Hôm Nay Ăn Gì

Bánh mì bò kho của dì Hai

Monday, 30/05/2022 - 07:20:40

Người miền Nam, chắc chẳng còn lạ gì với bò kho, hủ tiếu bò kho, bún bò kho, bánh mì bò kho. Nếu như...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Người miền Nam, chắc chẳng còn lạ gì với bò kho, hủ tiếu bò kho, bún bò kho, bánh mì bò kho. Nếu như người miệt Tây Nam Bộ ưa món hủ tiếu bò kho bao nhiêu thì người Sài Gòn ưa bánh mì bò kho bấy nhiêu. Chợ Lớn, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Chánh, Quận Nhất, Quận Tư, Gò Vấp, đi đâu cũng có thể dễ dàng tìm bánh mì bò kho, quán hủ tiếu cũng có bán thêm bánh mì bò kho. Thậm chí khu phố Tây đường Bùi Viện là nơi chủ yếu bán món Tây, thế mà cũng có một quán phở kiêm hủ tiếu bò kho, bánh mì bò kho ngon số dách. Và hình như Tây vào quán này nhiều nhất, lúc nào cũng thấy thiếu chỗ. Nhưng, tôi muốn nói đến bát bò kho ăn với bánh mì của dì Hai.

Bởi ăn bát bò kho chấm bánh mì của dì Hai rồi thì tôi mới hiểu ra rằng bánh mì bò kho cũng biến tấu đủ đường, chẳng khác gì phở hay mì Quảng, nếu như phở có phở gà, phở bò, phờ lợn (của người Tày, Nùng), rồi phở khô, phở tươi, phở nạm gàu, phở bò viên, phở có rau, phở chỉ ăn với hành thái lát như phở Dậu, Sài Gòn, phở ăn với măng chua như phở Lạng Sơn, phở tái ăn với dưa đu đủ như phở Tiến, Liến ở Quảng Nam… Còn mì thì có nhiều loại, mì cá lóc, mì Quảng ếch, mì thịt gà, mì thịt bò, mì nhưn tôm thịt heo… Thì hủ tiếu bò kho lại biến thể theo dạng nước sền, nước loãng, nước đậm, nước nhạt, có đại hồi, không đại hồi, bò kho phục hồi sức, bò kho giải cảm… Nhưng bò kho chỉ dùng duy nhất thịt bò, nếu đổi sang thịt gà, thịt vịt hay thịt heo thì thành một món cà ri nào đó không còn là bò kho nữa.

Món bò kho, theo dì Hai, người gốc Khmer thì nó là món độc đáo của người Khmer, sau này người Việt cũng thấy thích và dần trở thành món ngon của người Sài Gòn. Không biết kiến thức lịch sử của dì Hai có chuẩn hay không, nhưng dì nói rằng trước đây đất Sài Gòn vốn của người Chân Lạp, tức Campuchia bây giờ, vùng đất này gồm ba quận: Sài Gòn, Gò Bích, Nam Vang, quận Sài Gòn được giữ quyên tên vì đây là quận lớn nhất, quận Gò Bích dường như mất dấu, thuộc vùng đất quận Tư và các quận lân cận bây giờ, còn quận Nam Vang lệch về phía Tây Ninh, quận Nam Vang có truyền thống làm bánh tráng, làm hủ tiếu, bánh tráng Trảng Bàng cũng là một dấu vết, hủ tiếu Nam Vang vẫn còn tên. Và món bò kho là của quận Gò Bích, rất tiếc người ta không gọi tên bò kho Gò Bích, quận này người Khmer sinh sống rất đông…

Tôi hỏi di Hai làm sao lại biết những thông tin, kiến thức lịch sử như thế này, dì cười tủm tỉm, không nói gì. Câu hỏi này tôi hỏi dì Hai nhiều lần nhưng lần nào cũng như lần nào, dì cười tủm tỉm rồi kể chuyện thời xưa, trước 1975, chồng của dì là phi công chiến đấu cơ, lái máy bay ra Bắc, máy bay bị bắn rơi, chồng dì bị mất tích, vậy là cuộc đời chán chường, dì chẳng biết tính sao, thôi thì đi làm người mẫu, dì làm người mẫu cho họa sĩ vẽ, ông họa sĩ này ban đầu khá là lịch sự, thương và giúp dì, nhưng về sau, khi vẽ khỏa thân, đến bức tranh thứ ba thì ông yêu cầu dì làm người tình của ông và tiền ông trả cao gấp ba lần, dì lắc đầu từ chối và chống chế thoát thân. Từ đó, dì về nấu nồi bò kho bán mỗi sáng.


(Tom/ Viễn Đông)

Nhưng dì Hai có được yên đâu, ông họa sĩ tới tìm, vậy là dì Hai dời chỗ bán. Dời đi dời lại mấy lần ông ta vẫn xuất hiện, như một ông khách tới ăn sáng, dì không còn cách nào khác, chấp nhận bán bò kho cho ông mỗi sáng, dần dần, thấy ông cũng có cái hay, chỉ bị chứng mê gái, hơi dê sòm nhưng bù vào đó lại có tấm lòng, sống trắc ẩn và giúp đỡ người nghèo. Thế rồi trao trả tù binh, chồng dì Hai trở về, ông họa sĩ tới ăn bánh mì bò kho vài lần nữa rồi rời quán. Chồng dì Hai là người khẳng khái, thương vợ con nhưng lại không ưa món này, đây là điều làm dì buồn, rồi dì đóng cửa quán.

Dì không nấu món này nữa cho đến ngày chồng dì Hai bất ngờ bay sang Mỹ cùng các con của dì, dì thất lạc chồng con một thời gian dài, bởi hôm chồng dì đi, dì đang về Long Khánh dự đám giỗ người bà con. Mọi thứ đổ sụp, dì Hai lại mở quán bò kho, ông họa sĩ lại tới ăn và bầu bạn, trò chuyện, không lâu sau ngày thay đổi chế độ, ông họa sĩ bị bắt vì ông là một sĩ quan biệt phái gì đó. Mọi thứ lại trống không cho đến khi chồng và các con bảo lãnh dì sang Mỹ. Nhưng hình như dì Hai không còn tha thiết với chuyện đi hay ở lại, bởi cuộc đời có chồng có con của dì Hai, tiếng là mấy mươi năm nhưng vẫn một thân là chính, dì không còn tha thiết chuyện chi, thích đọc sách và buổi sáng lại nấu nồi bò kho ngồi bán, cho sinh viên thuê phòng trọ, nhà dì Hai chia thành nhiều phòng, tiền trọ đứa nào chậm hay kịp với dì cũng vậy, miễn sao mấy đứa sinh viên này học hành tốt, không chơi bời, phá phách hay trộm vặt là dì thương.

Trong đám sinh viên trọ nhà dì Hai, hình như tôi là đứa ít gần với dì nhất, nghĩa là tới kỳ thì trả tiền phòng, tháng nào hẻo quá thì gặp dì xin khất vài hôm, thậm chí vài tuần… Có lẽ vì vậy mà tôi ngại gặp dì. Cho đến một bữa, tôi có chuyện buồn gia đình, đạp xe từ trường về tới phòng trọ mà cảm giác như chở cả tấn đá trên lưng, về đến phòng thì nằm vật ra và chẳng ăn uống gì được. Nằm từ chiều cho đến trưa mai mới lóp ngóp mò dậy đi tìm chút đồ ăn, mà tìm gì, thì mua gói mì ăn liền nấu làm canh, thêm nồi cơm là xong bữa. Tôi loay hoay định đi thì dì Hai gọi tôi qua phòng ăn nhà dì ngồi nói chuyện, dì nói tôi khỏi phải trả tiền trọ từ giờ cho đến ra trường, bởi dì mới nghe chuyện của tôi. Lúc này, tôi chẳng biết nói sao, vừa biết ơn dì lại vừa thấy mọi thứ sao nó trống rỗng, khó tả…


(Tom/ Viễn Đông)

Đợi tôi xong câu cảm ơn sau một lúc im lặng, dì vỗ vai tôi “đời mà con!”, xong, dì múc cho tôi một bát bò kho và hai ổ bánh mì, một dĩa rau mùi gồm húng quế, ngò tây, thêm một chén muối tiêu chanh có vài lát ớt đỏ. Không hiểu sao lúc đó nhìn dĩa muối tiêu chanh, bụng tôi cồn cào và dì Hai vừa mở lời thì tôi ngồi ăn ngon lành, chẳng ngại ngần gì. Dì đi vào phòng riêng, để cho tôi ngồi ăn tự nhiên, chừng mười phút sau, dì múc thêm cho tôi mấy cục cà rốt và nạm bò. Mà phải nói đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi ăn món bánh mì bò kho, ngon và nhớ đời là vậy!

Thế rồi dịch kéo qua thành phố, người ta cách ly, giãn cách, rồi thành phố phong tỏa, giới nghiêm, người chết chồng chất không kịp hỏa táng, tôi gọi điện thoại thăm dì Hai, nhiều lần gọi, lần đầu dì nghe máy, vẻ lo lắng, rồi lần sau, dì ở khu cách ly tập trung, rồi nữa, giọng dì Hai mệt mỏi, yếu ớt, và rồi những lần sau nữa, bặt vô âm tín, điện thoại “ngoài vùng phủ sóng”. Tự dưng đến lần gọi thứ ba thì tôi chảy nước mắt, không hiểu sao lúc ấy tôi nghĩ đến chuyện gì đó thật buồn.

Lần chảy nước mắt sáng nay là do tôi nhớ dì Hai, tình cờ bà xã tôi nấu món bò kho cho cả nhà ăn sáng với bánh mì, tôi chỉ mới ăn một muỗng thì chảy nước mắt, bởi cái vị bò kho của nàng nấu có gì đó rất giống với dì Hai. Một chút mùi ngũ vị hương, một ít sả bằm phi dầu sém thơm, một bông đại hồi, cà rốt gọt vỏ, xắt lát dày, thịt bò ba rọi nửa nạc nửa mỡ và gân, một chút muối, một chút xì dầu và dầu hào… Mọi thứ quyện vào nhau sau vài giờ ướp chung và tao sơ qua dầu. Đầu tiên là cho cà rốt vào dầu, đảo sơ, cho thịt bò xắt miếng vuông đã ướp vào sau, tao cho thơm, lửa nhỏ, cho bát nước sôi vào và để lửa riu riu mà nấu. Chừng một giờ sau, thịt bò chín mềm nhưng không rã, nếu để lửa lớn thì thịt sẽ săn lại và cứng.

Việc sau cùng là một dĩa muối tiêu chanh, vài lát ớt đỏ và bánh mì. Xin chúc quí vị có bữa ăn ý vị, xin quí vị hãy ăn món này trong cảm thức của người may mắn còn được sống với gai đình giữa lòng đại dịch và cầu nguyện cho những người không may mắn nhẹ bước thong dong!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT