Xe Hơi

Bảo trì xe: Những trục trặc khi thay nhớt

Friday, 10/06/2016 - 11:43:58

Bình lọc nhớt là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống dẫn nhớt vào máy xe. Khi thay nhớt, thợ máy phải thay bình lọc mới, xoáy cẩn thận vào vị trí cũ. Nhưng nếu đã có thể quên đổ nhớt thì người ta cũng có thể quên xoáy bình nhớt, xoáy lỏng, xoáy lệch răng, xoáy không chặt…. Hoặc do miếng đệm (gasket) cũ chưa được cạo ra, nên bình lọc mới không ăn khít vào đầu máy…. Tất cả những sơ sót đó đều dẫn tới cùng một hậu quả: Nhớt rò, xe nóng máy, đưa đến tình trạng xe đứng đường. 

Bài HAO SMITH

 
                                          Bình lọc nhớt phải được thay mới mỗi lần thay nhớt
 

Thay nhớt là một việc làm quan trọng, nhưng đơn giản, bao gồm hai công việc: Thay nhớt cũ bằng nhớt mới, và thay bộ lọc mới. Tuy nhiên, thực tế đã chứng kiến không thiếu những sai sót, đưa đến nhiều hậu quả tai hại gây ra bởi chính những người mà chúng ta thường tín nhiệm ở sự chuyên nghiệp. Hôm nay, xin mời các bạn nghe vài câu chuyện thực do một luật sư chuyên về các tranh chấp liên quan giới tiêu thụ, ông Steve Lehto, kể lại.

Quên đổ nhớt mới

Chuyện khó tin nhưng có thật: Nhớt cũ đã được tháo ra, nhưng nhớt mới lại không được đổ vào. Tưởng rằng những người đang lóm róm học đòi tự bảo trì mới sơ sót như vậy. Nhưng sự thực không phải thế. Nếu là chủ xe, bạn chỉ có bổn phận săn sóc 1 cái xe hay nhiều lắm thêm 1, 2 cái xe nữa của vợ con. Tự thay nhớt lấy, bạn có thể lóng óng trong động tác nhưng bạn không thể quên đổ nhớt mới vào bình sau khi đã tháo nhớt cũ ra. Còn người thợ, phải cùng một lúc săn sóc xe của nhiều khách hàng, quên sót lại là chuyện có thể dễ dàng xảy ra hơn. Theo luật sư Steve Lehto thì chính ông đã đại diện thân chủ kiện tiệm sửa xe về sự sơ sót đó. Câu chuyện xảy ra như sau:

Sau khi trả tiền thay nhớt, anh A lái xe ra khỏi tiệm đi được một bloc đường thì đèn cấp báo (warning light) trước mặt tài xế nháng lên với hàng chữ “Check Oil Engine,” rồi máy xe khựng lại, chết đứ đừ giữa đường. Đương sự phải đẩy xe vào lề, rồi đi bộ trở lại tiệm sửa xe để khiếu nại. Một người thợ trong tiệm nhào ra, nói hối hả, “Tôi quên đổ nhớt vào xe. Từ nãy giờ trông anh quá!”

Những gì xảy ra sau đó là chuyện của luật sư, chúng ta không cần nói tới. Nhưng có một bài học mọi người có thể rút ra được, đó là: Đừng phó thác 100% vào người thợ. Dù có là tiểu thư chân yếu tay mềm, bạn vẫn có thể yêu cầu người thợ mở nắp bình nhớt ra để chính mắt mình kiểm tra lại: Nhớt có đầy đủ trong bình chưa? Nhớ làm xong công việc đơn giản ấy trước khi nhận lại chìa khóa xe và cho xe lăn bánh.

                       Đã đổ nhớt mới vào xe chưa? Bạn có thể không quên, nhưng “người khác” lại quên

Xoáy lỏng bình lọc nhớt

Bình lọc nhớt là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống dẫn nhớt vào máy xe. Khi thay nhớt, thợ máy phải thay bình lọc mới, xoáy cẩn thận vào vị trí cũ. Nhưng nếu đã có thể quên đổ nhớt thì người ta cũng có thể quên xoáy bình nhớt, xoáy lỏng, xoáy lệch răng, xoáy không chặt…. Hoặc do miếng đệm (gasket) cũ chưa được cạo ra, nên bình lọc mới không ăn khít vào đầu máy…. Tất cả những sơ sót đó đều dẫn tới cùng một hậu quả: Nhớt rò, xe nóng máy, đưa đến tình trạng xe đứng đường.

Đó là những “thảm cảnh” mà hai thân chủ của luật sư Steve Lehto đã gặp sau khi đưa xe vào tiệm thay nhớt. Một người lái xe về nửa đường, nghe tiếng máy kỳ kỳ mới tạt vào một trạm xăng gần đó xem xét. Người làm công trong trạm xăng nhìn vào gầm xe, phát giác bình lọc đeo lơ lửng vào một thanh ngang gần đó.
Nạn nhân thứ hai thì “may” hơn. Sau khi thay nhớt, chiếc xe chạy bình thường được mấy ngày rồi mới… chết cứng. Nhưng “may” như vậy lại hóa “rủi”. Bởi vì, khi nhờ người coi lại mới phát giác xe không có bình lọc nhớt, có lẽ đã rớt đâu đó trong lúc xe chạy và lăn vào mương rãnh ven đường. Rốt cuộc, nhớt cứ tự do chảy ra cho đến khi cạn kiệt thì máy xe không nổ được nữa.

Những trường hợp trên đây không phải là hư cấu, mà thực đã xảy ra, khiến giới chuyên viên gọi công việc thay nhớt là “bãi mìn” (mine field), là vì đã có rất nhiều vụ “thương vong” xảy ra trong tiến trình thay nhớt. Thậm chí luật pháp đã phải lên tiếng qua đạo luật Motor Vehicle Service and Repair Act (Luật sửa xe) ở tiểu bang Chicago qui định rõ ràng trách nhiệm của thợ máy về những sơ sót xảy ra trong lúc bảo trì xe cho khách hàng.
Rút kinh nghiệm về sự rủi ro của thiên hạ, chúng ta làm được gì? Khổ nỗi, bình lọc nhớt nằm dưới gầm xe, chúng ta không thể yêu cầu người thợ cho xem tận mắt giống như kiểm tra nhớt được. Nhưng chúng ta có thể hỏi lại người thợ: Anh có thay bình lọc nhớt chưa? Có xoáy vào cẩn thận chưa? Có gặp trở ngại gì không? Trả lời những câu hỏi này là một cơ hội để người thợ tự kiểm tra mình, tránh những sơ xuất như vừa nói.

                                  Ốc xả phải được xoáy chặt, khớp răng để nhớt khỏi bị rò rỉ về lâu dài

Xoáy lỏng ốc xả

Ốc xả (drain plug) là nút chặn ở lỗ thoát dưới đáy bình nhớt. Ốc xả được xoáy ra để tháo nhớt cũ, rồi sẽ được xoáy vào trước khi đổ nhớt mới. Ốc xả xoáy không chặt, có thể bị rớt ra sau một thời gian. Hoặc, ốc có thể lệch răng, không khít với bình nhớt…. Đó là những “tai nạn” có thể xảy ra với những người non tay, và đôi khi với cả thợ chuyên nghiệp, khiến nhớt rò rỉ lâu ngày, xe không nằm ụ ngay, nhưng sẽ đến một ngày máy xe thiếu nhớt mà chủ xe không biết. Cháy máy, đó là dấu “chấm xuống hàng” của một đời xe!

Kết luận

Với việc thay nhớt, nếu có thể làm được, chúng ta hãy cố tự làm lấy. Nếu phải đưa ra cho thợ, hãy cố theo sát tiến trình thợ làm việc. Đó là lời khuyên của luật sư Steve Lehto. Tiếc thay, việc theo dõi này khó có thể thực hiện được, bởi vì ở những trung tâm lớn, chủ xe không được bén mảng tới khu vực làm việc. Mặc dầu “đứa con” lên bàn mổ, nhưng bạn phải ngồi chờ bên ngoài xem báo cũ giết thì giờ. Rốt cuộc, chúng ta chỉ có thể kiểm chứng sau khi sự đáng tiếc đã xảy ra. Nếu không muốn như vậy thì buộc phải hỏi, hỏi tất cả những gì có thể hỏi được như một hình thức nhắc nhở trước khi nhận lại chìa khóa xe và lăn bánh ra đường.
haosmith@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT