Tiêu Thụ

Bảo vệ uy tín của nhãn hiệu Made in USA

Saturday, 20/06/2015 - 12:29:48

Nhưng không biết vô tình hay cố ý, nhiều cơ sở doanh thương không chịu hiểu, họ bày ra nhiều chữ làm rối mắt khách hàng: Với những sản phẩm không chế tạo ở Hoa Kỳ, họ dùng chữ Designed in America (thiết kế ở Mỹ), hoặc Assembled in America (lắp ráp ở Mỹ), thậm chí còn cố tình gian dối, miễn sao có được chữ “…in America” để qua mắt khách hàng.

Bài ERIC TRAN

Theo Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (Department of Commerce) thì trong khoảng 2009 tới cuối năm 2014, sản phẩm ra lò tại Hoa Kỳ đã tăng 45%, tạo thêm được 646,000 công việc mới trong ngành sản xuất từ tháng Hai, 2010 đến tháng Năm, 2014. Hai lý do khiến cho ngành sản xuất Hoa Kỳ phục hồi trong mấy năm qua là do giá xăng dầu rẻ hơn, và sự khác biệt giữa tiền công thợ tại Mỹ và tại các nước khác đang từ từ khép lại. Một yếu tố nữa là do gia tăng đầu tư về nghiên cứu trong các ngành công nghiệp kỹ thuật cao (high technology).


                Nhãn hiệu Made in America vẫn là một dấu chỉ của uy tín trên thương trường quốc tế


Những sản phẩm mang nhãn “Made-In-America” rõ ràng là đang có hấp lực đối với giới tiêu thụ nội địa. Một cuộc phỏng vấn do hãng Consumer Reports thực hiện gần đây cho biết, 8 trong số 10 người Mỹ muốn mua hàng nội địa hơn là hàng ngoại nhập và sẵn sàng trả thêm 10% nếu sản phẩm mang nhãn “Made in America.” Chính vì thế mà các ngành quảng cáo hiện đang ra sức vận dụng, thậm chí lạm dụng thương hiệu này, đến mức Ủy Ban Giám Sát Thương Mại Liên Bang, gọi tắt là FTC (Federal Trade Commission) đã phải ấn định rõ những tiêu chuẩn cho một sản phẩm mang nhãn Made in America. Nhưng không biết vô tình hay cố ý, nhiều cơ sở doanh thương không chịu hiểu, họ bày ra nhiều chữ làm rối mắt khách hàng: Với những sản phẩm không chế tạo ở Hoa Kỳ, họ dùng chữ Designed in America (thiết kế ở Mỹ), hoặc Assembled in America (lắp ráp ở Mỹ), thậm chí còn cố tình gian dối, miễn sao có được chữ “…in America” để qua mắt khách hàng. Như ông Hal Sirkin, chuyên viên thuộc The Boston Consulting Group, phát biểu, “Chúng tôi thấy nhiều sản phẩm đề chữ “Made in the USA” mà thực chất là sản xuất tại Trung Quốc.”
Qui định mới của chính phủ liên bang Hoa Kỳ đòi hỏi những sản phẩm mang nhãn “Made in USA” phải đáp ứng điều kiện sau: Tất cả hoặc hầu hết chất liệu và thành phần trong sản phẩm phải có nguồn gốc Mỹ, nghĩa là không mang chất liệu ngoại nhập, được chế tạo và lắp ráp ở giai đoạn cuối cùng trong phạm vi 50 tiểu bang, đặc khu District of Columbia hoặc các vùng lãnh thổ (territories) của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nhà sản xuất đặt trụ sở tại Hoa Kỳ được quyền dùng nhãn “Made in USA” cho những sản phẩm không hoàn toàn nội địa, chẳng hạn cái tủ lạnh GE có đa số linh kiện (87%), nhưng không phải 100% tại Mỹ.

Tại sao có nhãn hiệu giả?


                                     Thực ra, nó cũng là sản phẩm “Made in China” mà thôi.

 
FTC là cơ quan của chính phủ liên bang Hoa Kỳ có nhiệm vụ đặt ra các qui tắc cũng như giám sát việc sử dụng nhãn hiệu “Made in America,” nhưng họ không có đủ nhân lực kiểm tra tất cả mọi sản phẩm có mặt trên thị trường. Đại diện cho FTC, luật sư Julia Solomon Ensor, phát biểu, “Đọc nhãn hiệu một sản phẩm, người tiêu thụ dễ có cảm tưởng rằng nó là Made in America, nhưng có một hàng chữ rất nhỏ cho thấy 100% thành phần đều là ngoại nhập cả.”

FTC chắc chắn sẽ đặt vấn đề với cái công ty cha đẻ của sản phẩm giả mạo đó, nhưng họ phải chờ cho đến khi nhận được khiếu nại từ bên ngoài. Luật sư Ensor cho biết, “Đa số khiếu nại là do các công ty khác đưa lên, chứ khách hàng khó có ai biết được thực hư của cái trò (qua mắt) này.”
Ngược lại, có nhiều sản phẩm rõ ràng làm tại Mỹ mà lại không mang nhãn hiệu “Made in America.” Chẳng hạn nhiều máy móc gia dụng của hãng Kenmore làm tại Mỹ, nhưng khách hàng lại chẳng thấy cái dấu hiệu “Made in America” đâu cả. Chẳng lẽ một hãng lớn như Kenmore lại không bắt mạch được khuynh hướng khách hàng hay sao? Hay là vì Kenmore còn có nhiều hợp đồng với các nhà sản xuất ở ngoại quốc?

Làm sao nhận diện?

Sở Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ đòi hỏi tất cả mọi thứ hàng ngoại nhập phải ghi rõ xuất xứ quốc gia sản xuất (Country of Origin) ở một chỗ dễ dàng nhận diện. Thế nhưng với sự nhạy bén đầy ma mãnh, nhiều nhà sản xuất Trung Cộng không dám trương ra cái tên quốc gia nhiều tai tiếng của mình qua hàng chữ “Made in China” mà phải ngụy trang bằng chữ Made in PRC để đánh lừa giới tiêu thụ, thực ra PRC, viết tắt của tên gọi chính thức Peoples Republic of China, cũng là China mà thôi. Hoặc như trên đã nói, họ có thể lạm dụng từ ngữ “designed in America” (vẽ kiểu ở Mỹ) để khách hàng lầm tưởng hàng Mỹ, thay cho thực chất “Made in China” càng lúc càng mất uy tín trên thương trường quốc tế.


                                             Sản phẩm “Made in PRC” làm tại nước nào?


Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ lại không buộc phải trưng nhãn hiệu “Made in America nếu sản phẩm thực sự được chế tạo trong nội địa Hoa Kỳ. Chắc họ cho rằng “vàng thật không sợ lửa”? Liệu ai hiểu được cái sự “ngờ nghệch” này của người Mỹ không?
Là người tiêu thụ, nếu khám phá được một sản phẩm nào mang nhãn hiệu “Made in America” giả mạo, chúng ta có thể báo cáo với nhà chức trách tại www.ftc.gov hoặc gọi số 1877-FTC-HELP. Mặc dầu không nhận được trả lời trực tiếp của FTC, nhưng chúng ta có thể hãnh diện là mình đang góp phần vào việc bảo vệ uy tín của nhãn hiệu Made in the USA.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT