Hôm Nay Ăn Gì

Bánh chưng chiên

Monday, 14/02/2022 - 07:58:55

Tình cờ đọc bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài nói về bánh chưng, trong đó có chi tiết bát phở...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Tình cờ đọc bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài nói về bánh chưng, trong đó có chi tiết bát phở chó thời thơ ấu chị được ăn ở quán bên đường rồi ám nhớ, tự dưng tôi lại miên man nghĩ đến những quán bên đường ở ngoại thành Hà Nội, ở Đông Bắc. Đặc biệt càng vào sâu các làng quê miền Bắc, người ta dễ bắt gặp các quán nước ven đường, dưới một gốc đa hoặc dưới gốc lộc vừng cổ. Những quán như thế này không bán nhiều thức quà nhưng dường như thứ gì ở đây cũng khiến người ta thấm vào lòng, ngấm vào nhớ. Và nó cũng gợi nhớ đến những món ăn tuổi thơ, như với tôi, bánh tét, bánh chưng chiên ăn với dưa kiệu, tưởng đơn giản, nhưng mỗi khi nhớ về món này, lại gợi ra một khung cảnh mới và thấy mình còn rất ư trẻ nít.

Cái hay, cái mới của món này nằm ở chỗ mặc dù đang ngồi ăn, đang có dĩa bánh tét, bánh chưng chiên bày trước mặt, nhưng mùi vị của nó lại kéo ngược ta về phía sau, về những chặng đường dài mãi miết từng đi qua. Và đây là món ăn có hương vị quen thuộc, thân thương đến đỗi ngồi ở miền Bắc mà nhớ tuổi thơ miền Nam và ngồi ở miền Nam lại nhớ tháng ngày ngao du xứ Bắc, nhớ những cây bàng lá đỏ rất ư đồng bằng Bắc Bộ.

Thú thực, ban đầu tôi không thiện cảm với người miền Bắc, bởi tôi gặp khá là nhiều người Bắc sống tại miền Nam, họ có vẻ điêu ngoa, chua và sắc, thậm chí có người hơi đểu, không thật… Chính vì vậy mà khi ra Bắc, tôi luôn ở trạng thái phòng thủ. Thế rồi tôi ngồi xe buýt từ Hà Nội đi Bắc Ninh, ở Bắc Ninh vài hôm, lại từ Bắc Ninh đi Lạng Sơn, rồi lại từ Lạng Sơn sang Quảng Ninh, tôi mới phát hiện ra người miền Bắc không rõ có nói thách với nhau không, chứ với người miền Nam họ đối xử rất đẹp. Tôi đi cả gia đình, hai vợ chồng cùng hai cháu, hai đứa nhỏ còn bé nên nhà xe cho ngồi chung với mẹ, cha, không tính tiền, tôi mua ghế riêng tho các cháu thì họ chỉ tính một nửa tiền vé, trong khi tôi đi suốt chuyến, khách khá là đông, nếu tính toán thì mỗi ghế họ mất hết một nửa thu nhập. Đặc biệt trên đường từ Lạng Sơn đi Quảng Ninh, gia đình tôi mua hai ghế cho hai cháu nhỏ, nhà xe lắc đầu từ chối, để hai cháu ngồi free, với lý do: “Xe cũng chưa có nhiều khách, khi nào hết chỗ thì nhà xe sẽ lấy tiền của các cháu.” Chuyện này khác xa với miền Trung và miền Nam, nhất là miền Trung, nhà xe cũng nói thách chẳng kém mấy bà hàng chợ là mấy.


(Tom/ Viễn Đông)

Tự dưng lại lan man sang chuyện xe buýt, nhưng kì thực, cái ăn luôn gắn với tình cảm, nếu miếng ăn chỉ thuần là ăn thì chẳng có gì đáng bàn và cũng chẳng còn gì để bàn. Một khi trong miếng ăn còn chất chứa tình người, tình đất, thì miếng ăn ấy như một dấu ấn, một ấn tượng đẹp sau một trải nghiệm đẹp, ắt hẳn người ta sẽ nhớ về nó rất lâu, bất luận ngon dở. Và khái niệm ngon dở khi bàn về miếng ăn chất chứa tình cảm lúc này lại trở nên không có nghĩa, bởi cái ngon tự sâu thẳm tình cảm, tâm hồn đã chiếm trọn bữa ăn. Với bữa ăn mà chúng tôi ngồi vừa xuýt xoa hơ tay vào bếp than, vừa ăn cùng với các cụ bà người Tày, Nùng ở thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn thật đáng nhớ, bánh chưng chiên, vào Mồng Mười tháng Giêng của nhiều năm trước.

Lúc đó gia đình chúng tôi đi tìm quán ăn sáng, loay hoay, hóa ra ở thị trấn Đồng Đăng này rất chi là chảnh, có đúng một quán phở bò cơm rang, chúng tôi đã ghé lúc tối, một quán cơm khá là ngon và lịch sự, bán buổi trưa, còn lại có vài quán bánh cuốn, rặt bánh cuốn. Mà bánh cuốn Đông Bắc rất khác với bánh cuốn Hà Nội và Tây Bắc. Bánh cuốn Hà Nội là bánh cuốn nguội, nói nguội nhưng kì thực bánh cuốn đã đúc sẵn, bỏ trong thúng có lót tấm lá chuối, bên ngoài phủ một chiếc khăn vải sạch để giữ ấm, bánh cuốn này ăn với chả lụa Ước Lễ và nước mắm chanh đường ớt tỏi loãng, người ta thường bán dạo trên các phố. Bốn, năm người ngồi với dĩa bánh cuốn, chén nước chấm của mình vây quanh một cái nia hoặc chiếc mẹt có chứa một rổ rau mùi ở giữa, cứ như vậy mà dùng chung. Bánh cuốn Tây Bắc cũng đúc theo kiểu bánh cuốn Hà Nội và dùng chả lụa Ước Lễ từ Hà Nội để bán kèm. Bánh cuốn Đông Bắc thì khác, đây là bánh cuốn nóng, quán bánh cũng là lò bánh, người bán đợi khách vào đặt bao nhiêu bánh thì đúc bấy nhiêu bánh và ăn lúc nóng hổi. Bánh cuốn Đông Bắc không ăn kèm giò chả Ước Lễ mà đúc kèm với trứng gà, nấm mèo và chả bằm, nếu ăn không quen sẽ khó. Vậy là chúng tôi loay hoay đi bộ tìm một quán gì khác, chừng vài phút thì con chúng tôi reo lên vì có món bánh chưng chiên trong một quán bên đường.

Chúng tôi ghé vào, ngồi và gọi một dĩa bánh chưng chiên, các cụ người Tày, Nùng vừa chiên bánh chưng vừa nướng bánh khảo để ăn. Chừng mười phút sau, các cụ bưng cho chúng tôi một dĩa bánh chưng chiên lớn và một chén dưa kiệu. Chúng tôi ăn xong, thanh toán tiền thì các cụ lắc đầu, bảo rằng năm mới, các cụ mời, chứ chỗ này không phải là quán của các cụ, các cụ cũng đi chơi, đi thăm thị trấn giống chúng tôi, đến chỗ này, vốn là quán quen, đang nghỉ Tết, các cụ soạn đồ ăn ra dùng chứ các cụ không phải chủ quán. Cả nhà tôi há hốc ngạc nhiên và sau đó thì các cụ rủ bà xã và các con tôi cùng ngồi nướng bánh khảo… Khi chúng tôi mừng tuổi, các cụ rất vui, tự nhiên và chỉ nhận khoản tiền nhỏ nhất có thể để gọi là niềm vui ngày Tết, gặp khách miền Nam.


(Tom/ Viễn Đông)

Có lẽ đó là bữa bánh chưng chiên ngon nhất mà tôi từng gặp, sau này, thi thoảng đi miền Bắc gặp dịp Tết, cũng ghé vào một quán ven đường, dưới gốc đa giữa đồng nào đó, cũng gặp không khí của quán “bánh đa” (miền Bắc gọi bánh tráng là bánh đa có lẽ từ chỗ này, các bịch bánh tráng được treo trên các gốc đa, người làm ruộng mua một chiếc ngồi bẻ nhâm nhi cho đỡ đói, uống chén chè, hút ngao thuốc lào rồi lại tiếp tục xuống đồng mà cày…) nhưng có lẽ, cái bữa bánh tét chiên ăn sáng, trong ngày mưa lạnh tại thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn là để lại nhiều dư vị nhất.

Tết cũng đã sang Giêng rồi, quí vị chắc chắc sẽ gặp tình trạng bánh chưng lại gạo, tức bánh chưng bị cứng, hạt nếp bị khô lại giống như còn sống. Lúc này, quí vị cứ mở lá gói, dùng dao cắt thành từng lát mỏng vừa và phi dầu tỏi lên mà chiên. Chiên chừng năm phút, để lửa thật nhỏ, khi nghe bánh thơm thì trở mặt bánh, nhớ đừng trở sớm, bởi lúc mới bỏ bánh vào chảo chiên, bánh sẽ dính đáy chảo, đến khi bánh đủ chín giòn thì tự nhả chảo, không bám nữa, lúc này trở bánh là phù hợp. Chừng mười phút thì có bánh chưng chiên rồi, món này ăn với dưa kiệu hay nước mắm ớt đều ý vị, ngon.

Xin chúc mừng năm mới và cầu chúc quí vị vạn sự như ý, năm mới cát tường!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT