Sức Khỏe

Bệnh bạch tạng

Friday, 17/11/2017 - 08:51:36

Diễn tiến của bệnh bạch tạng khó tiên đoán được. Bệnh có thể lan ra rồi ngưng lại nhưng cũng có thể lan ra mãi cho đến hết cả thân và mặt.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Đa số trong chúng ta đều đã từng nghe qua hay biết một người có bệnh bạch tạng vì bệnh này khá thông thường. Bệnh nhân bạch tạng thường khó chịu vì bị người lạ nhìn với vẻ mặt tò mò, đôi khi xoi mói, vì những mảng da trắng toát trên mặt, cổ, tay chân và trên thân mình. Những mảng da trắng toát này rất dễ thấy, nhất là ở những người da đậm mầu hơn.

Triệu chứng

Như trên đã nói, triệu chứng chính của bệnh bạch tạng chỉ là những mảng da trắng như sữa bắt đầu chỉ là một khoảng nhỏ rồi lan dần ra thành những mảng lớn, có khi chiếm hết cả khuôn mặt, hoặc những vùng khác của cơ thể.

Những triệu chứng ít thấy hơn của bệnh bạch tạng gồm có:
- Tóc, lông mi lông mày, râu bị bạc sớm trước tuổi
- Màng lót trong miệng bị mất mầu đỏ
- Võng mạc (retina) của mắt bị mất hay đổi mầu

Dù bất cứ vùng nào của cơ thể cũng có thể bị mất mầu nhưng những vùng hay lộ ra dưới ánh nắng mặt trời như bàn tay, bàn chân, cánh tay, mặt, môi thường bị mất mầu trước.

Cũng vậy, bạch tạng có thể bắt đầu ở bất cứ tuổi nào nhưng thường nhất là giữa 10 và 30 tuổi. Thường có 3 hình thức bệnh bạch tạng:

- Tập trung một vùng: Bạch tạng chỉ có ở 1 hay vài vùng nhỏ của cơ thể
- Tập trung một phần (segment): Da chỉ bị trắng một bên của cơ thể
- Toàn thân: Da trắng bất cứ nơi đâu trong cơ thể và thường đối xứng nhau.

Diễn tiến của bệnh bạch tạng khó tiên đoán được. Bệnh có thể lan ra rồi ngưng lại nhưng cũng có thể lan ra mãi cho đến hết cả thân và mặt.

Dù không thể chữa cho hết bệnh được, tiến triển của bệnh có thể được ngăn chặn. Do đó bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được chữa trị càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Bệnh bạch tạng xuất hiện khi chất sắc tố melanin torng làn da bị tiêu hủy hay ngưng sản xuất khiến phần da đó bị trắng ra. Nguyên nhân tại sao chuyện này xẩy ra thì vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết được đưa ra: do bệnh hệ miễn nhiễm, di truyền, do bị cháy nắng hay bị xúc cảm quá độ khiến phát ra bệnh...

Định bệnh

Khi đến khám bệnh, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi kỹ về bệnh sử cá nhân, cũng như bệnh sử gia đình, và khám bệnh toàn thân. Sau đó, bác sĩ có thể cho làm sinh thiết (biopsy) da và thử nghiệm máu để định bệnh và tìm nguyên nhân. Bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân đi khám mắt nơi bác sĩ chuyên môn mắt để tìm xem họ có bị bệnh trong mắt không.

Chữa bệnh

- Không phải lúc nào cũng cần chữa bệnh bạch tạng. Bệnh nhân có thể bôi kem chống nắng và bôi kem che vết trắng để dễ coi hơn. Người đã sẵn có làn da trắng chỉ cần tránh bị nắng ăn (tan). Nếu bị quá nhiều chỗ và quá lớn, bệnh nhân có thể được chữa để làm làn da có mầu đều hơn bằng nhiều cách.
- Thuốc corticosteroids có thể làm da có mầu trở lại, nhất là dùng sớm. Bệnh nhân có thể phải dùng thuốc ít nhất là 3 tháng trước khi thấy có hiệu quả và cần được bác sĩ theo dõi để tìm những tác dụng phụ có hại. Thuốc calcipotriene (Doconex) cũng có thể được dùng riêng trên da hay kèm với corticosteroids và tia ultraviolet.

- Ngoài ra còn rất nhiều những thuốc khác dùng thoa da hay uống, cũng như các phương pháp giải phẫu ghép da hay tia UV được dùng để chữa bệnh bạch tạng, nhất là cho những người bị nặng. Tuy nhiên các thuốc này đều có những tác dụng phụ có hại, cần được cân nhắc kỹ trước khi dùng.

Những phương pháp tự giúp

- Bảo vệ da: Nếu bạn bị bệnh bạch tạng, bạn còn cần bảo vệ da hơn: dùng kem chống nắng với độ SPF 30 hay hơn để khỏi bị cháy nắng và những hư hại da về sau cũng như khỏi làm da nâu hơn khiến những chỗ da trắng nổi bật lên.

- Che khuyết điểm trên da bằng cách dùng kem như Dermablend hoặc thuốc thoa cho da nâu (sunless tanning)
- Thuốc ta: Những bệnh nhân có bệnh lan chậm có thể uống 40mg ginkgo 3 lần mỗi ngày để bệnh khỏi lan thêm. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
- Bệnh nhân bạch tạng có thể phải đau khổ vì sự khác biệt trên dung nhan và những cái nhìn tò mò của người lạ. Họ có thể thấy xấu hổ, ngại ngùng, trầm cảm nữa, nhất là ở người trẻ tuổi bị bạch tạng nhiều chỗ. Bệnh nhân có thể áp dụng những cách sau đây để tìm lại an ổn tinh thần:
- Tìm bác sĩ da biết nhiều về bệnh bạch tạng để tham khảo
- Tìm hiểu về bệnh bạch tạng và cách chữa bệnh càng nhiều càng tốt để có thể góp ý vào việc chữa bệnh của chính mình.
- Nếu cảm thấy tuyệt vọng, trầm cảm, nên nói cho bác sĩ biết để tìm chữa trị.
- Gia nhập những nhóm hỗ trợ để có thể cùng nhau chia sẻ những thông tin về bệnh cũng như nỗi lòng của mình. Có thể gọi National Vitiligo Foundation số 513- 541- 3903 hay Vitiligo Support International số 818- 752- 9002 để tìm những nhóm hỗ trợ trong vùng mình ở.
- Tâm sự với người thân của mình để tìm sự thông cảm và hỗ trợ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT