi giáp giới với Lào của tỉnh Quảng Nam để đào vàng. Và nó cũng không liên lạc gì với gia đình. Nhưng rồi, khi tôi rủ em nó đi thì chỉ nghe im lặng, tôi rủ ba nó đi, ông cũng lắc đầu. Tự dưng, tôi càng thương xót cho một người tài hoa mà cô đơn, quạnh quẽ như nó. Khi tôi định đứng lên ra về thì ba của Như mới nói: “Như nó dặn chú không được cho con biết, khi nào con ra trường chú mới được kể với con, nên chú giấu tới giờ.”

Tôi giật mình, “Nghĩa là sao hả chú?”
Ông dắt tôi vào phòng của Như, nói là phòng chứ thực ra là cái chái bếp mà hai cha con của Như đã cơi nới và làm riêng cửa cho nó yên tĩnh ở đó học bài. Cửa phòng mở, trời ạ, thằng Như của tôi đang mỉm cười nhìn tôi từ di ảnh. Tôi toát mồ hôi hột. Ông nói, “Như đi được bốn tháng thì bị sốt rét rừng, về chữa lành thì đi lại. Bác sĩ khuyên nó ở nhà nhưng nó vẫn đi. Mấy tháng sau thì người ta chở nó về giùm, chú chỉ biết khóc và làm đám cho Như chứ còn chi đâu nữa!” Nói tới đây, ông khóc nức nở.
Tôi cũng chảy nước mắt, nghĩa là tôi từng chảy nước mắt với Như hai lần, một lần khi trò chuyện sau bữa bánh canh cá lóc thời sinh viên, và lúc này, cùng ba của nó đọc lá thư nó gửi cho tôi, vỏn vẹn chưa đầy trang giấy học trò: “Mày ơi, hôm chia tay, tao nấu bánh canh đãi mày là tao cầu nguyện cho mày chân cứng đá mềm, vượt qua mọi khó khăn. Khi tao lên đường đi học, ba tao nói đãi tao món này nhưng nhà lại hết tiền nên chỉ cho tao ăn xôi đậu đỏ. Nhà tao tin điều này lắm, vì khi nào ba tao đi làm xa mẹ tao cũng nấu bánh canh cá lóc cho ông ăn để may mắn. Thế nhưng khi mẹ tao đi tù, nhà tao loay hoay, lúng túng và buồn nên không nấu đãi mẹ tao món này. Rồi khi tao đi lên núi, ba tao, em tao cũng quên đãi tao món này. Mày tin đi, đây là món ăn may mắn, tao tin mày sẽ ra trường và thành đạt vì tao luôn cầu nguyện cho mày như vậy…” Đọc đến đây, tôi và ba của Như chỉ còn biết khóc.
Và, cũng từ đó, món bánh canh cá lóc trở thành món ăn may mắn của tôi, cứ mỗi khi chuẩn bị làm một việc gì đó quan trọng thì gia đình tôi lại nấu bánh canh cá lóc. Và những lúc như thế, không biết có phải do vị tiêu cay quá, do vị hành, hăng quá hay do cá lóc ướp hành tỏi nghệ rồi um lên trước khi bỏ vào nồi như ngon quá mà ăn vào là ứa nước mắt, ít nhất cũng cay sống mũi… Bởi dường như tôi luôn nhìn thấy trong bát bánh canh ở bất kì nơi nào, đều hiển hiện tấm lòng thương bạn và chịu đựng của Như. Bởi tôi cảm nhận được nguồn năng lượng cầu nguyện cho mọi người được may mắn, bình an của Như trong cái vị nước ngọt, bánh đằm, dẽo thơm hương đời bát bánh canh. Giá như ba của Như, em của Như nhớ ra và nấu cho nó bát bánh canh trước khi nó lên núi thì hay biết mấy! Đôi khi tôi nhớ nó và lại nghĩ quàng xiên như vậy!


(Tom/ Viễn Đông)

 


Và, tôi tin Như, tôi tin cả ý nghĩ của tôi, rằng bánh canh cá lóc mang đến điều may mắn và sức khỏe. Bởi ra Tết, người Việt từ Nam chí Bắc, ai cũng mua một vài con cá lóc về ăn đầu năm theo tập tục và quan niệm rằng năm mới, ăn món cá lóc nấu bánh canh sẽ khỏe cả năm và vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Hơn nữa, món này cũng dễ nấu. Chỉ cần nhào bột mì với nước lọc, nhào hơi khô, để có thể cán mỏng và xắt thành lát, sau đó rắt một ít bộ khô lên trên các sợi bánh trước khi cho vào rổ để khỏi dính.
Cá lóc luộc chín, lấy thịt ra riêng, xương và đầu riêng. Sau đó dùng cối hoặc máy xay làm nhuyễn phần xương và đầu, bỏ vào vải thưa hoặc vải mùng hai lớp, bỏ thêm củ gừng, buộc chặt và cho vào nồi nước sôi. Phần thịt cá lóc thì đem ướp hành tím, tỏi, tiêu, nước mắm (hơi đậm một chút) và một chút ớt bột, cho vào chảo dầu phi hành tỏi và tao lên cho chín. Đợi nồi nước nhưn sôi lên thì cho bánh canh vào nồi, vớt bịch xương ra. Đợi bánh canh hơi chín (chừng 10 phút, lửa vừa) thì múc ra bát, cho thịt cá lóc đã tao vào bên trên, thêm hành ngò xắt và một chút nước mắm ớt tỏi nữa thì có thể ăn được.
Món này chỉ khi ăn thì mới biết cảm giác ngon cỡ nào, và có lẽ tùy vào cảm xúc của mỗi người. Nghe có vẻ chế biến hơi rườm rà và tốn công nhưng so với thời gian chuẩn bị một bữa cơm thì nồi bánh canh lại nhanh và khỏe hơn. Một nồi bánh canh cho cả nhà đã là một bữa ăn chính thức. Nếu có thêm các loại rau sống như bắp chuối xắt mỏng, cải cay, rau má ăn kèm thì ngon lắm. Xin chúc quí vị ngon miệng và vui vẻ, may mắn, chân cứng đá mềm!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT