Mẹo Vặt

Bánh mì nào tốt nhất?

Tuesday, 30/05/2017 - 08:23:19

Lạ nhỉ? Vậy thứ nào tốt hơn? Mời bạn cùng Hằng vào một siêu thị Mỹ, chúng ta ghé qua mấy quầy hàng bánh mì xem sao nhé!

Bài VŨ HẰNG

Bánh mì là một thực phẩm quen thuộc với tất cả chúng ta. Ngày xưa khi còn ở với mẹ, Hằng chỉ mong có được ổ bánh mì nóng hổi, vàng ươm, kẹp mấy miếng thịt và dưa chua ở giữa là đủ thỏa mãn niềm ước ao. Bây giờ, có người lại bảo: Những ổ bánh mì vàng rộm, nóng dòn ấy chỉ ăn ngon qua miệng nhưng không tốt mấy đâu! 

Lạ nhỉ? Vậy thứ nào tốt hơn? Mời bạn cùng Hằng vào một siêu thị Mỹ, chúng ta ghé qua mấy quầy hàng bánh mì xem sao nhé!


Ba thành phần căn bản của hạt lúa: Vỏ cám (bran), mầm (germ), và tinh bột (endosperm). Chúng ta ăn phần lớn là tinh bột, còn vỏ cám và mầm thì đã được bào mòn, tẩy bỏ.

Chà, không nói đến thì thôi, chứ để tâm tìm hiểu mới thấy rằng không đơn giản. Trước mắt bạn là bao nhiêu loại bánh với đủ mọi thương hiệu, thứ nào cũng “the best” (tốt nhất), “with most nutrition” (nhiều dinh dưỡng nhất)... Nghe nói là để có thể được bầy bán công khai hợp pháp, nhà sản xuất không thể nói dối, chắc rằng thứ nào cũng có một điểm tốt nhất nào đó, nhưng với giới nội trợ, chúng ta biết chọn sao bây giờ? 
Cô Katie Cavuto, thạc sĩ khoa học, chuyên viên dinh dưỡng, có ý kiến về những loại bánh phổ thông thường gặp thấy trên các quầy chợ như sau:


Bánh mì đa hạt (Whole Grain Bread) trông sần sùi, đen đủi, nhưng cống hiến đầy đủ dinh dưỡng cho chúng ta.

1. White Bread (bánh mì trắng)

Với màu bột trắng tinh mềm mại, những ổ bánh này trông ngon lành, bắt mắt thường được khách hàng ngay tình chiếu cố đầu tiên. Nhưng các thầy cô về ngành dinh dưỡng nhận xét: Đây là loại sản phẩm ít dinh dưỡng nhất, bởi vì vỏ cám (bran) và hạt mầm (germ) đã được bào tẩy đi rồi. Mà đáng tiếc, vỏ cám trông nhám nhúa sần sùi lại là thành phần chứa nhiều dinh dưỡng và chất xơ cần thiết cho bộ tiêu hóa chúng ta. 
Trong khi đó, bánh White Bread chúng ta ăn, trông trắng trẻo bắt mắt thật nhưng phần lớn chỉ là tinh bột (carbohydrates) là thứ mà những người có bệnh tiểu đường (diabetes), hay thậm chí tiền-tiểu-đường rất muốn giảm thiểu, và nếu có thể được, tránh xa.

2. Wheat Bread (bánh mì)

Đây là một cách chơi chữ rất khôn ngoan của nhà sản xuất, chữ “bread” chúng ta vẫn gọi là bánh mì, đương nhiên làm bằng “wheat” có nghĩa là lúa mì. Đâu có ai làm “bread” bằng bột bắp (corn), bột gạo (rice), hoặc bột sắn (tapioca)... đâu! 

Thế nên gọi Wheat Bread - dịch nghĩa là bánh mì làm bằng bột mì -là quá thừa, phải không bạn? Có lẽ nhà sản xuất muốn “làm dáng” một chút, rồi để khách hàng tự ý hiểu sao cũng được mà không cần thắc mắc thêm. Theo cô giáo Cayuto thì tuy nhà sản xuất không nói rõ, nhưng chúng ta phải hiểu rằng Wheat Bread không gì khác hơn White Bread, nghĩa là sản phẩm làm bằng bột mì đã được tinh luyện, bào mòn vỏ cám, chỉ còn lại lớp tinh bột trắng mà thôi.

3. Refined Flour

Đây là thứ bánh làm bằng “bột đã được tinh luyện,” không khác gì White Bread, nghĩa là bột mì đã được tẩy bào hết lớp vỏ cám sần sùi bên ngoài. Dĩ nhiên, loại bánh này (refined flour) không được các nhà dinh dưỡng chấm điểm cao vì nhiều chất dinh dưỡng đã bị tẩy sạch đi cùng với lớp vỏ cám. 

Nhưng phải thừa nhận rằng đây là lời tự thú thành thật về chuyện “tôi đã được tinh luyện sạch sẽ rồi đó,” chứ không giống như cái anh “wheat bread” kia chỉ nói mập mờ để ai muốn hiểu sao về ảnh thì hiểu đâu.


Những khoanh bánh mì trắng trông thơm ngon, rất được ưa chuộng, nhưng lại là sản phẩm ít dinh dưỡng nhất.

4. Whole Wheat Bread

Đây là thứ “bánh mì làm bằng bột mì nguyên hạt”. Các bạn để ý: Chữ “Whole” ở đây mới là quan trọng, có nghĩa là “nguyên hạt,” tức là còn tất cả 3 thành phần của hạt lúa: Vỏ cám, mầm, và phần tinh bột trắng. Theo các thầy cô, đây mới là thứ bánh chúng ta nên mua về cho gia đình mình dùng. Nhưng bạn không bó buộc phải tìm thấy đủ cả “ba chữ vàng” trên đây mà chỉ cần một chữ Whole (nguyên hạt) là đủ.

5. Whole Grain Bread

Có thể gọi là thứ bánh mì đa hạt, nghĩa là bao gồm nhiều thứ hạt lúa khác nhau. Nó không khác gì “whole wheat bread” ở trên, tuy nhiên, với chữ Grain (thay vì chữ Wheat), nhà sản xuất muốn nói thêm rằng, “sản phẩm của chúng tôi không chỉ làm bằng lúa mì (wheat) mà còn được pha thêm nhiều thứ lúa khác, như barley (lúa mạch), brown rice (gạo lứt), oat (yến mạch). Quan trọng: Tất cả những loại lúa pha thêm vào đều là nguyên hạt (whole grain) còn đầy đủ chất xơ, vitamins và muối khoáng.

Như vậy, Whole Wheat Bread cũng có thể gọi là Whole Grain Bread, nhưng chỉ làm bằng lúa mì nguyên hạt. Whole Grain Bread đúng nghĩa phải là sản phẩm được pha trộn bằng nhiều loại lúa khác nhau mà tất cả đều là nguyên hạt. 

Theo đánh giá của các thầy cô, thứ bánh mì “Whole Grain” này là tốt nhất, cần được giới nội trợ chiếu cố vì lợi ích cho cả gia đình. 
*
Trên đây là những từ ngữ căn bản, giúp chúng ta “đọc” được phẩm chất của vô vàn thứ bánh mì được bày bán trên quầy chợ. Nhưng giới sản xuất không ngừng ở đây, họ vẫn tiếp tục làm việc để chế ra nhiều sản phẩm khác làm rối tung con mắt chúng ta, mà thực sự cũng không có gì ra ngoài những loại căn bản như vừa kể.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT