Tiêu Thụ

Bệnh Shopping?

Saturday, 14/12/2013 - 12:11:51

Có bao giờ bạn thấy mình đứng trong một Shopping Mall, tìm tìm kiếm kiếm, với một trái tim hồi hộp pha lẫn hứng thú không? Tìm cái gì nhỉ? Không rõ lắm, có thể là cái áo để mặc tối nay, ngày mai, hoặc một cuộc gặp gỡ quan trọng sắp tới.

Eric Trần



Hàng đã đầy tay, nhưng đồ Sale vẫn hấp dẫn!

Có bao giờ bạn thấy mình đứng trong một Shopping Mall, tìm tìm kiếm kiếm, với một trái tim hồi hộp pha lẫn hứng thú không? Tìm cái gì nhỉ? Không rõ lắm, có thể là cái áo để mặc tối nay, ngày mai, hoặc một cuộc gặp gỡ quan trọng sắp tới. Mặc dầu cuộc gặp gỡ chưa biết ngày nào, nhưng bạn tin rằng trước sau gì cũng phải có. Dù sao, cứ có đồ mới đã, cứ nghĩ tới mua đồ mới là vui rồi. Nếu bạn từng mang tâm trạng như thế thì các nhà quan sát cho rằng bạn đang có bệnh shopping.

Bệnh shopping: Triệu chứng

Cũng như mọi thứ bệnh khác, bệnh shopping có thể đã lậm sâu, hay mới chỉ khởi phát. Nó có thể chữa được hoặc đã trở thành “bó tay.” Về căn bản, trí óc và trái tim của “bệnh nhân” đã phần nào (hoặc toàn phần) bị “gây mê,” chỉ khác một điều là bệnh nhân bị gây mê nằm ngủ trên giường bệnh, còn người bị gây mê ở đây thì hối hả lái xe ra shopping mall để mua… một cái gì đó với rất nhiều thích thú.

Sự thích thú lên tới cao điểm khi ra quầy trả tiền, và từ từ xẹp xuống khi món đồ được mang về nhà. Quả vậy, món đồ mãi tới mấy ngày sau, hoặc chẳng bao giờ được gỡ ra khỏi bao bì! Nếu là cái áo mới, có thể nó chỉ được mặc một lần duy nhất trong lúc thử ở cửa hàng. Mang về nhà, nó được móc trong closet, và mau chóng bị lãng quên… Bởi vì, chỉ vài ngày sau là bạn lại tìm thấy một món đồ mới, rất hấp dẫn, làm bạn lại hào hứng chạy ra shopping mall ngay khi có dịp.

Không thiếu những lúc bạn nhìn thấy một cái áo rất đẹp cô em gái mặc trên người, khiến bạn phải buột miệng khen: “Cái áo đẹp quá, shopping ở đâu vậy? Nói để chị đi mua!”

Cô em chỉ chúm chiếm cười, không đáp. Bởi vì, chính là cái áo của bạn chứ của ai, chẳng qua là vì bạn có cả “rừng,” nên cô em vẫn lấy mặc mà bạn có bao giờ hay biết. Trường hợp đó không chỉ xảy ra với giới phụ nữ mê thời trang, nó còn là bệnh của mọi người, bất kể giầu nghèo, đàn ông hay đàn bà. Đối với đàn ông thì dễ bị bệnh nhất là những người thích kỹ thuật, thích máy móc, hoặc có một hobby nào đó. Và hầu như với tất cả mọi người chúng ta, chẳng mấy ai khi dọn nhà kho mà không phát giác những đồ vật mình đã mua nhưng chưa bao giờ có dịp dùng tới.

Mãnh lực của quảng cáo

Tình trạng mà chúng ta gọi đơn giản là “mê shopping” được các nhà tâm lý định bệnh là “compulsive spending,” nghĩa là tiêu tiền theo sự thúc đẩy của cảm tính. Sự thúc đẩy cảm tính này rất mạnh, có thể trấn át hẳn tiếng nói của lý trí. Đúng là trấn át, chứ không phải là chiến đấu, bởi vì nó hoàn toàn chiếm lĩnh trận địa ngay từ giây phút bắt đầu, không để cho lý trí kịp lên tiếng và không hề có một sự giằng co nào ở đây.

Thông thường, con người bị “nhiễm bệnh” do 2 yếu tố: Sức để kháng trong người vốn đã yếu, mà khung cảnh bên ngoài lại không tốt, như thời tiết quá nóng, quá lạnh, môi trường quá nhiều ô nhiễm…. Với shopping cũng vậy, có đồ mới không ai không thích, nhưng trong thâm tâm, ai cũng có một sức đề kháng nào đó, như sự hạn chế về tiền bạc, sự thúc bách của nhiều nhu cầu quan trọng hơn như tiền nhà, tiền ăn, tiền học….

Nhưng khi những đề kháng bên trong quá yếu, mà sức tác động bên ngoài lại quá mạnh thì đương nhiên nạn nhân phải đổ, phải ngã bệnh. Trong môi trường buôn bán, yếu tố bên ngoài là sức mạnh của quảng cáo. Càng ngày việc quảng cáo càng tinh vi, trở thành một khoa học và một nghệ thuật cao cấp. Tâm lý, bản ngã, giác quan con người được khai thác một cách tối đa với những tờ quảng cáo đầy hình ảnh đẹp đẽ được gửi tới nhà hằng ngày, với những lời dụ dỗ khéo léo được nghe hằng giờ qua TV, Radio … hầu khơi dậy những thúc động mãnh liệt bắt buộc người ta phải ra tay mua, mua, và mua chết bỏ….

Định bệnh cho chính mình

Bạn có bị … như thế không? Sau đây là một số câu hỏi cụ thể giúp bạn tự định bệnh cho chính mình do cô Angela R. Wurtzel, chuyên viên bảo vệ giới tiêu thụ, đưa ra. Bạn trả lời thế nào đây: Có, đôi khi – Có, rất thường khi - Có, luôn luôn; Hoặc Có, nhưng ít khi – Không, không bao giờ?

1. Bạn có mua những thứ mà bạn muốn ngay cả khi biết rằng mình không có tiền để trả?

2. Việc tiết kiệm để dành có bao giờ được đặt ra không? Đặt ra rồi có thi hành được không?

3. Khi có một chút tiền dư dả, thì thay vì cất đi để dành, bạn có nghĩ tới những thứ mà bạn đang muốn mua hay không?

4. Bạn có bao giờ tự thưởng sau một thành công hoặc tự khích lệ bằng cách đi shopping không?

5. Không tính tiền nhà (tiền thuê nhà hoặc tiền nợ mortgage), thì tiền lương của bạn có phải bỏ ra tới 1/3 để trả nợ tín dụng (credit cards) không?

6. Bạn có bao giờ phải lấy tiền từ một thẻ credit này để trả nợ cho thẻ credit khác không?

7. Khi trả bill tín dụng, có phải là thường xuyên bạn chỉ trả được số tiền tối thiểu (minimum pay), tức là con số ít nhất cần trả để khỏi bị mất uy tín hay không?

8. Bạn có khuynh hướng mua thêm những thứ mình thích – như quần áo, son phấn, đĩa nhạc, đĩa phim, sách, software điện toán, đồ điện tử…. – ngay cả khi mình không cần tới chúng hay không?

9. Khi phải trả lời “KHÔNG” với ý muốn mua hàng, hoặc phải tự kềm chế không mua một món đồ mình thích, bạn có cảm thấy khổ sở, tức giận, hoặc… mất ăn mất ngủ hay không?

Theo cô Angela R. Wurtzel, nếu trả lời “có, luôn luôn” hoặc “có, thỉnh thoảng” với ít nhất 4 trong số các câu hỏi trên, là bạn có triệu chứng nhiễm bệnh. Nếu trả lời “có, luôn luôn” hoặc “có, thỉnh thoảng” cho 4 câu hỏi cuối cùng, đó là dấu chỉ bạn đã bị bệnh khá nặng. Vậy có cách nào chữa trị không? Xin mời các bạn xem tiếp bài lần sau.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT