Mẹo Vặt

Bể nước Toilet: Hoạt động và sửa chữa (bài 1)

Tuesday, 06/01/2015 - 07:26:33

Trong khi xả bồn như vậy thì mức nước trong bể hạ thấp dần, kéo theo một quả bóng lớn trông như cái phao nổi (Float). Cái phao này có một cánh tay (Float Arm), bám vào đầu của cây cột nước trong bể. Trong khi phao chìm xuống, cánh tay này sẽ mở cổng ở đầu cột nước (Fill Valve), cho nước tràn vào trong bể.

Bài VŨ HẰNG

Hồi còn đi học, Hằng có nghe cô giáo nói, “Muốn hiểu biết trình độ văn hóa của một người thì … cứ vào xem cái toilet nhà họ.” Câu nói nghe lạ, cứ tưởng là ý kiến đặc biệt của mình cô giáo thôi, nhưng về sau càng ngẫm càng thấy đúng. Cụ thể, quan sát những phòng restroom ở Mỹ, bạn thấy thế nào? Ngay cả ở những nơi công cộng rất nhiều người lui tới - như cửa hàng Walmart, Target, Sears, Home Depot, Lowes... - nhà vệ sinh vẫn sạch sẽ trắng bong và… thơm lừng.

Nhìn vào hình trên đây, bạn có thể gọi tên từng bộ phận được không?



Chuyện này nhiều người đã chứng kiến, chẳng cần ai quảng cáo hoặc nói hay. Còn nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam hiện nay thì sao? Chuyện “thơm tho” này cũng hiển nhiên, chẳng cần phải đổ tội cho người thối mồm nói xấu! Nếu không muốn so sánh xa xôi, bạn cứ thử sử dụng restroom của hai nhà hàng ở Mỹ, một do người Việt mình làm chủ và một của người “ngoại quốc”, rồi cho biết ý kiến thành thực nhé. Có phải khác xa, y như văn minh Mỹ và văn minh Việt không nào?
Trở về với cái restroom tại tư gia, Hằng thấy nhận xét ngày xưa của cô giáo vẫn chẳng sai. Vậy thì việc tìm hiểu và bảo trì restroom xứng đáng được đặt lên hàng đầu trong công tác nội trợ, các bạn ạ.
Lần trước chúng ta đã đề cập: Nhà cầu gồm hai phần chính là bể và bồn, bể là nơi chứa nước và bồn là chỗ mình đặt bàn tọa. Hôm nay, xin nói thêm chi tiết về bể và những hoạt động bên trong.
Kể từ ngoài vào, bể có một cần vặn nước (Flush Lever). Khi xong việc, chúng ta kéo cái cần này, thì cánh tay (Handle Arm) của nó bên trong bể, nối với một sợi dây xích (Chain) sẽ giật tung nắp đậy (Flapper) lên để hở ra một cái lỗ (Drain Hole), đồng thời mở cổng (Flush Valve) thông đường cho nước chảy ào xuống để làm sạch bồn.
Trong khi xả bồn như vậy thì mức nước trong bể hạ thấp dần, kéo theo một quả bóng lớn trông như cái phao nổi (Float). Cái phao này có một cánh tay (Float Arm), bám vào đầu của cây cột nước trong bể. Trong khi phao chìm xuống, cánh tay này sẽ mở cổng ở đầu cột nước (Fill Valve), cho nước tràn vào trong bể.
Tiến trình xả nước và tiếp nước xảy ra đồng thời, nghĩa là đang khi xả nước thì bể cũng được tiếp thêm nước để bù vào lượng nước vừa mất. Nhưng vì luồng nước chảy ra nhanh hơn lượng nước chảy vào, nên có một lúc bể sẽ cạn nước. Khi đó, nắp Flapper đóng lại, nhưng nước vẫn tiếp tục từ cột nước chảy ra để làm đầy bể. Trong khi mực nước dâng lên, quả phao (Float) cũng được nâng lên theo và cánh tay phao sẽ đóng cổng ở đầu cột nước lại.
Chu kỳ xả nước và tiếp nước về căn bản đến đây là kết thúc. Nhưng nhà sản xuất nhận thấy rằng, mực nước còn đọng lại trong bồn (bồn, chứ không phải bể nhé) quá ít, sợ rằng số nước nằm chờ sẵn dưới bàn tọa chúng ta không đủ để đón những “trái bom” thả xuống một cách an toàn. Nên họ phải tiếp thêm nước vào bồn, bằng cách gắn thêm hệ thống Refill, bao gồm:
- Refill Tube là một ống cao su nhỏ, bắt dính với cổng tiếp nước (Fill Valve)
- Và Overflow Tube, là một ống plastic thẳng đứng, nối với Refill Tube và chạy thẳng xuống bồn.
Trong khi Fill Valve đang mở ra để nạp nước cho đầy bể, thì nó cũng nạp nước cho Refill Tube, chảy vào Overflow Tube, rồi đổ thẳng xuống bồn, nâng cao mực nước trong bồn lên để đón “những trái bom” rơi xuống an toàn.
Ngoài nhiệm vụ ấy, sự hiện diện của ống Refill còn có thêm một ích lợi khác, đó là khi hệ thống tiếp nước bị trục trặc, bể đã đầy rồi mà cổng chưa kịp đóng lại, khiến nước cứ tiếp tục chảy, thì số nước thặng dự sẽ chảy vào ống Refill, rồi được đưa thẳng xuống bồn, thay vì tràn ra ngoài bể, làm ngập cả nền nhà.
Hiểu được cách thức làm việc của bể nước như vậy rồi, việc tìm ra nguyên nhân trục trặc chắc chắn sẽ không còn khó khăn. Vậy Hằng nhờ bạn giải đáp giúp vài chuyện nhỏ sau đây xem sao:
- Nước rỉ xuống bồn, liên lỉ ngày đêm, vào restroom là nghe nước róc rách, vừa khó chịu lỗ tai, vừa xót xa túi tiền…..là vì sao?
- Nước trong bể quá ít, không đủ để xả bồn, hay nước quá nhiều, xả sạch rồi vẫn cứ chảy…. là do đâu?
- Nước trong bồn - lưu ý: Bồn, chứ không phải Bể nhé – còn lại quá ít, không đủ để đỡ bom, khiến miểng bom văng tùm lum là thế nào?
- Và nhiều vấn đề liên quan khác ….
Hy vọng câu trả lời bây giờ chỉ là chuyện nhỏ, và từ đó chúng ta sẽ tự mình biết cách sửa chữa thế nào. Nhất định không để cho thiên hạ đánh giá mình là “văn hóa lùn” được, phải không bạn?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT