Bình Luận

Bảo vệ kỹ nghệ Mỹ

Monday, 05/03/2018 - 09:43:09

Juncker còn nói Âu Châu sẽ tăng thuế nhắm vào sản phẩm của những tiểu bang có những dân biểu, nghị sĩ ủng hộ chính sách tăng thuế nhập cảng thép và nhôm, như Kentucky, Wisconsin.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong bản thông cáo báo chí phổ biến ngày mùng 1 tháng Ba, 2018, hệ thống xưởng sản xuất nhôm Century Aluminum Company viết: “Hôm nay Tổng Thống Donald J. Trump tuyên bố là chính phủ sẽ đánh thuế nhập cảng để chặn đứng số nhôm nhập cảng đang tàn phá kỹ nghệ nhôm của Hoa Kỳ và đe dọa nền an ninh quốc gia.”

Chủ tịch, tổng giám đốc Century Aluminum Company -ông Michael Bless- ca ngợi quyết tâm của tổng thống, xác nhận là quyết tâm đó mang giá trị bảo vệ nền an ninh của Hoa Kỳ và giúp nhôm Mỹ có khả năng tranh thương với nhôm nhập cảng, nâng đỡ hàng ngàn công nhân trong kỹ nghệ sản xuất nhôm.

Tổng thống nói ông sẽ tăng thuế nhập cảng nhôm lên 10%, khiến nhôm nhập cảng phải bán ra với giá cao hơn để sản phẩm ngoại quốc mất lợi thế giá rẻ tranh thương với nhôm nội hóa. Biện pháp đó giúp ông Bless tuyển thêm 300 công nhân nữa, ngoài số 1,850 người đang làm việc tại xưởng Century Aluminum Company.
Kỹ nghệ sản xuất thép của Hoa Kỳ cũng được nâng đỡ như vậy, khiến ông Leo W. Gerard, chủ tịch nghiệp đoàn thợ luyện thép tại Canada, với 200,000 đoàn viên người Canada lo ngại, đã lên tiếng xin tổng thống Mỹ miễn trừ thép Canada không phải đóng sắc thuế mới.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới được phát động vào lúc 4:50 sáng sớm thứ Sáu, mùng 2 tháng Ba, 2018; chiến thư viết: "Khi Hoa Kỳ thua lỗ nhiều tỉ mỹ kim trong việc giao thương với gần như mọi quốc gia khác, thì chiến tranh thương mại là điều tốt, và dễ chiến thắng. Thí dụ, chúng ta mất $100 tỉ với một nước nào đó, và họ tỏ ra dễ thương, thì đừng giao thương với họ nữa là đủ thắng lớn rồi. Dễ lắm."

Nguyên văn bức thư bằng tiếng Anh: “When a country (USA) is losing many billions of dollars on trade with virtually every country it does business with, trade wars are good, and easy to win. Example, when we are down $100 billion with a certain country and they get cute, dont trade anymore-we win big. Its easy!”

Quả là dễ, không phải làm gì cả mà lợi lộc lại rất lớn, nếu chuyện giao thương quốc tế giản dị như vậy. Nhưng ngay sau khi tổng thống Hoa Kỳ hạ chiến thư bằng twitter, phản ứng của thế giới đã vô cùng sôi nổi, nhiều nước đòi trả đũa.

Ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Liên Âu tuyên bố với phóng viên truyền thông là nếu Hoa Kỳ đánh thuế nặng trên số thép và nhôm họ xuất cảng sang Mỹ thì Liên Âu cũng trả đòn y như vậy -tăng thuế đánh trên những chiếc mô tô Harley-Davidsons, những chiếc quần bluejeans, và những chai rượu bourbon, sản phẩm của tiểu bang Kentucky.

Juncker còn nói Âu Châu sẽ tăng thuế nhắm vào sản phẩm của những tiểu bang có những dân biểu, nghị sĩ ủng hộ chính sách tăng thuế nhập cảng thép và nhôm, như tiểu bang Kentucky, đơn vị đã bầu ra Nghị Sĩ Mitch McConnell, và tiểu bang Wisconsin, địa phương gốc của chủ tịch Hạ Viện Paul D. Ryan.

Ông Juncker nhìn nhận, "Dĩ nhiên những biện pháp trả đũa đó có thể không hợp lý, nhưng đa số những việc đang diễn ra trên thế giới có mấy việc hợp lý đâu. Tuy nhiên chúng tôi sẽ giữ đúng quy tắc được tổ chức WTO (World Trade Organization -Tổ chức Thương mại Thế giới) ấn định.”
Ẩn ý của Juncker mỉa mai tổng thống Hoa Kỳ vi phạm quy ước WTO.

Tổng thống Hoa Kỳ ấn định sẽ tăng 25% thuế đánh vào thép và 10% thuế đánh vào nhôm nhập cảng.
Phát ngôn viên Steffen Seibert của Thủ Tướng Đức Angela Merkel nói, "Đức không chấp nhận thuế nhập cảng mới của Mỹ, vì loại thuế đó sẽ đưa thế giới vào một cuộc chiến tranh thương mại tai hại cho tất cả mọi người."

Ông Hans Jurgen Kerkhoff, chủ tịch Tổng Hội các nhà sản xuất thép tại Đức, nhận định, "Biện pháp tăng thuế nhập cảng trắng trợn vi phạm quy điều của WTO; nếu Liên Âu không có phản ứng, thì kỹ nghệ thép của Âu Châu sẽ phải trả bill cho chủ nghĩa bế quan tỏa cảng của Mỹ."
Kerkhoff kêu gọi Liên Âu có phản ứng cần thiết.

Dân Biểu Anh Simon Clarke, phó chủ tịch tổ chức All Party Parliamentary Group on Steel and Metal Related Industries, viết Twitter, "Tăng thuế nhập cảng là biện pháp nguy hại nhất cho nền kinh tế toàn cầu và cũng là một đe dọa nặng nề cho kỹ nghệ thép của Anh quốc."

Ông Roy Rickhuss, tổng thư ký Nghiệp Đoàn Lao Động Anh tố cáo “thuế nhập cảng” bằng Twitter; ông này viết, “Donald Trump đang đe dọa công ăn việc làm của công nhân trên cả hai ven bờ Đại Tây Dương; hàng chục ngàn thợ luyện thép đang sống yên vui trong thế hệ mới của thị trường thế giới bỗng nhiên rất lo ngại."

Rickhuss kêu gọi bà thủ tướng Anh Theresa May quan tâm đến việc thép sản xuất tại Anh sẽ không bị tăng thuế nhập cảng.

Trung Quốc cũng là một nguồn xuất cảng thép vào thị trường Mỹ; họ gửi ông Liu He, cố vấn kinh tế của Chủ Tịch Tập Cận Bình sang Mỹ; ông Liu -tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Hoa Kỳ- sẽ gặp nhiều yếu nhân có trách nhiệm về kinh tế tại Hoa Kỳ, nhưng không dự trù gặp tổng thống Mỹ.


Một nhân vật trong Bạch Cung xác nhận là quý ông Gary D. Cohn, giám đốc Hội Đồng Kinh Tế quốc gia, ông Robert E. Lighthizer, đại diện thương mại của Hoa Kỳ, và ông Steven Mnuchin, tổng trưởng Ngân Khố sẽ tiếp đón ông Liu, và thẳng thắn trao đổi quan điểm với ông này về những vấn đề liên quan đến thương mại và kinh tế.

Phản ứng quyết liệt trả đũa của tất cả những quốc gia có giao thương với Hoa Kỳ có vẻ vẫn chưa làm Tổng Thống Trump thay đổi quyết định tăng thuế nhập cảng đánh vào thép và nhôm -quyết định sẽ giúp bảo vệ công ăn, việc làm cho 140,000 công nhân Hoa Kỳ đang phục vụ trong kỹ nghệ kim khí.

Tuy nhiên, ký giả Paul Wiseman lại viết trên bản tin của hãng thông tấn Mỹ Associated Press, là phản ứng của thế giới đối với thuế nhập cảng sẽ gây thiệt thòi cho 6.5 triệu công nhân Mỹ phục vụ trong những kỹ nghệ cần thép và nhôm, như các hãng sản xuất xe hơi, đóng máy bay, hoặc sản xuất vật liệu xây cất.
Ông Mark Zandi, một kinh tế gia Mỹ nổi tiếng, cho rằng nếu việc tăng thuế nhập cảng ngưng ngay trong giai đoạn giằng co này, thì nền kinh tế Mỹ cũng đã thiệt hại đến 1 phần ngàn (0.01) lợi tức, tính thành jobs thì tổn thất này được thể hiện bằng 190,000 jobs mất đi.
 
Nhiều kinh tế gia khác lo tổng thống sẽ thực hiện việc tăng thuế nhập cảng, và các nước khác cũng trả đũa bằng cách đánh thuế nặng vào hàng Mỹ bán sang nước họ, tạo ra cảnh vật giá gia tăng, làm giảm tiêu thụ và sản xuất.

Bà Gerry Rice, phát ngôn viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) nhận định, "Tăng thuế nhập cảng, không giúp tăng lợi tức cho Hoa Kỳ, mà chỉ làm bế tắc kinh tế của toàn thế giới, và của chính Hoa Kỳ nữa."
Dù tin lời bà Rice, người công dân Mỹ cũng đành thắt lưng buộc bụng chịu đựng cảnh vật giá gia tăng, thất nghiệp lan tràn thôi; vì cả ba thứ quyền -hành pháp, lập pháp, và tư pháp- đều tuân lệnh tổng thống, thì còn trông đợi vào đâu!

Tuy nhiên tổng thống cũng nên nghĩ đến điều bất công căn bản là giới tiêu thụ Mỹ phải trả giá đắt hơn, khi chúng tôi mua một cái nồi, hay một cái xe hơi, để nuôi kỹ nghệ nhôm và kỹ nghệ thép; cũng như chúng tôi đã trả giá cao hơn, để quý vị chủ hãng xăng reo mừng khi thùng dầu thô vượt giá $60. (ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT