Hoa Kỳ

Bắt được phụ nữ hôi của tại tiệm làm tóc

Monday, 29/06/2020 - 06:41:59

Một phụ nữ đã bị bắt vì tội hôi của tại một tiệm làm tóc ở San Bernerdino, trong lúc thành phố bất ổn vì các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của George Floyd.


SAN BERNARDINO – Một phụ nữ đã bị bắt vì tội hôi của tại một tiệm làm tóc ở San Bernerdino, trong lúc thành phố bất ổn vì các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của George Floyd.

Nghi can Keyairra Cloyd, 28 tuổi, được xác định là người bị camera giám sát ghi hình trong vụ cướp phá tiệm làm tóc Joys Beauty Salon trên đường Baseline vào ngày 31 tháng 5, sau khi cuộc biểu tình tại đây trở thành bạo động. Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy Cloyd vơ vét các dải tóc nhiều màu – là sản phẩm dùng để nối tóc và khá đắt tiền – cùng nhiều sản phẩm khác tại tiệm Joys. Cloyd được tìm thấy tại nhà vào ngày 20 tháng 6, và đã thừa nhận có liên quan đến vụ cướp phá. Cô ta hiện đang đối mặt với cáo trạng hôi của trong tình huống khẩn cấp.


Phát hiện pháo lậu trong vụ cháy nhà
LOS ANGELES – Lực lượng cứu hỏa đã phát hiện hơn 100 thùng pháo bông lậu khi đến chữa cháy tại một ngôi nhà ở khu Mount Washington vào thứ Hai. Đám cháy được thông báo lúc 9:30 sáng, bắt nguồn từ một garage đã được chủ nhà chia làm 2 phần, một phần để đậu xe và phần còn lại làm chỗ ở. Khi nhân viên cứu hỏa kiểm tra căn phòng trong garage, họ phát hiện số pháo lậu. “Nếu chúng tôi đến trễ thêm chút nữa và lửa lan sang phòng bên cạnh, số pháo sẽ bắt cháy,” Chỉ huy cứu hỏa Paul Ybarra nói.
Nạn pháo lậu là một trong những vấn đề đang xuất hiện khắp miền nam California, và nhà chức trách cho biết số pháo tìm thấy hôm thứ Hai là một trong những vụ nghiêm trọng nhất. “Một khi quý vị bắn thứ gì đó lên trời, quý vị sẽ không biết được tàn lửa sẽ rơi xuống đâu,” viên chức cứu hỏa nói. Vào mỗi mùa hè, cảnh sát LA thường thu giữ khoảng 8,000 pound pháo lậu, và con số này được cho là mới chỉ là bề mặt của số pháo lậu bán tại thành phố.

Hãng dầu hàng đầu Hoa Kỳ phá sản
OKLAHOMA – Hãng dầu Chesapeake Energy Corporation đã trở thành hãng dầu lớn nhất tại Hoa Kỳ cho đến nay phải nộp đơn xin phá sản vì đại dịch và giá dầu thấp. Đơn xin phá sản hôm Chủ Nhật đã chấm dứt kỷ nguyên thịnh vượng của Chesapeake - hãng tiên phong trong sự bùng nổ khai thác đá phiến (shale) tại Hoa Kỳ. Chesapeake được đồng sáng lập bởi ông Aubrey McClendon – thương gia nổi tiếng với việc ủng hộ khai thác đá phiến. Trong hơn 2 thập kỷ, ông đã gây dựng Chesapeake từ một công ty nhỏ thành hãng sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu tại Hoa Kỳ. Hiện tại, đây vẫn là hãng khí đốt lớn thứ 6 trong nước.

Tuy nhiên, giá khí đốt liên tục giảm gần đây khiến hãng đặt cược vào dầu mỏ. Tháng 10, 2018, CEO hiện tại Doug Lawler chi $4 tỷ Mỹ kim mua hãng khai thác dầu đá phiến WildHorse Resource Development. Tuy nhiên, hành động này được coi là sai thời điểm. Cổ phiếu hãng xuống thấp và giá trị các tài sản dầu khí mà Chesapeake nắm giữ giảm tới $700 triệu Mỹ kim quý này. Tháng trước, hãng đã cảnh báo sẽ không thể tiếp tục hoạt động được nữa.

Trên thực tế, khi Lawler tiếp quản công ty năm 2013, Chesapeake đã ngập trong $13 tỷ Mỹ kim nợ. Ông phải giảm chi tiêu và bán bớt tài sản. Tuy nhiên, đợt giá dầu lao dốc kỷ lục năm nay đã khiến Chesapeake lao đao. Lỗ quý I của hãng lên tới hơn $8 tỷ. Cổ phiếu của hãng cũng mất 93% từ đầu năm. Công ty này có tới $9.5 tỷ Mỹ kim nợ dài hạn và chỉ có $82 triệu Mỹ kim tiền mặt. Đầu tháng này, Chesapeake cho biết không thể trả $13.5 triệu Mỹ kim tiền lãi, theo hồ sơ nộp lên Ủy Ban Chứng Khoán SEC. Trong thông báo hôm Chủ Nhật, hãng cho biết đã đạt thỏa thuận với các chủ nợ về việc hỗ trợ chi phí tái cấu trúc.

Đại học Princeton gỡ tên cố tổng thống vì kỳ thị chủng tộc
NEW JERSEY – Đại học Princeton ở Princeton, New Jersey, đã bỏ tên cố Tổng Thống Woodrow Wilson khỏi tên khoa Các vấn đề công cộng và quốc tế, vì các chính sách phân biệt chủng tộc của ông. Hội đồng quản trị của Đại học Princeton nói, các chính sách kỳ thị của cố tổng thống khiến ông trở thành một cái tên “đặc biệt không phù hợp” để đặt cho khoa Các vấn đề công cộng. Mặc dù vẫn “công nhận và tôn trọng di sản” của Woodrow Wilson, hội đồng quản trị kết luận rằng họ không thể để một khoa của trường mang tên ông.

Khoa Các vấn đề công cộng và quốc tế Woodrow Wilson sẽ trở thành khoa Các vấn đề công cộng và quốc tế Princeton. Ngoài ra, một khoa khác được đặt tên theo Wilson cũng được đổi thành thành First College. Quyết định này là một sự thay đổi đáng kể đối với Đại học Princeton, do trường này vào 4 năm trước đã từ chối một chiến dịch của sinh viên, muốn xóa tên Tổng Thống Wilson khỏi danh sách các khoa của trường. Tổng Thống Wilson có mối quan hệ sâu sắc với Đại học Princeton. Cố tổng thống tốt nghiệp Princeton và từ năm 1902-1910, ông làm hiệu trưởng đại học này, nơi ông được xem là một nhà lãnh đạo có nhiều cải tổ hữu ích.

Woodrow Wilson được bầu làm tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ vào năm 1912 và tái đắc cử năm 1916. Ông ban hành luật liên bang đầu tiên quy định 1 ngày làm việc 8 giờ và hạn chế lao động trẻ em. Ông ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ và giúp thông qua Tu chánh án thứ 19 cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu. Ông lãnh đạo Hoa Kỳ trong Đệ Nhất Thế Chiến và được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1919. Tuy nhiên, ông Wilson cũng ủng hộ việc kỳ thị chủng tộc và từ chối những nỗ lực chống kỳ thị người da đen của các nhà hoạt động dân quyền.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT