Hôm Nay Ăn Gì

Bánh đập chấm mắm nêm

Monday, 26/10/2020 - 07:29:03

Sau 1975, tôi không rành lắm về cái thời người ta chen chúc nhau để mua thịt, mua lương thực theo khẩu phần tem phiếu tạm thời trước 1976.


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Sau 1975, tôi không rành lắm về cái thời người ta chen chúc nhau để mua thịt, mua lương thực theo khẩu phần tem phiếu tạm thời trước 1976. Từ 1976 về sau, chế độ tem phiếu chính thức có mặt, đương nhiên vẫn chen chúc, vẫn vã mồ hôi vì miếng ăn nhưng có một chút đỡ hơn là người ta đứng từ sáng tới chiều chăng nữa vẫn có niềm tin rằng không sớm thì muộn sẽ có được lương thực, thực phẩm, không đến nỗi vô vọng đứng cả ngày, một ngày, hai ngày rồi lại về không, đói càng thêm đói. Và trong giai đoạn này, tìm một quán mì Quảng, quán cao lầu, quán bê thui hay quán ăn bán các món nhậu bình dân bây giờ còn khó hơn cả tìm mỏ vàng. Họa hoằng lắm mới có quán bánh đập. Hồi đó, Điện Bàn có quán bánh đập Bà Nhường, món ăn khó quên.

Quán bánh đập Bà Nhường nằm ở vị trí khá đắc địa (nhìn theo nhãn quan bây giờ), nằm bên cạnh một cây cầu sắt của quân đội Mỹ để lại. Cây cầu sắt này băng qua một nhánh phụ của sông Chợ Củi, con sông này chảy băng qua làng đúc Phước Kiều, băng qua một chiếc cầu đá ong hình vòm rất đẹp và lại hợp lưu với sông Chợ Củi bên dưới dinh trấn Thanh Chiêm một chút để chảy ra sông Hoài, băng qua Hội An.

Trước khi con sông này hợp lưu với sông Chợ Củi (có bên Chợ Củi, nơi các thương thuyền neo đậu để lên dinh trấn xin giấy thông hành), nó lượn lợi trước nhà thờ Phước Kiều, hay còn gọi là Giáo Xứ Phú Yên, cái nôi của chữ Quốc Ngữ, nơi tu tập và truyền giáo của hai vị Giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Đây cũng là nơi hai vị này, gồm Pina soạn giả cuốn tự điển Việt Bồ La với 24 chữ cái và De Rhodes hoàn thiện bản chữ cái với 27 ký tự. Có thể nói rằng mảnh đất Phước Kiều là mảnh đất quá đặc biệt, đây cũng là làng đúc duy nhất có những nghệ nhân chuyên cân âm, chỉnh âm cho thanh la của đồng bào Tây Nguyên… Có rất nhiều chuyện để kể về nơi này.

Quán bánh đập bà Nhường nằm bên cạnh cầu sắt, nơi mà thời đó, nước còn trong veo, đoạn hạ lưu sông Chợ Củi còn mênh mông như biển, đoạn sông Điện Bình, dẫn từ Thu Bồn vào Chợ Củi và Phước Kiều cũng rộng mênh mông, nước xanh biếc, thi thoảng có những chiếc thuyền buồm no gió nhìn đẹp mê hồn. Bà Nhường cũng là dân vạn đò, bỏ sông lên bờ, lập một quán bánh tráng đập. Bà tự tráng bánh, tự tráng mì, tự chế nước chấm cho bánh tráng đập.

Thời kinh tế khó khăn, nghèo đói, chỉ khi nào nhà có khách hoặc có người lãnh lương, bán chui được con heo, con gà mới dám ra quán bánh đập “kéo ghế” (chữ dành cho dân nhà giàu, bước vào quán kéo cái ghế nghe rột, đầy tự tin…). Người nào giàu lắm thì mới có chuyện ghé bánh tráng đập Bà Nhường thường xuyên. Hồi đó, mẹ tôi đi dạy ở trường Điện Phương II, trường vốn là dinh trấn Thanh Chiêm cũ, bị dở bỏ một số kiến trúc “phong kiến” để xây thành trường phổ thông, trường nổi tiếng nhiều ma và có người bị điên vì chuyện này.

Số là khi xây dựng trường, nhà trường bắt học sinh phải lao động, gánh đất đắp nền, có anh bạn cùng lớp với tôi nhưng lớn hơn tôi 10 tuổi (anh là học sinh lớp 5 chế độ cũ, sau biến cố 1975, anh học lại lớp 1 theo luật giáo dục mới, thời tôi học có nhiều anh chị như vậy). Anh bị chia phải xúc đất ở khu nghĩa trang để đắp lên gốc cây gáo ở sân trường. Anh xúc phải hộp sọ người và sợ quá, điếng người, sau đó về lơ ngơ, điên luôn… Trong trường có một dãy tập thể dành cho giáo viên ngoài Bắc vào dạy. Thời đó, giáo viên ngoài Bắc vào Nam để dạy là một kiểu bị đi đày, giống như giáo viên bây giờ bị đưa lên núi, vùng sâu vùng xa vậy. Các cô giáo ở lại trong dãy nhà tập thể, nhà nằm bên cạnh khu nghĩa trang cũ.

Cô Tâm là giáo viên mới tốt nghiệp ngoài Bắc, được đưa vào đây để dạy, cô rất sợ ma nên không dám ở lại trường. Cô xin mẹ tôi ở lại với gia đình tôi. Mẹ tôi vốn không ưa người Bắc nên suy nghĩ, đắn đo. Cô bèn mua chuộc tôi bằng cách dắt tôi đi ăn bánh tráng đập và dạy tôi tiếng Anh, thời đó người ta chỉ biết tiếng Nga và dạy nó chứ chẳng mấy ai biết tiếng Anh. Tôi bị mê hoặc cô Tâm từ khi cô dạy tôi tiếng Anh. Tôi nằng nặc xin mẹ để cô về nhà mình ở. Năm đó tôi chuẩn bị bước vào lớp 1. Cô ở được nửa năm thì bị thuyên chuyển lên miền núi bởi cô bị kỷ luật do “phổ biến tiếng của đế quốc Mỹ, đầu độc trẻ thơ.” Bình thường, cô cháu ở gần nhau, thi thoảng cô nhận lương dắt đi ăn bánh đập, thấy cũng không có gì đặc biệt. Thế nhưng cái bữa cô dắt đãi tôi bữa bánh đập cuối cùng, tự dưng mọi thứ gắn chặt trong ký ức.

Bởi mỗi khi nghĩ tới tới bánh đập, tôi lại nhớ ánh mắt thật buồn của cô, nhớ nụ cười của cô, cô cười nhưng giấu đi khóe miệng sắp khóc. Cô nói, “Con nhớ học cho thật giỏi, nhớ bớt nghịch nghe chưa!”

Tôi dạ, và bữa đó, tôi ăn bánh đập không nhiệt tình như mọi khi, mặc dù nó rất ngon, nhưng ngay lúc ấy, lại có gì đó khó ăn, khó nuốt. Nhưng bây giờ nhớ lại, lại thấy nó ngon vô cùng, nhớ cái vị bùi bùi của bánh tráng mỏng, thuần bột gạo, nướng chín, kẹp lá mì cũng mỏng dính, có thoa chút dầu phụng phi hành tỏi, kẹp lại, đập dập, chấm với mắm nêm pha tương ớt. Món này tưởng đơn điệu nhưng ăn rồi mới thấu cái ngon của nhà nghèo.

Quí vị có thể mua một ít bánh tráng, mua vài lá mì, trải lá mì lên trên bánh tráng, sau đó gập bánh tráng làm đôi, kẹp lá mì giữa bánh tráng và dùng tay đập nhẹ cho mì và bánh tráng quyện vào nhau. Bẻ từng miếng nhỏ, chấm với mắm nêm có pha chút tương ớt, đường, chanh. Với người bị chứng huyết áp cao có thể chấm với tương bần pha tương ớt hoặc xì dầu pha tương ớt cũng rất ngon và ý vị. Hãy cảm nhận bữa ăn này bằng tất cả yêu thương dành cho quê nhà và những tháng ngày xưa cũ. Tôi tin là rất ngon!
Kính chúc quí vị có một bữa ăn vui vẻ, ngon miệng và đậm đà tình cố xứ!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT