Người Việt Khắp Nơi

Báo Mỹ viết về một ngôi chùa của ni Việt tại Massachusetts

Sunday, 10/12/2017 - 03:20:36

Sư cô Như Tâm cùng người chị định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1992. Sư cô nếu không vì hoàn cảnh đất nước thì sư cô đã chọn ở lại vì “Cuộc sống ở Mỹ quá khác biệt với Việt Nam.”


Sư cô Thích Như Tâm, thứ nhì từ bên phải, đang đội thử một nón len được đan cho các tín hữu ở Chùa Linh Quang tại Abington, Massachusetts vào ngày 12 tháng 11, 2017. (Carolyn Bick/ Enterprise)

Vào đầu tháng 12 này, nhật báo The Enterprise tại Abington, một thị xã nằm về phía nam thành phố Boston ở tiểu bang Massachusetts, đã đăng một bài viết về một ngôi chùa của các ni Việt Nam. Bài viết ngắn mang tựa đề “Các Phật Tử mời đón toàn thể cộng đồng ở Abington” (Buddhists welcome entire community in Abington). Dưới đây là phần chuyển ngữ của bài báo đó, đăng ngày 4 tháng 12, 2017, hầu đóng góp thêm cho kho tài liệu về lịch sử của cộng đồng di dân gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Giữa một thế giới đầy chiến tranh, rắc rối và xung đột, một số người đã tìm được sự thoải mái và an ủi tại một ngôi chùa Phật Giáo được thành hình từ một nơi vốn là một tòa nhà cũ kỹ được xây dựng từ thời nội chiến Hoa Kỳ kết thúc.

Chùa Linh Quang được thành lập từ tháng Tư năm 2016 từ một trụ sở có tên là Abington Grange Hall. Nếu trước kia vai trò của trụ sở này là quảng cáo cho nông nghiệp thì giờ đây, vụ thu hoạch chính yếu của ngôi chùa là sự yên bình.

Bên trong ngôi chùa nằm ngay tại một góc đường náo nhiệt là một cảnh êm đềm với sư cô Thích Như Tâm và tín hữu Tina Nguyễn đang ngồi nhấp trà trong bộ áo lạnh và nón len màu lam giữa một buổi trưa mùa thu.

Sư cô Thích Như Tâm, 59 tuổi, trụ trì ngôi chùa, là một tu sĩ theo truyền thống Bắc Tông. Chùa là chi nhánh của Thiền Viện Phổ Hiền và Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam ở Massachusetts. Thiền Viện cũng có một chi nhánh khác ở Worcester, nơi mà sư cô Như Tâm đã từng phụng sự mấy năm.

Cô Tina, 42 tuổi, là tín hữu của chùa. Tuy cư ngụ ở Dorchester (cách xa Abington khoảng 20 dặm và hơn 30 phút lái xe) nhưng cô dành tất cả thì giờ của cô cho ngôi chùa vì nơi đây thật yên bình, khác hẳn với thế giới bên ngoài. “Nơi ngôi chùa này, bạn có thể tránh khỏi sự náo nhiệt và ồn ào bên ngoài, ” cô nói.
Sư cô Như Tâm, qua sự thông dịch của cô Tina, cũng tán đồng điều này và nói rằng một trong những điều sư cô thích nhất trong việc điều hành ngôi chùa là ngôi chùa ấy thuộc về tất cả mọi người, cho dù cô đang điều hành; bất cứ ai cũng có thể đến viếng chùa, bất kể họ có tu hay không. Sư cô nói sư cô hy vọng nơi đây giúp nuôi dưỡng một ý nghĩa cho cộng đồng và làm êm dịu khách viếng thăm. “Chúng tôi hoan hỷ đón tiếp mọi người đến đây, học hỏi và thưởng thức,” sư cô bảo.

Qua lời thông dịch của cô Tina, sư cô Như Tâm nói với Enterprise, “Khi bạn cảm thấy an lạc trong buổi sáng, cuộc sống của bạn sẽ tiếp tục được hạnh phúc trong ngày.”

Cô Tina chưa là một tu sĩ, nhưng cô nói cô hy vọng một ngày kia cô sẽ là. Bên cạnh đó, sư cô Như Tâm đi tu từ năm cô vừa ngoài 20 tuổi. Sư cô nói cô biết đến đạo Phật vào năm lên 7 khi cùng mẹ vào sống ở chùa. Để trở thành một tu sĩ cần phải trải qua ba giai đoạn. Sư cô nói cô đã bắt đầu hành trình tu tập khá sớm, chỉ vài năm sau khi sống trong chùa, nhưng những người khác thì có thể bắt đầu cuộc đời tu sĩ vào bất cứ thời điểm nào trong đời họ.

Sư cô Như Tâm cùng người chị định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1992. Sư cô nếu không vì hoàn cảnh đất nước thì sư cô đã chọn ở lại vì “Cuộc sống ở Mỹ quá khác biệt với Việt Nam.”

Hiện ở Abington cũng có khá đông đạo hữu do sư cô hướng dẫn. Và trong sân chùa, có một tôn tượng của một vị Bồ Tát phái nữ, đó là tượng Quán Thế Âm Đà Nẵng. Sau khi tiến hành nhiều thủ tục để được thành phố chấp thuận, bức tượng cao 10 feet này đã được dựng lên vào tháng Ba năm nay.

Theo lời giải thích của Kiana Đặng, một thiếu nữ Phật tử của chùa này, Quán Thế Âm Bồ Tát mang nhiều hình tướng và không hạn cuộc vào một giới tính nào.

Kiana có mặt trong chùa để dự lễ Vía Quán Thế Âm vào ngày 11 tháng 11 mà theo em đó là “một trong những vị Phật chính tuy không phải là Phật lớn.”

Tín đồ tới chùa trong dịp lễ này sau đó cũng làm lễ cầu nguyện cho thân nhân vừa mới mất của họ trước những kệ thờ với các loại thức ăn nước uống đặt trước mấy tấm hình. Nghi thức diễn ra như một lời chia tay mà người còn sống muốn nói với thân nhân quá cố trước khi họ sanh qua kiếp khác, cũng theo Kiana Đặng.
Kiana cho biết em cùng các thiếu niên có cha mẹ hay đến chùa cầu nguyện, thường đến làm công tác giúp đỡ chẳng hạn như sơn tất cả các khối đá quanh chùa. Có khi các em ngủ lại qua đêm để giúp lau chùi dọn dẹp chuẩn bị cho các lễ lớn, thí dụ như dịp lễ Mẹ theo Phật Giáo (lễ Vu Lan) trong tháng Mười vừa rồi.
Kiana Đăng nói với báo Enterprise về buổi lễ Vu Lan rất long trọng vừa rồi, “Hình như có tới khoảng sáu vị tăng về chùa. Một số từ nơi xa đến, như Canada và California.”


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT