Tiêu Thụ

Bất đồng giữa thân chủ và luật sư (bài 2)

Friday, 04/09/2015 - 11:10:55

Với những văn bản này trong tay, (các qui định trong hợp đồng và những lá thư đã viết), bạn mới có cơ sở đi tới những bước khác, nếu cần, để khiếu nại về tư cách và trình độ của luật sư.

Bài ERIC TRẦN

Bài này sẽ trình bày thêm chi tiết về việc khách hàng có thể làm được gì khi có bất đồng với luật sư được thuê để bảo vệ mình. Xin nhắc lại rằng người viết không là luật sư, những ý kiến viết ra dưới đây được tham khảo từ nhiều nguồn và được trình bày dưới lăng kính người tiêu thụ.

Tiền công cho luật sư bị bãi nhiệm

Khi có bất đồng hoặc bất mãn, thân chủ có thể nghĩ tới việc thuê một luật sư khác. Nhưng trước khi làm việc đó, cần phải suy nghĩ tới vấn đề tiền công. Luật sư mà bạn muốn bỏ có quyền nhận công xá về những gì mà người ấy đã thực hiện được. Nếu bạn vẫn tiếp tục trả tiền theo tiến độ của công việc, không bị trễ lại tháng nào, thì OK, bạn có thể bỏ luật sư bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, nếu luật sư ăn phần trăm theo thỏa thuận “thắng mới lấy tiền, thua thì thôi” (contingency fee basis), thì luật sư vẫn được nhận công xá về số giờ đã dành ra cho công việc, cộng với các chi phí khác. Nếu bạn chưa trả khoản đó, luật sư cũ có thể kiện để buộc bạn phải trả.
Bãi nhiệm luật sư không có nghĩa là bạn không phải trả những khoản lệ phí chính đáng
Đây là điều khó khăn chính. Theo nhận xét của người viết, đa số các vụ được nhờ cậy tới luật sư là về hồ sơ đụng xe. Đây là trường hợp điển hình của cách tính lệ phí theo thỏa thuận “contingency,” theo đó bạn chưa phải bỏ ra đồng lệ phí nào cả.

Nội dung hợp đồng phải ghi rõ phương thức để luật sư liên lạc và cập nhật tiến độ của vụ việc ra sao với thân chủ.



Bây giờ, nếu bỏ luật sư, bạn sẽ phải trả tiền về những gì họ đã làm cho mình. Theo bạn thì họ chưa làm gì cả, hoặc toàn làm những việc vô ích. Nhưng khi nhận được bill, ban mới tá hỏa tam tinh về những khoản công xá tích lũy! Tranh biện về những cái bill lại đặt ra một khó khăn mới trong khi khó khăn cũ chưa giải quyết!
Trước một viễn tượng như thế, thân chủ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt,” dù có cảm thấy bị bỏ bê đến cách nào cũng không thể bỏ luật sư. Vì thế, trước khi để cho tình trạng đi tới chỗ quá thất vọng mà vẫn phải ngậm đắng nuốt cay, người khách hàng cần phải tiên liệu và có sẵn chứng từ.

Luật sư bê trễ

Thông thường chúng ta chỉ có kết luận về công việc của luật sư khi nội vụ đã kết thúc. Nhưng nếu vụ việc không đưa đến tranh biện trước tòa mà chỉ dựa vào tiến trình giấy tờ, ít khi chúng ta biết được luật sư mình có giỏi không, hoặc giỏi đến đâu…. Nói gì đến việc có đủ chứng cứ để khiếu nại luật sư!
Một trong những tiêu chuẩn chúng ta có thể dùng để đánh giá luật sư là sự liên lạc. Nên nhớ rằng bạn là chủ, và luật sư phải báo cáo về tiến độ của công việc. Nhưng báo cáo bao lâu một lần: Hằng tuần hay hằng tháng? Và báo cáo bằng cách nào: Điện thoại? Hay thư? v.v.. Nếu hợp đồng thuê mướn đã qui định tiền lệ phí được tính theo số giờ họ bỏ ra để tiếp chuyện bạn, thì bản thân bạn cũng không muốn liên lạc để rồi chỉ nghe được một tiếng báo cáo “không có gì mới.” Nhưng nếu không liên lạc, chúng ta sẽ không sao biết được luật sư làm việc thế nào? Có tích cực không? Có thông minh không? Hay là chỉ chiếu lệ? Dựa theo chiều gió, được đến đâu hay đến đó?
Cách tốt nhất là liệt kê rõ phương thức liên lạc trong hợp đồng: Luật sư phải có văn bản cập nhật tiến trình hồ sơ mỗi tháng (hoặc mỗi hai tháng) một lần, ngay cả khi không có gì mới.
Nếu luật sư không làm việc theo thỏa thuận, chúng ta nên viết một lá thư chi tiết, nói rõ sự thất vọng của mình, và nhu cầu cần có sự liên lạc.
Thư nên đánh máy, trình bày một cách rõ ràng, đúng trọng tâm điều mình đang phàn nàn, và cần giữ lại bản lưu. Trên hết, cần cho luật sư biết rằng, bạn không hài lòng với cung cách luật sư tiếp xử, và bạn cảm thấy thất vong.
Với những văn bản này trong tay, (các qui định trong hợp đồng và những lá thư đã viết), bạn mới có cơ sở đi tới những bước khác, nếu cần, để khiếu nại về tư cách và trình độ của luật sư.



Trong các hồ sơ về tai nạn xe cộ, nếu luật sư đại diện cho bên “không có lỗi”, lệ phí luật sư thường dựa trên căn bản “thắng mới lấy tiền, thua thì thôi” (contingency)

Luật sư vi phạm đạo đức chức nghiệp

Điều này chắc chắn vẫn xảy ra. Thí dụ: Luật sư nhận tiền, nhưng chẳng màng động chân động tác làm việc; Luật sư không theo đúng thủ tục pháp lý; luật sư nộp sai, nộp thiếu giấy tờ cho tòa án; luật sư cho thông tin sai lạc, khiến khách hàng bị bỏ rơi, bơ vơ trong ngày ra tòa, luật sư tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng cho người không liên quan….
“Con sâu làm rầu nồi canh,” không thể phủ nhận rằng nghề luật có những con sâu tham lam vô tư cách. Nhưng chúng ta tin rằng đa số luật sư, những người vốn được xã hội trọng vọng, tôn lên bậc thầy, vẫn là những con người có lương tâm, tư cách và đạo đức chức nghiệp cao.
Nếu tin rằng luật sư của mình đã phản bội sự tín nhiệm, chúng ta hãy nói thẳng với luật sư, và sẵn sàng đi tới những bước xa hơn với những chứng từ đã có trong tay. (Xem tiếp bài 3.)
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT