Hôm Nay Ăn Gì

Bánh xèo chảo Lý Sơn

Thursday, 11/06/2020 - 05:03:32

Đã là người Việt, đặc biệt người miền Trung thì ai cũng biết món bánh xèo, nhưng biết bánh xèo chảo thì chỉ có hai kiểu người, hoặc là luôn nặng lòng với dòng hồi tưởng, hoặc là có một chút điệu tây trong tâm hồn.


(Cooky)

Bài TOM
Đã là người Việt, đặc biệt người miền Trung thì ai cũng biết món bánh xèo, nhưng biết bánh xèo chảo thì chỉ có hai kiểu người, hoặc là luôn nặng lòng với dòng hồi tưởng, hoặc là có một chút điệu tây trong tâm hồn.

Nhưng có vẻ như người biết bánh xèo chảo ở nhóm nặng lòng với quá khứ, sống trong hồi tưởng chiếm số nhiều. Nhưng, nói nhiều ở đây nghĩa là nhiều trong nhóm biết bánh xèo chảo thôi chứ không phải là nhiều với người miền Trung. Mà nói tới bánh xèo chảo, dường như người ta dễ nghe hương vị của mùa mưa tưởng chừng thối đất, của tiếng dế kêu đêm hay của những ngày lụt miên man bèo trôi qua ngõ… Dường như bánh xèo chảo mang một điều gì đó khó nói cho trọn.

Lần đầu tôi ăn bánh xèo chảo không phải do bà đúc hay mẹ đúc, mà nàng, nói đúng hơn là nàng nhắc lại hương vị của món này sau một chuyến đi đảo. Hồi đó ngư dân Lý Sơn nổi tiếng thế giới bởi họ bị bắt quá nhiều, bị đánh đập đến tan nát tương lai và họ chấp nhận mọi đau khổ để bám biển, để mỗi chiếc thuyền làm một cột mốc trên biển và đương nhiên, những cột mốc này làm bằng xương bằng thịt, không được trang bị bất cứ loại vũ khí nào.


(Cooky)

Họ phải vừa kiếm ăn vừa chịu đựng sóng gió, bị tàu Trung Cộng tấn công. Họ chết đã nhiều người, tan nhà nát cửa đã nhiều người, và những cái tên như Mai Phụng Lưu, Lê Tân cùng nhiều người không tên tuổi khác đã khắc xương thịt của mình vào biển, để cuối cùng, những người sống sót nghĩ về biển như một ký ức buồn đau, hãi hùng mà kiêu hãnh.

Và, trong hành trang đầy máu và kiêu hãnh mỗi khi ra khơi của ngư dân Lý Sơn, không thiếu bột gạo để làm bánh xèo. Bởi, không biết đâu là nguồn gốc của bánh xèo, nhưng có vẻ như Quảng Ngãi và Bình Định là xứ sở của bánh xèo, mùa mưa, mùa nắng đều có thể tìm được quán bánh xèo ở bất kỳ xã nào, thôn nào. Nhưng nói về bánh xèo như một tôn giáo, có lẽ Quảng Ngãi chiếm thế thượng phong. Bởi đi bất kỳ huyện, xã, thôn, làng hay thành phố trong tỉnh đều có thể tìm thấy những quán bánh xèo điểm tâm.

Ăn bánh xèo vào giờ nào cũng được nhưng ăn bánh xèo buổi sáng thì quả là khó nuốt, thế nhưng, với người Quảng Ngãi, đây là món đặc sản, món sang. Bởi cái gu ăn uống khá lạ thường và lạc lõng này mà dường như với người thân quen, người đồng hương, người đi xa về thăm quê, việc đầu tiên sau một đêm ngủ trên đất quê, cách gì sáng mai ra người ta cũng dắt nhau đi tới quán bánh xèo, ăn bánh xèo xong rồi mới uống cà phê, khác với người Quảng Nam “sáng ra bao tử mơ mòng/cà phê bên nọ cháo lòng bên kia.” (Bùi Giáng).


(Cooky)

Mà nói tới bánh xèo Quảng Ngãi thì cũng giống như bánh xèo Bình Định hay bánh xèo Quảng Nam, Huế, Sài Gòn… cũng bột gạo, giá, tôm, thịt, có nơi còn dùng cả thịt vịt để làm bánh xèo. Nhìn chung là không ngon với người không phải dân bản địa, ngoại trừ bánh xèo chảo.

Bởi tôi không phải dân Quảng Ngãi, gần như tôi không tìm được món ăn sáng nào cho hợp gu mỗi khi tìm quán ăn sáng ở xứ này. Thế nhưng một lần tình cờ, gia đình tôi ra đảo Lý Sơn tìm thăm thuyền trưởng Lê Tân và Mai Phụng Lưu. Lần đó ông Lưu ra khơi chưa về kịp, chỉ gặp ông Lê Tân. Nghiệt nỗi ông đang nghỉ dưỡng thương sau một chuyến ra khơi bị tàu hải cảnh Trung Cộng húc mạn và bắt người, đánh đập trọng thương.

Chúng tôi vào thăm, ông gắng gượng ngồi dậy và cố cười nói một cách bình thường. Chúng tôi khuyên ông nên nằm trò chuyện và cũng không nên kể chuyện nhiều, vì mỗi lần ông nói chuyện, gương mặt ông khá đau đớn. Nhưng ông cười nói thản nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra. Ông kể từng chi tiết bị cướp tàu cá, bị tháo bộ đàm, bị bọn lính Trung Cộng rút hết dầu qua thuyền của chúng và thả thuyền của ngư dân lênh đênh trên biển.

Riêng ông thì bị bắt đưa về tận bên Vân Nam, khi sang tới Vân Nam thì ông vô cùng ngạc nhiên vì hình ảnh mẹ già, vợ con và cháu ngoại ông đã được in sẵn, treo trên tường với lời đe dọa của một người phiên dịch vừa chỉ tay vào hình vừa nói, “Gia đình chúng mày tụi tao nắm hết, tụi mày chớ có ngu ngốc mà chống đối, tao cấm chúng mày đi đánh bắt…”

Chỉ xong, nói xong, chúng dùng báng súng đánh ông một trận thừa sống thiếu chết rồi cho giam vào xà lim. “Không có thứ thủ đoạn và đòn thù man rợ nào mà chúng không dùng với tôi!” Nói xong ông thở dài, buồn bã.
Tạm biệt ông, chúng tôi trở về phòng trọ, dường như câu chuyện buồn của ông khiến chúng tôi chẳng thể nào nghĩ đến bữa cơm, nhất là cơm trưa trên xứ đảo thì quanh đi quẩn lại cũng canh rong biển, lá tỏi xào hải sản, các loại cá… Thú thực là nó chỉ ngon khi thấy vui. Chúng tôi dặn chủ nhà trọ khoan làm cơm trưa, hình như ông hiểu được tâm trạng, vì trước đó ông hướng dẫn chúng tôi đường đến nhà thuyền trưởng Lê Tân.

“Thôi đừng ăn cơm chi, ăn món này ngon lắm!” ông nói.

“Dạ, món chi vậy chú?”

“Bánh xèo!”

Chúng tôi suýt há hốc vì cơm ăn không nổi mà ông bảo ăn bánh xèo. Ông lại cười, “Bánh xèo chảo đó cháu, chứ không phải bánh xèo thường đâu, ngon lắm, cháu yên tâm đi, ăn rồi biết!”

Nói xong, ông bưng cho chúng tôi chiếc mâm bằng mây tre, trong đó chứa một cái dĩa bàn lớn với độc nhất một cái bánh xèo, một dĩa rau sống và một chén nước mắm cùng mấy cái chén nhỏ đi kèm. “Ăn món này phải ăn theo kiểu ở đây, cháu lấy ít bánh xèo bỏ vào chén, bỏ rau sống vào rồi chan nước mắm vào, ngon lắm!”
Đương nhiên là bữa ăn đó rất ngon, vì cả gia đình có đúng một chiếc bánh xèo chảo, món tặng nên cũng ngại gọi thêm, mà đây là tiêu chuẩn dành cho “khách VIP” trong qui định của nhà trọ, thành thử… mua cũng không được!

(Cooky)


Bẵng đi gần hai năm, chuyến đi dường như chỉ đọng trong tôi hình ảnh ông Lê Tân tiều tụy, hình ảnh lăng thờ Hải Đội Hoàng Sa, hình ảnh những ngôi mộ gió của những người lính và ngư dân vắn số bỏ mình trong lòng biển, người trong bờ bày tỏ lòng nhớ nhung, tưởng tiếc bằng cách dùng tre kết làm xương, dùng chỉ đỏ làm gân máu, dùng đất sét đắp thành da thịt, sau đó dán tên của người đã khuất lên hình nhân đất sét, tổ chức đám tang, phúng điếu, phúng viếng và đưa ra mộ ngoài bãi biển, hằng ngày lại ra mộ thắp nhang, làm cỏ…
Tình cờ một ngày mưa, bà xã tôi nhìn bầu trời đậm xám mưa rồi nàng hỏi tôi có nhớ những người trên đảo không, tôi hỏi nàng đảo nào, nàng không nói không rằng, xuống bếp mang ra một mâm nhỏ, thì ra bánh xèo chảo, đúng rồi, tôi có nhớ Lý Sơn, nhớ cái không gian hiu quạnh, nhớ miệng núi lửa triệu năm cao chót vót và tĩnh lặng như một thiền sư trên đảo nhìn ra biển… Và giờ tôi mới nhớ ra mình từng ăn món này, một món ngon, đậm đà hương vị quê kiểng nhưng cũng phảng phất mùi vị tây tây, khó nói.

Một chiếc bánh xèo lớn, chiếm trọn chiếc chảo, không đúc mỏng như bánh xèo bình thường mà dày và lớn gấp chín, mười lần bánh xèo bình thường, được đúc với lửa cháy riu riu, đậy nắp sau khi dầu phi hành vừa tới nhiệt, cho bột gạo vào chảo và đậy nắp chừng 2 phút, sau đó mở nắp, cho thịt bò, tôm, giá vào bên trên, đậy nắp thêm mươi phút, khi nào nghe mùi bánh xèo chín thơm ngào ngào thì có thể cho bánh ra dĩa mà ăn.

Món bánh xèo chảo lại không ưa thịt heo như bánh xèo bình thường mà chỉ hợp với thịt bò, giá và tôm lột vỏ, tôm sú thì càng ngon, nếu không có tôm sú có thể dùng tôm sông hay tôm biển thay thế nhưng phải là tôm lớn, lột vỏ, thậm chí tôm hùm cắt từng khoanh làm nhưn thì càng ngon. Bánh xèo chảo ăn với nước mắm, rau sống, chủ yếu cải con, lá đinh lăng, bắp chuối xắt, một ít khế xắt mỏng, một ít lá xà lách, tía tô, rau thơm là xem như tạm đủ. Một chén nước mắm pha loãng với chanh, đường, tỏi, ớt làm nước chan. Món tuy đơn giản (vì không cần ướp gia vị rườm rà cho thịt bò và tôm) nhưng lại có cái vị ngon rất nguyên sơ, vừa mang âm hưởng núi rừng, lại vừa mang cả phong vị đồng bằng và biển cả.


(Nhatrangbiendao.com)

Xin cầu chúc quí vị sớm vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, xin cầu nguyện quí vị sớm ổn định cuộc sống và có những bữa cơm ấm áp, bình an!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT