Sức Khỏe

Bệnh lupus, kỳ 1

Friday, 28/09/2018 - 08:15:04

Một trong những cái lạ của bệnh này là không trường hợp bệnh nào giống trường hợp nào. Triệu chứng có thể đến từ từ hay bất thình lình, có thể nặng hay rất nhẹ, có thể thoáng qua rồi hết hoặc kéo dài vĩnh viễn.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Một trong những bệnh làm cho các bác sĩ và những nhà nghiên cứu đau đầu nhất là bệnh “lupus”. Đây là một bệnh kinh niên rất nặng và phát tác ở nhiều cơ phận của thân thể như khớp xương, da, thận, máu, tim, phổi... Bệnh thường xẩy ra nhiều cho các bà, không hiểu vì sao. Tuy nhiên, với những tiến bộ của khoa học, bệnh nhân lupus hiện tại có thể có một cuộc sống khá tốt so với thời xưa.

Triệu chứng

Một trong những cái lạ của bệnh này là không trường hợp bệnh nào giống trường hợp nào. Triệu chứng có thể đến từ từ hay bất thình lình, có thể nặng hay rất nhẹ, có thể thoáng qua rồi hết hoặc kéo dài vĩnh viễn. Tuy nhiên đa số mang bệnh nhẹ và bị những cơn bệnh nặng phát tác với triệu chứng nặng rồi lại hết đi một thời gian.
Triệu chứng bệnh xẩy ra tùy theo lúc ấy cơ phận nào đang bị hại. Nói chung, bệnh lupus có những triệu chứng:
- Mệt mỏi
- Sốt
- Xuống hay lên cân
- Khớp xương đau, cứng, sưng lên
- Nổi vết đỏ như hình cánh bướm trên mặt, che hai má và sống mũi
- Nổi vết trên da khi ra nắng
- Lở trong miệng
- Rụng tóc
- Ngón tay và ngón chân trắng hay xanh tái khi lạnh hay khi bị stress
- Thở dốc
- Đau ngực
- Mắt bị khô
- Dễ bị bầm
- Bồn chồn lo lắng
- Trầm cảm
- Giảm trí nhớ

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Như vậy, khi bạn mọc những vết trên da, sốt kéo dài, nhức mỏi và mệt kinh niên, bạn nên gặp bác sĩ để được định bệnh.
Nếu bạn đã được định bệnh lupus, bạn cần gặp bác sĩ định kỳ để theo dõi bệnh trạng thường xuyên. Mỗi khi có triệu chứng gì mới, bạn cũng cần gặp bác sĩ.

Nguyên nhân

Lupus là một bệnh tự miễn nhiễm (autoimmune) tức là thay vì tấn công những vật lạ xâm nhập vào như vi trùng hay siêu vi trùng, hệ miễn nhiễm của bạn lại tấn công những cơ phận lành mạnh của cơ thể bạn, gây ra hư hoại cho khớp xương, da, thận, tim, phổi, mạch máu và óc. Hiện nay người ta vẫn chưa hiểu được tại sao hệ miễn nhiễm lại phản ứng như vậy và gây ra nhiều chứng bệnh tự miễn nhiễm mà lupus là một. Có thể nguyên nhân là di truyền và môi trường cộng lại. Những nhà khảo cứu cho rằng bạn có thể bị di truyền khả năng bị bệnh lupus chứ không phải chính bệnh ấy. Khi bị di truyền khả năng bị lupus, bệnh nhân sẽ phát bệnh khi gặp phải những yếu tố khác trong môi trường, thí dụ như thuốc men hay siêu vi nào đó.

Các loại bệnh lupus

Có bốn loại bệnh lupus, mỗi loại có cách chữa và dự đoán bệnh (prognosis) khác nhau.

1. Bệnh lupus toàn thân: xẩy ra hầu như trên tất cả các phần thân thể. Thường nhất là da, khớp xương, phổi, thận và máu.
2. Bệnh lupus da: chỉ xẩy ra trên da. Bệnh nhân bị nổi vết hình tròn trên da mặt, cổ, đầu. Một số bệnh nhân lupus da sau đó bị bệnh toàn thân nhưng thường không thể đoán trước ai sẽ tiến tới bệnh toàn thân.
3. Bệnh lupus của trẻ sơ sinh: hiếm và chỉ xẩy ra ở trẻ sơ sinh. Người mẹ có một số kháng thể liên quan tới bệnh tự miễn nhiễm và truyền qua cho thai nhi dù mẹ không bị bệnh. Kháng thể này có thể gây ra bệnh lupus trẻ sơ sinh. Em bé có thể nổi vết trên da trong những tuần sau khi em được sinh ra. Bệnh có thể kéo dài vài tháng trước khi biến mất. Bệnh nặng hơn có thể gây ra thất nhịp tim.

Ai dễ bị bệnh?

- Đàn bà dễ bị lupus hơn đàn ông.

- Bệnh thường xẩy ra nhất ở khoảng tuổi 15 tới 40 tuy rằng tuổi nào cũng có thể bị bệnh.

- Người da đen, Mễ và Á châu dễ bị bệnh hơn.

- Ra nắng có thể khởi lên bệnh lupus da hoặc những phản ứng nội tạng nơi một số người. Tại sao thì chưa được biết rõ tuy các nhà nghiên cứu nghĩ rằng ánh sáng mặt trời có thể làm các tế bào da tiết ra một số chất đạm kết hợp với những kháng thể có sẵn trong người gây ra những phản ứng viêm. Những tế bào da cũng chết sớm hơn nơi người bệnh lupus, gây ra thêm nhiều phản ứng viêm.

- Một số thuốc có thể gây ra bệnh lupus như thuốc chống bệnh điên chlorpromazine, thuốc trị bệnh cao máu hydralazine, thuốc ngừa lao isoniazid, thuốc tim procainenamide. Người ta bị bệnh lupus sau khi uống những thuốc này lâu năm. Tuy nhiên chỉ một số phần trăm nhỏ uống những thuốc này mắc bệnh.

- Nhiễm siêu vi Epstein- Barr. Hầu như ai cũng đã từng mắc bệnh siêu vi E. Barr. Siêu vi này gây ra những bệnh nhẹ như sốt, đau cổ. Sau khi bệnh hết, con siêu vi này vẫn còn nằm trong những tế bào của hệ miễn nhiễm cho đến khi khởi lên lại và làm tăng nguy cơ bị bệnh lupus.

- Bị nhiễm hóa chất. Một số hóa chất như thủy ngân và silica có thể gây ra bệnh lupus cho những công nhân làm trong nhà máy sử dụng những chất này. Hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ bị lupus.

Biến chứng
Bệnh lupus phát ra ở nhiều nơi trên thân thể người bệnh

- Thận: bệnh lupus gây ra bệnh thận rất nặng và suy thận là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho bệnh nhân lupusGần ba phần tư bệnh nhân lupus sẽ bị bệnh thận trong 2 năm đầu sau khi định bệnh. Tuy nhiên có nhiều thuốc để chữa bệnh này. Triệu chứng của bệnh thận gồm có ngứa ngáy toàn thân, đau ngực, buồn nôn, ói mửa, sưng phù chân, lên cân.

- Hệ thần kinh: triệu chứng gồm có nhức đầu, chóng mặt, thay đổi tính tình, bị ảo giác và làm kinh. 80% bệnh nhân lupus thần kinh có thể bị lú lẫn, trí nhớ sút giảm và khó khăn khi diễn tả ý tưởng.

- Máu và mạch máu: Bệnh nhân lupus có thể bị thiếu máu, dễ chảy máu và máu khó đông. Họ cũng có thể bị viêm mạch máu, nguyên nhân của 7% các trường hợp tử vong.

- Phổi: Bệnh nhân lupus dễ bị viêm màng bọc phổi khiến bị đau nhức khi thở. Bệnh nhân cũng dễ bị sưng phổi. Đa số bệnh nhân phổi có thể được định bệnh nhờ những thử nghiệm. Biến chứng phổi ít khi nặng và thường không có dấu hiệu báo trước.

- Tim: Bệnh nhân lupus có thể bị viêm cơ tim, viêm động mạch vành tim hay màng bọc tim. Họ cũng dễ bị các bệnh tim mạch và dễ bị đột quỵ tim. Gần 40% bệnh nhân lupus bị bệnh cứng động mạch sớm trước tuổi so với tỉ lệ chỉ 15% cho người không bị lupus. Giữ cho huyết áp và mực cholesterol không tăng cao, không hút thuốc và vận động thân thể thường xuyên là những cách giúp giảm nguy cơ bệnh tim.

- Bệnh nhiễm trùng: Bệnh nhân lupus rất dễ bị nhiễm trùng vì cả bệnh lẫn thuốc chữa đều ảnh hưởng đến hệ miễn nhiễm. Đã vậy, nhiễm trùng còn làm cho bệnh phát tác nặng lên khiến càng dễ bị nhiễm trùng thêm. Những bệnh nhiễm trùng thông thường nhất cho bệnh nhân lupus gồm có nhiễm trùng đường tiểu, những bệnh hô hấp thông thường như cảm, bệnh nhiễm vi nấm, nhiễm vi trùng salmonella, siêu vi herpes, và bệnh giời leo. Những bệnh nhiễm trùng nặng hơn như sung phổi gây khoảng 1/3 số tử vong.

- Ung thư: Bệnh nhân lupus dễ bị ung thư, nhiều nhất là ung thư hạch bạch huyết loại non- Hodgkin và ung thư phổi. Thuốc làm giảm miễn nhiễm, đôi khi dùng để chữa bệnh lupus, cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

- Mô tế bào xương bị chết: Gây ra do bệnh hay do thuốc steroid dùng chữa bệnh lupus. Máu đến nuôi xương bị giảm xuống khiến có những lỗ hổng trong xương và cuối cùng là xương bị gãy. Khớp xương háng dễ bị nhất. Khoảng 1 trong 10 bệnh nhân lupus bị biến chứng này.

- Biến chứng khi mang thai: Bệnh nhân lupus dễ bị sẩy thai. Họ cũng bị bệnh nặng lên khi mang thai, dễ bị tăng huyết áp và sinh non. Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân lupus chờ cho đến khi bệnh giảm hẳn ít nhất là được 1 năm trước khi tính chuyện có thai.

(còn tiếp 1 kỳ)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT