Sức Khỏe

Bệnh sốt mầu đỏ (Scarlet Fever)

Friday, 21/07/2017 - 08:00:43

Nguyên nhân của chứng sốt này thường là một bệnh nhiễm trùng khá thông thường: bệnh nhiễm vi trùng Strep ở cổ họng.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Tên “sốt mầu đỏ” là tiếng tôi tạm dùng để dịch chữ “Scarlet Fever.” Bệnh này sở dĩ có tên như vậy là vì khi bị bệnh, các em nhỏ sẽ bị nổi mẩn đỏ khắp người, lưỡi các em cũng sưng lên mầu đỏ và các em sẽ bị sốt cao. Nguyên nhân của chứng sốt này thường là một bệnh nhiễm trùng khá thông thường: bệnh nhiễm vi trùng Strep ở cổ họng.

Bệnh sốt mầu đỏ thường xẩy ra ở trẻ em từ 5 tới 15 tuổi. Trước thời kỳ thuốc trụ sinh được khám phá ra, bệnh scarlet fever là một bệnh rất đáng sợ nhưng từ khi có trụ sinh, bệnh này có thể được chữa dễ dàng. Tuy nhiên nếu không được định bệnh và chữa trị, chứng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho tim, thận và những cơ quan khác.

Triệu chứng

Các em mắc bệnh scarlet fever thường có những triệu chứng sau:
- Da nổi mẩn đỏ giống như bị cháy nắng và sờ thấy nhám.
- Những đường mầu đỏ nơi nếp gấp của da chung quanh háng, nách, khuỷu tay, đầu gối và cổ.
- Lưỡi đỏ chót như quả dâu và có những mụn nổi gồ lên, trên phủ một lớp trắng. Triệu chứng này xẩy ra rất sớm.
- Mặt đỏ lên nhưng chung quanh miệng thì tái.
- Sốt cao, ớn lạnh
- Cổ họng đau và đỏ, có thể có mụt trắng hay vàng trên mặt
- Khó nuốt
- Sưng hạch ở cổ
- Buồn nôn và ói
- Nhức đầu
Bệnh nhân thường bị đau cổ họng, sưng hạch và sốt trước, sau đó mới có những triệu chứng “đỏ”. Mẩn đỏ thường nổi ở mặt hay cổ rồi lan xuống ngực, thân mình, tay và chân nhưng không mọc ở lòng bàn tay hay lòng bàn chân. Những mẩn đỏ trên da và lưỡi này thường kéo dài khoảng 1 tuần lễ. Sau khi hết bệnh, da sẽ tróc ra.

Nguyên nhân

Đây là bệnh nhiễm vi trùng tên Streptococcus pyogenes. Vi trùng này thường gây ra bệnh sưng cổ họng nhưng đặc biệt là nếu em nhỏ bị nhằm loại có tiết ra chất độc tố thì chất này sẽ gây ra những triệu chứng mẩn đỏ, lưỡi đỏ… như kể trên.

Vi trùng này lây lan khi bệnh nhân ho hay hắt hơi làm bắn ra những giọt nước nhỏ li ti trong có chứa vi trùng. Nếu bệnh chân che miệng khi ho, giọt nước có vi trùng này đọng lại trên tay họ và dính vào những vật họ chạm vào như điện thoại, nắm cửa… Chúng ta bị lây bệnh khi hít phải những giọt nước có vi trùng trong không khí hoặc chạm vào những vật dụng có dính vi trùng của bệnh nhân rồi đưa lên mũi, miệng mình.

Từ lúc nhiễm vi trùng đến lúc phát bệnh thường là hai tới bốn ngày. Nếu bệnh không được chữa, bệnh nhân có thể vẫn còn lây được cho người khác trong vài tuần lễ cho dù đã hết bệnh. Một số người không bị bệnh nhưng có mang vi trùng trong mũi và có thể lây cho người khác. Vi trùng này cũng có thể lây lan qua đường thức ăn và sữa nhưng không thường xẩy ra lắm.

Hiếm xẩy ra hơn là lọai vi trùng Strep gây ra nhiễm trùng các vết thương hoặc nhiễm trùng tử cung khi sanh nở. Các trường hợp này cũng gây ra các triệu chứng “đỏ” kể trên nhưng không có sưng cổ họng.

Biến chứng

Bệnh sốt đỏ ít khi gây ra biến chứng nặng nếu được chữa trị kịp thời và đầy đủ nhưng biến chứng vẫn có thể xấy ra. Đó là:

- Sốt phong thấp (rheumatic fever): Gây ra những triệuchứng ở khớp xương, tim, da và hệ thần kinh. Lưu chứng kinh niên là hư hoại van tim, bệnh tim và một bệnh thần kinh tên Sydenhams chorea khiến bệnh nhân cảm xúc bất thường, yếu bắp thịt và tay chân mặt bị co giật. Nếu bệnh scarlet fever được chữa trị đúng mức, sẽ ít khi gây ra biến chứng nguy hiểm này.

- Viêm thận (poststreptococcal glomerulonephritis): Thận bị viêm sau bệnh scarlet fever, có thể đưa đến suy thận kinh niên.

- Tăng triệu chứng bệnh tâm thần: Nhiễm vi trùng strep có thể gây ra một phản ứng làm tăng triệu chứng bệnh của các em đã bị các bệnh tâm thần như obsessive compulsive, Tourette syndrome, hay ADHD.
- Những biến chứng khác gồm có: Vi trùng trong máu, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm xương chẩm sau tai, viêm màng tim, sưng phổi, viêm xoang mũi, viêm khớp xương, mụn nhọt trong cổ họng, nhiễm trùng da.

Định bệnh và chữa trị
Bác sĩ có thể sẽ làm những thử nghiệm sau để định bệnh sau khi khám bệnh: dùng que bông gòn quẹt cổ họng rồi đem cấy để định xem loại vi trùng nào gây bệnh. Thử nghiệm này mất 2 tới 3 ngày mới có kết quả. Bác sĩ cũng có thể dùng những thử nghiệm định bệnh mới hơn, có kết quả ngay nhưng lại không chính xác bằng.

Sau khi định bệnh scarlet fever, bác sĩ có thể sẽ cho bệnh nhân một trong những trụ sinh sau đây:
· Penicillin, uống hay chích
· Amoxicillin (Amoxil, Trimox)
· Azithromycin (Zithromax)
· Clarithromycin (Biaxin)
· Clindamycin (Cleocin)
· Một loại cephalosporin như cephalexin (Keflex)
Bệnh nhân nên uống hết số thuốc bác sĩ đã cho dù đã cảm thấy khỏe vì nếu không chữa đầy đủ, bệnh nhân có thể bị những biến chứng kể trên. Nếu uống thuốc 24 tới 48 tiếng mà không thấy đỡ, nên gọi bác sĩ.
Sau 24 giờ uống trụ sinh bệnh nhân thường cảm thấy dễ chịu và không còn lây bệnh cho người khác và có thể đi học lại nếu đã hết sốt được 24 giờ.

Ngừa bệnh

Chúng ta nên theo những cách sau đây đề ngừa bệnh Scarlet fever cũng như các bệnh nhiễm trùng khác:
- Rửa tay: Nên rửa cẩn thận đầy đủ bằng nước và xà bông.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như ly nước,muỗng nĩa..
- Che miệng khi ho và hắt hơi bằng tờ giấy và vứt nó vào thùng rác.
- Rửa kỹ đồ dùng của người bệnh bằng nước nóng và xà bông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT