Sức Khỏe

Bệnh chống đối (ODD)

Friday, 14/07/2017 - 07:57:17

Nhưng những đứa trẻ lúc nào cũng giận dữ, cãi cọ, vùng vằng, gây rối cho cha mẹ hay những người lớn có “uy quyền” đối với chúng, có thể mắc một bệnh tâm lý gọi là bệnh chống đối (oppositional defiant disorder ODD)

BS Nguyễn Thị Nhuận

Thường thì trong những gia đình đông con hay có một đứa cứng đầu, khó bảo, luôn chống đối cha mẹ. Đứa này thường được coi như “con ghẻ” trong gia đình, Mỹ hay gọi là “black sheep.” Vẫn biết trẻ con có nhiều lúc khó chịu, hay cãi lại, nhất là ở tuổi “teen.” Nhưng những đứa trẻ lúc nào cũng giận dữ, cãi cọ, vùng vằng, gây rối cho cha mẹ hay những người lớn có “uy quyền” đối với chúng, có thể mắc một bệnh tâm lý gọi là bệnh chống đối (oppositional defiant disorder ODD)

Triệu chứng

Có thể rất khó phân biệt giữa một đứa trẻ “cứng đầu” với một đứa thực sự có bệnh chống đối vì trong những giai đoạn phát triển của trẻ em, có nhiều lúc đứa trẻ tỏ ra cứng đầu cãi cọ nhưng vẫn là bình thường. Tuy nhiên, bạn nên nghi ngờ bệnh ODD nếu sự chống đối của đứa trẻ có những tính chất sau:
- Xảy ra rất thường xuyên, hầu như lúc nào cũng vậy
- Đã kéo dài ít nhất 6 tháng
- Gây rối trong nhà hay trường học

Bệnh ODD thường có những triệu chứng như sau:
- Lúc nào cũng tiêu cực
- Chống lại lời người trên nói
- Không vâng lời
- Tỏ vẻ ghét ra mặt những người trên
- Nổi cơn “tam bành”
- Cãi nhau tay đôi với người lớn
- Không theo luật lệ người lớn đưa ra
- Cố tình gây rối cho người khác
- Đổ lỗi cho người khác
- Rất khó chịu, dễ nổi sùng
- Giận dữ, chống lại
- Cử chỉ hành động bất cần, ta đây
- Hung dữ đối với trẻ cùng lứa
- Khó có bạn
- Học kém

Những bệnh tâm thần đi kèm với ODD

Trẻ bị ODD thường có những vấn đề tâm thần khác, gồm có:
- Bệnh hiếu động và không tập trung (Attention deficit/hyperactive disorder ADHD)
- Bệnh bồn chồn lo lắng (Anxiety)
- Bệnh trầm cảm (Depression)
Thật ra, triệu chứng của bệnh ODD lắm khi rất khó phân biệt với triệu chứng của những bệnh tâm thần khác. Cần phải tìm ra những bệnh tâm thần đi chung với ODD để chữa trị đúng mức vì những bệnh này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm cái khó chịu và chống đối của ODD. Thêm nữa, cần tìm ra là đứa trẻ có bị nghiện thuốc hay không vì chứng này có thể gây ra triệu chứng gây gổ khó chịu và làm thay đổi tính tình đứa trẻ.

Khi nào cần đi khám bệnh?
Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy cách hành xử và cử chỉ đứa con có vấn đề hoặc bạn cảm thấy không thể chịu nổi đứa nhỏ, bạn nên tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ gia đình hay bác sĩ tâm lý chuyên về trẻ em. Có thể xin bác sĩ gia đình giới thiệu đến các bác sĩ tâm lý.
Càng chữa sớm, bệnh càng có hy vọng lành và ảnh hưởng lên gia đình sẽ bớt đi. Đứa trẻ sẽ trở nên tự tin hơn và mối liên hệ giữa những người trong gia đình cũng như ở trường học cũng tốt đẹp hơn.

Nguyên nhân
Chưa tìm ra nguyên nhân rõ rệt của bệnh ODD. Những yếu tố sau đây có thể góp phần vào việc gây bệnh:
- Đứa trẻ sinh ra tự nhiên như vậy
- Sự phát triển khả năng suy nghĩ và cảm xúc của đứa trẻ bị giới hạn hay bị chậm
- Không có sự theo dõi chặt chẽ của cha mẹ
- Kỷ luật quá đáng, hay thay đổi
- Bỏ bê hay hành hạ
- Có sự mất cân bằng của những hóa chất trong óc, thí dụ như serotonin
- Cha mẹ không săn sóc tốt
- Hôn nhân của cha mẹ có vấn đề
- Cha hay mẹ bị bệnh tâm thần hay nghiện thuốc
- Cha hay mẹ cũng bị ODD, ADHD
- Gia đình bị khủng hoảng tài chánh, ly dị, hay dời nhà, đổi trường...
- Thường chứng kiến bạo động

Trước khi đi gặp bác sĩ
Nên chuẩn bị kỹ trước khi đi gặp bác sĩ bằng cách viết ra giấy những điểm sau:
- Triệu chứng bệnh của đứa trẻ, đã kéo dài bao lâu.
- Những chuyện xảy ra mà bạn nghĩ là gây ra stress cho đứa trẻ cũng như gia đình
- Tất cả bệnh sử của đứa trẻ, những thuốc đang uống, kể cả thuốc mua tự do ngoài quầy.

Chữa trị
Chữa bệnh ODD đòi hỏi sự phối hợp giữa tâm lý trị liệu, huấn luyện dứa trẻ và cha mẹ, đôi khi cần thuốc men để trị những bệnh đi kèm như ADHD, trầm cảm...
Quan trọng nhất là:
- Tâm lý trị liệu cho cá nhân và cho gia đình: Đứa trẻ có thể được chữa trị riêng bằng cách hướng dẫn nó chế ngự được sự giận dữ và cách bày tỏ cảm xúc của nó một cách tốt hơn. Trị liệu gia đình giúp các thành viên trong cùng gia đình nói chuyện và thông cảm nhau, làm việc chung với nhau.
- Cha mẹ và con tương tác (parent- child interaction therapy PCIT): Người trị liệu giúp cha mẹ trong khi họ tương tác với đứa trẻ bằng cách ngồi đằng sau tấm gương một chiều và chỉ dẫn cha mẹ bằng micro nhỏ gắn trong tai, giúp cha mẹ chiến thuật khen ngợi đứa bé khi nó làm chuyện tốt. Nhờ sự hướng dẫn này cha mẹ học được “cách làm cha mẹ” tốt hơn, vấn đề hành xử của đứa trẻ giảm đi và mối liên hệ cha mẹ với con tốt đẹp hơn.
- Huấn luyện cách giải quyết vấn đề: Cha mẹ và con được huấn luyện cùng làm việc với nhau để nhận ra vấn đề và tìm giải pháp thích hợp cho cả đôi bên. Nghiên cứu cho thấy cách chữa này rất có hiệu quả.
- Huấn luyện khả năng giao tiếp xã hội: Đứa trẻ được huấn luyện cách nói chuyện và hành xử với trẻ cùng trang lứa.
- Huấn luyện cha mẹ: Người trị liệu giúp học cách làm cha mẹ sao cho hiệu quả. Cha mẹ có thể được dạy: cách phạt hữu hiệu, tránh cảnh tranh giành quyền lực, giữ được bình tĩnh khi gặp trường hợp “căng” với đứa trẻ, nhận ra và khen đứa trẻ khi nó làm chuyện tốt, cho đứa trẻ một vài lựa chọn nó có thể chấp nhận được, thành lập một thời khóa biểu cho gia đình gồm có bữa ăn chung mỗi ngày và một vài sinh hoạt cha mẹ làm chung với con... Những cách này có vẻ như quá tầm thường ai cũng làm được nhưng khi xảy ra chuyện căng với đứa trẻ, không phải ai cũng có thể theo những cách này. Học những cách này cũng cần phải có thời gian thực tập và kiên nhẫn. Quan trọng nhất là cha mẹ phải cho đứa trẻ thấy là lúc nào họ cũng thương yêu nó vô điều kiện và chấp nhận nó ngay cả những lúc khó khăn nhất.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT