Đạo và Đời

Bát Phong xuy bất động

Thursday, 13/08/2020 - 11:03:57

Hôm nay tôi xin nói với quý vị một đề tài mà khi còn là một cư sĩ tôi thắc mắc.


Ni Trưởng Như Thủy (1950-2018) ở Chùa Lam Viên, Pearland, Texas năm 2015.


Lời NI TRƯỞNG NHƯ THỦY
Hôm nay tôi xin nói với quý vị một đề tài mà khi còn là một cư sĩ tôi thắc mắc. Đó là khi tôi đọc về kinh điển Phật giáo của Nam Phương cũng như của Bắc Phương trong đó có nói về Đức Phật sơ sinh, tức là Đức Phật ngồi ở tượng chúng ta thờ đây, Đức Phật Thích Ca.

Theo như trong sử nói, lúc Ngài mới sinh ra thì từ ở trên hư không có hai dòng nước, một nóng, một lạnh, xối xuống và Đức Phật sơ sinh tắm, đó là một truyền thuyết. Truyền thuyết thứ hai là Long Vương Bát Hải, tức là tám biển, đến va xịt cái vòi rồng cho Đức Phật sơ sinh của mình tắm.

Tôi nhớ, tôi học được chuyện đó từ năm chưa tới mười tuổi. Lần đầu tiên, khi học chuyện đó tôi đưa tay lên thắc mắc với vị giảng sư; tôi nói, “Con nghĩ một đứa con nít mới sinh ra là bà mẹ phải tắm trong cái thau, và nước rất là ấm hoặc là nhẹ nhàng; mà hai dòng nước của hai ông rồng từ trên hư không dội xuống, hoặc là tám con rồng phun xuống, giống như là tám cái máy bơm vậy đó, thì làm sao chịu cho nổi! Thành ra, con không tin sự kiện đó.”

Tôi nhớ vị giảng sư đó, ngài cười, ngài nói như thế này, “Bởi vậy mới gọi là Phật con; qua được mấy dòng nước đó mà còn sống mới gọi là Phật con, qua không nổi thì coi như phàm phu.”

Từ đó tôi mới hiểu ý nghĩa này. Hóa ra trong kinh có nói những cái nghĩa đen, những cái nghĩa bóng. Có nghĩa là khi một người được sinh ra trên thế gian này, dù người đó là Phật, là phàm phu, là thánh nhân đi nữa, ít nhất đầu tiên chúng ta cũng bị tắm bởi hai dòng nước, lạnh và nóng, tức là Nghịch và Thuận; nếu qua được thì được gọi là người giác ngộ, là thánh nhân, là Phật; còn nếu không qua nổi thì thuộc về pham phu. Và nói về tám dòng nước tức là Bát Phong. Bây giờ chúng tôi đã được Thầy dạy cho cách qua được, cách tắm hai dòng nước, hay là cách tắm giữa tám dòng nước.

Làm sao khi sinh ra ở thế gian này, giữa những cảnh Nghịch và Thuận người ta chia ra làm bốn cặp là Được-Mất, Khổ-Vui, Khen-Chê, và Tiếng Tốt-Tiếng Xấu, giữa những cái đó mà chúng ta vẫn tự tại được, thì chúng ta được gọi là một người Phật tử, còn không thì là phàm phu.

Do đó, ở trong lớp học, khi học trò đến mừng tuổi, vào tuổi hạ hoặc vào tuổi đời, tôi hay bắt học trò trả bài, bằng cách định nghĩa chữ “Phật tử.”

Quý vị hiểu Phật tử là cái gì?

Ta thường nói Phật tử là con Phật, nhưng tôi không bằng lòng; vì nếu mình dịch Khổng tử là Đức Khổng, thầy Khổng, Mạnh tử dịch là thầy Mạnh, thiện nam tử là ông thiện nam, thì Phật tử là vị Phật hay ông Phật. Đó là cách tôi dạy học trò: Phật tử có nghĩa là vị Phật.

Như vậy, sự khác nhau giữa Phật giáo và các tôn giáo khác là khi chúng ta mới bước chân vào chùa quy y và nhận cái pháp danh thì chúng ta được gọi là Phật tử, có nghĩa là một vị Phật. Nhà Thiền nhấn mạnh cái ý nghĩa Phật tử là chúng ta làm sao tự tại giữa Bát Phong hay là tắm giữa hai dòng nước Thuận và Nghịch mà chúng ta vẫn không đau khổ. Hiểu được điều đó thì gọi là một vị Phật, qua không được điều này thì được gọi là phàm phu.

Trước hết, chúng ta coi hai dòng nước đầu tiên là Được và Mất. Thường thường nếu chúng ta Được thì mừng, Mất thì buồn; chúng ta cho Được là may mắn, là hạnh phúc, và Mất là thất bại, là đau khổ.
Thường thường, nghe lời khen chúng ta mừng lắm, mà nghe lời chê là chúng ta buồn.

Nói về khen và chê, tôi đọc trong kinh thấy chưa ai mà bị chê như Đức Phật hết, và trong Trường Bộ Kinh có ghi một câu chuyện:

Một hôm Đức Phật đi trước, có một đám sa môn ngoại đạo đi theo phía sau; những vị sa môn trẻ mới khen Đức Phật là một vị có trí huệ, biết bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con xinh, để đi tu, và là một vị giáo chủ xứng đáng nhất của thời đó. Khi nghe như vậy, các vị tỳ kheo tùy tùng Đức Phật rất là khoái chí, tại vì người ta khen ông thầy mình, mình cũng được thơm lây.

Rồi lát sau gặp một người nói rằng, “Đức Phật là người phá hoại sự sống; trên đời này có những niềm vui là tài, là sắc, là ăn, là ngủ, thì ổng đã phủ nhận rồi; mà những người đi theo ổng, ổng cũng cấm không cho xài những thứ đó nữa, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, Đức Phật là người phá hoại gia cang của người ta; ổng đi tới đâu thì vợ mất chồng, con mất cha, tại vì người ta bỏ đi tu theo ổng hết; và nhà tan, cửa nát, là cũng một tay ổng.”

Như vậy, mình thấy khen cũng có, chê cũng có. Nghe như thế đó, Đức Phật ngài vẫn bình tĩnh, trong khi đó các vị tỳ kheo rất là bực bội. Lúc đó Đức Phật mới dẫn các môn đệ ngồi xuống rồi Đức Phật mới thuyết một bài pháp như thế này, “Khi nghe lời khen tụi con khoan mừng, vì mừng thì sẽ mất bình tĩnh, mà hễ mất bình tĩnh thì không biết người ta khen đúng hay khen sai; và khi nghe người ta chê thì con đừng có buồn, vì buồn thì sẽ mất bình tĩnh, mà mất bình tĩnh thì không biết lời chê đó đúng hay sai.”

Thành ra chúng ta sống trên thế gian này, phải nghe lời khen tiếng chê để chúng ta biết mà sửa mình, nhưng phải bình tĩnh, nghĩa là khoan mừng, khoan buồn, khoan giận, khoan ghét, thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được điều đó đúng hay sai, và chúng ta sẽ chỉnh những cái sai thành những cái đúng.

Nếu quý vị được hạnh phúc, được khen, được gặp thuận cảnh, điều này nên cám ơn nhân duyên tốt là mình có phước báu vô cùng mới được những hoàn cảnh như ý này, giả sử như chúng ta bị những điều trái ý làm khổ lòng, rối trí thì nhớ rằng cơ duyên giác ngộ rất gần, nếu chúng ta biết một điều là nên bình tĩnh. Giống như Đức Phật dạy, “Khi gặp cảnh thuận con nên khoan mừng, là vì nếu mừng sẽ mất bình tĩnh. Khi gặp cảnh nghịch con khoan buồn tại vì buồn sẽ mất bình tĩnh.”

Chỉ bình tĩnh thôi. Cái bình tĩnh này trong Thiền gọi là Định. Do bình tĩnh cho nên chúng ta duy trì được sự sáng suốt, và duy trì được sự sáng suốt đó trong nhà Thiền gọi là Huệ. Như vậy chúng ta chỉ sử dụng được có hai cái để tu thôi. Là bình tĩnh thì sẽ sáng suốt, nhờ sáng suốt nên duy trì sự bình tĩnh, và do đó chúng ta sống trên thế gian này có thể tắm được những giòng nước nóng lạnh, gọi là tắm nước của Bát Hải Long Vương mà vẫn không bị sứt mẻ gì.

Một vị Phật được ra đời là như vậy!

(Trích Tinh Tấn Magazine)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT